Nơi níu giữ tâm hồn
Một buổi trưa nắng gắt, chúng tôi tìm về giáo xứ Tây Hải, phường Hố Nai, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, nơi xây nghĩa trang cho những hài nhi kém may mắn. Mặc cho cuộc sống con người nơi phố thị nhộn nhịp với bao bon chen giữa dòng đời hối hả, nhưng nơi đây vẫn có những con người bỏ lại gánh mưu sinh để rồi lao vào làm công việc hết sức cao cả – đó là nghề nhặt hài nhi.
Khi chúng tôi hỏi thăm nghĩa trang hài nhi ở đâu, người dân nơi đây hầu như ai cũng quen thuộc, chỉ dẫn rất nhiệt tình. Nghĩa trang đặc biệt này nằm sâu trong một con hẻm ở trên đường Nguyễn Ái Quốc, khuất sau những dãy nhà cao cao, những khu phố sầm uất.
Linh mục Nguyễn Văn Tịch bên tủ đựng hài nhi mới được đưa về chuẩn bị làm lễ để chôn cất
Được biết, người đầu tiên khởi xướng ý tưởng lập nghĩa trang cho hài nhi này chính là linh mục Nguyễn Văn Tịch (SN 1971, Đồng Nai). Nói về nguyên nhân hình thành ý tưởng, vị linh mục này cho biết: “Chúng tôi cũng như các bác sĩ đều nghĩ rằng, những hài nhi bị bỏ rơi đều là những sinh linh bé nhỏ và có tính cách linh thiêng. Chỉ vì cuộc sống khó khăn của người cha người mẹ đã khiến họ phải dứt bỏ đứa con. Có nhiều người còn kể với chúng tôi sự ám ảnh của họ về việc dứt bỏ đứa con xấu số. Chính vì thế, xây nghĩa trang hài nhi cũng một phần chữa trị tâm linh và tâm lý cho những người đã phá bỏ đứa con của mình. Đồng thời, việc làm này cũng chính là nhằm tuyên truyền cho giới trẻ nhận thức được trách nhiệm của mình, hướng họ tới một lối sống tích cực, trách nhiệm hơn”.
Nghĩa trang cho những hài nhi được hình thành từ mảnh đất rộng khoảng 100m2, bên cạnh nghĩa trang giáo dân Tây Hải. Đây là phần đất những mạnh thường quân đóng góp cho nhà thờ. Nghĩa trang tuy nhỏ nhưng được thiết kế theo hình hai bàn tay. Tuy mới thành lập ngày 1/11/2011 nhưng tính cho đến nay, một người quản trang cho biết, đã có gần 2.000 hài nhi được chôn cất tại đây. Mỗi ngón tay là một ngôi mộ khổng lồ, được thiết kế thành nhiều ngôi mộ chồng lên nhau.
Những người quản trang ở đây cho biết, dù các hài nhi là những sinh linh bé nhỏ chưa chính thức được sinh ra trên cõi đời nhưng quy trình chôn cất rất chu đáo. Những ngôi mộ lớn được đào thành một hố sâu, sau khi được xếp đầy quan tài của các hài nhi thì sẽ được xây tường bít lại. Bên trên, những người thiện nguyện làm việc này trang trí bằng cách để rất nhiều đồ chơi. Một người quản trang nhận xét: “Những ngôi mộ chung như vậy chẳng khác gì một lớp học nhỏ. Những người làm việc này chỉ hi vọng nếu có thế giới bên kia thì các em có bạn bè và được vui chơi”.
Sau khi biết chuyện về nghĩa trang hài nhi này, người dân khắp nơi tìm về để nhằm gửi gắm những đứa con xấu số của mình, họ mong muốn con mình cũng có nơi có chốn để được an tâm. Bên cạnh đó, những người trong giáo xứ dành thời gian để đến những trung tâm, phòng khám bệnh xin bác sĩ những hài nhi không có ai nhận về. Những hài nhi này được cất giữ cẩn thận trong chiếc lọ thủy tinh. Mỗi tháng, nhà thờ sẽ làm lễ đưa tiễn những sinh linh bé nhỏ về nơi an nghỉ cuối cùng.
Hình ngôi mộ một ngón tay đã chất đầy đồ chơi trẻ con
Những người hùng không ồn ã
Chị Nguyễn Thị Căn, một người đã tham gia công việc này từ đầu chia sẻ: “Hồi đầu chúng tôi làm việc này, ai cũng bảo chúng tôi rảnh quá, không có việc gì làm mới đi làm ba cái chuyện này, rồi thì làm cái việc này không tốt theo khoa học chứng minh thế này thế nọ… Ngay cả gia đình cũng phản đối nhưng tôi đã xác định làm thì nên thành tâm thành ý và làm tới cùng. Đến nay, đã hơn một năm nhưng việc làm của chúng tôi được rất nhiều người chia sẻ. Mình không có nhiều tiền làm từ thiện thì bỏ thời gian ra góp phần chia sẻ những nỗi buồn với thiên hạ vậy, đó cũng là một phần tạo nên niềm vui hạnh phúc cho mình”.
Được biết, chị Căn hiện vừa buôn bán kiếm sống vừa chăm sóc hai con nhỏ nên công việc rất bận bịu. Dù vậy, chị vẫn sắp xếp thời gian để làm công việc thiện nguyện này.
Chị Căn kể: “Nhiều người cứ hỏi tôi có phải sống độc thân không, có phải không có chồng con hay sao mà rảnh thế. Những lúc như thế, tôi chỉ cười rồi sau đó giải thích cho họ nghe về tâm nguyện của mình. Có hôm, đang làm việc nhà nhưng nghe bác sĩ gọi điện bảo đến trung tâm phòng khám lấy hài nhi là tôi đi ngay. Tôi nghĩ làm việc gì cũng vậy, phải có cái tâm thì mới làm được. Và làm những việc này, mình mới biết rằng, được có mặt trên đời là hạnh phúc biết bao. Mình lại càng trân trọng cuộc sống, trân trọng những gì mình đang có và trân trọng những người xung quanh nhiều hơn”.
Anh Vinh, năm nay 48 tuổi, cũng là một người tình nguyện đi nhận hài nhi ở các nơi để về chôn cất ở nghĩa trang này. Dù gia đình riêng, hai đứa con phải chăm sóc và bao bộn bề cuộc sống nhưng anh vẫn đều đặn đến các phòng khám nhặt hài nhi mỗi khi có người gọi. Còn những khi rảnh rỗi hoặc sắp xếp được thời gian, anh lại ra nghĩa trang hài nhi chăm chút tưới nước để cho cây cỏ trên mộ phần các sinh linh nhỏ bé luôn được sạch đẹp.
Anh Vinh chia sẻ: “Ở đây có những mảnh đời bất hạnh lắm, có người bỏ thai rồi đưa đến đây xin được mai táng cho con. Họ nghẹn ngào trong nước mắt kể chuyện đời éo le của mình. Có gặp họ, mình mới thấu hiểu được nỗi đau khi lỡ bỏ thai nhi. Có người từng là công nhân làm ăn xa nhà, thiếu vắng tình cảm, nghe những lời tán tỉnh đường mật của tên sở khanh nào đó rồi trao cả đời con gái. Kết quả của sự nhẹ dạ cả tin đó là hình thành nên sinh linh bé bỏng. Nhưng khi đã no xôi chán chè, gã sở khanh bỏ của chạy lấy người, để lại cho cô gái một mình với cái bụng bầu. Bí bách quá cô gái phải đi giải quyết, lòng day dứt khi phải bỏ con nên tìm đến chúng tôi với hi vọng không nuôi được con thì tìm nơi an nghỉ cho nó”.
Để những bà mẹ mang thai có hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa không phải từ bỏ con mình từ trong trứng nước, giáo xứ Tây Hải còn xây mái nhà tạm lánh cho những người cơ nhỡ. Trò chuyện với chúng tôi, Nhung, một cô gái ở Long Khánh, Đồng Nai mới 18 tuổi ở với gia đình, nhưng do gia đình không quan tâm đến đời sống tình cảm nên cô đã trót mang thai với gã sở khanh. Sau khi biết chuyện, gã đã cao chạy xa bay, Nhung phải xin gia đình vào tạm lánh để sinh con. Hay có trường hợp là những sinh viên xa gia đình ở trọ rồi có những cuộc tình vụng trộm, đã để lại hậu quả nên phải giải quyết để tiếp tục việc học…
Anh Vinh kể: “Nhiều khi nửa đêm, bên nhà tạm lánh báo có người chuyển dạ sinh em bé là tôi chạy dậy chuẩn bị hành lý rồi chở họ vào bệnh viện làm thủ tục nhập viện. Mới đầu, bà xã hay làu bàu nhưng khi hiểu ra vấn đề thì lại vui vẻ ủng hộ. Bây giờ bà xã còn nhiệt tình hơn cả tôi. Nhiều khi nghĩ cứ coi họ như em út, người nhà mình thì không có gì là không thể làm được. Lắm lúc, người đời cứ nói, chửi bới các cô gái lầm lỡ thế này thế kia nhưng chúng tôi thì không bao giờ có chuyện đó, mỗi người một cảnh, một số phận, cần phải thông cảm cho họ. Chia sẻ khó khăn với những mảnh đời bất hạnh của các bà mẹ đơn thân giờ đã là chuyện bình thường đối với chúng tôi”.
Buổi lễ xúc động
Theo tìm hiểu được biết, mỗi tháng có ít nhất khoảng 150 hài nhi được làm lễ và chôn cất ở nghĩa trang này. Trước khi chôn cất, nhà thờ sẽ đứng ra làm một buổi lễ chung cho tất cả các sinh linh. Mỗi buổi lễ như vậy, thường có rất nhiều người tới dự. Trước đó, một số người đã đứng ra nhận những hài nhi này là con của mình, đến buổi lễ họ cầm trên tay những bình thủy tinh đựng hài nhi cùng làm lễ. Sau khi làm lễ ở nhà thờ xong, những ông bố bà mẹ thiện nguyện sẽ đưa các “con” của mình ra tận mộ để chúng được an giấc ngàn thu.
Lành Nguyễn – Theo Người đưa tin
TAMTHUC