Có lẽ đây là một từ được sử dụng với tần suất nhiều nhất ở Anh Quốc, họ luôn lấy làm tiếc khi thời tiết không tốt hay xin lỗi vì có ai đó đã va chạm vào họ. Người Anh cứ một hay hai giờ lại thốt ra lời xin lỗi. Một cuộc khảo sát gần đây với hơn 1.000 người Anh cho thấy rằng một người bình thường nói “xin lỗi” khoảng tám lần mỗi ngày – và cứ tám người thì có một người xin lỗi đến 20 lần một ngày.
Nhà văn Henry Hitchings nhận xét trong tác phẩm: “Xin lỗi là tập quán văn hóa của người Anh” rằng: “Điều đáng lưu ý là người Anh họ sẵn lòng xin lỗi về một việc mà họ không gây ra, nó thật sự thể hiện sự không hài lòng về bản thân và thực tâm xin lỗi về những gì mà họ đã làm”.
Trong cuốn sách “Quan sát người Anh”, nhà nhân chủng học xã hội Kate Fox mô tả những tình huống mà trong đó cô cố tình va vào hàng trăm người khác ở các thị trấn và thành phố trên khắp nước Anh. Cô cũng khuyến khích các đồng nghiệp làm tương tự ở nước ngoài, để so sánh. Fox phát hiện ra rằng khoảng 80% nạn nhân người Anh nói “xin lỗi” – mặc dù các va chạm rõ ràng là lỗi của Fox. Thường thì lời xin lỗi đó là lúng túng, và có thể người ta nói mà không hề nhận ra lỗi đó có thực sự là của họ? nhưng so với kết quả mà thu được từ khách du lịch từ người dân các nước khác, thì sự khác biệt là rất rõ rệt. Fox viết: “Chỉ có người Nhật và người Anh là có phản xạ rất nhanh trong việc xin lỗi”.
Xin lỗi không phải là “xin lại cái lỗi” mà còn là sự tôn trọng
Xã hội Anh được đánh giá cao ở việc các công dân của họ tỏ ra tôn trọng mà không áp đặt lên không gian cá nhân của người khác, và không lấy quyền lợi của cá nhân mình làm trọng. Các nhà ngôn ngữ học đánh giá rằng người Anh coi việc chạy theo lợi ích bản thân, bất chấp hậu quả mà họ gây ra cho người khác là một hành vi mất lịch sự và tiêu cực.
Đôi khi người Anh dùng từ “xin lỗi” như một câu xin phép được hỏi chuyện một người lạ khi cần được giúp đỡ hay cần hỏi một thông tin. Đó là một cách thể hiện sự tôn trọng đối với quyền cá nhân của đối phương.
Một cách đầy rộng lượng để hướng thiện nhân tâm
Và văn hóa xin lỗi của người Anh còn có những mặt tích cực khác nữa ngoài việc tôn trọng cá nhân. Khi một người nói lời xin lỗi với những kết quả mà họ không gây ra, đó thật ra là cách giúp đối phương nhìn nhận lại chính bản thân mình, từ đó vun đắp lòng tin. Đó chính là cách chúng ta dùng sự từ bi để khiến người khác động lòng và cải biến bản thân. Con người thường bị tập trung vào những điều phi lý, khi rõ ràng lỗi không phải ở bạn mà bạn xin lỗi thì đối phương sẽ thắc mắc và bắt đầu nhìn lại xem liệu có phải là lỗi ở mình không. Ngược lại, sự chê trách, phê phán sẽ khiến con người ta hình thành phản xạ phủ nhận và tìm ngược lại sự bất toàn ở người khác.
Vị tha – Vì người khác
Một điểm tích cực của việc nói xin lỗi khi mình không có lỗi ví dụ như “Tôi rất tiếc (xin lỗi) vì cơn mưa”, người xin lỗi thừa nhận tình huống không may, đứng vào vị trí quan điểm của nạn nhân và biểu lộ sự đồng cảm với tình huống tiêu cực – mặc dù nó nằm ngoài sự kiểm soát của họ. Đây chính là việc đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu và cảm thông. Đó là một nét văn hóa đẹp đã hình thành thói quen thông qua những biểu hiện đơn giản nhất trong đời sống hàng ngày. Từ những điều nhỏ nhặt như vậy, con người lớn lên trong xã hội có nét văn hóa đó sẽ tự nhiên được tiếp thụ cách nghĩ vị tha – vì người khác mà không cần tới những giáo điều khô cứng.
Và nhất quyết không phải là thể hiện của sự yếu đuối
Vậy còn những trường hợp nào khi chúng ta biết rằng chúng ta thật sự nợ một ai đó lời xin lỗi? Tốt hơn là vứt bỏ cái tôi của bản thân và nói bạn xin lỗi, hoặc – như nam diễn viên người Mỹ John Wayne đã nói:
Việc xin lỗi có phải là dấu hiệu của sự yếu đuối? Chắc chắn không phải như vậy. Đôi khi một lời xin lỗi chính là thể hiện sự mạnh mẽ, dũng cảm đối diện với chính cái sai trái của bản thân, để sửa đổi nó trong những lần tiếp theo.
Nhưng những lời xin lỗi có hiệu quả phải là lời xin lỗi mà người nhận cảm thấy được sự chân thành ở đó. Do đó nếu như bạn thật sự xuất phát từ tận tâm mình mà nói lời xin lỗi thì nó sẽ giúp bạn nhận được một niềm tin tưởng tuyệt đối từ đối phương.
Một lời xin lỗi đúng đắn là một lời xin lỗi chân thành và phải chỉ ra được lỗi lầm đó, cũng như lời hứa hẹn sẽ không lặp lại lỗi lầm đó trong tương lai. Như việc một bà mẹ dạy con mình xin lỗi khi ném đá vào người khác, đứa trẻ sẽ được dạy là đến gần nạn nhân nhìn thẳng vào mắt họ mà chân thành nói lời xin lỗi vì đã ném đá vào họ và hứa rằng sẽ không lặp lại lần sau.
Trong cuộc sống có 4 từ mà ta thường được nhắc là sử dụng nhiều nhất khi dạy con trẻ đó là: “cảm ơn” và “xin lỗi”. Chúng ta luôn nói lời cảm ơn cho dù đó là điều rất nhỏ bé ai đó làm cho bạn, và nói lời xin lỗi khi điều tồi tệ xảy ra với ai đó, cho dù bạn có gây ra nó hay không?
Sống trong văn hóa biết ơn, tạ lỗi và cảm thông là một nét đẹp trong cuộc sống mà con người cần phải bảo tồn, nó giúp con người hoàn thiện hơn và thăng hoa hơn trong tình cảm, gắn kết con người với nhau bằng tình người nồng ấm.
Tịnh Tâm
Nguồn:http://www.dkn.tv/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/gan-13-nguoi-anh-xin-loi-20-lan-mot-ngay-tai-sao-cau-noi-nay-co-y-nghia-voi-ho-den-the.html