Trong cuốn sách cổ “Thần tăng truyện” có chép lại một câu chuyện rất kỳ lạ, liên quan đến cuộc đời luân hồi, chuyển sinh bí ẩn của một nhân vật nổi tiếng kim cổ: Gia Cát Lượng.
Vào năm 746, gia tộc thanh danh hiển hách khi đó là Vi Thị chào đón một bé trai ra đời, đặt tên là Vi Cao. Vi Cao vừa sinh được 3 ngày, trong nhà làm tiệc trai giới, mời rất nhiều cao tăng đến chúc phúc. Khi đó bỗng nhiên xuất hiện một vị tăng nhân tha hương người Ấn Độ, không rõ tên họ, không mời mà đến. Người nhà Vi Thị nhìn thấy tướng mạo người đó xấu xí, cho rằng ông ta đến khất thực nên không cho vào nhập tiệc, chỉ mang cho một cái chiếu rách, bắt ngồi bên ngoài.
Khi dùng xong cơm chay, Vi gia sai vú em bồng đứa trẻ ra nhận lời chúc phúc của các tăng nhân. Bỗng nhiên vị cao tăng nọ tiến lại gần và hỏi đứa trẻ: “Cách biệt đã lâu rồi, vẫn khỏe chứ?”. Cậu bé dường như hiểu được lời của vị cao tăng nọ, bèn nhoẻn miệng cười với ông. Mọi người xung quanh ai nấy đều vô cùng kinh ngạc.
Lấy làm tò mò, mẹ của Vi Cao hỏi vị cao tăng: “Thưa sư phụ, con tôi mới sinh được 1 tháng, sư phụ sao lại nói cách biệt đã lâu rồi?“. Vị cao tăng mỉm cười mà đáp: “Đây không phải điều mà thí chủ có thể biết được”. Phụ thân của cậu bé lại hỏi một lần nữa. Lúc này vị cao tăng mới trả lời: “Cậu bé này chính là chuyển thế của Gia Cát Võ hầu! Võ hầu sinh vào cuối thời Đông Hán, là thừa tướng Tây Thục, người Thục đã nhận ân huệ của ông ấy rất nhiều vào thời đó. Bây giờ ông ấy đầu thai làm cậu bé này tương lai sẽ thống soái đất Thục. Ta trước đây cùng đứa trẻ này trong tiền kiếp là bạn tốt của nhau ở Kiếm Môn. Hôm nay nghe nói ông ta giáng sinh ở nhà Vi Thị nên ta mới không quản đường xá xa xôi lặn lội mà đến”.
Vi gia nghe xong cảm thấy vô cùng kỳ dị, vì thế mới lấy “Võ Hầu” làm tên tự của Vi Cao. Sau này khi Vi Cao trưởng thành quả nhiên trải qua đúng những điều như vị cao tăng từng nói.
Bình định đất Ba Thục
Năm 783, Hoài Tây tiết độ sứ Lý Hi Liệt tạo phản. Hoàng đế Đường Đức Tông khi đó ra chiếu lệnh cho Diêu Lệnh Ngôn dẫn binh tới cứu viện. Diêu Lệnh Ngôn dẫn 5000 binh sĩ đến Trường An. Khi đó thời tiết giá rét, băng tuyết ngập tràn, binh sĩ vừa mệt vừa đói, lại chỉ được ăn cơm trắng nên sinh lòng bất bình, nổi loạn chiếm lĩnh thành Trường An. Loạn binh đề cử Nguyên Phượng Tường Long Hữu Tiết độ sứ ở Trường An làm Hoàng đế. Đường Đức Tông phải trốn chạy tới Phụng Thiên.
Lúc đó Vi Cao đang ở Lũng Châu, mưu trí hơn người, xoay chuyển cục diện, phò Đức Tông hoàng đế trở lại Trường An. Vi Cao được phong làm Tả Kim Ngô Vệ Tướng Quân, Thiên Đại Tướng Quân. Sau đó lại được phong làm tiết độ sứ ở Kiếm Nam Tây Xuyên, trở thành quan lớn bảo vệ đất Thục, trấn giữ biên cương, bắt đầu cuộc đời chinh chiến hoa lệ.
Tiết độ sứ Kiếm Nam không phải là một chức vụ thoải mái. Người dân đất Thục rất phức tạp, lại có nhiều dân tộc thiểu số, phía nam có Nam Chiếu, phía tây có Thổ Phồn. Vào những năm Thiên Bảo, chiến tranh giữa quân đội nhà Đường và Nam Chiếu đã khiến tổng cộng 18 vạn quân tinh nhuệ bị tiêu diệt ở mảnh đất này.
Khi ấy, Thổ Phồn thường xuyên lấn chiếm đất Thục, mang tới những áp lực rất lớn cho quân đội nhà Đường. Nhưng Vi Cao không phải là một người lỗ mãng chỉ biết đánh nhau mà rất mưu trí, khôn khéo. Sau khi nhậm chức, ông phân tích mạnh yếu của kẻ địch, từ đó lập ra những phương pháp ứng phó đầy linh hoạt, hiệu quả.
Năm Trinh Nguyên thứ 15, ở phía tây nam liên minh Đại Đường (Vi Cao là người đại diện) và Nam Chiếu hợp sức đối phó với Thổ Phồn. Mặc dù biên cương không ngừng xảy ra chiến loạn nhưng dưới sự lãnh đạo của Vi Cao, quân liên minh nhiều lần đánh tan quân Thổ Phồn. Tới năm Trinh Nguyên thứ 17 cuối cùng cũng xảy ra một trận đánh lớn. Vi Cao chủ động xuất kích, quân đội chia thành 10 hướng, tấn công ồ ạt vào nội địa Thổ Phồn, đánh bại được liên quân Thổ Phồn, Ả Rập và A Bạt Tư.
So với các võ tướng cùng thời Vi Cao nổi bật hơn cả, xuất sắc toàn tài, không những đánh trận giỏi mà cai quản chính sự quốc gia cũng rất tài năng. Ông vừa bình định yên ổn đất Ba Thục, lại giúp đỡ Thái tử đăng cơ lên ngôi Hoàng đế, cuối cùng được phong chức Nam Khang Quân Vương.
Kiếp sau lại tiếp tục duyên kiếp trước
Thời trẻ Vi Cao từng làm gia sư cho con trai nhà Khương quận trưởng vùng Giang Hạ, tên là Kinh Bảo. Kinh Bảo có một tiểu nha hoàn tên Ngọc Tiêu, mới chừng 10 tuổi, thường đến hầu hạ Vi Cao. Vài năm sau, khi Ngọc Tiêu đã lớn, giữa hai bên lại nảy sinh tình cảm, mến mộ nhau. Không bao lâu thì Vi Cao nhận được thư nhà thúc giục về gấp. Trước lúc chia tay, hai người lưu luyến không rời, hai mắt đẫm lệ. Trước sự chứng kiến của Kinh Bảo, hai người cùng nhau hẹn ước, ít thì 5 năm, nhiều thì 7 năm, Vi Cao sẽ đến lấy Ngọc Tiêu làm vợ. Vi Cao còn để lại một chiếc nhẫn ngọc, lại viết một bài thơ tặng cho Ngọc Tiêu.
Nhưng 5 năm trôi qua, Vi Cao vẫn không quay lại. Ngọc Tiêu mỗi ngày đều như chim anh vũ lẳng lặng trông về nơi xa. Lại 2 năm trôi qua, đến mùa xuân năm thứ 8, Ngọc Tiêu thở dài: “Lang quân Vi Cao đi đã hơn 7 năm rồi, chắc chắn sẽ không quay lại nữa”. Nàng nhớ kỹ bài thơ Vi Cao đã tặng, tuyệt thực mà chết. Khương gia thương tiếc nàng chết vì tiết tháo, đeo chiếc nhẫn ngọc kia vào ngón giữa tay nàng rồi đem mai táng.
Về sau, Vi Cao được phong quan tiến tước, triều đình phái chàng trấn thủ Tây Thục. Khi bình phản sửa oan sai, gặp lại Khương Kinh Bảo bị oan sai trong ngục, chàng giải oan cho Khương Bảo, còn giữ ở bên cạnh mình làm trợ tá.
Thời chiến loạn vừa mới chấm dứt, bao nhiêu thứ cần phục hồi, công vụ bề bộn, bẵng cho đến mấy tháng sau Vi Cao mới hỏi thăm tin tức của Ngọc Tiêu. Khương Kinh Bảo kể lại cho Vi Cao nghe chuyện Ngọc Tiêu vì tình mà chết. Nghe xong, Vi Cao hổ thẹn áy náy, bi thương không dứt. Từ đó về sau, chàng một lòng hướng Phật, khắc khổ chép kinh, sửa chữa và tu sửa xây dựng tượng Phật để báo đáp mảnh tình son sắt của Ngọc Tiêu.
Từng thời khắc, Vi Cao đều nhớ đến Ngọc Tiêu, chỉ hận vô duyên không cùng nàng gặp nhau được một lần nữa. Một vị sư trong núi khuyên Vi Cao nên học theo thuật chiêu hồn Lý Thiếu Quân, có thể khiến người chết và thân nhân gặp mặt. Ông bảo Vi Cao trai giới 7 ngày, trong một đêm khuya ánh trăng mờ mịt, Ngọc Tiêu phiêu nhiên lướt tới.
Sau khi nhìn thấy Vi Cao, nàng thi lễ cảm tạ: “Nhờ công chàng phó xuất chép kinh tạc tượng, sau 10 ngày thiếp sẽ được thác sinh giáng thế. 13 năm sau, là ngày thiếp 1 lần nữa được hầu hạ chàng, báo đáp đại ân”. Lúc gần đi, nàng mỉm cười nói: “Là do trượng phu bạc tình bạc nghĩa, để cho ta cùng chàng sinh tử chia cắt”.
Khi Vi Cao được phong tấn chức Trung Thư lệnh, cai quản Tây Thục, các nơi đều phục tùng thuận theo, các tộc phía Tây Nam cũng đều một lòng quy thuận. Có một năm ông cử hành lễ mừng sinh nhật, Lư Bát Tọa huyện Đông Xuyên tặng cho ông một ca nữ. Người này chưa đến 14, 15 tuổi, tên cũng gọi là Ngọc Tiêu.
Vi Cao nhìn kỹ, Ngọc Tiêu này đúng là Ngọc Tiêu nhà Khương Kinh Bảo, hơn nữa ngón giữa bàn tay của cô cũng có một vết thịt hình chiếc nhẫn, nhìn thấy rất giống với hình chiếc nhẫn mà Vi Cao đã tặng cho Ngọc Tiêu lúc chia ly năm nào. Trải qua sinh tử kỳ duyên này, Vi Cao xúc động thở dài: “Rốt cuộc ta cũng có thể hiểu được sự phân biệt giữa sống và chết chỉ là hai từ “Lai (đến)” và “Vãng (đi)”. Lời nói năm đó của vong hồn Ngọc Tiêu, giờ đã được nghiệm chứng.
Sự nghiệp thiên thu bất hủ
Vi Cao không chỉ là người “Văn có thể an bang, võ có thể định quốc” mà còn là người rất giỏi thi thơ, tinh thông âm luật, có thể nói là toàn tài. Tuy nhiên sự nghiệp thiên thu bất hủ của ông lại không phải trên con đường quan lộ.
Từ khi mới sinh đã được gặp vị tăng nhân người Ấn Độ, có thể thấy ông là người rất có duyên với Phật gia. Cả cuộc đời mình, ông cũng một lòng kính ngưỡng Phật Pháp, thành tâm hướng Phật. Điều khó khăn nhất cũng có thể gọi là đáng quý nhất chính là việc ông bỏ công tu sửa, xây dựng bức tượng Lạc Sơn Đại Phật.
Lạc Sơn Đại Phật còn gọi là Lăng Vân Đại Phật, là tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới. Bức tượng Phật Di Lặc này được tạc vào vách đá Thê Loan của núi Lăng Vân, nằm ở chỗ hợp lưu của ba con sông là Dân Giang, Đại Độ và Thanh Y ở miền nam tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc. Bức tượng đá đối mặt với Nga Mi sơn và dòng sông chảy dưới chân của tượng.
Bức tượng bắt đầu được động thổ xây dựng vào năm 713 (tức Khai Nguyên thứ nhất đời vua Đường Huyền Tông). Nguyên trước nay vùng Lạc Sơn là nơi hội tụ của ba dòng sông, thế nước hung dữ nên thuyền bè qua lại nơi đây thường bị lật đổ. Cứ mỗi khi lũ mùa hè tràn tới, nước sông đổ ập thẳng, đánh vào vách núi gây tai nạn thương vong cho thuyền bè và người dân. Để có thể giảm bớt thế nước hung hãn, Hải Thông thiền sư đã huy động nhân lực tạc nên bức tượng này.
Khi tin về việc xây dựng tượng Phật vừa mới truyền đi, tất cả những người thợ mộc tài hoa, khéo léo, xa gần từ khắp mọi nơi đều tụ hội về núi Lăng Vân, mong muốn được góp sức mình dựng tượng. Đến ngày khởi công, hàng ngàn tiếng đục vào đá, tiếng hò hét vang động một vùng trời, từ thiên cổ hiếm thấy.
Tương truyền khi đó thủy quái ẩn sâu dưới lòng sông đang làm mưa, làm gió nơi đây cùng đều hoảng loạt khiếp sợ chui ra mà tìm đường tháo chạy. Những đường nét của Đại Phật càng ngày càng rõ nét. Sau khi tượng Phật được dựng lên, nơi ba con sông hợp dòng này cũng càng ngày càng được yên ổn.
Tuy nhiên khi xây dựng tới phần vai của tượng phật thì Hải Thông thiền sư qua đời, do đó công trình bị gián đoạn. Nhiều năm sau, nhờ tiết độ sứ Kiếm Nam Tây Xuyên khi đó là Chương Cừu Kiêm Quỳnh quyên tặng tiền bạc nên các đồ đệ của Hải Thông thiền sư mới có thể tiếp tục chỉ huy thợ mộc tiếp tục công việc kiến tạo tượng Phật. Tuy nhiên khi tạc được tới đầu gối của tượng thì tiết độ sứ Chương Cừu chuyển nhà lên kinh, nhậm chức Thượng thư. Công trình một lần nữa lại bị tạm dừng.
Bốn mươi năm sau đó, Vi Cao chính là người dâng tặng ngân lượng để tiếp tục xây dựng tượng Phật Lạc Sơn. Trải qua ba đời thợ mộc với quãng thời gian 90 năm, mãi cho tới năm 803 bức tượng Phật này mới được hoàn thành. Trong cuốn “Gia Châu Lăng Vân tự đại Di Lặc thạch tượng ký” cũng ghi chép từ đầu tới cuối việc Vi Cao hoàn thành xây dựng bức Đại Phật này.
Với chiều cao 71 mét, bức tượng mô tả Phật Di Lặc đang ngồi với hai tay đặt trên đầu gối. Thân của tượng Phật cao 59,98 m, đầu cao 14,7m, rộng 10m, vai rộng 28m, chân dài 10,3m, rộng 9 m. Đỉnh đầu có 1.021 búi tóc và móng tay nhỏ nhất của tượng cũng đủ lớn cho một người ngồi vào. Hai bên tượng Phật có hai hộ pháp, cao khoảng 16m, rộng khoảng 6m, thân mặc chiến bào, tay cầm pháp khí.
Người dân trong khu vực này nói rằng: “Sơn thị nhất tọa Phật, Phật thị nhất tọa sơn” (nghĩa là: Núi chính là một ông Phật đang ngồi. Phật chính là một trái núi đang ngồi). Núi là tượng Phật mà tượng Phật cũng là núi. Dãy núi có Lạc Sơn Đại Phật có hình dáng tương tự như Phật đang ngủ. Khi nhìn từ phía sông, bức tượng Đại Phật nằm ở vị trí quả tim của dãy núi này, ngụ ý “tâm trung hữu Phật” (trong tâm có Phật). Mặt tượng Phật đối diện với nước sông cuồn cuộn, có vẻ từ bi, tự nhiên như đang chăm sóc bảo vệ chúng sinh.
Những người kính ngưỡng Phật Pháp và biết về Lạc Sơn Đại Phật có lẽ chỉ biết tới người khởi công chỉ huy xây tượng là Hải Thông thiền sư mà không biết rằng Vi Cao chính là người cuối cùng hoàn thành công trình vĩ đại này, lại càng không biết rằng ông vốn là Gia Cát Lượng chuyển sinh vậy.
Theo Epoch Times
Kiên Định
Nguồn:http://www.dkn.tv/van-hoa/gia-cat-luong-chuyen-sinh-vao-thoi-duong-lam-dai-tuong-hoan-thanh-su-nghiep-dang-do-nghin-thu.html