Blog Tâm Thức
Ám ảnh chuyện “tước” quyền làm người của thai nhi
Saturday, 27/12/2014 00:00 am

Blog Tâm Thức

Là cảm giác và tâm trạng của bất cứ bà mẹ nào khi buộc phải phá bỏ khúc ruột của mình. Không chỉ họ, những người trực tiếp làm công việc này cũng không thoát khỏi sự giày vò và cắn rứt lương tâm…

“Mình giết quá nhiều người mình mới khổ thế?”

Bác sỹ (BS) sản phụ khoa nổi tiếng ở đất Hà Thành Lê Thị Kim Dung, Trưởng phòng khám sản phụ khoa, Trung tâm Y tế Thái Hà, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn luôn cho là như thế mỗi khi gặp chuyện không may mắn. Tận đáy lòng mình, bà không hề muốn làm việc đó nhưng vì trách nhiệm bà buộc phải làm, BS Dung chia sẻ.

Rồi bà kể, ngày còn công tác tại Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội bà được mệnh danh là “thần trùng” về phá thai to. Trong quá trình thực hiện chuyên môn, vì áp lực công việc bà không thấy lăn tăn gì, mà chỉ tập trung vào việc chuyên môn. Nhưng khi có chuyện buồn, hoặc những vướng mắc trong cuộc sống, bà lại nghi ngại tự hỏi: “Hay là vì mình giết nhiều người quá nên mình mới khổ thế?”.

Những day dứt đó khiến bà bắt đầu cảm thấy “ghê tay” mỗi khi gặp những ca phá thai lớn tuổi. Và có lúc bà đã phản kháng lại khi lãnh đạo BV chỉ định bà phải nạo những thai nhi đã quá to.

Theo bác sỹ Dung, mỗi ca phá thai là một câu chuyện buồn, và bà cảm thương cho những người mẹ vì mong mỏi có con trai “nối dõi tông đường” mà buộc phải bỏ đi những khúc ruột của mình. Cũng có những người mẹ trẻ con nạo hút thai vì lỡ dại và chưa đủ trưởng thành để sinh con, nhưng “đừng nên trách các con vì lỗi ở đây là do người lớn, chúng ta chưa biết giáo dục con tránh những cạm bẫy đó, cũng như quá lơ là trong việc dạy con dẫn đến những hậu quả đáng tiếc đó”, bà Kim Dung chia sẻ.

Câu chuyện buồn nhất, xót xa nhất và đáng nhớ nhất đối với bà Dung có lẽ là trường hợp của chị T. (Ba Đình, Hà Nội). Chị này đi phá thai khi cái thai đã được trên 7 tháng tuổi. Ca này bà Dung không trực tiếp làm mà một đồng nghiệp của bà thực hiện. Sau khi phẫu thuật vị bác sỹ này kể lại với bà Dung chuyện đứa bé khi cho ra khỏi bụng mẹ vẫn sống nên cô đã phải cho vào tủ lạnh để cho nó chết.

Ngay lập tức bà Dung đã chạy vào phòng, mở tủ lạnh và lấy đứa trẻ ra đưa lên phòng cấp cứu vì khi mở tủ lạnh ra đứa trẻ vẫn còn thoi thóp thở. Mặc dù đứa bé không cứu được nhưng đến tận bây giờ mọi người trong khoa, BV vẫn mang chuyện này ra kể với một sự thán phục và trân trọng…

Ái ngại nhưng vẫn phải làm vì… “miếng cơm, manh áo”

“Trót làm nghề này nên tôi mới phải làm, nhưng chưa bao giờ tôi làm việc đó vì tiền” – BS Kim Dung khẳng định. Nhưng những con người có trái tim bao dung và có điều kiện kinh tế như bà Dung không có nhiều. Đa số BS sản khoa cho biết, họ làm một phần là vì công việc nhưng phần lớn là vì “miếng cơm, manh áo”. Đây là một thực tế. Hơn nữa, có “cầu” thì mới có “cung”.

Cũng theo bà Dung, phần lớn những người nạo phá thai là những người mong muốn kiếm “mụn” con trai hoặc những người có thai “ngoài luồng”. Cũng chính vì lý do này, họ bí mật tìm đến các cơ sở y tế tư nhân để phá thai để khỏi bị mang tiếng và lộ tung tích…

Đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng này của khách hàng, các dịch vụ khám thai, nạo hút thai “chui” mọc ra như nấm. Một BS sản khoa cho biết, vẫn biết phá thai to là vô cùng nguy hiểm, nhưng vì kinh tế, chả nhà chuyên môn nào từ chối cả. Hơn nữa, với quan niệm mình là nhà cung cấp dịch vụ mình phải chiều lòng khách hàng, phải coi “khách hàng là thượng đế”.

Với những trường hợp phá thai to, vị BS này cho biết, trừ một số BS vô cảm, còn hầu hết đều thấy áy náy khi phải làm công việc này. Thế nên mới có chuyện, có nữ hộ sinh đã phải bỏ nghề sau một thời gian gắn bó với công việc này.

Có người sau mỗi ca phá thai, nhất là những thai nhi đã lớn về nhà lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Dẫu có ngủ được thì lại mê man, mộng mị thấy rất nhiều trẻ con đến quấy quả, đòi mạng… Thậm chí có người lập cả bát hương ở nhà và cơ quan chỉ để thờ các vong linh mà mình đã phá bỏ, để chúng đỡ oán hận…

“Mỗi khi phá bỏ những thai nhi đã thành hình người, tôi cũng day dứt và ái ngại lắm nhưng vì công việc và thu nhập vẫn phải làm”, BS Đ.H (một BS đã gắn bó với lĩnh vực sản khoa lâu năm) tâm sự. Nhưng ám ảnh về mặt tâm linh ít hơn nhiều so với áp lực về trách nhiệm.

“Rõ ràng mình làm vượt quá thẩm quyền và sai quy định chuyên môn, nhưng vẫn làm với hy vọng đừng có chuyện gì xảy ra”, vị này chia sẻ.

Để giải quyết khâu áy náy về mặt tâm linh và đạo đức, BS Đ.H cho biết, mỗi khi tiến hành thủ thuật xong, ông gói ghém cẩn thận cái thai vừa phá rồi thuê xe ôm mang ra nghĩa địa chôn cất và hương khói tử tế. Không chỉ có vậy, ông cũng đã từng làm phúc bằng cách cố gắng khuyên nhủ, động viên khách hàng giữ cái thai lại, trong trường hợp có thể.

Điển hình là trường hợp một cô gái lỡ dại có bầu với bạn trai nhưng cậu bạn này lại không muốn cưới. Trong khi đó, cái thai đã hơn 7 tháng tuổi. Vừa sợ tai biến xảy ra, vừa không muốn giết thêm một sinh linh vô tội, BS H. đã khuyên cô bé tìm cách nói dối gia đình đi một nơi thật xa để sinh con. Nếu không có điều kiện nuôi dưỡng thì cho đứa bé cho những gia đình hiếm muộn đang muốn xin con nuôi. Thế là trọn vẹn cả đôi đường…

Sự việc diễn ra suôn sẻ, BS H. cảm thấy vui vui trong dạ, còn người mẹ trẻ kia cũng tránh được nỗi ám ảnh trong suốt phần đời còn lại.

(Theo Pháp luật Việt Nam)

TAMTHUC