1.- Cha mẹ là người có công sinh thành dưỡng dục vì thế chúng ta phải luôn hiếu thuận, còn đối với anh, chị, em… là người cùng huyết thống nên phải thương yêu. Như vậy thế nào được gọi là hiếu thuận, thương yêu, thế nào được xem là bất hiếu, không hiếu thuận? Người được gọi là hiếu thuận là thương yêu, trước tiên người đó đối với mọi sự tình hết sức nhẫn nhịn hòa thuận, trên kính dưới nhường, biết chăm sóc quan tâm, yêu thương giúp đỡ đối với gia quyến… bằng ngược lại thì được xem là đại ngỗ nghịch. Cách tốt nhất là người này biết hướng dẫn gia quyến quy y Tam Bảo, tu tập thiện pháp thì lợi lạc vô cùng.
2.- Theo Phật pháp đến giờ phút sắp lâm chung là giây phút rất quan trọng của một kiếp người. Chúng ta là gia quyến, đối với giây phút ngắn ngủi ấy nên đối xử hết sức hiếu thuận và đầy lòng thương yêu đối với họ, dù họ có đòi hỏi hay yêu cầu bất kỳ việc gì nhất nhất tùy thuận theo ý tứ của họ, không nên để tâm họ sinh một mảy may phiền não nào.
3.- Khi có người thân sắp lâm chung, nếu có hội trợ niệm nên mời họ đến. Lúc họ đến những người trong gia quyến phải tuyệt đối tuân theo sự hướng dẫn của họ, không nên có mảy may nào làm theo ý riêng của mình. Trường hợp những nơi không có ban trợ niệm thì gia quyến có thể tự trợ niệm cũng được, chỗ cốt yếu là đúng theo Phật pháp. Ðiều quan trọng cần tuân theo là làm ma chay không nên sát sinh mà làm tổn giảm phước đức vãng sinh của người niệm Phật. Nếu muốn cho người vừa mất được sinh về cõi lành, điều tốt nhất là gia quyến cùng nhau ăn chay trong thời gian này. Khi bệnh họ trở nên nặng thì chỉ lo trợ niệm, tuyệt đối không nên cho uống nhân sâm hay thuốc bổ hồi sinh vì làm như vậy rất chướng ngại cho sự vãng sinh.
4.- Phải biết rằng khi một người lâm chung họ sẽ theo một trong bảy con đường sau đây: Ba đường dữ: Ðịa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Ba đường lành: Trời, Người, A tu la và một đường Thánh đạo là Tây phương Cực Lạc. Vì vậy gia quyến nên nhận thức rằng chúng ta trợ niệm là để cho người quá vãng được vãng sinh Cực Lạc thọ hưởng sự vui sướng hạnh phúc. Nếu chúng ta khóc lóc, kêu réo, thở than thì làm cho họ rơi vào sáu nẻo luân hồi chịu mãi thống khổ.
5.- Nên biết rằng trong kinh Phật dạy hết sức rõ ràng. Nếu bị đọa lại vào ba đường dữ thì thọ nhận sự khổ đau không cùng tận. Nhất là cõi địa ngục, một ngày một đêm ở đó người ta phải chịu chết đi sống lại muôn vạn lần, còn cái khổ của ngạ quỷ kéo dài cả trăm vạn kiếp, nước uống không thể được nói gì đến việc ăn. Nếu lỡ rơi vào ba đường khổ này, thì chịu khổ ít nhất năm ngàn đại kiếp, mỗi một đại kiếp như vậy có 34.384 vạn năm. Thật là một thời gian dài vôcùng tận. Ngược lại thân nhân được về Tây phương thì mỗi ngày đều được nghe Phật A Di Ðà thuyết pháp, được gần Ðại Thế Chí Bồ Tát, Quan Âm Bồ Tát cùng các bậc Thánh hiền, lại được thấy các sắc tướng trang nghiêm, được nghe âm thanh thuyết pháp tuyệt diệu, ngoài ra còn hưởng được nhiều điều hạnh phúc sung sướng khác.
6.- Nếu người bình thường đã có tâm nguyện niệm Phật cầu sinh Tây phương điều này rất tốt. Bằng ngược lại thì quyến thuộc nên vì người bệnh mà thuyết giảng rõ ràng: “Nếu đọa lạc vào ba đường ác thì khổ não vô vàn, còn được sinh về Tây phương thì rất an lạc, vĩnh viễn không đọa lạc vào ba đường dữ, phước đức người sinh ở đó không thể nghĩ bàn. Nên khai thị với họ rằng: “Nếu ông (bà) phát tâm niệm danh hiệu A Di Ðà Phật, tin sâu nguyện thiết cầu sinh Tây phương. Ðến giờ phút lâm chung, Ðức Phật tay cầm đài sen hiện ra trước mắt tiếp dẫn vãng sinh về Tây phương, nơi ấy được hưởng an vui không hề còn sinh tử luân hồi. Nếu ông (bà) quyết định niệm Phật thì chắc chắn được vãng sinh. Mỗi ngày những người thân nhân nên vì họ mà nhắc lại ba lần như vậy, không nên nói nhanh hay gấp gáp mà từ từ hòa diệu chầm chậm khuyên họ. Ðiều quan trọng chúng ta phải hiểu được tâm người bệnh, điều hết sức e dè và ngần ngại là đừng để họ khởi tâm phiền não. Ðối với trường hợp người bệnh đã có tin sâu nguyện thiết niệm Phật, hãy để họ nằm yên, không nên hỏi han, hay than khóc mà chỉ cần khuyên họ nhất tâm niệm Phật, cầu sinh về Tây phương là được.
7.- Nếu người bệnh có việc quan trọng cần nói cho quyến thuộc nhưng do bệnh tình không thể. Do đó gia quyến nên hiểu rõ tâm thức của họ đến trước họ hỏi họ cần căn dặn điều gì hay không, trường hợp người bệnh tâm thần quá mê muội thì không nên hỏi han mà làm rối loạn tâm ý của họ, làm họ mất đi chánh niệm (chánh niệm là chỉ cho sự niệm Phật). Còn đối với trường hợp tâm thần người bệnh còn minh mẫn nên đến trước họ mà nói rằng: “Hãy yên lòng,tất cả các việc trong gia đình đã có người đảm đang. Ông (bà) (người lâm chung) hãy nhất tâm niệm Phật cầu sinh Tây phương”. Mỗi ngày nên vì họ nói như vậy, nếu tâm thức của họ ngày càng trở nên mê mờ chỉ cần chuyên môn trợ niệm chohọ.
8.- Nếu có thân hữu bà con đến thăm viếng người bệnh, trước tiên nên nói cho họ biết người sắp lâm chung tâm niệm vô cùng quan trọng vì vậy xin họ đừng nên nói hay làm gì mà có thể chướng duyên cho vấn đề vãng sinh của người bệnh.
9.- Nếu người bệnh do nghiệp chướng hiện tiền, không hoan hỷ và chán ghét người niệm Phật, nghe người trong nhà niệm Phật trong lòng khó chịu, hoặc thấy quỷ thần hiện đến dẫn dắt. Ðây là do người đó nghiệp chướng phát hiện, làm chướng ngại cho việc vãng sinh. Vì thế quyến thuộc nên vì họ đến trước Phật tiền niệm Phật sám hối thay thế cho họ, khiến họ nghiệp chướng được tiêu trừ, vãng sinh Tịnh độ. Ví như năm ngoái có một cư sĩ mà mẹ cư sĩ này lâm bệnh sắp chết. Người này thỉnh đoàn trợ niệm đến nhà trợ niệm. Bà ta nghe niệm Phật, tâm lý khó chịu khởi lên cho rằng những người trợ niệm tâm không chuyên chú. Lúc bấy giờ có một vị cư sĩ quy y Sư phụ (tác giả) biết được bà này do nghiệp chướng khởi đến nên đem Kinh Ðịa Tạng đọc tụng sám hối thay thế hết sức thành khẩn, lại vì bà mà niệm Phật, khiến cho tâm bà ta vô cùng hoan hỷ niệm Phật mà vãng sinh Tịnh độ. Phần trên có nói là đọc tụng Kinh Ðịa Tạng có thể tiêu trừ nghiệp chướng oan gia, giả như không thể đọc tụng được thì chỉ niệm danh hiệu của ngài cũng có thể tiêu trừ nghiệp chướng. Lại có một vị cư sĩ cha lâm bệnh lúc gần chết, thấy có một người đàn bà và một con chó đến đòi mạng. Vị cư sĩ này liền thay cha mà niệm Phật và sám hối, về sau chẳng thấy hình ảnh trên đến nữa, mà ngược lại cha cư sĩ lại thấy hai vị tăng đến trước ông mà nói rằng “Ðời trước ông làm trở ngại việc vãng sinh của chúng tôi, nên nay chúng tôi cũng làm ngăn trở việc vãng sinh của ông”. Một lần nữa cư sĩ này lại thay cha tiếp tục sám hối niệm Phật, đồng thời cầu nguyện cho hai vị tăng cũng như cha mình được vãng sinh. Nếu trường hợp cha ông được vãng sinh thì sẽ trở lại trợ giúp cho hai vị tăng được vãng sinh để sám hối lỗi lầm xưa kia ông đã tạo, khoảng một thời gian sau, thì cha vị cư sĩ này không còn thấy hai vị tăng đến nữa. Sau cùng ông lại thấy một vị lão tăng đến và nói: “Ông đã được tiêu trừ tội chướng, trong vòng ba thất sẽ được vãng sinh vào cấp thứ năm của chín phẩm”. Lại nói tiếp: “Sở dĩ vì ba thất là do con ông biết đạo, trong ba thất đầu tức là 21 ngày, gia đình của ông trợ niệm rất nhiều cho ông, khi hết 21 ngày thì ông được vãng sinh vào địa vị thứ năm của chín phẩm hoa sen tức là Trung phẩm Trung sinh”. Hãy lấy đó mà suy nghĩ kỹ, quyến thuộc chỉ thay thế người bệnh sám hối và niệm Phật, hoặc đọc tụng Kinh Ðịa Tạng, hoặc niệm danh hiệu A Di Ðà Phật mà có công năng như vậy.
10.- Nếu người bệnh sắp đến giờ phút tắt thở và đã có nhiều người trợ niệm, quyến thuộc nên đến trước bàn Phật, hoặc quỳ, hoặc đứng niệm một cách chí thành khẩn thiết cầu Phật từ bi tiếp độ hương hồn của người quá vãng được về Tịnh độ. Nếu người trợ niệm quá ít hoặc chẳng có thì thân nhân nên đến bên cạnh người bệnh mà niệm Phật, tuyệt đối không nên đứng đối diện trước mặt người bệnh. Vì sao? Vì chính thời điểm này, nếu người thân thấy được bệnh nhân khó mà tránh được khóc lóc, thương yêu, làm phương hại cho chánh niệm của người bệnh. Tốt nhất là thân nhân nên đứng hai bên, hoặc ngồi phía sau bệnh nhân, cố gắng niệm Phật, tuyệt đối là không được khóc lóc, kêu réo. Nếu bệnh nhân nghe được liền khởi sự luyến ái, đau thương buồn rầu làm mất đi chánh niệm niệm Phật. Nếu mất chánh niệm rồi thì chắc chắn không được vãng sinh Tây phương. Vậy vào giây phút này, chúng ta là những người thân nhân nên hết sức cẩn thận, hết sức chú ý, tuyệt đối không được khóc than mà nên lớn tiếng niệm Phật, từng câu, từng chữ thật rõ ràng. Nhờ vào sự trợ niệm của thân nhân cộng với bi nguyện của Phật A Di Ðà sẽ gia hộ cho người bệnh thân tâm an lạc chánh niệm rõ ràng, nhanh chóng vãng sinh Tây phương.
11.- Sau khi người chết đã tắt hơi thở, nhưng thi thể chưa hoàn toàn lạnh hẳn. Thì quyến thuộc nên tiếp tục lớn tiếng niệm Phật trợ niệm cho vong nhân, không nên khóc lóc. Ðồng thời không để ruồi muỗi đậu lên thi thể, vì lúc này thần thức chưa rời khỏi thể xác, giả sử có một vật gì chạm vào thân thể thì họ cảm thấy đau đớn vô cùng. Có một số người thường hay khám xét thân thể người chết để xem thử người bệnh sẽ đi về đâu, điều này không có lợi ích gì mà có hại rất lớn đối với người chết. Vào giây phút quan trọng này, đối với gia quyến nên thỉnh ban hộ niệm đến trợ giúp, nếu họ chưa đến kịp nên y theo phương pháp trợ niệm mà thực hành, trường hợp họ đến rồi nên tuân theo mọi sự chỉ giáo của họ, không nên tùy tiện làm theo ý kiến riêng tư. Tuyệt đối đừng nên tuân theo những tập tục mê tín vô căn cứ của thế gian. Họ thường nói: “Phàm là người chết thi thể còn nóng, khớp xương còn mềm mại nên thay y phục cho họ.” Lại có quan niệm cho rằng, nếu người chết rồi lo liệm ngay nếu không sẽ mắc nợ miên sàng. Lại một quan niệm là người nhà mất là phải khóc lớn để đẩy lùi hung khí, trên đây là những quan niệm mê tín, tương truyền cho đến ngày nay, nó có hại cho người thân chúng ta. Chính nó đã khiến cho nhiều người quyến thuộc chúng ta khi mất phải chịu oan uổng nhiều khổ não, để rồi phải rơi vào ba đường ác đạo: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
Xưa có một vị vua tên là A Kỳ Ðạt bình sinh tin phụng Phật pháp bố thí xây dựng chùa tháp công đức to lớn vô cùng. Thế nhưng vào giờ phút lâm chung, vị quan phục vụ cho ông nhân vì nhiều ngày chưa ngủ, tinh thần yếu đuối trong khi hầu hạ cho ông, vô tình lấy tay quạt mạnh vào người ông, làm cho vị vua này cảm thấy đau đớn, tâm sinh sân hận, sau khi thân thể rời khỏi thể xác vì tâm sân hận này mà thác sinh thành một con mãng xà, có một vị cao tăng biết được những công đức của vị vua này tạo tác, và có lòng tin sâu Tam Bảo, nên vì mãng xà thuyết pháp. Nhân vì nghe pháp được phước đức, ba ngày sau mãng xà qua đời, thần thức liền được sinh cõi trời. Lại một trường hợp khác. Xưa có một đôi vợ chồng, sống rất thương yêu hòa thuận, bình thường cũng tin theo Phật pháp, ăn chay giữ giới. Một ngày nọ người chồng bỗng nhiên qua đời. Người vợ vô cùng đau đớn khóc than thảm thiết. Tuy thân thể người chồng đã chết nhưng thần thức vẫn chưa rời khỏi thể xác, nghe âm thanh than thở của vợ mà tâm ông sinh luyến ái, sau khi thần thức rời khỏi thể xác. Vì tâm niệm luyến ái đó ông liền hóa sinh thành một loại sâu sống trong lỗ mũi của bà. Một thời gian sau bà cảm thấy khó chịu, phát hiện trong mũi mình có con sâu nên muốn lấy nó ra mà giết. Nhân đó có một vị cao tăng gọi bà ta mà bảo: “Hãy thương xót chồng bà”. Bà ta kinh sợ hỏi nhân duyên vì sao? Vị tăng nói: “Chồng bà bình thường giữ giới phụng trì Tam Bảo đáng lẽ phải sinh thiên. Nhưng vì do bà khóc lóc, làm cho tâm chồng bà sinh luyến ái nên đọa làm con sâu sống trên thân bà như vậy!”. Nghe nói như vậy bà thấy thương xót vô cùng, thỉnh cầu vị tăng nên vị chồng bà mà nói pháp. Nhân vì nghe được Phật pháp, sau đó con sâu qua đời được sinh về thiên giới.
Qua hai câu chuyện trên đều do Kinh nói hoàn toàn có căn cứ. Ðối với các tập tục cổ hủ nói ra thì hoàn toàn không có bằng chứng. Chúng tôi nhân vì chỗ mê tín dị đoan mà mạnh dạn nói ra sự thật miễn sao cho người mất về sau không còn đọa vào ba đường ác nữa. Vì thế sau khi người chết vừa qua đời, thân thể chưa hoàn toàn lạnh hẳn. Chúng ta là người gia quyến, nhất định không được khóc lóc và chạm vào thân thể người mất. Ðiều tốt nhất nên theo sự chỉ đạo của đoàn trợ niệm. Trường hợp không có đoàn trợ niệm thì gia quyến hết sức cẩn thận và nhẹ nhàng êm dịu phải xem đến lúc nào thi thể lạnh hẳn mới bắt đầu thay y phục tắm rửa cho người mất.
Tác giả: Pháp Sư Thế Liễu
Việt dịch: Thích Tâm An
TAMTHUC