(tamthuc.com)-Gần đây có nhiều bài báo đăng tải ý kiến cho rằng Áp vong thực chất là hiện tượng thôi miên. Tạp chí Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương đã đặt vấn đề này với ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh nhà nghiên cứu Lý học, Giám đốc Trung Tâm nghiên cứu Lý học Đông phương. Toàn bộ trả lời phỏng vấn của ông như sau:
Nhà nghiên cứu Lý học Đông phương, Nguyễn Vũ Tuấn Anh
Theo ông hiện tượng thôi miên và áp vong tìm mộ giống và khác nhau thế nào?
Theo tôi việc áp vong tìm mộ và thuật thôi miên tuy có vẻ gần giống về hình thức ban đầu ứng dụng hai phương pháp này, nhưng bản chất của chúng khác hẳn nhau.
Giống nhau:
* Khi bắt đầu áp vong và Thôi miên thì người bị thôi miên và được Áp vong đều ở trạng thái không điều khiển được ý thức của mình.
Thuật thôi miên có thể thôi miên tập thể, hoặc cá nhân bởi một người sử dụng thuật này. Thuật Áp vong cũng có thể áp vong tập thể bởi một nhà ngoại cảm.
Khác biệt:
*Thuật thôi miên chỉ dừng lại ở sự tương tác với tiềm thức và ý thức của đối tượng được thôi miên qua những hành vi bất thường của họ. Đây là sự khác biệt căn bản, nhưng không thấy các bài báo và nhà thôi miên Nguyễn Mạnh Quân nói tới sự khác biệt này.
* Về nội dung thì nhà ngoại cảm giải thích là do vong của những người trong gia đình nhập vào những người được Áp vong. Tức là – với cách giải thích này – những người được vong nhập không chịu sự tương tác trực tiếp từ nhà ngoại cảm mà chịu sự tương tác của một hay nhóm vong tương ứng với từng nhóm gia đình khác nhau. Còn với thuật thôi miên thì chỉ chịu sự tương tác duy nhất bởi người thôi miên cho một hay nhiều người bị thôi miên.
* Những vong nhập vào từng gia đình có thể kể chuyện về mối quan hệ quá khứ của vong với người thân trong gia đình đó. Qua câu chuyện vong, những người trong gia đình có thể thẩm định đó chính là vong của người thân hay không. Đây là điểm khác biệt đầu tiên mặc dù hiện trạng không kiểm soát ý thức giống nhau của người bị vong nhập và người bị thôi miên. Người bị thôi miên không thể nói chuyện có tính riêng tư và trao đổi tình cảm với tư cách một người đã từng chung sống với người thân.
* Sau khi vong nhập thì vong đó có thể chỉ ra chỗ hài cốt mà họ đang nằm và có thể kiểm chứng bằng thực tế – Tức là đào chỗ đó lên có cốt hay không. Ở đây, tôi xin lưu ý là: Tôi chưa bàn đến vấn đề cốt tìm được đó có đúng là của người chết cần tìm không. Còn thuật thôi miên không thể hiện được điều này.
Quan điểm của tôi là: Khi nghiên cứu khoa học thì phải thừa nhận hiện tượng khách quan tồn tại. Thuật thôi miên là một thực tế khách quan đang tồn tại, được chứng tỏ bằng những người bị thôi miên không điều khiển được ý thức của mình. Áp vong cũng là một thực tế đang tồn tại và được chứng thực bằng một hệ quả khách quan là tìm được hài cốt sau đó.
Vấn đề còn lại để gọi là nghiên cứu khoa học đích thực chính là tìm hiểu cơ chế tương tác nào là nguyên nhân của những thực tại khách quan trên, hoặc một cách giải thích hợp lý phù hợp với tiêu chí khoa học cho một luận điểm nhân danh khoa học.
Người bị thôi miên và tự kỷ ám thị
Người tự kỷ ám thị và người thôi miên để người ta tự kỷ ám thị là hai vấn đề khác nhau. Có người không cần thôi miên, mà do họ tự kỷ ám thị. Ví dụ như người bị hoang tưởng hay tâm thần cũng rơi vào trường hợp tự kỷ ám thị. Sự tự thân tự kỷ ám thị phụ thuộc vào môi trường nhận thức. Thí dụ ở phương Đông, người tự kỷ ám thị có thể nhận là con Ngọc hoàng thượng đế. Nhưng ở phương Tây là người tự kỷ ám thỉ có thể nhận là cháu của chúa Jesu, bởi vì họ không biết Ngọc hoàng thượng đế là ai.
Tự kỷ ám thị bị ảnh hưởng bởi tri thức nền tảng của môi trường xã hội mà họ đang sống và họ tự cho là họ có khả năng gì đó, ở người tâm thần cũng có hiện tượng này. Cho nên chúng ta cũng không loại trừ có những người tự kỷ ám thị là họ có khả năng áp vong. Những người này có thể quảng cáo khả năng của họ, nhưng lại không ứng dụng được trên thực tế.
Trường hợp thôi miên thì cũng là một dạng tự kỷ ám thị , nhưng do tương tác trực tiếp của nhà thôi miên và lệ thuộc vào sự tác động này.
Ngoại cảm và người vong nhập tìm mộ.
Khi xảy ra hiện tượng được các nhà ngoại cảm gọi là “vong nhập” thì xuất hiện hiện tượng giống như hiện tượng bị thôi miên mà tôi đã nói ở trên. Nhưng người bị tự kỷ ám thị do thôi miên không bao giờ có khả năng chỉ được ở chỗ nào đó có bộ xương được coi là của vong người chết đã nhập. Việc chỉ ra chỗ vong nằm – có thể coi như một lời dự báo và lời dự báo này có thể kiểm chứng bằng cách đào lên có cốt hay không (Tôi nhắc lại là tôi chưa bàn đến việc cốt đó có đúng là của người chết đã hiện về báo hay không? Vấn đề này cần những biện pháp thẩm định sẽ nói sau). Điều này, những nhà ngoại cảm thực sự đã thể hiện trên thực tế nhiều năm qua ở Việt Nam. Còn những nhà ngoại cảm giả hiệu và những người tự kỷ ám thị tự cho mình có khả năng này và họ sẽ bị loại trừ ngay vì tính hiệu quả không có của họ. Bởi vậy, cá nhân tôi không tin rằng một Trung Tâm ngoại cảm giả hiệu có thể tồn tại lâu nếu như thực sự không có khả năng. Bản thân tôi đã ba lần chứng kiến hiện tượng ngoại cảm tìm mộ. Tôi xác định rằng hiện tượng người có khả năng áp vong và ngoại cảm tìm mộ là thực tế khách quan xuất hiện trong tiềm năng con người.
Bởi vậy, theo tôi không nên nhầm lẫn giữa ngoại cảm, áp vong tìm mộ với thuật thôi miên. Mặc dù về hình thức ban đầu của hai phương pháp có vẻ gần giống nhau , như tôi đã nói ở trên. Nhưng hiện tượng ngoại cảm , áp vong tìm mộ đưa ra một kết quả có thể kiểm chứng trên thực tế: Đào chỗ “vong ” nằm có hài cốt hay không?!
Thí dụ như những nhà ngoại cảm có khả năng áp vong thực sự đã được khảo nghiệm như NNC Hoàng Thị Thiêm..vv.. kết quả của những lần áp vong ấy là đưa ra vị trí hài cốt có thể đào lên để kiểm chứng. Khi đào lên, cốt được xác định là xương người chứ không phải xương của động vật hay người ngoài hành tinh. Đây chính là sự khác biệt giữa ngoại cảm và thôi miên. Người bị thôi miên hoàn toàn không có khả năng này.
Ông định nghĩa thế nào là thôi miên?
Theo tôi, thôi miên là phương pháp ứng dụng đã xuất hiện ở những nền văn minh cổ xưa. Đó là một phương pháp có thể truyền đạt và người học rèn luyện để có khả năng tác động tới ý thức người bị thôi miên. Do phương pháp thôi miên được ứng dụng chủ động của nhà thôi miên, nên họ có thể ngưng, hoặc tiếp tục đối với người bị thôi miên.
Phương pháp thôi miên là một thực tế đang tồn tại, nhưng người ta cũng chỉ giải thích trên cơ sở thực tại khách quan đó và chưa xác định được cơ chế tương tác cụ thể như thế nào.
Ông định nghĩa thế nào là áp vong?
Về vấn đề này có những đối tượng liên quan cần tổng hợp để định nghĩa – khác với thôi miên – Đó là: Vong – người được áp vong và nhà ngoại cảm (Khác với thôi miên chỉ có hai đối tượng và tương tác một chiều). Nên tôi phải nói hơn là:
* Về khái niệm “Vong”:
Cá nhân tôi không quan niệm “vong” là linh hồn người chết có hình thức giống hệt người đó khi còn sống hiện về và – hoặc là nhập vào người sống, hoặc hiển thị cho người sống nhìn thấy…vv….Về khái niệm linh hồn (vong) tôi có xu hướng quan niệm gần giống – hoặc chí ít cũng là một khái niệm để suy xét – với khái niệm “A Lại Gia Thức” theo minh triết Phật giáo.
* Về hiện tượng vong nhập:
Người được coi là bị vong nhập là người do tương tác của nhà ngoại cảm không kiểm soát được ý thức và thân xác bị chi phối của một dạng tồn tại gọi là vong.
* Về nhà ngoại cảm:
Là người có khả năng tự thân đặc biệt được phát triển trong cuộc sống của họ để có thể làm trung gian trong mối liên hệ giữa vong và người còn sống.
Trên cơ sở này tôi định nghĩa “áp vong” là:
Mối liên hệ giữa vong và người còn sống qua tác động của nhà ngoại cảm.
Ông vui lòng cho biết quan điểm của ông về thuật áp vong và thôi miên?Có nên sử dụng phương pháp áp vong để tìm mộ không, thưa Ông?
Cá nhân tôi cũng rất tin vào thuật thôi miên và theo tôi nó có nguồn gốc từ những nền văn minh cổ xưa và không thuộc về tri thức của khoa học hiện đại. Hiện nay cũng chưa có một lý thuyết khoa học nào giải thích được cơ chế của thuật thôi miên. Thôi miên là một phương pháp ứng dụng tồn tại trên thực tế. Cho nên nó cũng tùy thuộc vào mục đích của người sử dụng.
Áp vong thì không phải là một phương pháp , mà nó phụ thuộc vào khả năng cá nhân xuất hiện tự nhiên của con người. Người có khả năng áp vong thực sự so với người tự nhận có khả năng áp vong để lừa bịp, hoặc tưởng mình có khả năng áp vong đều có thể kiểm chứng trên thực tế, mặc dù về hiện tượng chưa giải thích được cơ chế tương tác của nó. Bởi vậy, nói những nhà ngoại cảm dùng khả năng của mình đi lừa bịp là rất khó xảy ra.
Tất nhiên với những kẻ tự cho mình là có khả năng áp vong và mang tính lừa bịp thì đây là việc của luật pháp không nằm trong phạm vi ý kiến của tôi.
Áp vong tìm mộ là điều cần thiết
Quan điểm của tôi là trên thế giới này – ngoài việc xử dụng phương pháp ngoại cảm áp vong – thì tôi chưa thấy một phương pháp khoa học, hoặc một phương tiện kỹ thuật nào có khả năng chỉ ra một vị trí mà dưới đó có một bộ xương, ngoài cách áp vong tìm mộ của các nhà ngoại cảm thực sự. Bởi vậy, trên thực tế cho thấy sự áp vong tìm mộ là điều cần thiết.
Còn việc bộ xương tìm được có đúng là của người đã mất cần tìm hay không – như vấn đề được đặt ra gần đây – thì có nhiều phương pháp. Tôi cho rằng việc kiểm tra ADN là cần thiết, nhưng không phải là phương pháp duy nhất đúng có thể kiểm chứng. Nó chỉ cần thiết trong trường hợp mộ chôn tập thể, xương cốt lẫn vào nhau và cần phân biệt. Tôi cho rằng: Chính khả năng dự báo của những nhà ngoại cảm với những sự kiện liên quan trong quá trình tìm mộ và sự xác định có tính tiên tri những di vật khi đào được mộ đủ để xác minh tính đúng đắn và chính xác của việc áp vong tìm mộ.
Khả năng tiên tri là một trong những tiêu chí để xác định phương pháp hoặc một lý thuyết khoa học.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Dung