Bà năm nay đã ngoài 80 tuổi. Bà về hưu cách đây ngót nghét 30 năm, nhưng chỉ thực sự nghỉ ngơi khoảng hơn chục năm nay. Bà từng là trưởng khoa sản có tiếng của tỉnh Hải Dương. Công việc với bà như là hơi thở, là cuộc sống. Bao năm qua đi, dù sức khỏe không cho phép cầm dao, kéo nhưng mỗi khi nhắc đến nghề, đến chuyên môn sản khoa, đôi mắt mờ đục, nhăn nheo của bà như sáng lên.
Bà bảo: “Hạnh phúc nhất là giây phút đỡ đẻ được mẹ tròn con vuông. Nhưng cũng có lúc nặng lòng biết bao khi phải làm cái việc là hút bỏ những mầm sống nhỏ nhoi đang nằm trong bụng mẹ. Vì nhiều lý do mà người mẹ bắt buộc phải lựa chọn việc bỏ hay giữ đứa con. Nhưng với cương vị của một bác sĩ, gặp ca nào cũng như vậy, tôi cũng thấy nặng nề và đau thay cho họ …”.
Khấn thầm mỗi khi phải tước bỏ mầm sống
Đó là việc mà bà Nguyễn Thị Hoa – bà bác sĩ già chúng tôi đang nhắc đến – vẫn làm mỗi khi chuẩn bị cầm dụng cụ để tước bỏ mầm sống đang lớn dần trong bụng những bà mẹ. Những chuyện như thế này bà chưa từng kể với ai, mấy chục năm nay bà cứ chôn giấu trong lòng.
Bà Hoa giờ đi lại rất khó khăn vì lần đột quỵ do tai biến cao huyết áp. Mới vài năm trước, bà còn đi lại phăm phăm, giờ tuổi đã cao, lại thêm bệnh tật đầy người, bà phải ngồi một chỗ, bất kể làm gì cũng phải có người kè kè chăm sóc. Hằng ngày uống hàng tá thuốc vào người để hỗ trợ tiểu đường, huyết áp, bà Hoa cảm thấy chán nản vì đang yếu đi từng ngày. Do cơn tai biến gần đây nên miệng bà hơi méo, tiếng nói không còn rõ như ngày xưa, nhưng những gì bà nhớ và kể với chúng tôi vẫn còn rõ ràng lắm.
Bà Hoa bảo, ngày xưa, những thế hệ bác sĩ, trưởng khoa như bà đều nghèo, nhưng ai cũng nhiệt huyết với nghề. Bà từng là một bác sĩ có chuyên môn hàng đầu về sản khoa tại tỉnh Hải Hưng (cũ), nên bà được nhiều người biết đến, nhờ vả. Thời bao cấp, các bác sĩ cũng như bao cán bộ công nhân viên chức khác, hằng ngày chỉ chuyên tâm vào công việc ở cơ quan, bệnh viện chứ chẳng ai nghĩ đến việc làm thêm, mở phòng khám kiếm thêm như bây giờ.
Bà có 4 mặt con, hồi ấy kinh tế khó khăn, nhà đông con, vô cùng vất vả. Bà làm ở bệnh viện từ sáng sớm đến tối mịt, thậm chí có hôm sáng sớm đến tối mịt, thậm chí có hôm vừa về nhà, bê bát cơm lên chưa kịp ăn thì lại có người báo có ca đẻ ngược, cần bà vào gấp. Thế là bà lại vội bỏ bắt cơm xuống, con cái nheo nhóc để mặc cho chồng rồi tất tả vào viện.
Bao nhiêu năm bà đi làm là bấy nhiêu năm một mình người chồng của bà xoay trần ra chăm sóc và dạy dỗ con cái. Bà mang tiếng là mẹ, là người vun vén gia đình những hầu như chẳng bao giờ có thời gian để chăm lo cho các con. Nhưng may mắn là bà có người chồng chu đáo hết mình vì gia đình và con cái, nên các con bà đều phương trưởng và thành đạt.
Giờ nghĩ lại, bà vẫn nói rằng: “Có lẽ kiếp trước tôi làm phúc và tích phúc nhiều nên kiếp này tôi mới được như vậy. Người ta làm bác sĩ cứu người, tôi bao năm làm cái việc phải nạo hút thai cũng thấy áy náy, day dứt lắm. Vẫn biết công việc là công việc, nhưng sao tôi chưa bao giờ thôi ám ảnh vì những gì mình đã làm”.
Bà Hoa kể, mấy chục năm nay làm bác sĩ sản, bà không nhớ đã đỡ đẻ cho bao nhiêu bà mẹ, những cảm giác hạnh phúc dâng tràn mỗi khi có đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời khiến bà không thể nào quên. Tuy nhiên, bà cũng luôn day dứt, áy náy với những lần phải trực tiếp cầm dụng cụ tước bỏ đi những mầm sống đang lớn lên từng ngày trong bụng những bà mẹ trẻ.
Bà bảo: “Tôi là một bác sĩ, nhưng cũng khá duy tâm, thế nên mỗi lần làm việc này, tôi luôn cảm thấy ái ngại, nặng nề. Tại bệnh viện, mỗi lần đến phiên trực của tôi mà có ca nạo hút thai, tôi luôn phải nói chuyện với những người đang mang thai khá lâu. Thực ra, việc nói chuyện đó để giúp những bà mẹ kia và giúp ngay cả bản thân tôi giảm bớt tâm lý căng thẳng. Tôi không hề muốn mình làm việc đó, nhưng nghề nghiệp, công việc, bắt buộc nên tôi phải làm”.
“Chẳng ai biết được rằng, trước mỗi lần cầm dụng cụ nạo hút thai lên, tôi luôn khấn nhỏ với những sinh linh trong bụng của những bà mẹ kia rằng: hãy thông cảm cho bác nhé,, bác không muốn làm vậy. Nhưng vì bố mẹ cháu có lý do riêng, không thể giữ cháu được nên bác chẳng còn cách nào. Cháu hãy siêu thoát nhé”. Bà Hoa vảo, cho dù là thai to hay thai nhỏ, nhưng hễ làm cái việc đó là bà lại lầm nhầm khấn như để nhẹ lòng hơn.
Đến tuổi về hưu, bà Hoa cũng mở một phòng khám sản, phụ khoa tại nhà. Phòng khám của bà rất đông khách, nhưng đó chỉ là những khách đến khám thai, chữa bệnh phụ khoa thông thường, chứ tuyệt đối bà không nhận bất cứ một ca nạo hút thai nào.
Bà bảo, nếu bà nhận lời làm nạo hút thai nhi chắc chắn sẽ rất giàu có, nhưng bà không hề muốn giàu bằng cái nghề thất đức đó. Khi đang còn là người nhà nước, công việc bắt buộc phải làm, chứ về hưu, bà mở phòng khám là để cứu người, giúp đời, như để vơi đi sự áy náy, day dứt bấy lâu.
Bà là người duy tâm nên ngày xưa khi còn làm ở bệnh viện, tuy ở nơi công cộng vẫn quy định là không được thắp hương thờ cúng, nhưng tại phòng làm việc của riêng bà vẫn luôn có một lọ hoa nhựa nhỏ để trên nóc tủ. Nhiều người khi nhìn thấy lọ hoa hỏi bà tại sao bày trên đó mà không đặt trên bàn làm việc, bà nói xuê xoa rằng để đó cho khỏi bị vỡ. Nhưng thực chất, bà coi lọ hoa đó như là bát nhang để thờ những sinh linh bé nhỏ mà bà từng tước bỏ đi khỏi cơ thể của những người mẹ.
Ngày còn đi làm, ngày rằm, mùng 1 cho dù bận đến đâu, bà cũng trực tiếp đi chợ mua đồ về thờ cúng cẩn thận. Sau khi thắp hương ở nhà, bà hay ra chùa thắp hương để cầu bình an. Bà luôn ái ngại, bà sợ việc làm đó của bà sẽ ứng vào bản thân mình hoặc các con, các cháu mình sau này. Chính vì thế, ngày đang còn làm trưởng khoa sản, nếu giúp được ai thì bà luôn giúp nhiệt tình, chưa bao giờ bà nhân quà biếu xén của bất kỳ bệnh nhân nào.
Cho dù những món quà đó chỉ là cân đường, hộp sữa, là cân gạo nếp hay chục trứng gà, nhưng bà đều từ chối. Trong thâm tâm bà luôn nghĩ rằng, có cứu người vài chục lần thì phúc đức đó cũng coi như đổ xuống sông, xuống bể mỗi khi bà lại cầm dụng cụ nạo hút thai. Chính vì thế, sau này khi về hưu, bà mở phòng khám riêng và chỉ cứu giúp những thai phụ nghèo. Với những chị em không có tiền chữa bệnh, bà luôn khám và chữa không công. Phòng khám của bà rất đông và có uy tín là vì thế.
Sau này khi tuổi cao, bà không còn trực tiếp làm được nữa thì cô con gái thứ của bà thay thế bà làm chủ phòng khám này. Chị cũng là bác sĩ đa khoa ở một trung tâm y tế huyện. Ngoài công việc hằng ngày, chị kiêm thêm làm chủ phòng khám thay mẹ. Phòng khám của bà Hoa giờ vẫn đông khách như thường, mặc dù bà Hoa bây giờ già yếu, không còn trực tiếp thăm khám bệnh nữa, nhưng với uy tín của bà từ xưa và sự tân tụy, chu đáo trong việc chữa trị của cô con gái bây giờ, mọi người vẫn coi phòng khám của bà Hoa là nơi uy tín nhất để trao gửi sức khỏe của mình.
Trong buổi chiều oi ả một ngày đầu hè, với giọng nói ngọng nghịu, líu ríu như đứa trẻ mới tập nói vì hậu quả của trận tai biến nặng vừa qua, bà Hoa tâm sự với tôi rằng, bà ăn chay niệm phật từ gần hai chục năm nay để mong tìm sự thanh thản trong tâm hồn. Cho dù về hưu đã lâu, và cho dù luôn dốc sức làm những việc thiện nguyện để giúp đời, giúp người nhưng sâu thẳm trong lòng bà vẫn luôn có nỗi lo canh cánh.
Khi bà còn trẻ khỏe, các con đều học hành giói giang, trưởng thành, bà thấy nỗi lòng như vơi đi một nửa. Nhưng đến khi chồng bà mất, bà bị tiểu đường, cao huyết áp và rồi bao tai biến dồn dập đổ tới, bà thực sự cảm thấy rằng hình như bà đang phải trả nghiệp. Ngày nào bà cũng ăn chay niệm phật để mong bình yên cho các con, các cháu bà. Và mỗi khi gia đình bà gặp bất trắc gì, bà luôn khấn thầm những sinh linh bé nhỏ: “Hãy để gia đình bác được bình yên, có gì uất giận hãy đổ hết lên đầu bác …”.
Bà bảo rằng, mỗi lần khấn như vậy xong, bà thấy thanh thản, nhẹ nhõm hơn. Và bà cho rằng, việc bà bị bệnh như ngày hôm nay chính là sự trả giá của bà đối với những việc bà đã từng làm trong quá khứ. Cho dù những việc ấy ở một khía cạnh nào đó là giúp đỡ chính những người làm cha, làm mẹ của những sinh linh, nhưng trong thâm tâm bà vẫn thấy quá nặng nề.
Bà Hoa bảo, bà chấp nhận hết, bởi mong muốn duy nhất của bà là con cháu được bình yên, khỏe mạnh. Có lẽ, với bác sĩ già, việc nạo hút thai thực sự ám ảnh và gây cho bà nhiều nỗi niềm sâu nặng, cho dù có ăn chay, làm điều thiện nguyện bao nhiêu đi chăng nữa cũng khó có thể giúp bà nhẹ vơi nỗi lòng…