Blog Tâm Thức
Ngôi đền được suy tôn là Thần giữ của
Tuesday, 24/09/2013 00:00 am

Blog Tâm Thức

Hàng chục năm nay, tại một xã miền núi ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An), người dân tôn thờ một trong những ngôi đền được mệnh danh là “thần giữ của”.
Ngôi đền “giữ của” ấy có tên thật là Đền ông Chinh Bỉnh, thuộc xóm 1A, xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ (Nghệ An).

Truyền thuyết về ngôi đền thiêng

Theo người dân ở đây thì ngôi đền thờ ông Chinh Bỉnh này có từ cách đây đã rất lâu. Ngày đó, ông Chinh Bỉnh, một người có quyền quý, thuộc họ Nguyễn ở xã khác trên đường đi qua đất Nghĩa Hợp gặp phải trời tối nên đành nghỉ lại ở đây. Trong giấc ngủ nơi rừng thiêng, ông Chinh Bỉnh mơ thấy một người đàn ông to lớn, cực kỳ tướng mạo tự xưng là tướng Ngô Văn Ngạo.

Người đàn ông cho biết, ông là tướng lĩnh đời nhà Lê, trên đường đi đánh giặc do bị thất trận nên giặc dồn đuổi từ dưới Phủ Diễn (huyện Diễn Châu ngày nay) ngược miền Tây, chạy qua huyện Yên Thành rồi đến rừng Cồn Vè thuộc đất Nghĩa Hợp thì bị thương nặng và chết. Trong giấc mơ đó, vị tướng thời nhà Lê này đã thỉnh cầu ông Chinh Bỉnh xây dựng giúp ông một ngôi đền để lấy nơi thờ cúng.

thần giữ của

Ông Nguyễn Thành Nam cho biết: “Nơi đây là nền đất cũ của đền hạ khi xưa”.

 

Tỉnh dậy, thấy lạ với giấc mơ trên, nhưng tin chắc rằng mình là người có duyên nên mới được phó thác trọng trách nên ông Chinh Bỉnh trở về quê và cho người mang nguyên vật liệu sang xây dựng ngôi đền chính tại nơi mà ông nằm mơ thấy vị tướng lĩnh đó báo mộng. Ngôi đền có từ ngày đó, người dân gọi bằng nhiều tên khác nhau như đền tướng Ngô Ngạo, đền Cồn Vè hay đền thờ ông Chinh Bỉnh.

Ông Ngô Trí Quế (62 tuổi), một vị cao niên trong làng và là người trông coi ngôi đền cho biết: “Từ lúc tôi sinh ra đã thấy ngôi đền nằm ở đó. Qua những câu chuyện mà cha ông tôi kể lại thì sau khi xây dựng ngôi đền này, gia đình ông Chinh Bỉnh làm ăn ngày càng phát đạt và trở nên giàu có”. Ngôi đền thờ này nằm trên một ngọn đồi khá cao thuộc rừng Cồn Vè, quanh đền cây cối um tùm rậm rạp càng làm tăng thêm vẻ uy nghi, linh thiêng cho ngôi đền.

Năm này qua tháng khác, ngôi đền tồn tại song hành cùng đời sống văn hóa của người dân nơi đây. Ngôi đền được xây dựng theo lối kiến trúc cổ, bao gồm thượng viện và hạ viện. Thượng viện là nơi để bàn thờ và bài vị thờ cúng. Còn hạ viện là nơi để du khách thập phương trọ lại những ngày hành hương tại đền. Hầu hết những du khách thập phương tìm về ngôi đền để cầu bình an cho gia đình, hay xin quẻ may mắn trước khi làm một việc trọng đại nào đó. Nếu du khách đến cầu mà thành tâm thì sẽ được như ý nên tiếng thiêng về ngôi đền được đồn xa. Ông Quế chia sẻ: “Có thời điểm ngôi đền có nhiều du khách ghé thăm lắm, đến cả khu hạ viện rộng lớn đó mà chật kín người đến hành hương”.

Vào những năm 1960, do công cuộc cải cách ruộng đất, ngôi đền cũng nằm trong diện phải phá bỏ nên mọi thứ đã không còn được như ban đầu. Mặc dù người dân đã ra sức giữ lại những gì còn liên quan nhưng từ đó, ngôi đền thưa dần người đến hành hương. Dấu tích còn sót lại trên mô đất thiêng ấy là một cái bàn thờ nhỏ đã mục cùng lư hương hiu quạnh. Năm 1994, người dân quanh khu vực ngôi đền đã cùng nhau quyết định sẽ trùng tu và khôi phục lại ngôi đền để làm chỗ thờ cúng cho người dân. Cũng từ đó, ngôi đền xuất hiện nhiều điều thú vị và ly kỳ.

Thực hư ngôi đền mất của – xin lại được

Ngôi đền sẽ không có gì đặc biệt nếu như một ngày nọ, gia đình ông Nguyễn Văn Hạo không bị kẻ gian lẻn vào nhà lấy trộm đi số tiền gần 50 triệu đồng. Bực mình, xót của, sau bao ngày tìm kiếm không được, vợ chồng ông Hạo sinh ra buồn chán, không thiết làm ăn. Nhà ở cách đền Chinh Bỉnh một đoạn nên ông Hạo nói với vợ: “Tôi nghĩ là số tiền đó chưa mất được đâu, hôm nay mình thử mang hương lên đền ông Bỉnh xin xem thế nào, biết đâu ông linh thiêng lại bày đường chỉ lối cho vợ chồng mình tìm lại được”.

Nghĩ là làm, hôm đó hai vợ chồng lên đền khấn xin. Quả nhiên, mấy hôm sau kẻ lấy trộm tiền tìm đến nhà tự động trả lại số tiền đó và xin lỗi ông bà. Quá đỗi vui mừng vì tìm lại được tiền bạc, ông Hạo cho biết: “Đó là số tiền mà hai vợ chồng tôi đã gom góp từ mấy tháng trước định bụng sẽ sử dụng vào dịp Tết nhưng không may bị kẻ gian cuỗm mất. Vợ chồng tôi xót của nên đã lên đền ông Chinh Bỉnh làm lễ xin, chỉ mong ông ấy thương tình mà cho lại. Mấy hôm đầu chẳng thấy tin tức chi, cứ tưởng là mất hẳn rồi, ai ngờ tên trộm lại mang đến trả và xin lỗi chứ”. Từ đó, tiếng lành về ngôi đền ông Chinh Bỉnh được nhiều người nhắc đến. Không chỉ người dân trong vùng và lân cận, một số ở Hà Tĩnh, Thanh Hóa nghe tin cũng tìm đến mỗi khi bị mất của cải.

Ông Lê Trần Long (60 tuổi), nhà ở sát cạnh ngôi đền chia sẻ: “Gia đình tôi vào năm 2000 bị mất một con bò, ngày đó con bò là cả một gia tài lớn đối với người làm nông như chúng tôi nên gia đình đã nhờ người tìm khắp mà không thấy. Đến khi tôi mang lễ lên đền khấn xin ở đền ông Chinh Bỉnh, thì khoảng 15 ngày sau, con bò tự nhiên tìm về nhà khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng”. Ông Long cho biết thêm: “Chuyện mất của tìm lại được như trường hợp của ông là rất nhiều. Người dân tôn thờ và gọi ngôi đền ông Chinh Bỉnh với tên khác là đền “giữ của””.

Không chỉ linh thiêng ở việc xin lại được của cải mà ngôi đền này còn rất nhiều điều bí ẩn khác. Chẳng hạn như việc không ai dám hái cây bẻ cành, kể cả cây khô vì nếu vô tình động vào kiểu gì cũng chuốc tai ương. Đợt trùng tu lại ngôi đền vào năm 2002, ông Phan Văn Minh, người ở xóm 6A, xã Nghĩa Đồng đi qua đền, thấy số gỗ cũ trong đền còn dùng được nên đã bó một ít mang về nhà. Nhưng vừa đưa bó củi lên vai, ông Minh như hành động vô thức, vừa đi vừa tát vào mặt mình cho đến khi về đến nhà. Hậu quả là hai má bầm tím, hai tay đỏ rát mà không hề hay biết, chỉ đến khi gia đình nhờ thầy cúng về làm lễ và mang trả lại số củi đó thì ông Minh mới khỏi.

Mõ và chuông còn sót lại trong ngôi đền.

Đến chuyện Những tên trộm bỗng dưng đem trả đồ?

Ngoài ra, còn có câu chuyện ông Lộc, người gần với rừng Cồn Vè có lên chặt củi ở đền về nhà sử dụng. Tuy nhiên tối về nằm ngủ, ông Lộc gặp ác mộng rồi sinh ra ốm đau. Từ đó, ông Lộc không bao giờ bén mảng lên rừng Cồn Vè chứ đừng nói là vào ngôi đền ông Chinh Bỉnh. Ông Quế, người trông coi ngôi đền cho biết: “Ngôi đền tuy được xây dựng bởi một người thuộc dòng họ Nguyễn nhưng ông tổ của ngôi đền này thuộc dòng họ Ngô nên đến nay, ngôi đền do con cháu dòng họ Ngô chúng tôi chăm sóc và trùng tu.

Bản thân tôi cũng đã không ít lần lên đền để xin lại của cho người dân, ngay như ở trong xã này đã có rất nhiều gia đình như nhà ông Thơ mất bò, nhà bà Lành mất trộm lên xin đều đã tìm thấy. Mới nghe, nhiều người có vẻ như không tin lắm nhưng tôi đã tận mắt chứng kiến gia đình ông Hảo bị mất trộm một cái đài và một số tiền do người xã bên lấy. Khi ông Hảo mang lễ lên đền xin thì người lấy trộm đó đã tự động mang những thứ lấy trộm đến trả. Được biết, kẻ lấy trộm đó đã mang những thứ đồ đó lên tận Nghĩa Đàn để bán, nhưng không hiểu sao hắn lại ngoan ngoãn mang về trả lại một cách khó hiểu”.

Huyền thoại và những kỳ bí về ngôi đền này đến nay vẫn gây nhiều sự tranh cãi, nhưng sau tất cả những gì đã xảy ra, người dân đã có những niềm tin nhất định và tìm đến khi có bất cứ những câu chuyện buồn trong cuộc sống. Đó cũng là cơ sở để đền ông Chinh Bỉnh trở thành biểu tượng an lành trong ý thức của người dân nơi vùng núi hoang sơ này.

Phạm Phạm – Kim Thoa

Theo: Báo mới

TAMTHUC