Làm cam kết xong, chúng tôi hỏi bác sĩ xem BV có hỗ trợ xe đưa về không thì bác sĩ nói “không được hỗ trợ” và gợi ý thuê hộ xe ngoài…, anh Là Văn May kể.
Hơn 70km từ TP Sơn La, phải vượt qua những ngọn núi cao, những cung đường quanh co, uốn khúc dốc thẳng đứng mới đến nhà chị Lò Thị P. (ở bản Ít B, xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai).
Con đường mòn lên nhà chị Lò Thị P. gồ ghề, độ dốc cao, đi lại khó khăn Ảnh: Xuân Liên
Chị vừa qua đời trên đường chuyển từ bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Sơn La về nhà.
Bố chăm con 15 ngày thì kiệt sức
Trong căn nhà gỗ, vẻ buồn rầu hiện hữu trên từng khuôn mặt người thân của chị P.
Đang ngồi tư lự lau những giọt nước mắt, ông Lò Văn Pe, bố chị P. kể: Chị lấy chồng năm 2009. Không bao lâu sau thì chồng chị – anh Bạc Cầm Hặc ốm nặng và qua đời. Hai vợ chồng chị có một con gái tên là Bạc Thị Bó, cháu năm nay được 6 tuổi, đang học lớp 1.
Ông Lò Văn Pe, bố bệnh nhân xấu số. Ảnh: Xuân Liên
“P. có tiền sử về bệnh phổi nên người gầy gò, ốm yếu. Khi P. ốm nặng, gia đình đã đưa ra bệnh viện Đa khoa huyện. Sau 3 ngày không đỡ nên phải chuyển xuống bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh” – ông Pe nghẹn ngào.
“Trong gia đình mọi người đều yếu, ốm đau nên tôi đã xuống bệnh viện chăm P.”- ông nói. 15 ngày nằm viện, bệnh của P. ngày một nặng hơn. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không có tiền chữa trị và biết P. không qua khỏi, mọi người trong gia đình đã bàn nhau đưa P. về”.
Anh Là Văn May, em họ chị P. Ảnh: Xuân Liên
Bác sĩ gợi ý thuê xe ngoài
Ngày 12/9, khi sức khỏe của chị P. ngày càng yếu, anh trai Lò Văn Muôn và em họ Là Văn May xuống làm thủ tục đưa chị về.
“Làm cam kết xong, chúng tôi hỏi các bác sĩ xem bệnh viện có hỗ trợ xe đưa về không, các bác sĩ nói là không được hỗ trợ và gợi ý nếu có thuê xe thì sẽ gọi xe ô tô ngoài cho”, anh May kể.
Ông Muôn chở thi thể chị P. trên xe máy
Vì không có tiền thuê ô tô nên người nhà chị P. thuê một người xe ôm tên Thụy ngoài cổng viện. Ông Thụy đồng ý đưa bệnh nhân về với mức giá 400.000 đồng, đến ngã ba Huổi Cuổi thuộc xã Mưởng Giàng (Quỳnh Nhai).
Tuy nhiên, đi được khoảng 20km, đến đoạn đường thuộc tổ 3, phường Chiềng Sinh, TP Sơn La thì bệnh nhân tử vong.
Chị P. chết trên đường Quốc lộ 6, thuộc tổ 3, phường Chiềng Sinh, TP Sơn La. Ảnh: Xuân Liên
Ông Thụy không đưa bệnh nhân về nữa, và lấy tiền phí quãng đường 20km. Anh Muôn và anh May lấy chiếu người dân ven đường cho cuốn người em gái lại, đưa về nhà.
Gia đình khó khăn lắm
Anh May cho biết, trước đây, gia đình thuộc diện di dân tái định cư vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.
Khi chuyển đến nơi ở mới, đất canh tác ít, bạc màu, trồng ngô, trồng sắn chỉ đủ ăn. Nhà khó khăn lắm, mọi người trong nhà ai cũng ốm đau, không học hành gì nên không biết làm nghề gì để kiếm tiền, quanh năm chỉ phụ thuộc vào việc trồng ngô, sắn mà thôi.
Cháu Bạc Thị Bó, 6 tuổi, con gái chị P. (ngồi giữa) bây giờ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ảnh: Xuân Liên
Anh May kể tiếp, ông Pe còn 2 người con sinh đôi bị mắc bệnh tâm thần từ lúc mới sinh. Một người chẳng nói chẳng rằng, bảo gì làm đấy. Còn người kia thì la hét, phá phách suốt ngày, đi lại không kiểm soát được nên phải dùng dây xích sắt để xích vào cột nhà tại một cái lều riêng.
Đi một vòng quanh ngôi nhà của ông Pe, chỉ thấy mọi thứ đều cũ kỹ, ngôi nhà đã nghiêng ngả, sàn nhà bị mối, mọt đục đã hư hỏng phần nhiều. Các thành viên trong gia đình hoặc già hoặc ốm yếu, bệnh tật. Nhà nằm cheo leo trên đỉnh dốc, đi lại khó khăn, nhất là vào những ngày mưa, đường trơn trượt.
Theo Xuân Liên (VietNamNet)
Nguồn: http://tintuconline.com.vn/thoi-su/cho-thi-the-tren-xe-may-bac-si-bao-khong-ho-tro-xe-p1003c1001n20160916093424878.vnn
TAMTHUC