Bạch thầy, tại sao lúc người ta ngủ mê, thì cái thần thức nó đi đâu? Mà người ngủ như chết chẳng biết trời trăng mây nước gì nữa?
Câu hỏi nầy có liên quan đến Duy Thức học. Vấn đề này, nếu phải luận bàn cho tận tường rõ lẽ thì thật là dài dòng. Ở đây, chúng tôi chỉ xin được trả lời một cách tóm tắt ngắn gọn thôi. Nếu muốn tìm hiểu tận tường vấn đề hơn, thì xin phật tử có thể nghiên cứu qua môn Duy thức học. Môn học này rất khó, vì nó là môn tâm lý học rất sâu sắc tuyệt vời của ngủ mê
Theo Duy Thức, thì mỗi người chúng ta có tám thức gọi là Bát thức tâm vương. Tám thức gồm có: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, mạt na, a lại da. Trong lúc chúng ta ngủ, thì tiền ngủ thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân,) không có hoạt động mạnh mẽ như lúc còn thức.
Chỉ có ý thức hoạt động một mình, nên các nhà Duy Thức gọi đó là “Mộng trung ý thức” hay “Độc đầu ý thức” (tức sự hoạt động riêng rẽ của thức thứ sáu). Chính vì nó hoạt động, nên chúng ta mới thấy có những điềm mộng lành dữ trong khi ngủ. Đây là do thức thứ sáu hợp tác chặt chẽ cùng với Mạt na thức (thức thứ bảy) lấy ra từ trong kho A lại da thức. Thức thứ bảy này, còn có tên khác là truyền tống thức. Nghĩa là nhiệm vụ của nó chỉ mang các chúng tử cất vào kho và khi cần thì nó đem ra.
Cho nên, khi thức thứ sáu cần thì thức bảy này mang đem ra. Giống như người giữ kho chuyên giữ cất các loại hồ sơ vậy. Song có điều tuy nhiệm vụ của nó là chuyên giữ kho, nhưng nó lại chấp cái kho đó là của nó, tức chấp thức A lại da làm tự ngã.
Thức A lại da, còn gọi là tàng thức, tức kho chứa các loại hạt giống (chủng tử). Bởi thức này có ba công năng: “năng tàng, sở tàng và ngã ái chấp tàng”. Năng tàng là thức này có khả năng dung chứa các thứ chủng tử lành dữ. Sở tàng là dụ như cái kho để chứa.
Vì thế, thức thứ tám này, nó còn có tên là A đà na thức. Vì dựa trên khả năng duy trì chủng tử không cho sót mất, nên nó mới có tên là A đà na: duy trì nghiệp chủng. Như vậy, ngủ mê cái mà chúng ta gọi là chiêm bao là do ý thức hoạt động và chính nó moi ra các loại chủng tử được cất chứa trong kho A lại da thức này.
Thật ra, trong lúc chúng ta ngủ say các thức vẫn hoạt động, nhưng vì cường độ hoạt động của nó nhẹ và lu mờ đi không mạnh mẽ như lúc chúng ta còn thức, chớ không phải chết đi như nhiều người lầm tưởng.
Nếu chết, thì chúng hoàn toàn không còn hoạt động được nữa. Chúng chỉ ngấm ngầm hoạt động, duy chỉ có ý thức là hoạt động mạnh trong giấc ngủ mà thôi.
Nếu như chúng nó không hoạt động, thì tại sao khi có người bật đèn lên là thấy sáng và có người kêu, hoặc có tiếng động mạnh thì chúng ta liền thức dậy.
Như thế, đủ chứng minh rằng, trong lúc ngủ các thức vẫn còn hoạt động, chớ không phải chết hay là không biết trời trăng mây nước gì như phật tử đã nói.
Theo: Xuân Giao(sưu tầm)