Blog Tâm Thức
Khi hỏa táng người chết có nóng không?
Friday, 27/02/2015 00:00 am

Blog Tâm Thức

Câu hỏi hỏa táng có nóng không đang được đông đảo người dân thắc mắc, tò mò khi muốn chọn cách an táng cho người thân đã mất

Chúng tôi xin thưa là, sau khi xác thân này hư hoại, theo Phật giáo, thần thức sẽ tuỳ theo nghiệp lực mà tái sanh vào các cõi tương ứng với nghiệp nhân mà người kia đã gieo trồng, ngoại trừ các bậc đại giác như Đức Phật, các bậc Bồ-tát, các bậc A-la-hán đã giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi. Thế giới tình thức này không chỉ có cảnh giới con người, mà còn có các cảnh giới khác nữa, nếu tính từ dưới lên thì có: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, nhân và thiên.

Theo Phật giáo Nguyên Thuỷ việc tái sinh xảy ra tức khắc chỉ trong một sát na niệm tưởng, không để trống khoảnh khắc nào trong trạng thái lưng chừng như làn sóng điện lan trong không gian, tức khắc được phát sinh trong máy thu thanh hay thu hình.  Sự sinh tử này xảy ra cực kỳ nhanh chóng và được xem là một tiến trình liên tục.

hỏa táng

Còn theo Phật Giáo Bắc Tông cho rằng có một số trường hợp có thể phải qua giai đoạn chuyển tiếp, ở đó chúng sinh mang dạng “thân trung ấm” không hình tướng, lưu lại trong thời gian từ một đến bảy tuần lễ, thông thường thời gian thọ sinh là bảy ngày, tuy cũng có thể lâu hơn nữa do sở duyên chưa thích hợp.  Cũng theo thuyết này, thời gian bốn mươi chín ngày này rất là quan trọng vì các nghiệp lành và nghiệp dữ dằng co tâm thức, làm mê mê tỉnh tỉnh, phải cảm thọ những điều không yên ổn, không tự tại.  Vì vậy có tục lê cúng giỗ cầu siêu bảy tuần liên tiếp.

Như vậy dù là tái sinh tức thời hay tái sinh qua giai đoạn chuyển tiếp, mang thân trung ấm, thì thân xác lúc ấy chỉ còn lại là một cơ thể vật chất, các giác quan không còn hoạt động, mắt không thấy, tai không nghe, mũi không ngửi, tứ chi không còn cử động, vì vậy sẽ không còn có cảm giác thấy nóng khi đi hỏa táng nữa

Các bạn đừng tin lời những thầy bói khi gọi hồn kêu là người thân ở dưới nóng quá nhé, thực chất phần lớn những người di gọi hồn và xem bói thường tiết lộ ít nhiều cho các thầy bà biết là người thân được an táng như thế nào? Vì những người đi xem bói thường là đàn bà nên rất dễ khai thác thông tin vì khi đến những chỗ ấy thường là họ rất tin tưởng.

Nói tóm lại Phật Giáo không chủ trương hoả táng cũng như địa táng.  Mỗi phương cách, tuỳ thuộc từng địa phương, từng quốc độ và từng thời gian, đều có những lợi điểm và bất lợi điểm riêng, cho nên việc chọn lựa phương pháp an táng là do quyết định của gia quyến hay lời dặn dò của người sắp chết. Dù thiêu hay chôn thì thân xác của người chết không còn cảm giác nóng hay lạnh vì khi tứ đại tan rã, hệ thần kinh ngừng hoạt động, thần thức đã ra khỏi thân xác để đi tái sanh sang cõi khác.

Ngoài việc chọn lựa nên chôn hay thiêu, chúng ta cũng cần chọn lựa cho chính chúng ta một cuộc sống có ý nghĩa trong lúc chúng ta còn sống. Cuộc sống ăn hiền ở lành, làm lành tránh ác, giúp đỡ những người gặp hoạn nạn khổ đau do thiên tai bão lụt như nạn nhân cơn bão Katrina, mới là điều đáng quan tâm.  Trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta tạo nhân thiện hay nhân ác khi chúng ta lâm chung tuỳ theo việc làm lành hay dữ mà thọ sanh trong kiếp tới.  Nghiệp do chính mình tạo ra và nghiệp trở lại chi phối mình. Cũng như Nguyễn Du đã viết trong “Truyện Kiều”

Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Chính chúng ta chứ không phải một thần linh nào khác quyết định đời sống chúng ta, và chúng ta quyết định nó bằng các hành động qua thân, khẩu, ý hàng ngày, hàng giờ, hàng phút trong cuộc sống hiện tại.

Nguồn: Xuân Giao(sưu tầm)

TAMTHUC