Blog Tâm Thức
Biểu tượng âm dương theo quan điểm biện chứng
Friday, 14/04/2017 00:00 am

Blog Tâm Thức

Giả sử rằng chiếc xe hiệu SH của Honda rất nhiều ưu điểm so với các sản phẩm khác như máy mạnh, thiết kế đẹp, bền, nhiều tính năng, thời trang. Khuyết điểm của nó là giá cao. Nó chứa hai mặt.

Độc giả Võ Tiến Dũng gửi đến VnExpress ý kiến cá nhân về biểu tượng âm dương (vòng tròn, một bên trắng, một bên đen, trong phần đen có một điểm trắng và trong phần trắng có một điểm đen) dưới quan điểm duy vật biện chứng Mác-Lênin. Theo ông Dũng, ý nghĩa của biểu tượng âm dương dưới quan điểm duy vật biện chứng Mác-Lênin có hai ý nghĩa chính như sau:

Sự thống nhất giữa các mặt đối lập:

Nội dung quan điểm trên như sau: “Các mặt đối lập với nhau – như tên gọi của nó luôn mâu thuẫn với nhau, đối chọi nhau, đấu tranh với nhau, nhưng cùng tồn tại trong một sự việc và không thể thiếu nhau được”.

Nội dung trên sẽ làm sáng tỏ qua các thí dụ sau:

Thí dụ 1: Ai cũng biết chiếc xe là phương tiện để di chuyển. Trong bất cứ chiếc xe nào cũng phải có hai bộ phận, đó là cái ga và cái thắng (cái phanh). Cái ga dùng để tăng vận tốc xe, cái thắng dùng để giảm vận tốc xe. Như vậy hai cái đó đối chọi nhau, mâu thuẫn nhau, đấu tranh nhau…nhưng cùng tồn tại trong một chiếc xe và không thể thiếu nhau, thiếu một trong hai bộ phận trên thì chiếc xe không thể thực hiện chức năng của nó.

Có thể có người nói rằng, tôi đi chiếc xe đạp (nghĩa là không có cái ga) và chiếc xe của tôi “cùi” đến nỗi nó không có cả cái thắng. Khi nào cần giảm tốc độ, tôi dùng chân đạp vào bánh xe hoặc chà chân lên mặt đường.

Xin thưa rằng, tuy không có cái ga nhưng chúng ta dùng sức để đạp; không có cái thắng nhưng chúng ta vẫn phải dùng cách gì đó để đạt chức năng của cái thắng.

Cái ga và cái thắng (cái phanh) chỉ là một cái tên tạm dùng, một cái tên tương đối, một bộ phận tương đối. Không có nó chúng ta sẽ dùng cái khác, biện pháp khác để thực hiện chức năng tăng hay giảm tốc độ xe. Như vậy dù không có cụ thể cái ga hay cái thắng thì bản chất của sự việc không có gì thay đổi.

Thí dụ 2: Trong mỗi bộ phận trong con người chúng ta như trái tim chẳng hạn đều có hai dây thần kinh điều khiển: dây thần kinh giao cảm và dây thần kinh đối giao cảm. Dây thần kinh giao cảm để điều khiển cho tim đập nhanh lên và dây thần kinh đối giao cảm là để điều khiển cho tim đập chậm lại. Thiếu một trong hai cái đó cũng là không thể được.

Màu trắng và màu đen – đi với nhau làm nổi bật lên sự tương phản mạnh mẽ – dùng thể hiện sự đối lập, cùng tồn tại trong một sự việc (nằm trong 1 hình tròn).

Thí dụ 1A: Trở lại với chuyện cái xe, khi muốn tăng tốc độ, ta tăng ga. Không ai vừa tăng ga vừa đạp thắng cả. Khi muốn xe giảm tốc độ, ta đạp thắng. Không ai vừa đạp thắng vừa tăng ga. Đối với xe hơi (ôtô) thì chúng ta càng thấy rõ điều đó: đạp ga thì không thể đạp thắng và ngược lại.

Thí dụ 2A: Trở lại với chuyện trái tim, khi ta vận động nặng, dây thần kinh giao cảm ra lệnh “Vận động nặng mà sao mày đập chậm rãi thế kia, muốn đứt bóng à, đập nhanh lên đi”, lúc đó thì dây thần kinh đối giao cảm “im re”. Khi ta về trạng thái nghỉ ngơi dây thần kinh đối giao cảm nói: “Ê có việc gì mà đập nhanh thế, muốn chết à, đập chậm lại đi”. Lúc đó dây thần kinh giao cảm không có lý do gì để lên tiếng được nữa.

Thí dụ 1A và 2A nói lên ý nghĩa gì? Thí dụ trên nói lên rằng, tại nơi này hoặc lúc này hay hoàn cảnh này, “dương” lấn áp “âm” (đạp ga, buông thắng). Tại nơi khác hoặc lúc khác hay hoàn cảnh khác, “âm” lấn áp “dương” (đạp thắng, buông ga). Để thể hiện ý nghĩa đó, ranh giới giữa trắng và đen phải là một đường cong chữ “S”.

“Âm dương” chỉ là cái tên tương đối, tạm dùng để thể hiện các mặt đối lập của nhau.

Từ đó kết luận rằng, vòng tròn, một bên trắng, một bên đen, ranh giới giữa trắng và đen là một đường cong chữ “S” mang ý nghĩa là Sự thống nhất giữa các mặt đối lập 100% duy vật biện chứng Mác-Lênin.

“Sự thống nhất giữa các mặt đối lập” – đó là tên gọi chính thức trong sách vở. Tuy nhiên theo ý kiến cá nhân tôi thì so với nội dung của nó, tên này là không chính xác, vì chỉ với cái tên có thể hiểu nghĩa khác nhau.

“Sự thống nhất giữa các mặt đối lập” nghĩa là các mặt đối lập cùng tồn tại trong một sự việc, chứ không phải là các mặt đối lập đi đến thống nhất (cái ga và cái thắng thống nhất nhau sẽ thành cái gì?).

“Sự thống nhất giữa các mặt đối lập” đứng góc độ nào đó có thể hiểu đó là sự bổ sung cho nhau. Có vẻ mâu thuẫn quá phải không. Đó chỉ là góc nhìn khác nhau mà thôi. Sự việc chỉ có một. “Nó vẫn là nó”.

Biểu tượng âm dương. Ảnh: Wikipedia.Biểu tượng âm dương.

Chính bản thân ưu điểm sản sinh ra khuyết điểm và ngược lại

Trong biểu tượng âm dương ta thấy bên phần trắng có một phần nhỏ đen (gọi tắt là chấm đen), bên phần đen có chấm trắng. Nói theo cách của phương Đông là “trong dương có âm, trong âm có dương”.

Các câu hỏi chi tiết sẽ xuất hiện cho khái niệm “Trong dương có âm”. Vậy thực chất âm là cái gì? Âm từ đâu tới? Tại sao nó lại nằm trong dương?

Để giải đáp thắc mắc trên, chúng ta xem xét các thí dụ sau đây:

Thí dụ 3: Giả sử rằng chiếc xe hiệu SH của Honda rất nhiều ưu điểm so với các sản phẩm khác như máy mạnh, thiết kế đẹp, bền, nhiều tính năng, thời trang. Khuyết điểm của nó là giá cao.

Chúng ta không cần tranh cãi từ ngữ “ưu điểm”, “khuyết điểm” vì đó là cái tên tương đối, tạm dùng để diễn tả sự việc mà thôi.

Những người mua xe giá cao có phải họ không thông minh không? Tất nhiên là không, bởi vì xe họ mua có ưu điểm là đẹp, bền, nhiều tính năng, thời trang.

Để có thiết kế đẹp, phải đầu tư nhiều công sức hơn; để bền hơn thì vật tư nguyên liệu sản xuất phải tốt hơn; để có nhiều tính năng phải lắp thêm nhiều linh kiện. Tất cả những cái đó đưa đến giá thành cao hơn.

Chính giá cao – khuyết điểm – chống lại những ưu điểm chất lượng tốt, bền, đẹp. Giá cao – khuyết điểm – do chính ưu điểm (chất lượng tốt, bền, đẹp…) tạo ra.

Những người chấp nhận mua xe với chất lượng kém hơn (gọi tắt là kém) có phải họ kém thông minh không? Tất nhiên là không, bởi vì xe họ mua có ưu điểm là giá rẻ (hơn). Chính chất lượng kém (giảm các tính năng không quá cần thiết, không cần yếu tố thời trang, không cần phải quá bền…) đưa đến việc hạ giá thành sản phẩm. Chính giá rẻ – ưu điểm – chống lại (bù lại) khuyết điểm chất lượng kém. Giá rẻ – ưu điểm – do chính khuyết điểm chất lượng kém tạo ra.

Ưu điểm hay khuyết điểm có tính tương đối, chỉ là góc nhìn khác nhau mà thôi.

Khi còn là sinh viên tôi mua chiếc xe có chất lượng vừa phải không cần thời trang, độ bền vừa phải, không cần máy phải quá mạnh… Tôi không mua chiếc SH – có khuyết điểm là giá cao. Bây giờ tôi đã đi làm, lương tháng ngàn đô. Tôi mua chiếc SH – có ưu điểm là thời trang, đẹp, bền.

Thí dụ 4: Hydrô là chất cháy, oxy là chất giúp cho sự cháy. Hydrô và oxy kết hợp tạo ra nước (H2O). Người ta còn dùng nước để dập tắt đám cháy cơ mà.

Trong phần trắng có chấm đen hay “trong dương có âm”, các câu hỏi: “Thực chất âm là cái gì? Âm từ đâu tới? Tại sao nó lại nằm trong dương?” đã có câu trả lời: Âm chính là nhân tố chống lại dương nhưng lại chính do dương tạo ra. Nói bằng ngôn ngữ dễ hiểu hơn là chính bản thân ưu điểm sản sinh ra khuyết điểm và ngược lại.

Chỉ với một hình đơn giản thì không thể mang hết tất cả các triết lý của cuộc sống được, nhưng nó mang được những ý nghĩa rất hay, rất đặc trưng, rất khác biệt (nhưng rất đúng) so với suy nghĩ của nhiều người trong chúng ta.

Trên đây là quan điểm cá nhân tôi. Rất mong nhận được ý kiến của các bạn cùng có sự quan tâm. Tôi cũng mong biết ý nghĩa của biểu tượng âm dương theo chính thống phương Đông.

Những “giải thích” đơn giản như đó là “dương và âm”, “trong âm có dương và trong dương có âm”, “âm thịnh dương suy”… chỉ là giải thích ở giai đoạn một. Tôi rất mong được biết giải thích giai đoạn 2: “dương, âm” nghĩa là gì? “Trong dương có âm” được hiểu như thế nào, ý nghĩa ra sao…với sự chứng minh hay cho dẫn chứng.

Võ Tiến Dũng

TAMTHUC