Blog Tâm Thức
Thôi miên và ngũ lộ y đạo
Tuesday, 25/06/2013 00:00 am

Blog Tâm Thức

Xưa nay người ta vẫn thống kê được có 4 thủ thuật chính để đưa một người vào trạng thái thôi miên. Đó là các phương pháp “Cái nhìn cố định”; “Mệnh lệnh cố định”; phương pháp “Thư giãn” được coi là tiến bộ nhất và cuối cùng là phương pháp “Mất thăng bằng”. Dù phương pháp nào, để đạt được tới trạng thái thôi miên, điều kiện cần có là người ta phải muốn, sẵn sàng và có niềm tin rằng mình sẽ bị thôi miên. Cùng với đó sẽ là sự vận dụng phương pháp phù hợp đối với từng cá nhân.

“Tôi thấy người mình nhẹ bẫng. Cảm giác như đang ở dưới một cái hố sâu tựa một cái giếng. Nghe rõ tiếng anh Quân nói, gọi mà không tài nào cất mình lên được…” – anh Tuấn, một học viên trực tiếp thực hành thôi miên cùng chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân, chia sẻ tại lớp học.

Một vài người khác, sau các giờ thực hành tại lớp cũng chia sẻ về cảm giác khi vào trạng thái như thấy cơ thể mình “tan chảy như dòng suối” hay tự dưng thấy người mình nặng trịch, không tài nào cử động được… Về lý thuyết, theo Quân “thôi miên”, thể trạng, tâm lý mỗi người khác nhau nên khi vào trạng thái mỗi người cảm nhận khác nhau là điều dễ hiểu. Chỉ có điều, như đã nói, bản thân tôi lại là một trong số những học viên trong lớp không thể nào vào trạng thái được, nên cũng chẳng hiểu nó ra làm sao. Người khác kể lại thế, thì biết thế!

Quân “thôi miên” đưa học viên Tuấn vào trạng thái.

Một trải nghiệm khác cũng được Quân thôi miên biểu diễn trước lớp khá thú vị. Quân “thôi miên” gọi một học viên lên, đưa anh này vào trạng thái, sau đó dùng kim đâm vào tay mà người học viên đó gần như không có bất cứ phản ứng nào. Sau khi đề nghị học viên tên Tùng ngồi xuống ghế trong tư thế thoải mái nhất, bàn tay phải của chuyên gia phất qua phất lại trước mặt Tùng, miệng thì thầm điều gì đó với người học viên. Loáng thoáng tôi nghe có đoạn hình như bằng tiếng Đức thì phải.
Sau cái phất tay dứt khoát cuối cùng, cùng với khẩu lệnh lên giọng đột ngột ở cuối câu, thấy Tùng bỗng lịm đi, mắt nhắm nghiền. Sau đó, Quân “thôi miên” từ từ lấy hai chiếc kim, dạng kim tiêm, đã chuẩn bị sẵn từ trước và một nhúm bông tẩm cồn. Sau khi lau tay người đang bị thôi miên, Quân “thôi miên” thong thả véo ** bàn tay của người ngồi bất động, lần lượt đâm từng chiếc kim xuyên từ bên này sang bên kia…
Sẵn ý đồ từ trước, tôi lập tức theo dõi gương mặt của học viên Tùng. Không thấy có bất thường nào, từ cái nhíu mày trở đi. Sau một hồi cho mọi người quan sát, Quân “thôi miên” vừa rút kim ra khỏi tay người đang bị thôi miên, vừa lấy bông tẩm cồn xoa xoa vệt máu chảy, mồm lẩm nhẩm điều gì đó. Tùng đứng dậy vươn vai, cầm ghế trở lại chỗ ngồi, không có vẻ gì là đau đớn? 
Không hiểu bài thực hành thôi miên cắt cơn đau này có khác gì với phương pháp thôi miên trong phẫu thuật của bác sĩ nổi tiếng người Scotland James Braid hay không. Còn trên thực tế dùng liệu pháp thôi miên để giảm đau cho người bệnh đã được nói đến rất nhiều, cả lý thuyết và thực tiễn hiện vẫn đang được sử dụng bởi nhiều bác sĩ, nha sĩ, nhà tâm lý học ở khắp nơi thì không phải là chuyện mới.
Giờ giải lao, tôi bắt chuyện với Tùng. Người học viên ấy kể rằng lúc vào trạng thái, anh thấy tay phải (là tay bị châm kim) lạnh như băng, chẳng có cảm giác gì. Đến lúc ra khỏi trạng thái, về chỗ ngồi thì bắt đầu mới thấy nhói đau, máu vẫn rỉ ra, nhưng ít thôi vì kim cũng nhỏ! 
Một vài biểu diễn khác cũng được Quân “thôi miên” thực hiện ngay tại lớp học. Đó là gọi một học viên lên, đưa ra những ám thị để cánh tay giơ ngang của người ấy lúc thì cứng như bê-tông, lúc thì mềm oặt… Hoặc yêu cầu một học viên đứng úp mặt vào tường, và sau đó qua trắc nghiệm mà thấy rằng người đó vẫn “nhìn” được chuyên gia thôi miên đứng đằng sau mình đang cầm vật gì? Có điều là toàn bộ những người tham gia trải nghiệm ấy đều là những cộng tác viên của Quân “thôi miên” nên sự thực những người không thể vào trạng thái như tôi cũng chỉ có thể tiếp nhận một cách dè dặt.
Thực ra, theo giải thích của chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân, thì vì thời gian trên lớp không có nhiều nên phải lựa chọn những người đã quen vào được trạng thái, có thể tự thôi miên được. Đối với những người mới lần đầu đến lớp, sẵn đang tâm thế tò mò, sẽ rất khó tham gia biểu diễn an toàn được. Theo lời Quân “thôi miên”, có trường hợp một học viên trước đây, phải tới lần thứ 9 mới vào được trạng thái. Còn như về trải nghiệm đâm kim vào tay vừa nói ở trên, người học cùng với tôi – anh này đang là phó tổng giám đốc một tổng công ty lớn tại Hà Nội – cho rằng cũng là biểu diễn ấy, nhưng nếu thay những chiếc kim tiêm nhỏ xíu vốn “thân thiện” với làn da bằng những chiếc kim khâu bóng chẳng hạn (có thể cắt cơn đau bằng thôi miên trong phẫu thuật được cơ mà), thì chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn nhiều?
Nói như thế không phải là hồ nghi tất cả. Chẳng hạn như trong phóng sự về thôi miên đăng trên Chuyên đề ANTG số 1220, tôi đã nói về trường hợp dùng suy nghĩ mà khiến cho hai bàn tay “tay to, tay bé”. Đây là một trải nghiệm thuyết phục tôi hoàn toàn, và làm đi làm lại lần nào cũng một kết quả giống nhau.

Thực hành kết quả ám thị tốt – xấu tại lớp.

Trong Ngũ Lộ Y đạo, thôi miên được xếp vào hàng Thánh Đạo. Nếu như Bá Đạo xem dập tắt triệu chứng quan trọng hơn đào thải gốc rễ của bệnh tương đồng với phương pháp của Tây y, hay Vương đạo cao hơn một chút, trọng thủ thuật và dụng toa nhằm mục đích bồi bổ chính khí, thâu liễm nguyên lực tăng khả năng đề kháng của cơ thể nhằm loại bỏ mầm bệnh là phương pháp của Đông y, thì Thánh đạo chủ về phát huy tiềm năng của cơ thể tự chữa bệnh.
Có thể nói đó là dùng y đức mà hướng người bệnh tự rèn luyện dưỡng sinh, bồi bổ chính khí cho bản thân mình chống khỏi bệnh tật. Còn như Quái đạo – sử dụng phương pháp quái dị, kỳ lạ không phụ thuộc vào nguyên tắc của y lý và y khoa hay Ma đạo – lợi dụng lòng tin và sự nhẹ dạ của người bệnh để sử dụng thủ pháp trục lợi trên cơ thể người bệnh thì chẳng nói làm gì.

Quân “thôi miên” kể một câu chuyện về chữa trị cho người đàn ông tên Thắng. Cách đây hơn hai năm, người đàn ông này đến gặp Quân, kêu rất đau đớn và nhờ chuyên gia giải giúp. Sau khi “xác định” nỗi đau của Thắng có nguồn gốc từ… tiền kiếp, Quân thôi miên đã đưa Thắng vào trạng thái, đưa về đúng… kiếp ấy để giải quyết, và đã khỏi bệnh.
Chuyên gia thôi miên khẳng định kể câu chuyện ấy không phải là để tuyên truyền về tiền kiếp, hay là tranh luận về việc tiền kiếp có hay không. Tiền kiếp có hay không không quan trọng. Vấn đề là ở chỗ, một khi con bệnh đã tin rằng bệnh của họ đến từ một kiếp nào đó, thì người làm thôi miên trị liệu phải đưa họ về đúng thời điểm ấy mới giải quyết được. Thậm chí còn không quan trọng việc xảy ra trong quá khứ ấy có đúng là xảy ra với họ hay với một ai khác.
Theo chuyên gia, nhiều khi đó chỉ giống như một câu chuyện họ nghe được ở đâu đó, hoặc một bức tranh, một bộ phim trong khoảnh khắc vô thức in dấu ấn trong tâm trí để rồi một ngày nào đó được moi ra, hành hạ họ…

Bài luyện tập bán cầu đại não thực hành.

Theo chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân, nếu coi cơ thể con người như một bộ máy hoàn chỉnh cực kỳ phức tạp, thì cuộc sống chính là trò chơi của các nội tiết tố (hormone). Con người ta, khi sống một cách thoải mái, không âu lo thì các hormone tích cực cũng tiết ra nhiều hơn, giúp cho tâm trí lúc nào cũng thanh thản, nhiều khi có bệnh mà quên mất bệnh, bệnh vì thế có khi mà khỏi. Còn như cuộc sống lúc nào cũng u uất, buồn rầu, lúc nào cũng nghĩ đến bệnh tật hoặc giả quá ham muốn mà trở nên ức chế lâu ngày thì các hormone tiêu cực cũng gia tăng, khiến cho cái vòng luẩn quẩn không thoát ra được. Thấy người ta nói chuyên mỡ máu, lại nghĩ ngay hay là mình bị mỡ máu? Nghe người khác nói chuyện đại tràng, về nhà thấy đau bụng lại cho rằng hay là mình cũng bị đại tràng rồi? Chẳng ai làm gì mình, cũng tự dưng nghĩ đến chuyện ghen ghét, thế là quả tim lại tự dưng yếu đi một tí. Mỗi một lần tâm trí nghĩ đến chuyện sợ sệt, lại có một luồng hormone truyền tin đánh vào tuyến giáp và hai quả thận một cái…
Cố nhiên, việc cảnh giác với bệnh tật là cần thiết. Nhưng không phải lúc nào cũng lo sợ, suy nghĩ tiêu cực rồi thì không có bệnh cũng thành có bệnh. Bệnh từ tâm là thế! Trong cuộc sống hiện đại với nhịp sống hối hả, con người lệ thuộc vào nhiều thứ thì ảnh hưởng của stress lại càng nặng nề. Hình dung một cuộc sống tốt đẹp để hướng tới là cách sống tích cực. Và theo chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân, thì hình dung về cuộc sống của chính mình chính là tự thôi miên.
Một vài thú vị khác, rằng trong cuộc sống, rất nhiều lúc chúng ta làm động tác thôi miên mà không hề để ý. Ví như chuẩn bị vào phỏng vấn, chuẩn bị diễn thuyết trước đám đông, người ta tự nhủ thật bình tĩnh, hoặc nhiều khi chỉ đơn giản đứng trước gương tự nhìn mình và đánh một vài tín hiệu tích cực, chẳng hạn là vài câu nói tự động viên mình, bỗng dưng cảm thấy tự tin hẳn. Hoặc như chơi với trẻ con bị ngã, nó khóc um lên. Bèn chạy tới, hỏi đau ở đâu? Đau ở tay à? Đưa lên mồm thổi phù một cái, hết đau rồi. Thế là xong, lại chơi tiếp! Rồi thì không phải lúc nào người ta cũng lựa chọn tự thôi miên theo hướng tích cực.
Nhiều khi chỉ là trò đùa, nhưng với hiệu ứng của nó, lại tạo cảm giác thích thú cho người chứng kiến chẳng hạn. Điển hình như trò dọa ma trẻ con, rất không tốt. Chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân lại biểu diễn tại lớp màn đưa vào thôi miên sâu bằng một… cú sốc và khẳng định, nhất là với trẻ con, một cái giật mình sợ hãi thình lình là điều tối kị. Đặc biệt là trong lúc chúng đang bị đờ người ra vì giật mình mà lại có ai đó đứng bên ngoài đưa ra ám thị không hay, thì rất bất lợi cho trẻ sau này.

Trong cuộc sống, không thôi miên được mình thành công tức là mình thất bại. Thôi miên chính là sự hình dung về cuộc sống của mình, hướng những hình dung ấy theo hướng tích cực, con người ta sẽ thấy thoải mái hơn, sống có ích hơn – Chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân.

Lại nhớ có lần, Quân “thôi miên” nửa đùa nửa thật bảo, hôm nào rủ tôi đi làm thôi miên biểu diễn. Hỏi biểu diễn trò gì? Quân “thôi miên” cười: biểu diễn trò “Tát phát khỏi bệnh”! Tôi hoảng quá: Tát ai? Ai tát mà khỏi bệnh được?
Quân “thôi miên” cười: Tất nhiên không phải bệnh nào cũng lôi người ta ra mà tát được. Người ta đang đau ruột thừa cấp mà mang ra tát để cắt cơn đau thì bằng… giết nhau! Trước hết là phải xác định cho rõ bệnh ấy là tâm bệnh, yếu tố bệnh lý không phải là chính, và đang rất mong muốn khỏi bệnh. Thế rồi, khi đến nơi giới thiệu: Đây, người này là “sư phụ” của Quân “thôi miên”, thầy cao tay lắm, rằng gặp con bệnh, thầy chỉ cần tát một phát là khỏi? Ái chà chà. Quân “thôi miên” đã thế rồi, nữa là “thầy” của Quân thì khỏi phải nói nhé! Ám thị đã tung ra rồi, lúc ấy thì muốn tát muốn đánh muốn đấm muốn đạp, dùng roi mà quật cũng… như nhau cả!?
Nhiều sự việc có thể được lý giải dưới góc độ khoa học thôi miên như thế. Sự hiện diện của thôi miên trong đời sống là điều không còn phải bàn cãi. Chỉ có điều, đưa nó theo Thánh đạo hay theo Ma đạo là tùy người thôi

TAMTHUC