Blog Tâm Thức
Tô Đông Pha: Vinh nhục, được mất không nhớ kỹ, sống tiêu dao để được bình an
Saturday, 09/12/2017 19:17 pm

Blog Tâm Thức

Trong thế sự xoay vần hỏi mấy ai tránh được những nỗi niềm thương đau, cho dù người đó có là Tô Đông Pha, nổi tiếng lạc quan và cởi mở.

Tô Thức (1037 – 1101), tự Tử Chiêm, hiệu là “Đông Pha cư sỹ” nên người đời còn gọi ông là Tô Đông Pha. Hơn 64 năm bôn ba góc biển chân trời đã mang đến cho Tô Đông Pha rất nhiều trải nghiệm mới mẻ, sâu sắc. Dấu chân của ông đã in lên biết bao vùng đất trên khắp đất nước Trung Hoa, từ miền núi cao hiểm trở Thiểm Tây đến những vùng đất trù mật ở Tô Châu, Hàng Châu rồi miền bờ biển phía Nam hoang vắng. Những vần thơ của ông khi thì ấm áp, tinh tế, lúc lại hào hùng, đầy khí thế. Màu sắc anh hùng toát lên từ những vần thơ ấy hoàn toàn trái biệt với cuộc sống lưu lạc bể dâu của bản thân ông.

Nhiều vần thơ của Tô Đông Pha thấm đẫm triết lý nhân sinh, đầy màu sắc chiêm nghiệm. Bởi vậy, hậu thế đọc lại thơ ông tự nhiên cảm được nhiều dư vị lắng đọng trong lòng.

1. Cành lạnh tìm quanh chẳng chịu dừng

Khuyết nguyệt quái sơ đồng
Lậu tận nhân sơ tĩnh
Thuỳ kiến u nhân độc vãng lai
Phiêu diểu cô hồng ảnh

Kinh khởi khước hồi đầu
Hữu hận vô nhân tỉnh
Giản tận hàn chi bất khẳng thê
Tịch mịch sa châu đinh

Dịch nghĩa:

Trăng khuyết treo trên ngọn ngô đồng, giữa màn đêm yên tĩnh chỉ còn sót lại vài người. Có ai lẻ loi bước đi trong màn đêm thăm thẳm giống như bóng ảnh lẻ loi của chim Hồng. Giật mình quay đầu nhìn lại, có nỗi hận mà không ai biết. Cành lạnh tìm quanh chẳng chịu dừng, đành một mình tịch mịch trên cồn cát. 

Tô Thức nâng chén rượu hỏi vầng trăng sáng.(Ảnh: taiwanjustice.net)

Bài từ “Bốc toán tử” này được Tô Đông Pha làm vào mùa xuân năm Nguyên Phong thứ 3 (1080) khi đã 44 tuổi, lúc đang ngụ cư tại chùa Định Huệ trong thời gian bị biếm làm Đoàn luyện phó sự tại Hàng Châu do làm thơ trào phúng chính sách đương thời. Trong bài có một chữ “hận” chính là thể hiện tất cả nỗi niềm của ông. Tô Thức là người tận trung với Hoàng Đế nhưng lại bị biếm trích, đày ải chỉ vì lòng yêu nước thương dân ấy. Nỗi hận ấy không phải là hận Hoàng đế, hận những kẻ đã góp tay đày đọa ông, mà chính là tự hận mình, hận không thể thực hiện được tâm huyết sục sôi. 

Tô Thức đương nhiên là có lý do để “hận”. Ông thiếu niên anh tài, chỉ mới hơn 20 tuổi đã viết ra được văn chương tinh diệu. Ở trong triều đình một đường thuận lợi. Ở tuổi 45 đã có đầy đủ kinh nghiệm, chỗ dựa, danh vọng. Nhưng vào lúc tiền đồ đang rộng mở thì lại bị tiểu nhân hãm hại, phải vào đại lao, thậm chí sắp mất đi mạng sống. Hoài bão ôm ấp trong lòng, sự trung thành và kiên trì đều bị giẫm đạp, thử hỏi trong lòng sao không hận cho được? 

Cho dù trong lòng mang hận, nhưng ông vẫn lựa chọn “Giản tận hàn chi bất khẳng tê” (cành lạnh tìm quanh chẳng chịu dừng), không về phe với những kẻ gian thần ô hợp, tư lợi. Phần kiên cường bất khuất này sẽ phải trả một cái giá rất đắt, chẳng lẽ Tô Thức không biết hay sao? Thực ra ông biết rất rõ rằng chính sự ngang tàng này khiến mình không còn chỗ đứng. Một lần lại một lần bị giáng chức, một lần lại một lần phải lưu lạc tha phương. 

2. Muốn trở về báo đáp triều đình, nhưng cửa đến bên Hoàng đế còn đóng chặt

Xuân giang dục nhập hộ
Vũ thế lai bất dĩ
Tiểu ốc như ngư chu
Mông mông thủy vân lí
Không bào chử hàn thực
Phá táo thiêu thấp vĩ
Na tri thị hàn thực
Đãn kiến ô hàm chỉ
Quân môn thâm cửu trọng
Phần mộ tại vạn lí
Dã nghĩ khốc đồ cùng
Tử hôi xuy bất khởi

Dịch nghĩa:

Mùa xuân đã đến trước cửa nhà, nhưng mưa lớn vẫn kéo dài không dứt. Căn phòng nhỏ như chiếc thuyền đánh cá, liên tục bị mưa tạt vào. Nhà bếp lạnh tanh trống rỗng, chỉ có thể nấu một chút rau bằng bếp lò bị vỡ hiu hắt lay động. Lẽ ra không biết hôm nay là ngày gì, nhưng nhìn thấy quạ đen và tiền giấy mới biết hôm nay là tiết Hàn Thực. Muốn trở về báo đáp triều đình, nhưng cửa đi đến bên Hoàng Đế sâu thẳm, đóng chặt, chỉ có thể mong mà không thể làm, muốn trở về cố hương, nhưng phần mộ của tổ tiên lại xa diệu vợi. Lẽ ra muốn học Nguyễn Tịch khóc vì nghèo khổ, nhưng tâm như tro tàn, không còn cảm xúc, cũng không khóc được. 

“Hàn thực thiếp”, bút tích của Tô Đông Pha, còn lưu giữ tại bảo tàng.( Ảnh: wikipedia)

Trong thời gian bị đi đày ở Hoàng Châu, năm 1069, Tô Thức có viết “Hoàng châu Hàn thực thị thiếp“, còn gọi là “Hàn thực thiếp”, được mệnh danh là “Thiên hạ đệ tam hành thư” (tức là bức hành thư đứng thứ ba thiên hạ). Lúc này Tô Thức đã đến Hoàng Châu được 3 năm. Cuộc sống chẳng những không thay đổi, ngược lại càng thêm khó khăn. Con đường sự nghiệp của ông vô cùng trắc trở, ngay cả làm thế nào để duy trì cuộc sống cũng trở thành một vấn đề lớn. Ông nỗ lực khai hoang, chăm chỉ trồng trọt, đắp đê. Tất cả những nỗi khổ của nông dân ông đều trải qua lúc tuổi đã hơn nửa đời người. 

Trong lúc như vậy, làm sao có thể không than phiền? Tâm trạng giống như tiền giấy bị đốt thành tro, tro dính vào mặt đất, thổi cũng không thể bay được. Nhưng Tô Thức chính là Tô Thức, luôn có thể tiếp tục cuộc sống, còn có thể dùng ngòi bút của mình làm những người xung quanh cảm nhận được sự lạc quan và lòng dũng cảm. 

3. Một cơn mưa ngang qua trong đời người 

Mạc thính xuyên lâm đả diệp thanh
Hà phương ngâm khiếu thả từ hành
Trúc trượng mang hài khinh thắng mã
Thuỳ phạ!
Nhất thoa yên vũ nhậm bình sinh

Dịch nghĩa:

Nghe được tiếng mưa xuyên qua cánh rừng rơi trên lá, nhưng vẫn thong thả, ngâm nga đi trên đường. Gậy trúc, giày cỏ nhẹ nhàng còn hơn đi ngựa, nào ngán! Một cơn mưa ngang qua trong đời người. 

Tô Đông Pha đã phải nếm trải nhiều phong ba trong đời. Ảnh:

Ông và mọi người cùng nhau đi mua hạt giống, đúng lúc đi đến con đường cát bên hồ thì trời đổ mưa, ông không những không tránh vội, cũng không gấp gáp, mà còn thong thả, ngâm nga, sáng tác bài hát. Đối mặt với thăng trầm trong cuộc sống, Tô Đông Pha vẫn duy trì một thái độ lạc quan, cởi mở. Sự bao dung và thoải mái này người khác rất khó làm được.

Sơn đầu tà chiếu khước tương nghênh” (Đầu núi ánh chiều tà ngả nhìn như đón chào), hết mưa trời lại sáng, mặt trời ló dạng, lúc này nhìn về đoạn đường mà bản thân đi qua, lại cảm thấy rằng thật ra sóng gió trong cuộc đời không khác gì với sự thay đổi của tự nhiên, giống như ánh sáng mặt trời cũng có nơi không thể chiếu đến. Chuyện vinh nhục được mất, cần gì phải nhớ kỹ, không nên canh cánh trong lòng. Không bằng “Nhất thoa yên vũ nhậm bình sinh” (Áo tơi mưa gió mặc bình sinh). 

4. Sau khi qua lửa nó sẽ tự trở thành món cao lương mĩ vị

Tẩy tịnh đang, thiểu trứ thủy
Sài đầu yểm yên hãm bất khởi
Đã tha tự thục mạc thôi tha
Hỏa hậu túc thì tha tự mĩ

Dịch nghĩa:

Rửa sạch chảo, cho vào một chút nước, sau đó nhóm lửa. Để nó tự chín không cần phải đụng vào, sau khi qua lửa nó sẽ tự trở thành một món ăn mỹ vị. 

Món thịt kho được đặt theo tên của Tô Đông Pha. Ảnh: vietnamnet

Quy tắc trong hoàng cung thời Tống là: “Thức ăn không được dùng những thứ khác vị, không quý hiếm, Ngự Trù chỉ có thể dùng thịt cừu chế biến“. Lúc Tô Thức còn ở kinh thành, cho dù là hoàng gia ban thưởng hay chiêu đãi tân khách trong yến tiệc, thì tất cả đều là thịt cừu thượng hạn.

Lúc đến Hoàng Châu, ông không mua nổi thịt cừu, mà thịt lợn lại không ngon, nên ông đã hào hứng nghĩ ra một cách làm mới, tạo nên món thịt kho nổi tiếng. Ngày nay, thịt kho Đông Pha đã trở thành món ngon góp mặt trên mâm cơm của mỗi gia đình. Hàm ý về một tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống của nó đã cổ vũ cho rất nhiều người đang phải sống trong nghịch cảnh.

Bất luận cuộc sống có tồi tệ đến mức nào, cũng đừng bao giờ đánh mất đi nhiệt tình và lòng yêu mến. “Hỏa hậu túc thì tha tự mĩ”, sau khi qua lửa thì tự trở thành món ăn ngon. Cuộc sống cũng như vậy, khi những khổ nạn, sóng gió đã đi qua thì những điều tuyệt vời nhất sẽ luôn ở ngay trước mặt bạn. 

Theo soundofhope
Thanh Bình biên dịch

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/to-dong-pha-vinh-nhuc-duoc-mat-khong-nho-ky-song-tieu-dao-de-duoc-binh-an.html