Từ mờ sáng, khu đại sảnh và khuôn viên chùa Từ Quang đã đông nghịt khách tứ phương. Người Sài Gòn có, người đến từ các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre, thậm chí ở các tỉnh miền Bắc lặn lội vào Nam cũng có. Tuy nhiên, dù đến từ vùng quê nào, dù giàu sang hay nghèo khó, họ đều có một điểm chung là lòng ăn năn.
Đông đảo phật tử đến tham gia cầu nguyện. Ảnh: Thiên Chương.
8h30, chưa đến giờ hành lễ, mới nhận hai tờ giấy in nội dung sám hối được ban tổ chức phát cho, sân chùa đã bắt đầu có tiếng thút thít. Rồi nhiều chị không nén được cảm xúc đã òa khóc to. Người tỉnh táo hơn đưa tay lau nhanh dòng nước mắt, đặt vội tên con để kịp chuyển cho nhà chùa cầu siêu. Một số khác chọn góc chùa thật vắng, vội vã lấy viết ghi tên con vào giấy chuyển sư thầy mà nước mắt lưng tròng. Không ít mảnh giấy chữ nhòe nhoẹt đến hơn 10 cái tên.
Tay lần tràng hạt, miệng đọc thầm tên con, cầu mong bé “ở bên kia” tha thứ… là hình ảnh dễ thấy nhất trong buổi lễ. Bà Lệ, 57 tuổi ngụ tại Bình Dương, một trong số ít người không ngại giấu tên tâm sự vớiVnExpress.net, chỉ trong gần 10 năm, bà đã phải ngậm ngùi bỏ thai 7 lần.
“Mỗi đứa con của tôi mất đi đều có một lý do. Có khi do lỡ lầm, có đứa vì nghèo khó. Nhưng dù lý do chính đáng đến mấy thì tôi vẫn biết mình là người có tội. Tôi thật sự hối hận nên nghe nhà chùa tổ chức lễ sám hối thai nhi, tôi đã bỏ việc để đến đây”, bà Lệ nghẹn ngào.
Bà Hạnh, 61 tuổi, nhà ở Đồng Nai, người đã trải qua 5 lần phá thai, cho hay, dù ngày rằm nào bà cũng đọc kinh sám hối, song đại lễ vẫn là cơ hội hiếm có để có thể nhờ phước nhà chùa cầu nguyện cho các con mà bà chưa từng được thấy mặt.
“Người ta nói, truất bỏ con thân xác mẹ rã rời, một lần phá thai bằng ba lần sinh nở, nhưng với tôi nỗi đau tinh thần, lòng hối hận vì bỏ con mới chính là điều tồi tệ nhất. Nó cứ ám ảnh tôi suốt thời gian qua”, bà Hạnh nói.
Ngoài số đông những người lớn tuổi đã đủ chín chắn để chiêm nghiệm về đời mình, lễ sám hối còn có mặt của không ít người trẻ tuổi. Có người chỉ mới ngoài hai mươi, vài cô chưa đến tuổi 18.
Duyên, một thiếu nữ nhà ở Long An, yêu cầu không nêu tên thật cho biết, lòng hối hận vì 2 lần phá thai nên cô giấu gia đình đến với dự lễ. “Tội em lớn lắm. Em đã không nghe lời cha mẹ, không chịu học hành mà mải lêu lỏng chơi bời. Hy vọng buổi cầu siêu sẽ giúp hai đứa trẻ thấu hiểu cho sự lỡ lầm của mẹ”, cô gái 17 tuổi nói trong nước mắt.
Nhiều cô gái xinh xắn không can đảm đứng luôn tại sân chùa để dự lễ mà chỉ dừng xe máy bên ngoài, đưa tay vái vài cái rồi quẹt nhanh dòng nước mắt. Có người chực đi, nhưng không đành lại dừng chân đứng ngoài cổng ngóng vào trong sân chùa.
Đến chùa đọc kinh sám hối, ngoài phụ nữ còn có cả đàn ông. Một số người đi thay cho vợ, thay em gái. Cũng có người đi để tìm thanh thản cho chính lòng mình.
Không khóc nhưng tần ngần đứng như người mất hồn tại một góc sân chùa, anh Thường, nhà ở TP HCM tâm sự, anh và vợ đã bỏ một con do có thai ngoài kế hoạch trong lúc gia đình còn khốn khó. Một cháu khác cũng phải điều hòa vì mẹ lỡ dính bầu khi vừa mới hạ sinh cháu đầu tiên. “Dù được phá bỏ từ khi chưa kịp tượng hình, nhưng với tôi, đấy cũng là điều không nên xảy ra”, anh Thường nói.
Đại đức Thích Giác Thiện, trụ trì chùa Từ Quang cho hay, lần đầu tiên đại lễ “Sám hối với thai nhi” – mở trai đàn, cầu siêu cho những thai nhi không được chào đời, được nhen nhóm từ ý nguyện của khoảng 50 phật tử của chùa.
Đến chiều 30/9 đã có khoảng 4.000 người đăng ký tham dự với lượng trẻ mong được cầu siêu lên đến 9.000 bé.
Sau buổi sáng khai đàn, chiều tối nay, các hòa thượng sẽ làm lễ thuyết pháp và quy y. Đại lễ sẽ được tiến hành từ nay đến hết 3/10.
Thiên Chương
Theo: VnExpress
TAMTHUC