Dân làng tự ý chuyển hướng ngôi đền thiêng ngoảnh mặt về đường cái lớn, ai đi qua không ngả mũ cúi chào là gặp điều chẳng lành.
Đến khi ngôi đình được xoay ngược lại, nhìn vào sông thì ngôi làng bên kia sông liên tục bị “bà hỏa” ghé thăm.
Huyền tích ngôi đền cổ
Không giống như nhiều ngôi đền thiêng, đường dẫn vào thường quanh co, hiểm trở và hoang vu khiến nhiều người chưa đến cửa đền đã rợn tóc gáy. Ngôi đền ở xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Tp. Hà Nội nằm sát con đường bê tông lớn, hướng xuôi theo dòng sông Nhuệ. Nhiều cây cổ thụ án ngữ cả trước và sau ngôi đền, khiến không gian ở đây mát mẻ và tĩnh lặng đến lạ thường dù đang vào giữa hè, tháng 7, trời nắng như đổ lửa. Không ai biết ngôi đền có từ bao giờ, niên đại thời nào, các cụ thượng thọ trong làng cũng lắc đầu không biết mà chỉ nghe các cụ đời trước kể lại.
Bà Cúc, người đã trông nom và hương khói ngôi đền này gần chục năm qua cho biết: “Ngôi đền trước đây nằm trên một thung lũng nhỏ, sát bên bờ sông Nhuệ. Vì không có ngọc phả nên không xác định được ngôi đền có từ bao giờ và thậm chí thờ vị thánh nào. Bản thân tôi và các cụ trong làng được kể lại vị trí ngôi đền đang ngự là một nơi cát địa, vào những đêm trăng sáng, tại vị trí ngôi đền bây giờ có mấy người con gái, ai cũng xinh đẹp như tiên nữ mặc áo trắng lượn bay, đi lại tại đó. Người dân lấy làm kinh hãi và cho rằng, vị trí đó ắt hẳn phải linh thiêng, cát địa nên cần phải lập am miếu để thờ”.
Ngôi đền Linh ứng từ cổ thần bạch nữ và cây đa cổ thụ trước cửa có từ bao giờ người dân trong làng cũng không rõ.
Cũng theo lời bà Thủ nhang, ban đầu ngôi đền chỉ có một gian hậu cung nhỏ để che mưa, che nắng tượng phật bên trong. Mãi sau này vị phu nhân của quan Thượng thư trong vùng đã công đức tiền của làm thêm một gian Đại bái bên ngoài hậu cung để người dân có chỗ đứng thắp hương, ngơi nghỉ trong lúc mưa nắng. Mới đầu, đền có tên là Linh ứng từ, sau này đền mới thêm ba chữ “Cổ thần nữ” và hiện tại là “Linh ứng từ cổ thần bạch nữ”. Ngôi đền cũng được bao thế hệ trong làng truyền miệng bài thơ về sự linh thiêng địa cát: “Nơi đây cát địa Nhuệ thủy lưu giang/Tú khí anh linh uy thần nữ/Hộ dân độ quốc dân an/ Nhân dân một thủa tôn thờ”.
Theo lời các cụ trong làng thì ngày trước, có một nhà nghiên cứu về văn hóa và khảo cổ học về làng tìm hiểu tất cả các ngôi đền, đình, chùa dọc theo dòng sông Nhuệ. Kết quả cho thấy, hầu hết các ngôi đền nằm dọc theo sông Nhuệ thờ vua hến. Tại sao lại thờ vua Hến, bởi ngày trước ở gần đây có khu rừng mòi, cỏ cây mọc um tùm. Một hôm, đức vua Lê đi săn qua bỗng gặp một người con gái tuyệt sắc giai nhân, rất giống với vị tiên nữ trong giấc mơ hiện về báomộng cho đức vua đánh trận và phò trợ nhà vua việc trị quốc bình thiên hạ. Sau đấy, đức vua đã rước người con gái xinh đẹp về cung và phong làm “Đô hộ phu nhân”. Sau này, nhiều ngôi làng dọc sông Nhuệ đã lập đền thờ vua Hến. Người làng cũng chỉ biết vậy, không có ngọc phả nên không biết chính xác ngôi đền thiêng có phải thờ vua Hến hay không.
Ngôi đền nằm lọt thỏm trước sau hai hàng cây cổ thụ, điều này càng khiến những câu chuyện về ngôi đền thiêng càng trở lên kỳ bí. Phía trước ngôi đền có hai cây đa cổ thụ cao vút, hàng chục dễ cây to bằng hai cánh tay đứa trẻ lên mười ôm mới hết, mọc ra đâm xuống đất tạo nên thế cây vững chắc. Phía sau ngôi đền là hai cây lộc vừng cổ thụ, mà hiếm nơi đâu có. Bà Cúc cho biết: “Đền có hai cây đa mọc trước đền và hai cây lộc vừng mọc phía sau. Chúng mọc lên tự bao giờ và do ai trồng, bản thân tôi và các cụ ba bốn đời trước cũng không biết. Ngày trước dòng sông Nhuệ chưa bị ô nhiễm, nước trong veo, người dân hai bên còn gánh nước về ăn. Vào mùa hoa lộc vừng nở rất đẹp, hai cây lộc vừng rủ xuống hoa rơi xuống dòng sông tạo thành mảng như một tấm thảm đỏ trôi theo dòng sông. Nhiều người bảo đền thờ thần cổ bạch nữ nên hoa lộc vừng mới kết đẹp như thế. Hơn nữa, một cành cây đa ngả dần xuống dòng sông Nhuệ vắt ngang qua phía sân đền và rất giống hình một con rồng”.
Điều đặc biệt, bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” được khởi quay vào năm 1984, quay chính tại ngôi đền thiêng này. Sau này bộ phim được bình chọn là một trong những bộ phim kinh điển của nền Điện ảnh Việt Nam và là một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc mọi thời đại.
“Ối làng nước ơi, cháy nhà”
Các cụ cao niên trong làng kể lại, ngày trước ngôi đền được làm ngoảnh mặt về hướng đường cái lớn, bất cứ người nào đi qua mà không ngả mũ cúi xuống thì về nhà sẽ bị ốm và gặp những điều không may mắn. Sau đấy, các cụ trong làng họp bàn và quyết định để hướng ngôi đền ngoảnh về con sông Nhuệ, nhìn trực diện vào ngôi làng bên kia sông. Đền được dựng xong nhưng chẳng được bao lâu, ngôi làng bị đền “chiếu tướng” thỉnh thoảng lại gặp hỏa hoạn. Thỉnh thoảng bên này sông vẫn nghe thấy tiếng người làng bên kia hô hào “ối làng nước ơi, cháy nhà” hô hào nhau múc nước sông dập lửa. Các cụ trong làng thấy lạ, bởi trước đó ngôi đền ngoảnh mặt xuôi theo bờ sông thì không có chuyện gì xảy ra. Nguyên nhân được các cụ thượng thọ trong làng tin rằng do ngôi đền thay đổi hướng không đúng ý ngài, khiến ngài phật ý và nổi giận nên mới trừng phạt.
Cuối cùng các cụ quyết định chuyển ngôi đền về hướng ban đầu xuôi theo dòng sông Nhuệ, từ đó cuộc sống của người dân trong làng mới yên ấm. Sau này, người ta vẫn nhắc đến câu chuyện chuyển hướng ngôi đền thiêng để nhắc nhở cho thế hệ sau biết mà tránh. Từ đấy, đến nay không ai dám mạo phạm, làm “phật ý ngài”, có làm gì cũng phải xin ý kiến ngài trước mới được làm.
Bà Cúc vẫn còn nhớ, hơn chục năm về trước, con trai chị Tin trong làng nghịch ngợm, leo trèo lên đỉnh ngọn đa trước cửa đền hái quả. Thằng bé bị ngã rơi xuống nhưng không bị làm sao. Nhiều người bảo, may mà ngài đã không phạt nặng, lần sau mà trèo nữa thì chỉ có chết. Cũng may, ngài nâng đỡ không chết toi rồi. Từ bấy đến nay, chị Tin, mẹ thằng bé ngày rằm, mùng một đều đến thắp hương cảm tạ ngài. Còn thằng bé giờ đã khôn lớn, học xong đại học có công ăn việc làm ổn định, những ngày lễ vẫn về thắp hương, nhớ ơn ngài đã tha mạng.
Bà Cúc, Chủ nhang ngôi đền thiêng Linh ứng từ cổ thần bạch nữ.
Kể từ đó, trẻ con trong làng tuyệt đối không dám leo trèo cây cối trong đền hoặc nô đùa gần đó bởi sợ ngài trách tội. Trước đây, có nhiều cháu làm điều gì đó không đúng ở đền thiêng nên bị ngài trách tội, không bệnh không tật gì mà lăn ra ốm, bố mẹ chạy chữa thế nào cũng không khỏi. Hỏi ra mới biết, do đến cửa đền đùa nghịch, các cụ mách nước, bố mẹ những đứa trẻ phải sắm lễ thắp hương tại đền mới được ngài xá tội.
Tâm linh không thể giải thích theo khoa học
“Trong hệ thống tín ngưỡng dân gian, đền thường thờ các vị thánh có tính chất siêu nhiên vừa nhân thần. Nói đến tín ngưỡng, niềm tin của con người thì khó có thể giải thích theo khoa học mang tính biện chứng được. Một ngôi đền thiêng thì có rất nhiều yếu tố tạo nên sự linh thiêng của nó. Sự linh thiêng ở đây có thể do con người cảm nhận, được thông qua việc cầu cúng, mong ước mà đạt được. Sự thiêng còn là yếu tố tâm lý của con người, con người tin rằng đó là thiêng. Tâm lý ở đây có thể là cá nhân, tâm lý xã hội, người này nói ngôi đền nào đó thiêng thì người kia nghe cũng nghĩ là thiêng.
“Trong cuộc sống, có những điều về tâm linh con người không thể giải thích được bằng những phạm trù, khái niệm, biện chứng duy vật. Đời sống con người không thể không có yếu tố thiêng, có như vậy con người mới thỏa mãn và thăng hoa. Con người luôn cần một niềm tin nào đó, dù niềm tin đó có được chứng nghiệm hay không, có như vậy con mới thực sự sống. Luật pháp trừng trị những người gây ra tội ác một cách công khai, còn sự linh thiêng của thần thánh thì ngăn chặn những tội ác từ trong tâm”, PGS. TS. Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị – Hành Chính Quốc gia Hồ Chí Minh) nói.
THIÊN VŨ – THÀNH HUẾ
Theo: ĐSPL
TAMTHUC