Những năm cuối đời Khổng Tử đọc Kinh Dịch, điều khiến ông cảm khái nhất là 4 chữ: “Thời dã, mệnh dã” (Thời vậy, mệnh vậy).
Người Trung Quốc rất thích xem tượng. Trời có Thiên tượng, gọi là thiên văn. Đất có địa tượng, gọi là địa lý. Người có nhân tượng, gọi là nhân sự.
Vậy thì “Thời” trong “Thời dã, mệnh dã” ấy là gì?
Thời là chỉ thời cơ, thế thời
Thời đến rồi, mệnh nên làm cái gì thì hãy làm cái đó, kết quả cuối cùng như thế nào do ông Trời quyết định. Chữ “Thời” ở đây chính là do Khổng Tử đề ra.
Con người làm việc đều muốn nắm bắt được thời thế và thời cơ. Thời cơ không đúng thì không thể ngóc đầu lên được. Có câu nói: “Hổ lạc bình dương bị khuyển khi, long khốn thiển thủy bị hà hý” (Hổ lạc đồng bằng bị chó khinh, rồng nơi nước cạn bị tôm giỡn). Không có thời cơ thì không được manh động, manh động chỉ rơi vào bị động, vậy nên cần bảo tồn thực lực, chờ thời hành động.
Cùng một đạo lý ấy, con người cần phải như rồng, nắm chắc thời cơ, làm được có thể lớn có thể nhỏ, có thể phi thăng có thể ẩn hình. Lớn thì gom mây phun mù, nhỏ thì tàng hình ẩn náu. Khi thăng thì bay lượn giữa vũ trụ, ẩn hình thì lặn nấp dưới sóng ba đào.
Chu Dịch viết: “Quân tử tàng khí ư thân, đãi thời nhi động” (Quân tử che giấu tài năng, chờ thời mà hành động). Ý nghĩa là, người quân tử có tài năng trác việt, kỹ năng siêu quần, không khoe khoang bộc lộ, vào thời khắc cần thiết mới thi triển tài năng, kỹ năng và tài nghệ. Câu nói này cũng nhắc nhở chúng ta trong khi lặng lẽ vô danh cần tăng cường tu dưỡng, đợi đến khi thời cơ đến, thì sẽ triển hiện đầy đủ tài năng của mình.
Hiểu được thời, thì sẽ làm được “thủ thời” (giữ thời, chờ thời). Thời cơ, thời thế là khách quan, không phải do con người tạo ra. Chúng ta không thể nào tạo ra được thời cơ, điều chúng ta có thể làm chính là chờ đợi thời cơ – Đây chính là thủ thời. Một người thủ thời, nhất định sẽ biết chuẩn bị đầy đủ, sẽ không để thời cơ trôi qua vô ích.
Bài ca “Cai Hạ ca” của Hạng Vũ hát rằng:
Sức nhổ núi khí trùm thiên hạ,
Thời bất lợi Ô Truy chùn chân.
Ô Truy chùn chân biết làm sao?
Ngu Cơ ơi hỡi Ngu Cơ,
Anh hùng thất thế bây giờ làm chi?
Cho dù Hạng Vũ sức mạnh bạt sơn cử đỉnh, hùng khí cái thế cũng phải than vãn bi ai: “Thời bất lợi biết làm sao đây?”. Nhớ lại năm xưa, trận chiến Cự Lộc, đập nồi dìm thuyền, quyết trận sống chết, bốn bề Sở ca, thập diện mai phục, anh hùng cũng chỉ có thể than vãn bi ai: “Thời bất lợi biết làm sao đây”, cuối cùng: “Ô Giang tự vẫn, di hận thiên thu”.
Bất kể thời thế tạo anh hùng hay là anh hùng tạo thời thế, cốt lõi vẫn là một chữ “Thời”. Thời cơ chưa đến, thì ẩn mình bất động, tĩnh lặng như tờ. Thời cơ hễ đến, liền thuận thế hành động, nhanh như chớp giật.
Cống hiến lớn nhất của Khổng Tử là “Thời”
Người bình thường đều cho rằng, điều vĩ đại nhất của Khổng Tử là đề ra chữ “Nhân”, thực ra không phải vậy. Nếu không có “Nhân” thì làm sao có quả “Nhân”, nếu không có quả “Nhân” thì làm sao có thể truyền thừa đời này sang đời khác? Do đó chữ “Nhân” không phải do Khổng Tử đề xuất, nó đã có từ rất lâu trước đó rồi.
Cống hiến vĩ đại nhất của Khổng Tử là chữ “Thời”, chữ thời trong từ thời gian. Mạnh Tử nhận xét: “Khổng Tử là bậc Thánh nhân thức thời vậy”. Khổng Tử có nhiều đệ tử như vậy, ít nhất cũng có 72 vị hiền năng, do đó Khổng Tử là bậc chí Thánh, không phải bậc đại Thánh. Khổng Tử gọi là chí Thánh, vậy tiếp theo là Mạnh Tử, gọi là á Thánh.
Khổng Tử nói với chúng ta rằng, cứ coi anh là Thánh nhân đi nữa, cũng không cách gì có thể lựa chọn thời gian. Cứ coi anh là Thánh nhân đi nữa, cũng chỉ có thể tùy theo thời mà điều chỉnh bản thân. Đây gọi là ‘thuận thời ứng mệnh’. Như vậy chúng ta biết được vì sao phải đặc biệt coi trọng thời.
Bạn không thể nào chọn được năm sinh ra, cũng không thể nào chọn được thời gian – Điều bạn có thể làm được, chỉ là chờ đợi thời. Thời hễ đến, bạn không nắm bắt được, khi đã mất thời rồi, chỉ là tốn công vô ích. Như thế bạn mới hiểu tại sao Khổng Tử nói: “Thời vậy, mệnh vậy”.
Theo thời mà hành động, theo thời mà có lựa chọn khác nhau
Làm hết việc con người (nhân sự), cuối cùng vẫn phải theo mệnh Trời. Thời là chủ động, không phải bị động. Thời phối hợp với chúng ta, thời chủ động, nó muốn phối hợp với chúng ta thì phối hợp, nó không muốn phối hợp với chúng ta thì không phối hợp. Không giống như ông Trời bảo mưa là mưa, bảo gió là gió, chúng ta không thể chi phối được. Cái chúng ta có thể làm chỉ là làm hết việc con người, nghe theo mệnh Trời.
Ẩn Đạo ở trong dân là cống hiến lớn cả cuộc đời Khổng Tử. Khổng Tử cả đời chỉ làm một chữ, gọi là “ẩn”, ẩn Đạo vào trong dân, chính là đưa Đạo từ đại nhân có vị trí ẩn vào người dân bình thường. Khổng Tử dạy không phân biệt tầng lớp, ông là người đầu tiên đưa giáo dục đến với dân thường.
Mọi người tại sao lại tôn trọng Khổng Tử như vậy? Thực ra là do Khổng Tử giúp mọi người trở nên thông minh, người đời đều có thể cảm nhận được. Nhờ có Khổng Tử, người dân càng ngày càng trở nên trí tuệ hiểu biết hơn. Từ đó có thể thấy, “Thời vậy, mệnh vậy” mà Khổng Tử thường xuyên nhắc đến hoàn toàn không tiêu cực. Quan trọng hơn là, bạn phải hành động theo thời, theo thời mà có những lựa chọn khác nhau.
Chúng ta đọc Kinh Dịch, quan trọng nhất chính là hiểu được chữ “Thời”. Đây một thời, kia một thời vậy. Thời hễ thay đổi, toàn bộ tình thế đều thay đổi. Một sự việc, lúc đó làm vô cùng thuận lợi, thời gian chậm một chút là trôi qua ngay, rõ ràng là việc tốt, chậm một chút trở thành việc xấu. Cùng đạo lý như vậy, khi thời cơ chưa chín muồi, cứ cố đi làm cũng sẽ không thành công.
Do đó chúng ta biết rằng nhất định phải chờ thời theo mệnh. Cho dù tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng rồi, vẫn chưa thể hành động, nhất định phải chờ đến cái thời đó. Thời hễ đến, nhanh chóng hành động, tự nhiên sẽ mau chóng thành công. Thời chưa đến đã hành động, người khác đều biết bạn muốn làm gì, thì bạn sẽ làm việc chẳng nên, chính là đạo lý này.
Theo Soundofhope
Nam Phương biên dịch
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/chu-quan-trong-nhat-trong-kinh-dich-hieu-duoc-se-thay-doi-cuoc-doi-ban.html