Blog Tâm Thức
Có một quy luật nào đó vĩnh viễn bất biến, chi phối hết thảy mọi thứ trong vũ trụ
Tuesday, 17/10/2017 10:00 am

Blog Tâm Thức

Nếu có một quy luật nào đó vĩnh viễn bất biến, chi phối toàn thế giới con người, thậm chí toàn vũ trụ này thì đó chỉ có thể là luật nhân quả. Hành thiện thì tích đức, hành ác thì gánh nghiệp, chuyện đó xem ra không cần bàn cãi nhiều. 

Hãm hại Phật lại thành tự hại mình

Sau khi Đức Thích Ca Mâu Ni tu thành đạo, trên con đường giáo hóa chúng sinh luôn luôn được người dân chào đón. Một ngày kia, Đức Phật gặp phải một vị Bà La Môn có lòng căm thù rất sâu với Ngài. Ông ta nhìn thấy chúng sinh đều tôn kính Đức Phật như vậy, trong lòng càng thêm căm hận, bèn tìm mọi cách để hãm hại Đức Phật.

Để thực hiện âm mưu của mình ông ta trà trộn vào đám đông cùng mọi người và đi theo phía sau Đức Phật. Trong lúc Đức Phật đang tuyên giảng Phật Pháp, ông ta rón rén đến sau lưng Ngài, lấy tay bốc lấy hai nắm cát lớn, ném thẳng vào mắt của Phật Đà. Ngờ đâu “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Chính ngay lúc ấy bỗng có một trận gió lớn thổi về phía của vị Bà La Môn. Kết quả toàn bộ số cát cũng đều bay tạt vào mắt của vị Bà La Môn. Y quá đau đớn, ngay lập tức bò lăn ra đất, giãy giụa rên la.

Mọi người nhìn thấy cảnh tượng này đều cười nhạo y. Đối diện với nhiều ánh mắt giận dữ như vậy, vị Bà La Môn liền quỳ xuống khẩn cầu Đức Phật tha tội. Lúc này, Đức Phật Thích Ca điềm tĩnh cất giọng từ bi: “Nếu muốn bôi nhọ hoặc làm hại người lương thiện, cuối cùng nhất định sẽ làm tổn hại chính mình, mọi người hãy nhớ kỹ! Bà La Môn, ông cũng đứng dậy đi!”. Vị tu sĩ Bà La Môn sau khi nghe xong cảm khái muôn phần, cuối cùng cũng đại triệt đại ngộ và đã quy y tăng đoàn.

Hãm hại Đức Phật chính là hãm hại bản thân mình. Ảnh dẫn theo youtube.com

Vương Ôn Thư tự chuốc lấy ác báo

Vương Ôn Thư là người Đông Hán, thời trẻ chơi bời lêu lổng, không nghề không nghiệp, tính cách hung bạo, chuyên làm các việc xấu xa. Ban đầu địa phương cho Vương thử làm đình trưởng trong huyện, nhưng sau vài lần không làm tốt công việc nên bị miễn chức. Về sau, Vương được làm tiểu lý trong nha huyện, rồi nhờ nâng đỡ mà được lên làm đình úy sử.

Sau khi nhậm chức, Vương Ôn Thư trở nên thô bạo, giết hại nhiều người, không quan tâm đến luật pháp quốc gia, đối với những đại án, nghi án thì lại càng mập mờ khó phân biệt. Khi triều đình miễn bỏ chức đình úy, Vương được lên làm trung úy, rồi lợi dụng chức quyền để trọng dụng những kẻ giảo hoạt làm đồng sự.

Những kẻ này vốn giỏi luồn lách pháp luật, chúng muốn trừng trị ai thì không từ một hình phạt tra khảo đánh đập nào. Rất nhiều người đã bị bức hại cho đến chết, chẳng mấy ai có thể sống sót trở về. Vương Ôn Thư coi luật pháp như trò đùa, mỗi lần thẩm án thường làm liên lụy đến người khác, thậm chí có lần còn làm hại đến hàng trăm hộ gia đình. Mạng người bị Vương coi như cỏ rác.

Vương chỉ quan tâm đến quyền lực. Đối với những người dân vô tội không quyền không thế, Vương tỏ ra tàn bạo vô cùng. Những người bị Vương giết chết đa phần đều là người dân bình thường, tay không tấc sắt. Còn trước mặt những kẻ quyền thế thì Vương lại đổi sang bộ mặt xu nịnh, gian trá.

Sở dĩ Vương từ một chức lính quèn mà leo lên địa vị cao là nhờ cấu kết với những người đó. Chính vì thế mà rất nhiều kẻ quyền thế cũng dựa vào Vương để tác oai, tác quái. 

Vương Ôn Thư thấy con đường quan vận hanh thông nên đã cùng tay chân thuộc hạ lợi dụng quyền uy để vơ vét của cải, vàng bạc chất đầy nhà. Vương tìm mọi cách để trục lợi, kẻ phạm tội chỉ cần dùng tiền để mua tính mạng. Đối với tài sản bị tịch thu cần nộp cho triều đình Vương cũng tìm cách để chiếm đoạt. 

Kẻ luôn làm những việc độc ác thì cuối cùng cũng phải nhận báo ứng. Ảnh dẫn theo soha.vn

Việc ác cuối cùng cũng bại lộ, về sau có người tố giác Vương có ý đồ mưu phản, những việc làm xấu xa của Vương cũng bị vạch trần theo. Vương Ôn Thư biết tội của mình sẽ bị trừng phạt, tự biết ngày tàn đã đến nên tìm đến con đường tự sát. Những kẻ tay chân cũng lần lượt bị trị tội. 

Vương Ôn Thư lợi dụng quyền thế để tư lợi cá nhân và sát hại người khác vô tội. Nhưng Vương không biết rằng quyền lực chỉ là nhất thời, kẻ làm điều ác nhất định sẽ không thể thoát khỏi kết cục của trừng phạt báo ứng nhân quả, hại người cũng là tự hại mình, cuối cùng đã tự hủy đi con đường lui của bản thân, sau khi qua đời thì quả báo còn khủng khiếp hơn nữa. 

Mê muội lừa gạt người khác gây tổn phúc tận thọ

Vào thời nhà Thanh, tri phủ huyện Mông Hóa ở Vân Nam tên là Tào Ngũ Tập là người Vô Tích, con trai ông là Tào Mỗ, là cử nhân khoa hiếu liêm năm Canh Ngọ thời Càn Long, cũng là môn sinh của tuần phủ Giang Tô Trang Tư Phố.

Năm Càn Long thứ 21, ở Vô Tích xảy ra trận đại ôn dịch. Có một người tên là Hoa ở Vô Tích muốn làm việc thiện nên đã quyên góp mấy bức tranh cổ của gia đình. Ông đưa tranh nhờ Tào Mỗ đi bán, dặn dò rằng: “Anh cố gắng đổi lấy tám trăm lượng bạc rồi dùng tiền đó để lo mai táng cho người bị bệnh chết”. 

Tào Mỗ đem tranh đến Trang Gia ở Tô Châu cho Trang Tư Phố xem. Trang Tư Phố nghe thấy Tào Mỗ nói là bán tranh lấy tiền để làm việc thiện thì vô cùng cảm kích, hơn nữa chất lượng của tranh cũng rất tốt nên liền đưa cho Tào tám trăm lượng bạc. Sau khi trở về Vô Tích, Tào lại chỉ đưa cho Hoa tám mươi lượng bạc nói: “Tranh của ngươi chỉ bán được từng này tiền thôi”. Hoa không có cách nào khác, đành đi mua mấy cái tiểu, rồi chôn cất những bộ xương khô, còn những thi thể khác thì không có đủ tiền để mua quan tài mai táng.

Không lâu sau, Tào Mỗ đột nhiên ngã bệnh rồi qua đời. Tào Ngũ Tập mất đi người con trai duy nhất thì vô cùng đau khổ. Ông cố cầm lòng kìm nén đau khổ, viết một bức điếu văn cho Đông Nhạc Thần rằng: “Tôi cả đời làm quan thanh liêm mẫu mực, con trai cũng không có tội tình gì, không nên gặp phải báo ứng như vậy!”. 

Sau đó ông về nhà đi ngủ, trong giấc mơ liền gặp một người mặc áo xanh mang theo lệnh bài của Đông Nhạc Thần, gọi ông đến nói chuyện. Tào Ngũ Tập liền đi theo người đó đến một cửa điện lớn. Đông Nhạc Thần tiến đến và nói: “Ông là một vị quan tốt, điều này không sai, nhưng con trai ông gần đây đã làm việc xấu, lấy đi tiền tài, cướp đi phúc lành của người khác, khiến cho hàng nghìn người phải phơi xương nơi đồng không mông quạnh! Nếu ông không tin thì hãy về mở chiếc hòm trong thư phòng con trai ông mà xem!”. Nói xong, Đông Nhạc Thần sai người dẫn một phạm nhân bị đeo xích vào, Tào Ngũ Tập nhận ra đó chính là con trai mình! Ông ôm lấy con trai mà khóc lóc thảm thiết rồi đột nhiên giật mình tỉnh giấc.

Ông vội vã đến thư phòng của con trai mở hòm ra xem, phát hiện ra trong hòm có hơn bảy trăm lượng bạc trắng, hỏi gia nhân thì biết đây là tiền mà con trai ông bán tranh có được, việc này ngay cả con dâu cũng không biết. Tào Ngũ Tập hiểu ra là con trai mình bị báo ứng, nên từ đó không còn quá đau khổ và nhắc đến việc của con trai nữa.

***

Của cải vật chất là thứ sinh không mang đến, chết không mang theo, còn sức khỏe và sinh mệnh thì không có danh lợi và tiền tài nào có thể đổi được. Mê muội lừa gạt người khác, chiếm đoạt tiền tài người khác một cách phi lý phi pháp là tự làm tổn hại đến phúc phận của bản thân. Phúc lộc thọ cũng theo đó mà giảm đi, khi báo ứng đến thì tiền tài chiếm đoạt được chẳng còn ý nghĩa gì nữa! 

Những kẻ chỉ biết đến tư lợi cá nhân, bất chấp thiên lý, tính toán đi tính toán lại thì cuối cùng cũng đã tự tính mình vào trong đó. Chúng ta cần phải làm việc dựa theo lương tâm, đạo đức, bởi tất cả phúc phận, phúc lành đều đến theo những việc làm tốt.

Thần Phật từ bi và công bằng với nhân loại và luôn ban cơ hội cho con người khi tai họa sắp ập đến hay khi lợi ích cá nhân gặp mâu thuẫn. Đáng buồn thay, một số người không tin điều này và đánh mất mạng sống của mình. Ảnh dẫn theo youtube.com

Ngày nay, vô số người không tin sự tồn tại của chư Thần, làm những gì mình muốn mà không có một sự kiềm chế nào mà hành ác. So với người xấu trong những câu chuyện lịch sử đó, thì hành vi của con người bây giờ là vượt quá xa. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi họ phải gánh lấy nghiệp quả của mình. Dễ thấy nhất chính là các loại bệnh dịch ngày càng nhiều, cuộc sống người ta ngày càng trở nên mong manh hơn.  

Có thể bởi vì những tai họa xảy ra với người khác, ở nơi cách xa mình mà người ta không tỉnh ngộ, một vài người còn có ý cầu may. Họ không hiểu ra đó là lời cảnh tỉnh của chư Thần mà vẫn nhắm mắt phạm hết tội này đến tội ác khác, khinh khi luật nhân quả. Nhưng họ không biết rằng Thiên lý vốn công bình đang phán xét và sẽ không bỏ qua bất cứ ai. Đến khi đại nạn ập đến thì hối hận cũng phỏng có ích gì?

Thiện Sinh

Nguồn:http://www.dkn.tv/van-hoa/co-mot-quy-luat-nao-do-vinh-vien-bat-bien-chi-phoi-het-thay-moi-thu-trong-vu-tru.html