Blog Tâm Thức
Cúng cô hồn thế nào để không “rước ma vào nhà”?
Tuesday, 16/08/2016 00:00 am

Blog Tâm Thức

Dân gian quan niệm, trong tháng 7 Âm – tháng của ma quỷ, nếu cúng cô hồn sai cách thì sẽ vô tình rước vong về nhà. Trong đời sống tâm linh người Việt, cúng cô hồn là một tín ngưỡng truyền thống, được truyền từ đời này sang đời khác.

Người Việt quan niệm, con người bao gồm hai phần là hồn và xác. Khi con người chết đi, phần hồn vẫn tồn tại, có người được đầu thai kiếp khác, có người thì bị đầy xuống địa ngục, làm quỷ đói quấy nhiễu dương gian.

Hàng năm, người Việt thường làm lễ cúng cô hồn. Tùy thuộc vào từng gia đình, từng vùng miền khác nhau chứ không ấn định riêng một ngày nào. Trong năm, lễ cúng cô hồn vào tháng 7 âm lịch là lớn nhất, thường trùng với lễ Vu Lan của Phật giáo.

Cúng bố thí chúng sanh – cúng thí thực (cúng Cô Hồn) đó là một hành động bố thí, từ bi bác ái, muốn chia sẻ sự đau khổ cho các chúng sanh thiếu phước, thường bị đói khát triền miên, bơ vơ, sống vất vưởng, lang thang đã từ lâu không siêu thoát và nhất là không được người thân quyến cúng kiến. Cúng cô hồn cũng có thể là cách nhằm “hối lộ” để khỏi bị các oan hồn quấy phá, hoặc để được họ “hỗ trợ”.

Lễ cúng cô hồn thường bao gồm:

– Muối gạo (1 dĩa)

– Cháo trắng nấu lỏng ( 12 chén nhỏ ) , hay là cơm vắt : 3 vắt

– 12 cục đường thẻ .

– Giấy áo, giấy tiền vàng bạc .

– Mía (để nguyên vỏ và chặt tùng khúc nhỏ độ 15 cm )

– Bánh, kẹo, tiền mặt (tiền thật, các loại mệnh giá).

– Bỏng ngô, khoai lang luộc, ngô luộc, sắn luộc.

– Hoa, quả 5 loại 5 mầu (ngũ sắc)

– Nước : 3 ly nhỏ, 3 cây nhang , 2 ngọn nến nhỏ.

Chú ý: Không cúng xôi, gà, đồ mặn. Khi rải tiền vàng ra mâm, để 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, mỗi hướng từ 3-5-7 cây hương. Bày lễ và cúng ngoài trời.
– Cháo loãng được coi là món không thể thiếu khi cúng cô hồn bởi vì người ta tin rằng món này dành cho những linh hồn bị đày đọa phải mang một thực quản nhỏ hẹp không thể nuốt được thức ăn thông thường. Tuy nhiên, nhiều người đã vô tình bỏ qua đồ cúng này.

Nên cúng cô hồn vào thời điểm nào trong ngày?

Để người dân thực hiện việc cúng lễ rằm tháng 7 thế nào đúng đắn nhất, cố Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ đã từng dạy rằng: “ Ngày Rằm tháng 7 không phải ở chỗ mâm cao cỗ đầy, mà ở thái độ và lương tâm của mỗi người.

Trong ngày này, các gia đình nên lên chùa làm lễ Vu Lan, cầu siêu tỏ lòng báo hiếu đến cha mẹ, ông bà, tổ tiên… vào ban ngày, sau đó về nhà làm một mâm cơm chay thắp hương lên bàn thờ Phật và bàn thờ người thân.

Riêng việc thiết lập mâm lễ cúng cho những cô hồn chưa siêu thoát thì nên thực hiện vào buổi chiều tối. Mâm lễ cúng cô hồn nên đặt ngoài sân, không đặt ngoài bậu cửa. Nếu không muốn cúng cô hồn tại nhà có thể cúng tại chùa.”

Việc cúng Rằm tháng 7 tại tư gia nên thực hiện theo các khóa lễ sau: cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên, cúng thí thực cô hồn và phóng sinh.

Sau khi cúng xong

Nhiều gia đình mời cô hồn về nhà cúng chúng sinh nhưng khi xong không biết mời đi nên cô hồn vẫn luẩn quẩn trong nhà quấy quả gia chủ.

Buổi cúng thường kết thúc với việc vãi gạo, muối ra sân, ra đường và đốt vàng mã. Ở nước ta có tục giật cô hồn, tức người sống giành giật những mâm cúng, rồi người ta thường đốt vàng mã cho cô hồn, cho tiền người sống bằng cách thảy tiền (đồng tiền bằng kim khí đang lưu hành) cùng với bánh kẹo. Họ tin nếu người sống mà giành giật càng đông, tức họ đã mua chuộc được lũ cô hồn các đảng không đến quấy phá gia đình mình.

Dân gian cũng quan niệm người cúng không nên ăn đồ cúng cô hồn, không đem đồ cúng đó vào nhà (nếu không ai giành giật thì bỏ vào túi cho người ăn mày).

Tuy nhiên, các phẩm vật cúng cô hồn như chè cháo, cơm canh vì cúng ở ngoài trời trong một thời gian khá dài nên bị nguội lạnh, đôi lúc bị ruồi kiến quấy phá, nhang khói vương vãi nên không mấy an toàn cho sức khỏe, do vậy mà hầu hết người ta e ngại không dám dùng. Còn các phẩm vật khác như kẹo bánh trái còn bao bì và vỏ bọc nguyên vẹn thì vẫn dùng được. Những phẩm vật này người cúng có thể dùng hay cho những người khác dùng, không nên bỏ đi sẽ hoang phí và mang tội.

Trong thực tế, phần đông là sau khi cúng thí cô hồn xong, vừa “xả giàn” thì “cô hồn sống” liền ùa vào và nhanh chóng lấy sạch tất cả các phẩm vật, người cúng chỉ lo thu lượm chén bát và dọn dẹp bàn ghế mà chẳng phải bận tâm (dùng được hay không) vì chẳng còn gì cả.

Quỷ đói trong quan niệm dân gian

Trong số những cô hồn, ma quỷ hay phá quấy người dân, dân gian xưa thường xuyên nhắc tới ngạ quỷ (quỷ đói). Trong các thuyết Phật giáo, người ta cho rằng, ngạ quỷ là một dạng tái sinh khi con người chết đi, nếu làm nhiều việc tốt, chúng sẽ được đầu thai kiếp khác làm người. Ngược lại, nếu làm điều xấu, tùy theo các mức độ mà chúng sẽ bị đầy xuống địa ngục, nhẹ hơn thì đầu thai làm súc sinh và nhẹ nhất làm ngạ quỷ.

Tín ngưỡng dân gian cũng lưu truyền một sự tích khác về quỷ đói. Tương truyền có một gia đình nọ giàu có nhờ bán nước mía. Một hôm, có một nhà sư tới xin nước mía về để chữa bệnh. Người chồng đi vắng, dặn vợ ở nhà tiếp đãi nhà sư cẩn thận. Nhưng bà vợ tham lam, keo kiệt đã lén đi tiểu vào bát của nhà sư, sau đó trộn chung với nước mía. Nhà sư tinh thông biết chuyện, đã đổ bát nước đi và bỏ về. Sau này, người vợ chết đi, do tội lỗi của mình nên bị đầu thai thành thứ quỷ luôn luôn đói khát, sống ở nơi bẩn thỉu, nhớp nhúa, gọi là quỷ đói.

Theo Megafun

TAMTHUC