Để khai phá thêm thị trường cho sân khấu kịch nói vốn luôn đứng trước nguy cơ bị thờ ơ bởi công chúng, sân khấu kịch trong nước, đặc biệt là các sân khấu phía Nam từ lâu đã đưa những ý tưởng bám rất sát với thực tế đời sống và vấn nạn xã hội lên sàn diễn.
Mới đây, sân khấu kịch Hồng Vân vừa tung ra vở diễn mới có tên “Phục diện pháp y” của tác giả Quỳnh Trâm. Đây cũng là vở diễn đầu tay của diễn viên trẻ Baggio trong vai trò đạo diễn.
Vở diễn đề cập đến vấn đề buôn bán nội tạng lồng ghép trong một câu chuyện về tình cha con. Đạo diễn cho hay “Phục diện pháp y” hầu như không có tuyến nhân vật xấu, chỉ có những hành động và cách làm sai mà thôi.
Vở nói về Trần Tâm, một người chuyên làm công việc phục diện cho tử thi, anh suy sụp sau cái chết của vợ và bệnh tim bẩm sinh của cô con gái nhỏ, nên đã từ bỏ công việc hiện tại. Đồng thời lúc này đã xảy ra một vụ án mạng không manh mối khiến phía cảnh sát vô cùng bế tắc khi không có sự hợp tác của anh.
Bệnh tình con gái Trần Tâm ngày càng nặng hơn và cần một trái tim để thay thế. Làm thế nào để Trần Tâm cứu sống được con gái mình đồng thời lấy lại cân bằng cuộc sống và giải mã vụ án hóc búa. Vở diễn có sự tham gia của các diễn viên Lê Quốc Nam, Trung Dũng, Lê Phương, Baggio, Xuân Nghị, Minh Nga, Mã Như Ngọc…
Nói về cơ duyên hình thành tác phẩm đầu tay ở cương vị đạo diễn, Baggio chia sẻ: “Tôi và vợ thử bắt tay viết kịch bản Phục diện pháp y theo thể loại kinh dị – hình sự vì muốn thử sức xem mình viết có hấp dẫn không. Sau đó, tôi có đưa cho mẹ (nghệ sĩ Hồng Vân – PV) xem thử”.
Sau đó nghệ sĩ Hồng Vân đã đề nghị Baggio thử sức ở vị trí mới. “Từ lâu tôi đã có sự thích thú ở vai trò này. Khi tập vở, tôi hay chú ý cách anh chị khác đạo diễn ra sao, xử lý ánh sáng thế nào, ứng dụng những hiệu ứng kỹ thuật… Mẹ cũng động viên ‘Con cứ làm, mẹ sẽ theo sát và cố vấn cho con!’”.
Đây không phải là lần đầu tiên vấn nạn buôn nội tạng xuất hiện trên các sân khấu kịch. Trong “Điềm báo”, một vở kịch khác của sân khấu Hồng Vân, sở trường kịch mang hơi hướng kinh dị này đã được khai thác đan xen với các yếu tố hài hước để tạo cảm giác nhẹ nhàng cho khán giả, đồng thời đề cập tới thực trạng buôn bán nội tạng con người – một tội ác kinh hoàng vượt quá tưởng tượng của thế giới văn minh nhưng lại chưa nhận được sự quan tâm xứng đáng.
Đối diện với sự khủng hoảng phải thay đổi để thu hút thêm nhiều sự quan tâm của người yêu kịch, các sân khấu trong nước, đặc biệt là các sân khấu khu vực phía Nam đã khai thác ngày càng nhiều những tác phẩm có yếu tố kinh dị.
Tuy nhiên, câu chuyện kinh dị có thật này thậm chí còn đáng sợ và đen tối hơn rất nhiều so với những gì có thể đưa lên sàn diễn. Trong những phân cảnh tái hiện được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tội ác kinh hoàng này, nhiều chi tiết thật đã phải bị che bớt hoặc cảnh báo để người xem không bị chấn động quá. Nhưng những gì mà chúng ta không thể hình dung ra nổi lại là nỗi thống khổ của hàng triệu nạn nhân đã được ghi nhận trong nhiều báo cáo điều tra có tính thuyết phục.
Sau đây là một trong rất nhiều những câu chuyện có thật về tội ác được gọi tên là “chống lại loài người” này. Nó còn kinh dị hơn rất nhiều những gì sân khấu kịch có thể khai thác.
Ông Wang (tên nhân vật đã được thay đổi) đã sống ở Canada trong nhiều năm, nhưng chỉ mới gần đây ông mới dám bước ra kể lại một chuyện không thể tưởng tượng nổi mà ông đã trải qua khoảng 20 năm trước ở Trung Quốc. Khi còn là một bác sĩ thực tập trẻ tuổi, ông đã bị bắt phải tham gia mổ cướp nội tạng của một người vẫn còn đang sống.
“Sự việc xảy ra vào những năm 1990. Hồi đó tôi là một bác sĩ thực tập tại Khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Quân đội Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Một hôm, bệnh viện nhận được một cuộc gọi điện thoại từ Quân khu Thẩm Dương, yêu cầu các nhân viên y tế ngay lập tức thực hiện một nhiệm vụ quân sự.
Vào buổi chiều, trưởng bộ phận của tôi bắt đầu điểm danh. Sáu nhân viên được gọi, bao gồm hai y tá, ba bác sĩ và tôi.
Chúng tôi được lệnh phải ngừng liên lạc với bên ngoài, kể cả gia đình và bạn bè, cho đến khi nhiệm vụ kết thúc. Chúng tôi không được phép lưu giữ hay sử dụng điện thoại hay bất cứ công cụ thông tin liên lạc nào.
Chúng tôi bước vào một chiếc xe tải đã được cải tiến, trước xe chúng tôi là các xe quân sự chở đầy binh lính có vũ trang. Những xe quân sự này có đèn để dẹp đường, và chúng tôi đi rất nhanh. Các cửa sổ của xe chúng tôi được che bằng vải xanh nước biển nên chúng tôi không thể thấy xe đang đi đâu.
Cuối cùng chúng tôi đến một nơi được bao quanh bởi các ngọn núi. Nhiều binh lính đang đứng gác ở đó. Một sĩ quan quân đội đón chúng tôi, và chúng tôi được sĩ quan này cho biết rằng chúng tôi đang ở một nhà tù quân sự gần thành phố Đại Liên.
Sáng hôm sau, sau khi một y tá đi theo hai người lính để lấy một số mẫu máu, chúng tôi được lệnh lên xe. Chúng tôi dừng lại ở một chỗ mà tôi không biết. Những binh lính có vũ trang vây quanh xe chúng tôi.
Ngay sau đó, bốn người lính khiêng một người đàn ông vào trong xe, và để anh ấy lên một cái túi nhựa màu đen dài khoảng 2,1m.
Hai bàn chân của người đó bị trói chặt vào nhau bằng một loại dây đặc biệt, chắc và rất mảnh như sợi khiến nó cắt vào thịt của anh ấy. Anh ấy bị trói chặt xung quanh cổ, hai cánh tay bị trói ra sau lưng, và sợi dây đó kéo xuống hai đùi – để không cho anh ấy vùng vẫy và cử động được. Vì nếu thay đổi tư thế, sợi dây sẽ cứa vào cổ. Cổ anh ấy đã bị một vết thương nặng, vì thấy máu ộc ra từ cổ họng.
Một bác sĩ bảo tôi giữ yên anh ấy. Khi tôi chạm vào hai đùi anh ấy, tôi cảm thấy chân vẫn còn ấm.
Các bác sĩ và y tá nhanh chóng mặc quần áo mổ vào. Tôi là trợ tá của họ, phụ trách việc cắt động mạch, tĩnh mạch, và ống dẫn nước tiểu. Một y tá cắt mở áo của người đàn ông và bôi chất khử trùng lên ngực và bụng anh ấy ba lần. Sau đó, một bác sĩ dùng một con dao mổ để cắt từ mũi ức (chỗ dưới ngực) thẳng xuống rốn.
Tôi thấy hai đùi của anh ấy đang co giật, nhưng cổ họng anh không thể phát ra âm thanh nào.
Người bác sĩ này sau đó mở khoang cơ thể, làm máu và ruột đều đột ngột tràn ra ngoài. Bác sĩ đẩy đống ruột sang một bên, và nhanh chóng bắt đầu cắt lấy một bên thận. Một bác sĩ khác sau đó bắt đầu cắt quả thận bên kia.
Rồi tôi nghe thấy một bác sĩ bảo tôi cắt động mạch và tĩnh mạch – khi tôi làm, máu phun ra người tôi. Máu của anh ấy vẫn còn chảy, có nghĩa là anh ấy vẫn còn sống. Những thao tác của các bác sĩ đó rất nhanh và thành thục. Họ bỏ hai quả thận vào một hộp giữ nhiệt.
Sau đó một bác sĩ khác bảo tôi lấy hai cầu mắt ra. Tôi nhìn vào mặt người đàn ông, thấy hai mắt anh ấy nhìn tôi trừng trừng với sự kinh hãi tột độ. Tôi cảm thấy anh ấy đang thực sự nhìn tôi. Hai mi mắt anh ấy động đậy. Anh ấy vẫn còn sống.
Đầu óc tôi trở nên trống rỗng, người tôi run bắn lên và mềm nhũn, và tôi không cử động được. Thật quá kinh hoàng! Tôi bảo người bác sĩ đó là tôi không thể làm việc này được.
Sau đó một bác sĩ khác dùng tay trái ấn mạnh đầu người đàn ông xuống sàn, và dùng hai ngón tay mở một bên mi mắt ra. Rồi ông ấy dùng tay phải cầm cái kẹp móc toàn bộ một cầu mắt ra.
Tôi không thể làm gì sau đó, rùng mình và toát mồ hôi, gần như muốn quỵ xuống.”
“…Bị sốc và sợ hãi tột cùng, sau khi về nhà tôi bị sốt. Tôi không dám nói với bất cứ ai về việc đó. Không ai trong gia đình tôi biết. Không lâu sau ca mổ đó, tôi rời Bệnh viện Đa khoa Quân đội Thẩm Dương.
Tuy nhiên, nỗi hoảng sợ còn lâu mới hết. Tôi đã chứng kiến tận mắt một nhân mạng bị tra tấn và giết chết. Sức ép tinh thần đó đã khiến tôi khổ sở. Trong một thời gian rất dài không kể ngày hay đêm, tôi vẫn có thể mường tượng hai mắt của người đó đau đớn và kinh hãi, nhìn tôi chằm chằm. Tôi đã không dám nhắc đến việc này trong nhiều năm liền , vì cứ nghĩ đến là tôi muốn sụp xuống.
Khi các phương tiện truyền thông ở nước ngoài vạch trần việc thu hoạch nội tạng của những người tập Pháp Luân Công (vào năm 2006), ngay lập tức tôi biết rằng mọi thứ đều là sự thật. Những việc làm đó từ lâu đã tồn tại trong quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cuộc đàn áp Pháp Luân Công chỉ cho họ một nguồn nội tạng dồi dào hơn mà thôi”.
Ngày 20 tháng 6 năm 2015, Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) đã cho công bố kết luận điều tra: “Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự chỉ huy của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đã giết trên 2 triệu học viên Pháp Luân Công để mổ sống lấy nội tạng”, tin này được xác thực vào ngày 24 tháng 6 năm 2015 trong cuộc điện đàm với một Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị của ĐCSTQ là ông Trương Cao Lệ. Phát ngôn viên của WOIPFG, ông Uông Chí Viễn nói: “Đây là con số vô cùng ghê rợn, nhưng hoàn toàn đáng tin”.
Những câu chuyện kinh dị vẫn đang diễn ra ở bên ngoài căn nhà ấm cúng của chúng ta. Nó chân thực và u ám đến nỗi khi biết được sự thật, chúng ta không dám tin và không muốn biết thêm bởi nó quá đau thương và khủng khiếp. Cuộc sống của chúng ta vốn đã luôn có những khó khăn rồi, nên chúng ta hình thành phản xạ không muốn biết thêm những điều kinh hoàng khác nữa. Nhưng im lặng trước cái ác là thỏa hiệp và đồng lõa với nó.
Bạn có thể nói “tôi có làm được gì để cải thiện tình hình đâu?”, “nó diễn ra ở đâu đó chứ không liên quan đến tôi và gia đình tôi”… Nhưng chỉ cần bạn chia sẻ thông tin với người khác, nâng cao nhận thức cho người thân và cộng đồng thì tội ác như dần bị lôi ra ánh sáng. Khi càng nhiều người biết tới nó, hiệu ứng cánh bướm sẽ làn tỏa và bóng tối sẽ không thể tiếp tục che dấu cho ác thú lộng hành được nữa.
Bên cạnh đó, nếu bạn im lặng và tiếp tục tạo cơ hội cho tội ác diễn ra, lúc nào đó nó sẽ đến gõ cửa nhà bạn. Hiện này, vấn nạn bắt cóc, mổ cướp nội tạng đã lan tới Việt Nam và nhiều nước trong khu vực. Bạn có thể làm gì để bảo vệ gia đình mình? Đơn giản nhất là nhận thức và lên án tội ác kinh hoàng này.
Nó không chỉ là một vở kịch trên sàn diễn, đó là sự thật khủng khiếp, đen tối và chưa từng xuất hiện trong lịch sử. Đó là bóng đen đang bao phủ toàn nhân loại, bạn và tôi, chúng ta đều có trách nhiệm phải hành động.
Thu Hiền
Nguồn:http://www.dkn.tv/van-hoa/nan-buon-noi-tang-nguoi-len-san-khau-kich-trong-nuoc-cau-chuyen-that-con-kinh-di-hon-gap-nhieu-lan.html