Tôi đi công tác TP HCM. Được biết ở chùa Phước Huệ, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm đồng tổ chức Đại trai đàn cầu siêu giải oan bạt độ cho các vong linh thai nhi chẩn tế âm linh cô hồn nguyện cầu quốc thái dân an, tôi lập tức lên đường. Phần vì tò mò, phần vì muốn trực tiếp tham gia vào chương trình lớn và ý nghĩa kéo dài 2 ngày ngay trong mùa Vu lan Báo hiếu này.
Đập vào mắt tôi là những áp phích treo trong khuôn viên chùa với tâm sự của những em bé không được sinh ra. Những đứa bé bị cha mẹ bỏ đi ở các lứa tuổi khác nhau, từ 1 vài tháng đến thậm chí 5-7 tháng. Những đứa trẻ không may mắn được sinh ra làm người.
Trước đây, tôi chỉ biết đến nghĩa trang đồng nhi ở Nha Trang. Nay đến đây mới biết rằng có biết bao nghĩa trang như vậy. Ở rất nhiều tỉnh và thành phố trên cả nước: Đồng Nai, Pleiku, Nam Định, Đắc Nông…
Và tôi cũng giật mình khi biết tại nghĩa trang dành cho các bé chưa kịp chào đời ở tỉnh miền núi Pleiku lên đến con số 10.000 trẻ. Còn nghĩa trang đồng nhi Hương Hồ, Hương Trà, Thừa Thiên – Huế từ ngày thành lập đến nay chôn cất gần 42.000 sinh linh. Một con số làm tôi giật thót mình và ngẩn ngơ suy nghĩ!
Áp phích nói về những sinh linh vô tội.
Hiện nay chưa có con số chính thức về số ca phá thai trong cả nước. Tuy nhiên, trước khi viết bài này tôi được một người bạn làm bác sĩ tại một bệnh viện lớn tại Hà Nội cung cấp thông tin: riêng tạo bệnh viện anh, con số nạo hút thai cũng lên đến 10.000 ca một năm. Lại thêm một con số 10.000 biết nói nữa.
Tôi được đọc và nhìn thấy những con người nhân đạo làm một việc phước đức khó tin – đi lượm những thai nhi bị bỏ đi về chôn. Đó là những nhóm người hay cá nhân đơn lẻ. Đó là những thành niên hay những người lớn tuổi. Đó là cả những cụ già đã gần đất xa trời.
Tôi như lặng người đi khi dừng trước tấm áp phích và bức ảnh cụ Phạm Thị Cường 73 tuổi lang thang đi khắp nơi để nhặt những thai nhi bị bỏ rơi về chôn tại nghĩa trang xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định. Tôi như nghe thấy tiếng nấc của bà: “Các con chưa kịp chào đời đã phải trả giá cho những kẻ sinh thành nên các con. Bà thắp nén hương thơm mong các con được an nghỉ”.
Nhiều ngày trước khi diễn ra lễ cầu siêu đặc biệt này, các bậc cha mẹ từng phá thai, ít nhất một lần bỏ đi giọt máu của mình, đến chùa để kê khai. Sư thầy Thích Thái Thuận, trụ trì chùa Diệu Huệ nói với tôi rằng sư gặp biết bao người cha người mẹ như vậy.
Sư nói với họ rằng, các con đến đồn công an là phải khai hết tội lỗi, nay trước Tam Bảo phải nói thật. Nói thật ra để còn làm lễ cầu siêu”. Nhà chùa cũng viết sớ và biển tên cho từng hương linh nhỏ để các bậc sinh thành mang vào làm lễ cầu siêu trong 2 ngày 7 và 8/7 (âm lịch).
Bạn có thể không tin nhưng có những người cha người mẹ đã phá thai đến 12-14 lần. Kỷ lục về việc bỏ những đứa con chưa kịp ra đời thuộc về một phụ nữ với 18 lần. Mười tám đứa con không được sinh ra! Chỉ khi bạn được tiếp xúc với những người mẹ này bạn mới hiểu được nỗi lòng của họ. Đau xót lắm! Ân hận lắm!
Nguyên nhân dẫn đến những đứa trẻ không được chào đời rất nhiều. Nguyên nhân chính là sự lỡ làng trong quan hệ nam nữ. Những thai nhi bị bỏ một cách vội vàng và nhiều trường hợp được cho vào túi ni lông và vứt đi. Nhiều trường hơp thai nhi nằm trong thùng rác!
Trên tay tôi lúc này là tập giấy nhỏ mang tên Những lá thư không gửi do nhà chùa và những ai tâm huyết phát cho các phật tử. Có lẽ mong muốn của nhà chùa và các phật tử nơi đây là gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức và lối sống. Họ mong cho các bạn trẻ hiểu biết về tác hại của việc phá thai, để nam nữ thanh niên giảm bớt những sai lầm dáng tiếc.
Chùa Phước Huệ, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm đồng tổ chức
Đại trai đàn cầu siêu giải oan bạt độ cho các vong linh thai nhi chẩn tế âm linh cô hồn nguyện cầu quốc thái dân an.
Có đọc mới hiểu được nỗi lòng của nhưng em bé không được chào đời. Mà bạn chỉ cần nghe mục lục thôi có lẽ cũng muốn rơi nước mắt rồi: Xin mẹ để cho con được sinh; Lời cầu xin của con; Qua nghĩa trang đồng nhi; Lời con trong bụng mẹ; Tiếng kêu cứu của 1 thai nhi; Vì sao phá thai là một tội lỗi không thế tha thứ; Xin cha mẹ an lòng, con không trách; Nhật ký của bé không bao giờ chào đời, …
Những đứa bé không được chào đời. Mỗi ngày có bao nhiêu đứa trẻ không may mắn như thế này! Người lớn chúng ta thiếu kiềm chế, không biết quản lý bản thân, sống phóng túng và để rồi bao sinh linh thai nhi vô tội vĩnh viễn không thành người. Tội lỗi lắm bạn ơi!
Thay vì lời kết và thay cho lời tâm sự của các sinh linh này, tôi xin chép ra đây những dòng của tác giả Hàn Lệ Thu: “Con run rẩy.. van xin trong bụng mẹ/Đừng bắt con mất tiếng khóc chào đời/Ngày lại ngày… hồi hộp… Mẹ, Ba ơi/Suy nghĩ cho kỹ: cho con quyền được sống….”
Và một câu khác ở 1 bài khác: “…Con lạnh quá! Mong chờ nhang sưởi ấm/Cho hồn con và tất cả bạn bè/Con tha thứ, thương Ba Mẹ nhiều lắm!/Nhạc thiên thần, đồng tấu Mẹ Ba nghe…”
Những đứa con không được sinh ra thật đau khổ và oan khiên. Nhưng chúng có tâm rất từ bi – tha thứ tất cả cho các bậc sinh thành. Gõ đến đây tôi như nghe vang vọng giọng của các bé :”Bố mẹ ơi con rất muốn nói rằng con tha thứ cho bố mẹ. Con yêu quý bố mẹ và mong bố mẹ và các cô chú đừng sai lầm thêm nữa”.
2 ngày cầu siêu cho các vong linh thai nhi thật ý nghĩa. Tôi biết rằng rất nhiều trong số các con đã được siêu sinh. Ngoài chùa Phước Huệ ra, còn nhiều chùa khác cũng đã và đang làm lễ cầu siêu mà. Mùa Vu Lan đang bên mỗi chúng ta.
Đại trai đàn cầu siêu giải oan bạt độ cho các vong linh thai nhi chẩn tế âm linh cô hồn nguyện cầu quốc thái dân an tại chùa Phước Huệ, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng mới đây thu hút khoảng 5.000 người tham dự.
Tôi ngồi trên nên có dịp nhìn xuống và thấy khuôn mặt của đủ mọi lứa tuổi. Có cả các bậc cha mẹ và ông bà. Nhiều phật tử đến đơn giản chỉ để cầu cho quốc thái dân an hay cầu siêu cho những em bé kém may mắn. Tôi nhận thấy rất rõ các khuôn mặt với những tâm trạng khác nhau. Lo lắng và bồn chồn, ân hận và nguyện cầu, chờ đợi và sốt ruột, kìm nén và hy vọng. Hình như hy vọng và đợi chờ là tâm trạng rõ nét nhất trong tâm 5.000 bậc sinh thành có mặt nơi đây.
Tôi ấn tượng với bài pháp thoại của sư thầy Thích Thái Hòa – chùa Phước Duyên, thành phố. Thầy giảng về ngũ giới. Rằng phật tử, nhất là những ai đã quy y cần giữ 5 giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu bia say xỉn. Thầy giảng rất hay, trong đó có nói rõ, nếu không có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân sẽ có hạnh phúc trong mỗi gia đình và như vậy xã hội sẽ có bình an và yên ấm. Việc chung thủy là rất quan trọng và đức Phật đã dạy điều này từ 2.600 năm về trước.
Tôi nhớ rất rõ bài nói chuyện của thượng tọa Thích Thái Hòa với các phật tử và hương vong các thai nhi. Rằng chuyện đã rồi, các vong linh không nên giận cha mẹ nữa. Cha mẹ đã trót rồi và các con nên rộng lòng tha thứ, bởi nếu tiếp tục hận thù sẽ kéo thêm hận thù. Mà việc quy y Tam Bảo, tu tập tinh tấn của các vong linh rất quan trọng. Thầy giảng về luật nhân quả và luân hồi. Rằng các con đã chấm dứt 1 kiếp và có thể tu tập để lên các cõi khác cao hơn.
Chùa Phước Huệ.
Cả hội trường cùng hướng về Trai đàn giải oan bạt độ, cầu siêu chẩn tế vong linh thai nhi vô tội. Tất cả cùng niệm Phật, tụng kinh, hộ niệm, nguyện cầu âm siêu dương thái, vong linh thai nhi vô tội được được siêu sinh về cõi tịnh và cầu nguyện để thế gian đừng tạo thêm nghiệp sát hại thai nhi. Mọi người như cùng phát nguyện để cho thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.
Tôi rất ấn tượng với các lễ nghi và việc tụng kinh của cả 5.000 người. Tôi thiết nghĩ, năng lực và sự thành tâm sám hối của các bậc sinh thành rất mạnh, đủ để làm rung động các vong linh, đủ để các em siêu thoát. Tôi biết rằng mỗi thành viên trong Trai đàn đã thực sự thành tâm và sự thành tâm này mang đến một năng lượng lớn lao.
Tôi như nhìn thấy khuôn mặt của những người mẹ với những lời sám nguyện “Mẹ có tội với con! Mẹ ân hận! Mẹ đau khổ! Mẹ khóc lóc nhiều lắm! Chắc cả đời này mẹ sẽ không quên được con. Mẹ sẽ cố gắng sống tốt, làm nhiều điều phúc để bù đắp phần nào cái tội sát sinh mẹ đã gây ra…”. Hay “Con ơi, con hãy tha lỗi cho mẹ nhé. Mẹ không biết có phải là trơ trẽn quá khi nói ra điều này hay không, nhưng mẹ thật sự yêu con. Con là kết tinh của tình yêu của mẹ và bố, người đàn ông đã mang đến cho mẹ tình yêu đầu đời đầy hạnh phúc nhưng mà giờ đây cũng đầy nước mắt”.ư
Liệu ngoài ông bố và bà mẹ của thai nhi kia có ai biết thêm rằng có một người con đã từng tồn tại trên đời? Trong một vài tháng, và nằm trong bụng mẹ. Trong lúc cả hội trường sám hối và lễ Phật, tôi như thấy người mẹ này, người cha kia đang tràn đầy hy vọng và mong muốn con của mình được đầu thai vào một gia đình tốt hơn, được hưởng tình yêu của cả bố lẫn mẹ, được sống với đầy đủ cả vật chất lẫn tinh thần, những điều mà người cha mẹ hiện nay đã không thể mang lại.
Tác giả và sư thầy Thích Thái Thuận, trụ trì chùa Phước Huệ.
Tôi biết rằng rất nhiều người cha mẹ trẻ đã sám hối và biết đưa vong của đứa con non dại lên chùa. Tôi hiểu rằng có nhiều người mẹ, người cha chỉ trót dại có 1 lần và để rồi đã thực sự đổi thay và sống thiện, sống có trách nhiệm, sống với mỗi hành động được suy nghĩ kỹ.
Đại trai đàn cầu siêu giải oan bạt độ cho các vong linh thai nhi tại chùa Phước Huệ không chỉ tốt cho các vong linh và các bậc cha mẹ, ông bà của các thai nhi mà còn giúp các bạn trẻ khác tỉnh ngộ. Đọc những dòng chữ này và biết về sự kiện đặc biệt trên đây, tôi tin rằng các bạn trẻ đã biết mình cần phải làm gì, phải sống như thế nào. Lỗi lầm của người khác cũng là những bài học vô cùng quý giá cho mỗi chúng ta!
Những lời sám hối với cả tấm lòng, những suy nghĩ được trải bày trong 2 ngày của đại lễ cầu siêu như nói lên tâm can của những người bố người mẹ. Tôi biết rằng sau khi kết thúc đại lễ, lòng mỗi người đều nhẹ nhõm hơn để rồi đây sẽ thêm bao điều thiện, điều tốt hơn, bao phước lành và ích lợi cho xã hội.
Tôi như nhìn rõ những người cha, những người mẹ đang cầm trên tay những cuốn sách quý “Này con có thôi đi không”, “Tôi là con gái của mẹ tôi”, “Dạy con từ thủa còn thơ”, “Cha con và những thước phim”. Họ đang bên những người con của mình. Đọc và hướng dẫn. Đọc và yêu thương. Đọc và bên nhau. Hạnh phúc biết bao.
Tôi như nghe thấy rõ sự đáp lại của một thai nhi bé bỏng: “Xin nguyện cầu cha mẹ có niềm đau/Đã khước bỏ đứa con nguồn hạnh phúc/Xin cha mẹ an lòng, con không trách/Con vui lòng bên cạnh giúp mẹ cha”.
Theo Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Thái Hà Books/Đất Việt)
Nguồn: Chùa phúc lâm
TAMTHUC