Có câu nói rằng: “Trên đầu ba thước có Thần linh”. Người đang làm, Trời đang nhìn, tất cả hành vi và từng ý niệm của con người đều có Thần linh giám sát, ai ai cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi và lời nói của bản thân mình.
Thời xa xưa, cổ nhân luôn tin rằng Thần Phật là thực sự tồn tại. Họ tin tưởng rằng nhất cử nhất động của con người đều không nằm ngoài ánh mắt của chư Thần.
Những người làm việc ác nghĩ rằng không ai nhìn thấy là sẽ thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật, nhưng kỳ thực lại không trốn khỏi con mắt của chư Thần.
Từ khi tôi tròn 15 tuổi, mọi người truyền tai nhau hai câu chuyện ngắn dưới đây, mà cho đến nay vẫn luôn in đậm trong tâm trí tôi. Bản thân tôi cũng tự nhắc nhở mình rằng: “Ban ngày không làm điều trái lương tâm thì ban đêm không sợ ma quỷ tới gõ cửa”.
Câu chuyện thứ nhất
Ở huyện Trình xưa có một người đàn ông họ Bành, người đời vẫn gọi ông là lão Bành. Vợ lão Bành mắc bệnh đã nhiều năm, không thể tự làm được việc gì, mọi việc trong nhà từ kiếm kế sinh nhai đến chăm sóc vợ và đứa con trai nhỏ tuổi đều dựa vào một tay lão Bành thu xếp. Vì cả nhà ba miệng ăn đều trông chờ vào đó nên cuộc sống thật vô cùng khổ cực.
Hôm ấy, lão Bành mang cuộn tơ lụa lớn đến cửa hiệu ở huyện bên để bán. Sau một hồi thương thảo với chủ hiệu, cả hai vẫn chưa ra được mức giá cuối cùng.
Vừa hay lúc ấy có một vị khách cũng tới cửa hiệu tơ lụa này, chủ hiệu liền quay sang tiếp vị khách mới, mặc kệ lão Bành đang rầu rĩ cùng với cuộn tơ lụa đặt trên quầy.
Nhưng chỉ ngoảnh đi ngoảnh lại lão Bành đã không còn thấy cuộn tơ lụa của mình đâu nữa. Ngoài chủ hiệu và vị khách lạ mặt kia thì chẳng có ai lấy được cuộn tơ lụa này, nhưng đáng tiếc là chủ hiệu cứ khăng khăng một mực không chịu nhận tội.
Chẳng còn cách nào khác, lão Bành tay không trở về nhà với vẻ mặt buồn bã suốt dọc đường. Vừa về đến cửa, đứa con làm nũng đòi cha mua kẹo. Lão Bành nổi nóng gạt tay cậu con trai ra, không ngờ thằng bé ngã xuống, đầu đập vào khung cửa mà qua đời. Lão Bành vô cùng đau đớn, nhảy xuống sông tự vẫn. Vợ ông vì bệnh nặng lại quá đau thương nên chỉ một thời gian ngắn sau cũng ra đi. Cả nhà họ, ba người chỉ trong mấy ngày mà lần lượt ra đi khiến dân làng không khỏi thương xót.
Đúng ngày thứ ba sau khi vợ lão Bành qua đời, trời bỗng nhiên nổi cơn giông bão, sấm chớp đùng đùng, tiếng sét xé toang một vùng trời. Khi sấm sét qua đi, người ta phát hiện ra ngôi nhà của ông chủ tiệm tơ lụa bị sét đánh trúng.
Khi dân làng chạy đến, thấy vợ ông chủ tiệm đang bàng hoàng ngồi trước hai cái xác vừa bị sét đánh. Gương mặt vẫn còn hoảng hốt, bà ta kể rằng:
“Tôi biết tội của mình rồi. Hôm trước, Tôn Mỗ đến cửa hiệu tơ lụa nhà tôi, nhân lúc mọi người không để ý đã lấy trộm cuộn tơ lụa của lão Bành. Ông nhà tôi nhìn thấy Tôn Mỗ lấy trộm nên đã đòi chia đôi số tiền bán được, nếu không sẽ tố giác. Tôi vô can nhưng cũng giấu kín bí mật này, nào ngờ lưới trời lồng lộng.
Khi nghe tin cả ba người nhà lão Bành đã chết, chúng tôi mới yên tâm ở đây chia đôi số tiền. Không ngờ đang lúc hăng hái nhất thì đột nhiên sấm sét nổ đùng đoàng, cả ông nhà tôi và Tôn Mỗ ngồi trong nhà mà vẫn bị sét đánh. Thiên Lôi hẳn là giữ lại cái mạng nhỏ này của tôi để nói ra sự thật mà tạ tội với Thần linh. Tôi từ nay về sau không bao giờ dám làm việc tổn hại đức nữa”.
Dân làng tận mắt nhìn thấy cảnh tượng diễn ra, ai nấy đều vô cùng khiếp sợ mà cảm thán rằng: “Quả đúng là ác hữu ác báo, lưới trời tuy thưa mà khó lọt!”
Câu chuyện thứ hai
Cha tôi là một lão nông chân lấm tay bùn nhưng vô cùng chăm chỉ chịu khó. Cả đời ông đã chắt chiu làm lụng, vất vả khó nhọc nên tất cả vốn liếng đều dành cho anh em tôi ăn học, mãi sau này ông mới dành dụm được chút tiền. Thế rồi ông cho người hàng xóm mượn trong lúc cấp bách, hai năm sau đó người hàng xóm mới mang 150 đồng sang trả cho cha tôi. Lúc ấy cha tôi đã nhớ sai nợ, thực tế người ta vẫn còn thiếu của ông 50 đồng.
Ngày ấy 50 đồng không phải là một con số nhỏ. Thế nên khi nhớ ra số tiền ấy, cha tôi đã tìm đến nhà hàng xóm để nói rõ sự tình, nhưng người hàng xóm chỉ một mực bác bỏ. Ông ta chỉ tay lên trời rồi chỉ xuống đất mà phát lời thề rằng, số tiền mượn chỉ là 150 đồng không hơn không kém. Nếu như ông ta nói dối sẽ khiến cho thóc lúa nhà mình mất mùa, tiền vốn thua lỗ, nhà cửa bị cháy, con gái thì làm nghề không đàng hoàng.
Trong lúc hai người đôi co như vậy, hàng xóm láng giềng đều vây quanh can gián. Nhưng vì không ai có thể làm chứng cho cha tôi nên ông đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt cho qua chuyện.
Mùa thu năm ấy, nhà của người hàng xóm đó đột nhiên bị cháy, dân làng phải đến cứu giúp. Có người nói: “Dối trá gạt người ắt sẽ không có kết cục tốt, nay nhà cửa đều đã bị cháy rồi, ông trời quả thật là có mắt”.
Lại qua nửa tháng sau, nghe nói ruộng lúa mà ông ấy bao khoán bị thua lỗ, năm đó mưa thuận gió hòa, cả vùng bội thu, duy chỉ có nhà ông là mất mùa. Lời thề độc mà ông ấy phát ra nay đều ứng nghiệm. Bởi gia cảnh càng ngày càng khó khăn hơn, hai cô con gái lần lượt bỏ học, rồi đi làm thuê bên ngoài. Mấy năm sau, nghe người trong làng đồn thổi, hai cô con gái của ông đều làm cái nghề không ngay chính.
Bởi vậy người xưa mới dạy:
Bình Nhi
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/con-nguoi-dang-lam-than-dang-nhin-ong-troi-co-mat-khong-phai-la-loi-noi-suong.html