Blog Tâm Thức
Hơn 5000 năm trước, người cổ đại đã sản xuất rượu vang như thế nào?
Thursday, 26/10/2017 19:32 pm

Blog Tâm Thức

Để có thứ đồ uống được mệnh danh là “nước ép của các vị thần”, các nhà khoa học cho rằng người cổ đại có thể đã khám phá ra cách làm rượu vang sau khi quan sát động vật ăn trái cây lên men.

Khi tổ chức một bữa tiệc, ngoài đồ ăn ngon được bày trí đẹp mắt, hoa quả được cắt tỉa thành nhiều hình con thú cưng ngộ nghĩnh, không gian khoáng đãng thì một yếu tố không thể thiếu trong các cuộc vui: đó chính là rượu vang.

Rượu vang còn là một nét đẹp văn hóa, rượu gắn liền với sinh hoạt cộng đồng, với các nghi lễ, hội hè, tiệc tùng… Rượu vang ngày càng trở thành thức uống thường xuyên và phổ biến không thể thiếu trong cuộc sống con người.

Thưởng thức rượu vang đã trở thành một phần trong cuộc sống của con người. Nguồn: Dân trí

Tuy nhiên, người xưa đã làm ra thứ đồ uống thượng hạng này như thế nào?

Mặc dù không có ghi chép nào về việc rượu vang được con người thời cổ đại làm ra như thế nào nhưng các nhà khảo cổ học đưa ra một giả thuyết rằng vào thời Đồ đá khoảng 10.000 năm trước Công nguyên, con người đã biết cách làm rượu vang từ động vật.

Theo How Stuff Works, sau khi quan sát một số động vật ăn trái cây lên men, con người bắt chước để nho dại vào trong túi da động vật, làm cho chúng lên men và trở thành nước uống.

Ảnh minh họa. Nguồn: Wikipedia, bách khoa toàn thư mở

Cây nho xuất hiện trên Trái đất cách đây khoảng 60 triệu năm. Trong lịch sử loài người, sản xuất rượu vang là kỹ thuật không cần ghi chép lại. Công thức được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua học nghề và truyền miệng. Những ghi chép đầu tiên đề cập đến rượu vang là kinh Cựu ước mô tả Noah sống sót sau trận lụt, rời khỏi tàu và trồng nho làm rượu.

Kỹ thuật sản xuất rượu vang chỉ thông truyền miệng chứ không được ghi chép. Nguồn: Johnolearyband

Sau khi các nhà khảo cổ phát hiện ra cặn gạo và mật ong trên một miếng gốm có niên đại 9500 năm ở miền Trung Trung Quốc, họ đã có bằng chứng rõ ràng về quá trình lên men thời cổ đại. Thực tế ở Trung Quốc cổ, rượu gạo phổ biến hơn nhiều rượu vang nho, người Trung Quốc thường gọi rượu vang là bồ đào tửu.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng khám phá ra kỹ thuật làm rượu vang xuất hiện ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.Tại Trung Đông, dấu tích của nho được phát hiện trong một cái chum 7400 năm tuổi, kèm theo mẩu nhựa cây được cho là chất bảo quản rượu.

Tranh vẽ sản xuất rượu vang tại châu Âu. Nguồn: Rượu vang

Trong ngôi mộ của Pharaoh Scorpion I của Ai Cập, giới khảo cổ thu được nhiều phát hiện ra hàng chục vò gốm chứa chất cặn giống như rượu có niên đại khoảng 3150 năm trước Công Nguyên. Hạt và vỏ nho cũng được tìm thấy tại đây.

Hình vẽ trên tường ngôi mộ của người Ai Cập cổ đại cho thấy người lao động đang hái nho để làm rượu vang. Ảnh: Ann Ronan.

Rượu vang đóng vai trò quan trọng trong các nghi lễ của Ai Cập cổ đại. Nghề sản xuất rượu vang xuất hiện ở châu thổ sông Nile sau khi kỹ thuật canh tác nho ra đời từ Levant và được đưa tới Ai Cập.

Rượu vang ở Ai Cập cổ đại chủ yếu là vang đỏ, nhưng phân tích mẫu vật lấy từ lăng mộ của Tutankhamun cho thấy dấu hiệu của vang trắng.

Rượu vang đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Ai Cập cổ đại. Nguồn: Kiến Thức

Người Phoenicia đã tiếp thu kỹ thuật làm rượu vang từ các khu vực phía Đông như vùng Lưỡng Hà. Từ đó thông qua mạng lưới thương mại rộng lớn, họ mang rượu vang đi khắp nơi, nhờ đó nghề trồng nho và làm rượu vang đã đi khắp vùng Địa Trung Hải. Nghề làm rượu vang phát triển mạnh mẽ ở Hy Lạp và La Mã.

Chai rượu vang lâu đời nhất thế giới được phát hiện vào năm 1867, khi khai quật một quan tài đá từ thời La Mã bên dưới một vườn nho gần Speyer, Đức. Ước tính, chai rượu này được sản xuất vào khoảng năm 325 TCN. Hiện nó vẫn chưa được mở và đang được trưng bày tại bảo tàng lịch sử ở Đức.

Sơn Tùng

Nguồn:http://www.dkn.tv/khoa-hoc-cong-nghe/hon-5000-nam-truoc-nguoi-co-dai-da-san-xuat-ruou-vang-nhu-the-nao.html