Blog Tâm Thức
Bản thảo thời Trung Cổ kể về 1 vụ phóng tên lửa 3 tầng cách đây gần… 500 năm
Tuesday, 07/02/2017 00:00 am

Blog Tâm Thức

Rất nhiều tư liệu, thư tịch cổ đại hiện vẫn đang được cất giấu bí mật, ngoài tầm với của công chúng trong các căn hầm phủ bụi của các thư viện trên thế giới.

Năm 1961, Doru Todericiu, Giáo sư ngành Khoa học và Kỹ thuật tại Đại học Bucharest, đã tình cờ tìm thấy một tư liệu cổ đại, với tên gọi là Bản thảo Sibiu.

Đây là một tập bản thảo lớn, dày 450 trang có niên đại từ khoảng năm 1570, tức là trước đó vài thế kỷ. Nội dung bản thảo này trình bày các số liệu kỹ thuật liên quan đến một loại tên lửa nhiều tầng, pháo và môn đạn đạo học.

ban thao sibiu conrad haas ten lua romaniẢnh miêu tả tác giả Bản thảo Sibiu, ông Conrad Haas, đang thử nghiệm tên lửa. (Ảnh: Internet)

Khám phá này đã bị thất lạc theo thời gian, bởi vì các nhà sử học không cho rằng phát minh này có tầm quan trọng lớn đến vậy đối với lĩnh vực hàng không vào buổi sơ khai.

Tư liệu này cuối cùng đã được đăng trên một Tạp chí Xét lại Lịch sử Romania vào năm 1967 dưới tiêu đề “Bản thảo Sibiu” (“The Sibiu Manuscript”, Doru Todericiu, Revue Roumaine d’histoire, 1967, ed. Académie de la république Socialiste de Roumanie).

Trong phần thứ ba của “Bản thảo Sibiu” có một báo cáo chi tiết về một “cái lao bay (flying javelin)” với tầm bắn hiệu quả [1] đáng kể và sự kiện phóng một tên lửa nhiều tầng tại thành phố Sibiu vào năm 1555. Vụ phóng tên lửa này đã thành công trước sự chứng kiến của hàng nghìn người.

ban thao sibiu conrad haas ten lua romaniaMột tên lửa nhiều tầng đã được ông Conrad Haas miêu tả trong “Bản thảo Sibiu”. (Ảnh: Internet)

Bản thảo này miêu tả các nguyên lý của một tên lửa nhiên liệu rắn 3 tầng, đồng thời trình bày các bản vẽ thiết kế. Tác giả bản thảo này là Conrad Haas (khoảng 1509-1579), một viên sĩ quan pháo binh người Áo, người đứng đầu kho pháo binh ở thành phố Sibiu từ 1550 đến 1570, và là một công dân của Sibiu (trước là Hermannstadt) thuộc Romania.

TAMTHUC

Lúc ban đầu, ông Haas thiết kế và chế tạo tên lửa có hai tầng, mỗi tầng có đường kính khác nhau, nhưng tầng này lọt được vào bên trong tầng kia (xem hình trên). Nhưng trong thí nghiệm được tiến hành vào năm 1555, ông Haas đã thử nghiệm một loại tên lửa 3 tầng.

Bản thảo của ông Conrad Haas vẫn còn tồn tại và nó là bằng chứng tư liệu của một phát minh “hiện đại” được sáng tạo ra gần 500 năm trước! Có thể liệt kê một số phát minh và ý tưởng của ông như sau:

Hình dung ra tàu vũ trụ hiện đại;

Tên lửa nhiều tầng (hai tầng và ba tầng)

Nhiên liệu tên lửa với tỷ lệ thành phần nhiên liệu khác nhau trong tên lửa nhiều tầng

Việc sử dụng nhiên liệu lỏng với các hỗn hợp khác nhau của nó, phụ thuộc vào kiểu loại, tầm bắn, năng lượng và hình dáng của tên lửa

Sử dụng cánh tam giác (delta wing) để giữ ổn định.

Bằng chứng hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Sibiu, Romania.

Lady Sala Shabazz, người sáng lập Bảo tàng International Black Inventions Museum, từng nói:

“… Điều đáng tiếc là, rất nhiều lần những người được ủy nhiệm viết các sách giáo khoa đã biểu lộ các thành kiến khi loại bỏ các dữ liệu lịch sử [quan trọng] khác. Với nỗ lực bao trùm một quãng lịch sử thật dài, họ đã tóm lược lịch sử và bỏ sót rất nhiều thông tin quan trọng khác. Đây là điều không mấy người biết được”.

Rất nhiều người biết đến thành phố Sibiu bởi vì đây là nơi sinh của Hermann Oberth, người được nhìn nhận là một trong ba vị cha đẻ của ngành tên lửa học và ngành du hành vũ trụ hiện đại.

Chú thích của người dịch:

[1] Tầm bắn hiệu quả (hay tầm bắn hiệu quả tối đa) của một loại vũ khí là khoảng cách xa nhất một phát bắn hiệu quả có thể vươn tới, được ước tính với độ chắc chắn hợp lý. Nó được quyết định bởi một số yếu tố: loại đạn được bắn, độ chính xác cố hữu của vũ khí, và thể tích của đạn.

Tác giả: Ellen Lloyd, Message to Eagle.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/159658.html