Blog Tâm Thức
Cây linh hồn và chuyện mối hận truyền kiếp
Wednesday, 02/04/2014 00:00 am

Blog Tâm Thức

Già làng mang bát máu gà đến bên cây linh hồn. Ông vừa bôi máu gà lên đó vừa lẩm nhẩm đọc mấy câu gì đó không nghe rõ.

Đến làng Đạ Vậy trước khi mặt trời mọc linh hồn

Để đến được cái buôn làng heo hút nằm tận trong tầng lớp rừng già thuộc vùng sâu của huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng giáp với tỉnh Đắc Nông có tên là Đạ Vây ấy trước khi mặt trời mọc, tôi và nữ đồng nghiệp Đinh Thị Nga phải xuất phát từ Đà Lạt muộn nhất là 11 giờ đêm hôm trước. Ấy là theo cách tính toán của chị Nga, còn sự thật thì không như thế.

Sau khi đồng ý làm bạn đồng hành với tôi và cũng nhất trí đi bằng xe máy, nhà báo Đinh Thị Nga bảo rằng: “Từ Đà Lạt đến trung tâm huyện Lâm Hà mất hai tiếng. Từ đó vào Phi Liêng mất gần hai tiếng nữa. Từ đường rẽ ở Phi Liêng vào khu Đầm Voi – Cạp La vài chục cây số và phải đi trong đêm trong rừng nên cũng phải mất hơn hai tiếng nữa. Vị chi quãng đường khoảng hơn trăm cây số từ Đà Lạt đến Đầm Voi mất ít nhất là 6 tiếng đồng hồ, có khi đến 7 tiếng, ấy là suôn sẻ. Do vậy, muốn đến nơi trước khi mặt trời mọc, phải xuất phát từ Đà Lạt từ 11 giờ đêm hôm trước”.

Thường thì lễ sar rpu của bà con dân tộc thiểu số Tây Nguyên diễn ra thâu đêm suốt sáng, kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Lễ nhỏ thì 3 ngày. Lễ lớn có khi cả nửa tháng trời. Có nghĩa là trong những ngày diễn ra lễ, người ngoài làng đến dự lúc nào cũng được. Ấy nhưng tôi với nhà báo Đinh Thị Nga vẫn quyết tâm làm thế nào đó để đến được Đạ Vây trước khi mặt trời mọc vào ngày đầu tiên của lễ. Nếu đến được vào đêm hôm trước thì hay hơn.

Nhưng tính đi tính lại, đến nơi vào tối hôm trước, sợ phải nhur mơm (uống rượu cần) suốt đêm với các già làng và với mấy chàng thanh niên cuồn cuộn cơ bắp, sáng không thể dậy sớm trước khi mặt trời mọc được, với lại còn nhiều chuyện phải làm, nên ban đầu, tôi đồng ý với kế hoạch là xuất phát từ Đà Lạt từ 11 giờ đêm hôm trước.

Cây linh hồn và chuyện mối hận truyền kiếp - Ảnh 1

Cây linh hồn và chuyện mối hận truyền kiếp (Ảnh minh họa).

Con đường từ Lâm Hà qua Đắc Lắc là độc đạo, có muốn đi lạc cũng không thể đi được. Nhưng, trên con đường ấy, tìm cho ra cái ngã ba ở Phi Liêng rẽ vào Đầm Voi lúc nửa đêm như thế này thì quả là không dễ. Mải cầm tay lái, quên cả thời gian, hai chúng tôi tới tận Rô Men (nay thuộc huyện Đam Rông, Lâm Đồng) giáp với Đắc lắc lúc nào không hay. Vậy là phải quay lại (vì đất Phi Liêng nằm ở phía ngoài Rô Men).

Giữa đêm, chẳng biết hỏi ai. Hai bên đường, thỉnh thoảng mới có một ngôi nhà nhưng cửa nẻo nhà nào nhà nấy đều đóng kín. Nhưng khi đã tìm ra ngã ba Phi Liêng – Đầm Voi rồi, chiếc xe hai bánh của tôi ngay lập tức  sa vào những bãi lầy trên đường. Con đường be vài chục cây số quả là kinh khủng: Bao trùm là rừng già, bên phải là dốc dựng đứng, ngay phía tay trái là vực sâu…

Tôi soi tay ra phía trước đèn pha để nhìn đồng hồ: 2 giờ sáng. Thời gian với chúng tôi lúc này đã không còn quan trọng, miễn sao là đi không lạc. Và đánh vật với đoạn đường chỉ vài chục km nhưng nguy hiểm vô cùng, mãi rồi đến gần sáng, tôi và nhà báo Đinh Thị Nga cũng đến đúng nơi cần đến…

Dân làng vào hội và cả thần linh, ma quỷ cũng thế

Vào làng! Trước mắt tôi là một khung cảnh tuyệt vời, một cảnh trí giống hệt như trong các phim người da đỏ của Mỹ: ở nơi trung tâm bãi đất bằng ngay trên đỉnh đồi là một đống lửa rất to đã được đốt lên từ chiều hôm trước. Đống lửa đang rừng rực cháy. Xung quanh đống lửa “mẹ” có đến hàng chục đống lửa “con”.

Hôm nay là trong lễ nên dân làng ăn mặc rất đẹp. Phía triền đồi có con suối Tvó chảy ngang qua, cả mấy chục sơn nữ nối chân nhau từ mép suối đi lên thật chậm rãi với những chum bầu nước chất đầy trong gùi mang trên lưng, họ bước trong ánh đuốc đỏ rực với những đôi má ửng hồng như vừa mới chuếnh choáng men rượu. Khoảng chục già làng ngồi quanh một ché rượu cần thật to ngay gần cọc nêu đang có con trâu bị thít cổ gần đống lửa chính giữa.

Ở nơi những đống lửa con, lũ trai làng đang chuẩn bị mổ cả chục con gà, thịt đến mấy con dê. Gần chục bộ ching droong (chiêng 6 chiếc của người Cơ Ho Nam Tây Nguyên) cũng đã được các gia đình và dòng họ vừa làm lễ xin phép thần linh cho chiêng vào hội. Một nghệ nhân cồng chiêng đang khum tay gõ nhẹ vào mấy cái chiêng để nghe giọng. Từ điểm lửa chính tỏa về phía các đống lửa con là những ché rượu cần lớn nhỏ đủ cỡ được xếp theo hàng dọc hoặc xếp theo hình bán nguyệt.

Sau mấy cái bắt tay hoặc ôm ghì người thân, tôi tiến về phía già làng Ha Mrang đang ngồi cùng với các già làng gần bên đống lửa mẹ. Ông đón tôi bằng câu nói thoạt nghe có vẻ rất lạnh lung: “Ôi về rồi đấy hả?”. Cứ tưởng lạnh lùng nhưng thực sự thì với người dân tộc thiểu số Cơ Ho, cách nói như thế là lời chào của người lớn tuổi dành riêng cho người thân lâu ngày trở về.

Nhìn vào vị trí ngồi của già làng Hơ Mrang, tôi nhận ra rằng, buổi ăn trâu sáng nay là do ông làm chủ lễ. Bên cạnh già làng Ha Mrang là già làng Ha Pơn của làng Cạp La (Đạ Kla). Đó là hai trưởng tộc của hai dòng họ người Cơ Ho không nhìn mặt nhau đến mấy đời nay rồi. Ấy nhưng, nhìn lên cây nêu gùng lgang stàng liep (cây linh hồn) vừa mới được dựng lên bên cây knung có con trâu to “ba sải tay” đang bị thít cổ, tôi nhận ra có đến 6 biểu tượng của cả 6 dòng họ người Cơ Ho sinh sống bên dòng Tvó giữa thăm thẳm đại ngàn này.

Hơn thế, trên đỉnh cây linh hồn kia, biểu tượng hòn đá to của dòng họ già làng Ha Pơn được đứng ở phía bên trái đối diện với biểu tượng “núi Đăng Gúr” của dòng họ Ha Mrang.

Như đoán được suy nghĩ của tôi, già làng Ha Mrang lên tiếng: “Mấy hôm trước, dòng họ mình với dòng họ nó có làm cái lễ một con dê rồi. Nay mới làm cái lễ bắt tay. Chút nữa, chờ mặt trời thức dậy, làm cái lễ chính xong là làm luôn cái lễ bắt tay của hai dòng họ. Mấy ngày trước, mình bảo tụi con trai vào rừng tìm cây nêu dài nhất, khỏe nhất để mang về. Cây nêu khỏe nhất và dài nhất này có đủ 6 biểu tượng của toàn bộ 6 dòng họ Cơ ho ở Đạ vây và Đạ Kla. Lũ trai nói lại rằng chúng nó tìm thấy cái cây linh hồn này ở phía bên cánh rừng của dòng họ Hơ Pơn đấy!”.

Nghe già làng Hơ Mrang nói, tôi hiểu ra rằng, mối thù truyền kiếp giữa hai dòng họ đã được hóa giải bước đầu rồi. Chỉ lát nữa đây thôi, sau lễ ăn trâu chính diễn ra, cuộc hòa giải giữa hai dòng họ sẽ chính thức được tiến hành. Nếu một trong hai dòng họ chấp nhận lời “Pặc chiơ mar tiơra” của dòng họ kia thì mối thù truyền kiếp ấy được hóa giải, lễ vật hóa giải sẽ được mang ra cho cả cộng đồng cùng hưởng. Bằng không, sẽ có một biểu tượng trên cây linh hồn được tháo xuống và dòng họ Hơ Pơn quay lưng dời gót ngay lập tức.

Tôi cầu mong cho mọi chuyện được diễn ra một cách suôn sẻ, êm đẹp. Tôi cũng cầu mong cho các thế lực siêu nhiên phù trợ cho cả hai dòng họ. Như chợt nhớ ra điều gì đó, tôi đứng dậy và đi về phía đầu làng. Tuy chỉ với ánh sáng yếu ớt hắt lại từ đống lửa phía đỉnh đồi nhưng ở tận đây, nơi con đường nhỏ phía xa đầu làng, tôi vẫn nhận ra hình ảnh hiu chà rặc ( ngôi nhà ma ) vừa được dựng lên trên một gốc tre già lúc chiều hôm qua.

Mấy con dê đã được mổ thịt. Theo lệnh của già làng Ha Mrang, mấy anh thanh niên xẻ một phần thịt và bộ lòng đem ra  ngôi nhà ma để dâng cho các thế lực siêu nhiên thuộc tuyến thần ác. Mấy con gà cũng vừa được hóa kiếp. Già làng mang bát máu gà đến bên cây linh hồn. Ông vừa bôi máu gà lên đó vừa lẩm nhẩm đọc mấy câu gì đó không nghe rõ. Xong lần lượt ông bôi máu gà lên trán của những người đại diện cho các dòng họ trong buôn làng Đạ Vây và cả Đạ Kla.

Đến chỗ già làng Hơ Pơn, 4 ánh mắt chạm nhau, ngón tay già làng Ha Mrang có dính máu gà đầy thân thiện đặt lên giữa trán già làng Hơ Pơn. Tôi thở phào nhẹ nhõm! Chợt nhìn về đỉnh Đăng Grú phía đằng đông: mặt trời đang làm một vầng lửa đỏ rực bao trùm cả ngọn núi! Lễ ăn trâu bắt đầu! Mọi người không ai bảo ai, đứng thành mấy vòng tròn xung quanh đống lửa mẹ.

Chiếc khèn sừng trâu trên tay già làng Ha Mrang được nâng lên ngang mặt. Ông căng lồng ngực rồi thổi vào chiếc khèn sừng trâu một hơi thật dài với mấy ngón tay vuốt vẩy rất điệu nghệ. Dòng âm thanh trầm húng cắt lên như song lượn trườn qua những đỉnh núi, chảy dài theo triền đồi rồi hòa vào dòng suối T’vó. Âm thanh ấy như có cánh vượt qua mấy tầng trời để đến tận cao xanh  nơi đất cha của người Cơ Ho. Nó dường như cũng có khả năng xuyên thấu mấy tầng đất để về tận nơi thẳm sâu của cõi âm mà người Cơ Ho bảo rằng đó là đất mẹ.

Dòng âm thanh từ chiếc khèn sừng trâu ấy lan đi mọi phía, rồi chợt quy tụ trở về và hòa vào lời khấn cầu của già làng chủ lễ Ha Mrang: “Rpu net an sar. Bó krong mar nang lup an … Ơ … yang koong yang dak. Ơ … atau nhap atau boh. Ănk knhưn lư mio lư kpô …”. Có nghĩa là: “Trâu đã giết. Xin đừng đòi thêm nữa. Ơi thần núi thần sông. Ơi ma ông ma bà. Cho chúng tôi nhiều heo bò gà trâu …”.

Mấy súc củi thật to được chất thêm vào đống lửa mẹ. Một chàng trai to khỏe nhất làng được dân làng bình chọn với ngọn lao bên tay trái và cây xà gạt bên tay phải đang múa quanh con trâu bên cây knung. Dứt lời khấn của già làng Ha Mrang, chiêng trống nổi lên. Những bài chiêng đón khách, những bài chiêng mời gọi thần linh được các đội chiêng tấu lên cùng dòng người đi ngược chiều kim đồng hồ bên bếp lửa mẹ…

Con trâu đã được mổ thịt. Những ché rượu cần đã được khui ra và cắm cần. Đêm rừng nghiêng ngả… Lời khấn cầu cho buôn làng ấm no, không dịch bệnh, không hận thù… đã được già làng chuyển vào tiếng khèn sừng trâu, vào tiếng chiêng mẹ, chiêng cha, chiêng con chiêng cháu… vọng tận trời xanh, âm tận long đất thẳm.

Các thế lực siêu nhiên cũng đã tề tự về đây đông đủ, cả ma ông ma bà… Tất cả thần linh và ma quỷ cùng với dân làng phải uống cho căng lồng ngực, uống cho lửa trong lồng ngực cũng cháy phừng phừng như ngọn lửa mẹ, uống cho máu trong lồng ngực cũng nóng sôi như máu con trâu vừa hiến tế…

Và bên góc rừng nồng ấm tình an hem kia, bên ngọn lửa mẹ cháy mãi không bao giờ tắt này, lễ bắt tay giữa hai dòng họ Ha Mrang và Ha Pơn sắp diễn ra.

“Pặc chiơ mar tiơra …”

Anh Păngting Uôk, một trí thức người dân tộc Lạch (một nhánh của người Cơ Ho) sống dưới chân núi Langbian (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) nhiều lần giải thích với tôi rằng: “Pặc chiơ mar tiơra …” giống như một câu ngạn ngữ của người Việt có nghĩa là “không ép nhau …”.

Câu ngạn ngữ này thường được đưa ra sử dụng vào các dịp sar rpu. Cũng có thể hiểu, trong dịp đại lễ sar rpu, ngoài chuyện ăn trâu mừng mùa màng tươi tốt, cầu xin các thế lực phù trợ dân làng… thì đây còn là dịp lễ hòa giải những mâu thuẫn, thậm chí cả hận thù, giữa các thành viên, dòng họ trong buôn làng, giữa dòng họ này, buôn làng này với dòng họ kia, buôn làng kia.

Bên ánh lửa giữa rừng buổi bình minh, hai già làng Ha Mrang và Ha Pơn ngồi trước một mân lễ vật là một con gà hiến sinh do mấy anh thanh niên trai tráng trong dòng họ nhà Ha Pơn vừa bày biện lên. Họ ngồi đối diện với nhau …

Tôi may mắn được cả hai già làng yêu mên nên qua họ, tôi hiểu được mối thù giữa hai dòng họ bắt nguồn từ đâu. Chuyện kể là mâu thuẫn ấy nảy sinh từ mấy đời trước rồi. Dòng họ nhà Ha Mrang vốn thuộc nhánh Cơ ho Srê. Trong tiếng Cơ Ho, “srê” có nghĩa là lúa nước. Dòng họ nhà Ha Mrang chọn góc rừng ven suối Tvo để làm ruộng. Phía cánh rừng bên trên đỉnh Đăng Grú, họ Ha Mrang chọn khu đất có cây cối rậm rạp nhất để làm rừng thiêng cho cả dòng họ.

Khu rừng thiêng ấy, theo luật tục Cơ ho thì không ai được đặt chân đến, nếu chưa được sự đồng ý của trưởng họ hoặc của già làng. Phía bên kia đỉnh núi, dòng họ nhà Ha Pơn chọn một khoảnh đất trống làm nơi dựng làng. Khu rừng thiêng của dòng họ Ha Pơn là đỉnh núi phía đầu nguồn Tvo. Dòng họ nhà Ha Pơn thuộc nhánh Cơ ho Chil, chuyên làm rẫy. Ngày lập làng và cúng thần rừng, yang mir (thần rừng) bảo với thầy cúng của dòng họ Ha Pơn rằng nên chọn khu đất lưng chừng núi để chọc lỗ tra hạt.

Một năm rồi hai năm, khu rẫy của họ nhà Ha Pơn lấn dần lên đỉnh núi, còn cánh đồng lúa của họ nhà Ha Mrang thì tiến dần về phía đầu nguồn suối. Cả hai vô tình xâm phạm vào rừng thiêng của nhau lúc nào không hay biệt. Với những người thiểu số, hành động xâm phạm vào rừng thiêng là trọng tội. Cả hai dòng họ bắt tội lẫn nhau.

Mâu thuẫn bắt đầu từ đó. Những già làng của hai dòng họ chẳng thèm nhìn mặt nhau. Con gái của dòng họ bên này không được bắt chồng con trai của dòng họ bên kia. Người của họ Ha Mrang không được đi vào cái lối mòn trên nương của dòng họ nhà Ha Pơn. Ngược lại, người của nhà Ha Pơn không được đi vào lối ven suối của người Ha Mrang. Cũng đã có mấy cuộc hòa giải do các dòng họ khác cũng thuộc nhóm thiểu số Cơ Ho ở Đạ Vây và Đạ Kla đứng ra tổ chức nhưng bất thành, tất cả đều không mang lại kết quả gì.

Những thế hệ già làng của hai dòng họ thay nhau lên nắm quyền và tiếp tục duy trì sứ mệnh  không đi chung đường của hai dòng họ. Đến thế hệ già làng của hai già làng cụ thể là già Ha Mrang và già làng Ha Pơn, câu chuyện về mối thù truyền kiếp giữa hai dòng họ đã có sự tác động của các cơ quan, đoàn thể nên phần nào ít căng thẳng hơn.

Tuy nhiên, để mâu thuẫn thực sự được hòa giải thì phải có cái lễ bắt tay. Ngồi đối diện với nhau trước mâm lễ vật, hai già làng nói với nhau rất nhiều câu chuyện. Họ phân tích phải trái, đúng sai… cho nhau nghe để cuối cùng sẽ có một cần rượu mời của chủ nhà Ha Mrang với khách già làng Ha Pơn. Và đặc biệt, một trong hai người sau khi men rừng đã ngấm đến tận vai và nói “Pặc chiơ mar tiơra …”  và được người kia chấp nhận bằng một vòng tay quàng qua vai người nọ thì mọi thù hận được chính thức xóa bỏ.

Và mong đợi ấy của mọi người, của người trong hai dòng họ đã trở thành hiện thực. Bắt đầu từ giờ phút này, cuộc vui sar rpu không còn giới tuyến giữa hai dòng họ Ha Mrang và Ha Pơn. Mọi người vào vòng xong với tâm trạng thăng hoa cao độ. Rượu cần chảy tràn như suối Tvo.

Về sau, tôi có hỏi già làng Ha Mrang rằng trong câu chuyện bàn bạc giữa hai người trong buổi sáng sar rpu hôm ấy, chuyện nào là quan trọng nhất, là có tính quyết định đến sự thành công hoặc thất bại của cuộc hòa giải.

Già làng Ha Mrang trả lời: “Mấy cái mùa trăng trước khi làm lễ sar rpu dời làng về bên suối Đạ Knàng, có một anh cán bộ người Kinh của huyện Lâm Hà vô gặp già, rồi gặp cả già làng Ha Pơn, nói rằng về cái nơi làng mới ở Đạ Knàng, cái đường đi riêng trên nương và cả cái đường cũng đi riêng ven suối Tvo không còn nữa, mà hai dòng họ phải đi chung một con đường cán bộ nó mở ra, nên phải làm hòa với nhau để mà cùng làm ăn, sinh sống”.

Nghe được câu chuyện này, tôi phục lăn anh cán bộ nào đó của huyện Lâm Hà! Cho đến nay, con đường làng của hai dòng họ Ha Mrang và Ha Pơn (cũng là con đường chung của các dòng họ khác của nhóm Cơ ho Đạ Vây, Đạ Kla) ở ven suối Đạ K’nàng đã thênh thang lắm rồi! Những dấu chân in trên con đường đó không còn phân biệt là của dòng họ Ha Mrang hay của dòng họ Ha Pơn. Đến lúc này, nữ đồng nghiệp chuyên lặn lội vùng sâu vùng xa Đinh Thị Nga của tôi mới thốt lên: “Bao nhiêu là bài học, nhỉ? Bài học không chỉ riêng cho một ai.

P.V

Theo: nguoiduatin.vn

TAMTHUC