Blog Tâm Thức
Thời gian tắm rửa, thay quần áo cho người mới qua đời
Friday, 25/09/2015 00:00 am

Blog Tâm Thức

Nhiều người đang muốn biết bao lâu kể từ khi người thân tắt thở qua đời thì tiến hành tắm rửa và thay quần áo cho họ? Việc này cũng phải tuân thủ theo những quy định như thế nào?

Thi thể người mất đã lạnh hẳn thì sau hai giờ mới nên tắm rửa, thay y phục. Nếu các khớp xương bị cứng nên dùng khăn vải nhúng vào nước nóng đắp vào nơi đó, chỉ vài phút sau là mềm ra. Mắt không nhắm lại được, cũng làm như vậy.

Ðối với vấn đề quần áo của người mất nên ăn mặc giống lúc bình thường, hợp với họ, không nên dùng quần áo quá tốt. Nếu có thương người mất chỉ cầu cho họ được vãng sinh hưởng được an vui hạnh phúc miên viễn nơi miền Cực Lạc. Ðó mới là chân thật hiếu thuận là tình thương của sự hiểu biết. Nếu cho người mất ăn mặc đẹp đẽ hơn lúc bình thường chẳng qua là để lừa dối thiên hạ, muốn họ tán thán mà thôi.

thay quần áo cho người chết

Sau khi vong nhân đã vãng sinh, đối với việc siêu độ, cách hay nhất là nên trai giới mà niệm Phật. Nếu muốn có công đức lớn lao tốt nhất là thỉnh vài vị Tăng Ni (Người tu Tịnh độ) đến trợ niệm Phật. Thời gian lâu mau thì nên tùy theo hoàn cảnh gia đình mà định liệu. Ðối với việc siêu độ người mất tốt nhất gia quyến nên tham gia niệm Phật, vì gia quyến có quan hệ thân thiết hơn nên dễ giao cảm hơn. Việc niệm Phật, không luận là người xuất gia hay tại gia, nếu tâm có sự khẩn thiết chí thành thì công đức vô cùng lớn. Công đức niệm Phật mỗi ngày nên hồi hướng cho người mất được vãng sinh. Nếu người mất đã được vãng sinh thì sẽ tăng cao phẩm vị ở liên đài. Nếu như chưa vãng sinh thì nhờ vào công đức đó mà được vãng sinh. Chẳng những người mất được vãng sinh mà thân quyến lại gieo được duyên lành với Phật pháp, nếu tăng trưởng lòng tin, thực hành tu tập niệm Phật thì cũng được vãng sinh.

Ðối với người thế tục cho rằng việc tụng kinh, sám hối, niệm Phật là tầm thường… Sở dĩ như vậy là họ không hiểu Phật lý. Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật có nói: “Niệm một câu Nam mô A Di Ðà có thể tiêu trừ trọng tội của 800 vạn đại kiếp sinh tử”. Vậy ai dám bảo rằng niệm Phật là tầm thường? Lại cũng trong Kinh này, phẩm Hạ Phẩm Thượng Sinh lại ghi: “Nghe 12 bộ Kinh thì tiêu trừ 1000 kiếp ác nghiệp nặng nề”. Lại chép: “Có thể nghe niệm danhNam mô A Di Ðà Phật trừ được vô lượng đại kiếp sinh tử trọng tội”. Trên đây là dẫn chứng những lời do chính Ðức Phật Thích Ca dạy để làm căn cứ, chứ không phải do ai nói. Như vậy những lời nói trên cho thấy rằng những người đó chưa biết công đức thù thắng của việc niệm Phật. Ấn Quang Ðại sư có dạy: “Các nhà sư hiện nay, phần lớn là bày vẽ, chẳng được như pháp. Chỉ cốt giữ thể diện mà thôi. Nếu chuyên môn niệm Phật thì người người đều biết niệm, công đức lại rộng lớn, lại thiết thực. Nếu đem công đức niệm Phật hồi hướng khắp cùng chúng sinh, đồng sinh Tịnh độ, thì công đức lợi ích đối với người mất cũng rộng lớn hơn nhiều”.

Sau khi vong nhân đã vãng sinh Tây phương, trong vòng 49 ngày thì thân quyến nên ăn chay niệm Phật, giữ gìn ngũ giới (không nên sát sinh, trộm cắp, dâm dục, nói dối cho đến bày vẽ tiệc rượu vui chơi) thì cả người sống lẫn người mất, đều được lợi ích không thể nghĩ bàn.

Tác giả: Pháp Sư Thế Liễu
Việt dịch: Thích Tâm An