Người cổ đại đã sớm phát hiện ra sao Ngưu Lang và sao Chức nữ, thể hiện một vốn kiến thức thiên văn tiên tiến.
Tại hang động Lascaux ở miền trung nước Pháp, có nhiều tấm bản đồ miêu tả bầu trời đêm thời tiền sử được sơn lên các bức tường hang động.
Một trong những tấm bản đồ này, được cho là có niên đại từ 16.500 năm trước, miêu tả ba ngôi sao sáng chói, hai trong số đó vô cùng phổ biến bởi đã góp mặt trong nhiều truyền thuyết dân gian. Chúng lần lượt là Altair (còn gọi là sao Ngưu Lang), Vega (còn gọi là sao Chức Nữ), và sao Deneb.
Theo nhà nghiên cứu người Đức – TS. Rappenglueck từ Đại học Munich, ba ngôi sao này được miêu tả một cách gián tiếp trong một bức bích họa. Sao chức nữ, sao Deneb và sao Ngưu lang lần lượt là con mắt của con bò đực, người đàn ông và con chim.
Cũng theo TS. Rappenglueck, các bức họa cho thấy tổ tiên chúng ta có vốn kiến thức uyên thâm và tinh vi hơn chúng ta tưởng rất nhiều.
Bởi lẽ, ngoài tam giác mùa hè, trong hang động Lascaux còn có các bản đồ thiên văn khác của cổ nhân, ví như Cụm sao Thất Nữ
Cụm sao Thất Nữ
Nằm gần lối vào khu phức hợp hang động Lascaux là một bức tranh tuyệt đẹp miêu tả một con bò đực.
Treo lơ lửng bên trên vai của nó là bản đồ cụm sao Thất Nữ (còn gọi là chòm sao Tua-rua, hay Pleiades)
Một điều cần nhấn mạnh là, việc vẽ bản đồ thiên văn thời xưa không phải là kỹ năng riêng của người cổ đại tại vùng đất hiện là nước Pháp.
Chòm sao Bắc Miện
Tại nước láng giếng Tây Ban Nha, TS. Rappenglueck cũng đã xác định được một tấm bản đồ chòm sao Bắc Miện được sơn trên tường hang động El Castillo, thuộc dãy núi Pico del Castillo. Tấm bản đồ chòm sao này được sơn lên đó cách đây đã 14.000 năm rồi.
Nó nằm trong một khu vực gọi là “Trụ ngạch các Bàn tay”.
Trong bức họa trên, nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy ở phần cuối có thể tìm thấy một hình vòng cung được hợp thành từ 7 dấu chấm.
“Không ai để tâm nhiều đến nó. Đây thực ra là hình vẽ chòm sao Bắc Miện (Corona Borealis hay Northern Crown). Thật ấn tượng”, TS Rappenglueck cho hay.
Các bức họa này có thể là một cung thiên văn sớm nhất trong lịch sử, ghi nhận lại bản đồ các ngôi sao.
Kết luận
Dựa trên mốc niên đại, các bức họa này có từ thời kỳ đồ đá giữa.
Theo nền lịch sử chính thống, vào thời kỳ này, công cụ lao động chủ yếu bằng đá, do đó tương đối lạc hậu. Nền nông nghiệp về căn bản chưa hình thành, con người chủ yếu sinh tồn nhờ săn bắn hái lượm, và cư trú trong các hang động tự nhiên. Cuộc sống hàng ngày chỉ xoay quanh các nhu cầu sinh tồn thiết yếu, căn bản.
Do đó, thật khó tưởng tượng khi họ có thể tạo nên các bức bích họa hang động thật tinh mỹ, minh chứng cho một trình độ thưởng thức nghệ thuật nhất định. Đặc biệt càng khó tưởng tượng hơn, khi những con người được mệnh danh “ăn lông ở lỗ” này có thể quan sát các chòm sao trong vũ trụ, nghiên cứu chúng và ghi khắc lại trên các bức tường hang động, thể hiện một vốn kiến thức thiên văn nhất định.
Sự xuất hiện của các bằng chứng khảo cổ mới đang không ngừng khiến chúng ta phải nhìn con người cổ đại bằng một con mắt càng ngày càng khác biệt.
Quý Khải
Nguồn:http://www.dkn.tv/khoa-hoc-cong-nghe/tu-khi-van-con-song-trong-cac-hang-dong-nguoi-co-dai-da-som-phat-hien-sao-nguu-lang-chuc-nu.html