Lão Tử là một bậc hiền triết trong lịch sử nhân loại và những triết lý trong cuốn Đạo Đức Kinh của ông cho đến nay vẫn nguyên vẹn giá trị. Hầu như toàn bộ Đạo Đức Kinh của ông đều đề cập đến sức mạnh của Nhu, mà Nước được ông ví như hình ảnh đặc thù tượng trưng cho triết lý sống lý tưởng.
Nước mềm mại nhưng mạnh mẽ, nước vị tha và đón nhận tất cả, nước chảy mải miết không ngơi, dù phải cuốn theo cả rác rưởi nhưng lòng vẫn thanh khiết.
Trong một xã hội rối ren thời Xuân Thu – Chiến Quốc, để giữ nội tâm tĩnh lặng, Lão Tử đã rời xa thế tục, lui về ở ẩn, gửi tình nơi non nước, cảm thụ sự bao la và thuần khiết của thiên nhiên, hiểu thấu đạo lý nhân sinh. Chính vì vậy, tư tưởng của Lão Tử là thuận theo tự nhiên.
Sự biến hóa muôn phần của nước đã khơi dậy cảm ứng tâm linh của nhà hiền triết, và đặc tính của nước đã trở thành triết lý sống để ông gửi gắm tâm tình của mình. Có thể nói, tư tưởng triết học và trí huệ sinh tồn của Lão Tử là sự tương thông với đặc tính tự nhiên của nước, hay còn gọi là sự “thức tỉnh của thủy tính”.
Sống nên mềm mỏng như nước, mềm mại nhưng mạnh mẽ
Lão Tử đã trải nghiệm sâu sắc tâm thái của một người gửi tình nơi nước non: “Trí giả lạc thủy, nhân giả lạc sơn” (Bậc trí huệ vui với nước, người nhân từ vui với núi non). Lão Tử là bậc trí giả vui với nước, từ đặc tính của nước thể ngộ được phương thức đối nhân xử thế tràn đầy trí huệ.
Nước mềm mại, nhưng có lúc lại mạnh mẽ, và đặc tính bền bỉ khiến nước có thể làm mòn đá. Đá cứng cỏi mạnh mẽ đến đâu cuối cùng cũng bị nước yếu mềm chinh phục. Vì vậy, Lão Tử nhận định rằng: “Trên đời không gì mềm yếu bằng nước, mà ‘công kiên cường giả’ (người có công phu mạnh mẽ, kiên cường) khó có thể chiến thắng được nước”, đồng thời cũng đưa ra kết luận quý giá: “Nhu nhược thắng cương cường”.
Từ đây, Lão Tử chủ trương một triết lý nhân sinh cho con người: “Cương cường giả, tử chi đồ; yếu nhược giả, sinh chi đồ” (Người cương ngạnh là kẻ chết; người yếu nhược là kẻ sống), coi sự mềm mỏng là phương thức tồn tại nên có của con người.
Lão Tử, người chủ trương xử thế nhu mềm, trước sau cho rằng: “Nhu chi thắng cương, nhược chi thắng cường, thiên hạ không ai không biết”. Cái đức nhu quý giá của ông thực chất là một loại lý niệm xử thế lạc quan, độ lượng, xem thường cường đại mà không mất tự tin.
Làm người phải bao dung độ lượng, như trăm sông đổ ra biển lớn
Dù rời xa triều đình, nhưng sâu thẳm trong tâm Lão Tử không hề quên việc triều chính, xã tắc. Từ đặc tính tự nhiên ôn hòa của nước, Lão Tử nhìn ra những tệ đoan chính trị đương thời.
Bản tính tự nhiên của nước là hiền hòa, là lẽ tự nhiên của Thiên Đạo. Lẽ tự nhiên của Thiên Đạo cũng giống như giương cung vậy: “Cao giả ức chi, hạ giả cử chi” (người giương cung cao thì hạ thấp xuống, người giương cung thấp thì cần nâng lên), tức là: “Tổn thất có thừa mà bổ sung không đủ”.
Mà xã tắc lúc bấy giờ tương phản điều ấy rõ rệt. Biểu hiện là: “Tổn thất không đủ mà cung phụng có thừa”, phản ánh một xã hội thiếu công bằng. Vì vậy, Lão Tử chủ trương rằng: Người làm chính trị cần phải lấy tâm thái bao dung độ lượng mà thực thi chính trị công bằng, đề ra: “Dung là công, công là vương”, chính trị gia nếu noi theo thủy tính, truy cầu công bằng thì tự nhiên sẽ đạt được hiệu quả tốt đẹp.
Chấp chính giả (người nắm quyền) trước nay vẫn luôn coi trọng lòng người ủng hộ hay phản đối. Từ việc quan sát đặc tính của nước, Lão Tử đưa ra phương pháp tuyệt diệu mà hữu hiệu. Ví như bách xuyên (trăm sông) với đại hải (biển lớn) là do nước tụ lại mà thành. Nhưng tại sao trăm sông lại chảy ra biển, và biển thu nạp trăm sông?
Lão Tử cho rằng, đó là vì biển lớn ở nơi vị trí thấp của trăm sông. “Nó là thiện ở phía dưới, có thể thành vương của trăm dòng chảy”. Căn cứ theo điều này, Lão Tử cho rằng, là chính trị gia nếu muốn quy thuận lòng người, thì nhất định phải cam chịu ở nơi vị trí thấp, trước mặt dân chúng thì nên khiêm tốn nhún nhường, lợi ích để sau, hay còn gọi là: “chịu ở nơi thấp”, “chịu lánh phía sau”.
Do vậy họ có thể làm cho “thiên hạ vui vẻ mà không muộn phiền”, tạo thành cục diện bách sông quy hải (trăm sông quay về biển lớn), vạn dân an lòng nghe theo. Lão Tử nói: “Kẻ thiện hạ mình để cho vừa lòng dân chúng”, lý niệm này về bản chất tương thông với cách đối nhân xử thế của Ông.
Người trị quốc nên giống như nước, làm lợi cho vạn vật
Nước thúc đẩy vạn vật sinh trưởng, nhưng đối với vạn vật, nước “sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, trường nhi bất tể” (sinh ra mà không chiếm hữu, vì vạn vật mà không nhờ cậy, trường tồn mà không bị diệt), đây mới là đức tính cao quý nhất.
Theo quan điểm của Lão Tử, làm người trị quốc thì nên giống như nước, làm lợi cho vạn vật, như vậy mà trị nước chăm dân, đối với muôn dân trăm họ, sinh thành lợi ích mà không chiếm hữu, gắng sức phát triển mà không kiêu căng, tính công, thúc đẩy phát triển mà không thống trị. Mọi người đắc ích thụ lợi mà không biết được người mang lại lợi ích cho họ.
Ông cho rằng đây mới là cảnh giới cao nhất của chính trị gia hay được gọi là: “Thái thượng, bất tri hữu chi; kỳ thứ, thân chi dự chi”, nghĩa là Thánh quân tài đức thời cổ xưa cai trị là dân không biết có vua, nên dân bên dưới họ quý họ tin.
Lấy công bình công chính và thái độ khiêm nhường để trị quốc, vì dân thì chính là làm theo Thiên Đạo, theo đặc tính tự nhiên của nước. Lão Tử cho rằng, người trị quốc mà tuân theo Thiên Đạo, trước sau như một đặt lợi ích của bách gia trăm họ lên hàng đầu, kiên định duy trì những đức tính cao đẹp như rộng lượng, bao dung, công bằng, khiêm cung sẽ tự nhiên thành tựu được “bách cốc vương” (vua của trăm dòng chảy) như biển nạp trăm sông.
Từ đặc tính của nước suy ra sự sinh thành của vũ trụ
Lão Tử tĩnh tâm suy ngẫm về đặc tính của nước, từ hiện trạng của nước truy tìm căn nguyên quá khứ vô tận của nó, phát hiện sự biến hóa qua lại giữa khí và nước, tiến đến suy xét sự chuyển đổi giữa “không”, “cùng”, “có”. Bởi vậy mà ông đã nhận thấy sự sinh thành của vạn vật trong vũ trụ.
Lão Tử khảo cứu mối quan hệ giữa “có” và “không”. Đồng thời, ông từ trạng thái cụ thể sự dựa lẫn vào nhau mà tồn tại của “có” và “không”, quan hệ sinh thành chuyển hóa lẫn nhau, cho rằng chúng là “đồng xuất mà dị danh” (cùng xuất sinh mà khác biệt tên), là khác biệt nhau nhưng bản chất lại tương đồng. Mặt khác, ông chỉ ra: “Thiên hạ vạn vật sinh vu hữu, hữu sinh vu vô” (Vạn vật trong thiên hạ sinh ra từ “có”,”có” sinh ra từ “không”).
Đối với trạng thái “không”, Lão tử miêu tả: “Nhìn không thấy gọi là Di (vô sắc), nghe không thấy biết gọi là Xi (vô thanh), nắm không được gọi là Vi (vô hình)”, cho rằng “Nghênh chi bất kiến kỳ thủ, tùy chi bất kiến kỳ hậu” (Nghênh đón thì không thấy đầu, tiễn theo mà không thấy đuôi, là một vật mơ hồ không có hình thái, không có ảnh tượng. Ông khẳng định: “Không” là một thực tại vô hình, là nguồn gốc của mọi thực tại hữu hạn.
Theo cách nhìn của Lão Tử, đây là một vật mơ hồ, hỗn độn hình thành trước cả trời đất, là trạng thái nguyên thủy sinh thành của vũ trụ. Nó yên lặng (vô thanh), trống không (vô hình), đứng một mình mà không thay đổi vĩnh viễn bất biến, vận hành khắp vũ trụ mà không ngừng, có thể coi nó là mẹ của vạn vật trong thiên hạ, không biết tên nó là gì, tạm đặt tên nó là Đạo, miễn cưỡng gọi nó là lớn (vô cùng)…
Lão Tử coi nước như một triết lý sống sâu xa
Kỳ thực Lão Tử dùng nguyên tắc trừu tượng và suy ngẫm, đối đãi phỏng đoán sự sinh thành vũ trụ. Ông coi Nước như là một yếu tố đại diện cho đường lối Đạo sống thuận theo tự nhiên, như nước chảy xuôi. Nước chính là một loại hình thái vô sắc, vô thanh, vô hình vô dạng, chỉ dựa vào cảm nhận, thuộc loại vật dường như “không” mà “có”, “có” mà “không”.
Nước không có hình dạng nào cố định, nên vừa khớp mọi khuôn, đồng thời vượt trên mọi khuôn. Không gì ngăn nổi nước, cũng như không gì ràng buộc được nước. Nước thành mọi dạng, nhưng không hề biến dạng, mà vẫn nguyên vẹn là mình.
Nước giữ nguyên cốt cách là nước, chứ không câu nệ tiểu tiết, nên nước dung hợp được với tất cả. Nước tùy nơi mà hóa sinh, tùy lúc mà ứng biến. Khi luận đàm về Thiên Đạo, Lão Tử đã đặt câu hỏi: “Ai có thể gạn đục khơi trong? Tĩnh trong sự thanh lắng từ từ ”, càng minh xác đem nước làm vật chỉ ý nghĩa này.
Khi đề cập đến hình ảnh và đặc tính của nước, Lão Tử đã đưa ra những giáo hóa, triết lý sống thâm sâu, ảnh hưởng cực lớn đến tư duy của các nhà tư tưởng sau này. Như “Binh Pháp Tôn Tử” đề ra “Binh hình tượng nước”, Tuân Tử nhận định: Quân chủ cùng thứ dân như “Châu thủy chi dụ” (thuyền nước hiểu rõ nhau). Người trước xem trọng tính quy luật và tính linh hoạt trong sự vận động của nước. Người sau coi trọng sức mạnh không thể lấn át của nước.
Hai nhà tư tưởng đều từ trong đặc tính tự nhiên của nước tìm được thể ngộ sâu sắc, đối với tư tưởng trí huệ của Lão Tử đã tạo nên sự phát huy độc đáo. Dùng tâm tĩnh lặng, Lão Tử đã quan sát tính tất yếu của tự nhiên, Ông đã tìm ra được phương cách xử thế nhu mì và bất tranh, thể ngộ ra đạo trị quốc công bằng và nhún nhường.
Từ sự biến hóa hình thái bên ngoài mà suy đoán và miêu tả sự sinh thành của vạn vật trong vũ trụ. Nước là một loại vật tự nhiên, tu dưỡng sinh mệnh con người, Lão Tử dùng hình ảnh của nước để giáo huấn, tu dưỡng tinh thần chân chính của con người, khiến cho nước tự nhiên có được nội hàm văn hóa tinh thâm và thành tựu một loại trí huệ rộng lớn khoáng đạt.
Theo Secretchina
Ưu Hoa biên dịch
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/lao-tu-day-nguoi-cuong-nganh-la-ke-chet-nguoi-yeu-nhuoc-la-ke-song.html