qua-cam-hung-ngon-hay-nhan-nghia-chuyen-khong-tu-dam-luan-ve-chi-huong-cung-cac-hoc-tro
Quả cảm, hùng ngôn hay nhân nghĩa? Chuyện Khổng Tử đàm luận về chí hướng cùng các học trò
- bởi tamthuc --
- 21/11/2017
Khổng Tử (551 – 479 TCN) là nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục, nhà chính trị nổi tiếng Trung Hoa, các bài giảng và triết lý của ông có sức ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống và tư tưởng của các dân tộc Đông Á, cho đến nay nó vẫn còn nguyên giá trị.
Khổng Tử là người thông kim bác cổ nhưng chưa bao giờ nhận mình là người hiểu biết. Ông là người vô cùng nhân hậu, khiêm nhường, lối sống giản dị, chân thành và giàu tình cảm. Ông đã dạy cho con người những quy tắc về các mối quan hệ, công lý và đạo đức. Dù đã rất nhiều năm trôi qua, những bài học giá trị ấy vẫn còn sống mãi với thời gian.
Khổng Tử đàm luận chí hướng với học trò
Một ngày nọ, Khổng Tử cùng ba đồ đệ là Tử Lộ, Tử Cống và Nhan Hồi du ngoạn sông núi. Đứng trước cảnh sắc hùng vĩ, Khổng Tử hỏi các học trò: “Đứng trên cao mà nhìn xa trông rộng, đại trượng phu nuôi chí hướng trùng trùng. Ba người các con, hãy nói tâm nguyện của mình cho ta nghe thử”.
Tử Lộ trả lời đầu tiên: “Trên chiến trường cờ bay rợp trời, trống trận uy phong, con nhất định có thể đánh bại cường địch, khai mở ngàn dặm lãnh thổ cho quốc gia”.
Khổng Tử nói: “Đúng là một dũng sĩ!”
Tử Cống nói: “Đến một ngày, khi Tề – Sở giao tranh. Trong thời khắc sắp xảy ra trận chiến, khi hai quân đã bày binh bố trận chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, con một thân áo trắng mũ trắng, đi xuyên thẳng đến giữa quân vương hai nước, dùng tài ăn nói của mình phân tích lợi hại được mất cho bọn họ, giúp quên hết ân oán trước kia, hòa giải với nhau”.
Khổng Tử nói: “Đúng là một biện sĩ!”
Nhan Hồi đứng một bên không nói gì, Khổng Tử nói: “Nhan Hồi, con hãy nói cho ta nghe thử?”
Nhan Hồi nói: “Hai người họ, một văn một võ, nói ra đều bao hàm hết cả rồi, con không còn gì để nói hết?”
Khổng Tử nói: “Không sao, con cứ nói ra cách nghĩ của mình”.
Nhan Hồi nói: “Con nghe nói, đồ vật thơm và hôi sẽ không đặt ở cùng một chỗ, vua Nghiêu và vua Kiệt sẽ không cùng tồn tại trong một quốc gia, là vì bản chất của họ hoàn toàn khác nhau.
Con chỉ hy vọng có thể gặp được thánh minh nhân từ như vua Nghiêu, con sẽ phụ tá cho ông ấy, dùng lễ nhạc luân thường giáo hóa dân chúng, khiến cho toàn bộ thiên hạ không phải xây tường thành, vũ khí đao kiếm đều lấy ra rèn làm nông cụ, trâu ngựa tự do chăn thả ở bên ngoài, vĩnh viễn không bị chiến tranh uy hiếp, từng nhà cũng không cần lo lắng sinh ly tử biệt. Như vậy thì Tử Lộ không cần phải thi triển dũng lực của mình, Tử Cống cũng không cần dùng đến tài ăn nói của mình nữa”.
Khổng Tử nghe xong, trịnh trọng nói: “Nói rất hay, là một người nhân nghĩa”.
Tử Lộ hỏi: “Thưa thầy, thầy sẽ lựa chọn ai trong số chúng con?”
TAMTHUCKhổng Tử nói: “Ta thích phương thức không hao phí tài dụng, không tổn thương bách tính, không phải nhọc công tranh biện… cũng gần tương tự như cách nghĩ của Nhan Hồi”.
Tồn vong họa phúc không liên quan đến thiên mệnh
Một lần, vị vua thứ 27 của nước Lỗ là Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử: “Sự tồn vong, phúc họa của quốc gia là do thiên mệnh định đoạt chứ không đơn giản là do con người tạo ra, đúng không?”
Khổng Tử đáp: “Sự tồn vong, phúc họa của quốc gia đều là do người nắm quyền tự mình quyết định. Một số hiện tượng hoặc điều gì đó khác thường là không thể thay đổi được vận mệnh của quốc gia”.
Lỗ Ai Công nói: “Vậy thỉnh ngài hãy giảng một chút về ý tứ này, có sự thật nào minh chứng cho điều này không?”
Khổng Tử đáp rằng: “Trong lịch sử, thời đại Trụ Vương nhà Thương, ở gần tường thành của kinh đô có một con chim nhỏ sinh ra một con chim lớn. Người ta tìm đến một vị thầy toán quái để thỉnh giáo.
Vị thầy toán quái nói: ‘Phàm là một vật nhỏ mà sinh ra một vật lớn thì quốc gia này nhất định có thể thống nhất thiên hạ. Hơn nữa, quốc gia này nhất định sẽ càng ngày càng hưng thịnh’. Vì thế, Trụ Vương nổi lên tâm kiêu ngạo tự mãn, ỷ lại vào điềm tốt mà quẻ bói nói, ông ta bắt đầu buông lơi việc chính sự của đất nước. Đồng thời, Trụ Vương còn đối xử một cách tàn bạo với dân chúng và bề tôi.
Các bề tôi trong triều đình không một ai có thể khuyên giải và ngăn cản được ông ta. Bởi thế mà đất nước bắt đầu đi xuống, tạo cơ hội cho quân địch ở bên ngoài tấn công, nước Thương bởi vậy mà bị diệt vong. Đây là bởi vì bản thân vứt bỏ cái thiện theo cái ác, làm trái với thiên thời khiến cho điềm may trở thành điềm rủi, phúc trở thành họa”.
Khổng Tử lại lấy một ví dụ khác, ông nói: “Thời đại tổ tiên của Trụ Vương là Thương Vương Thái Mậu vừa lên nắm quyền, đạo đức xã hội bại hoại, pháp luật và kỷ luật của đất nước hỗn loạn. Bởi vậy dẫn tới việc xuất hiện các loại cây cối dị thường. Trong triều đình mọc lên cây dâu và cây kê lớn rất nhanh, chỉ trong bảy ngày mà thân cây đã rất to lớn.
Người ta cũng tìm đến một vị thầy toán quái để hỏi về sự việc kỳ lạ này. Thầy toán quái nói: ‘Cây dâu và cây kê vốn không thể sinh trưởng trong triều đình. Nhưng hiện giờ chúng lại lớn lên cùng nhau, điều này có nghĩa là đất nước sắp bị diệt vong’.
Thương Vương Thái Mậu vô cùng lo sợ, liền lập tức tự xét lại mình, tu sửa bản thân. Ông hồi tưởng lại Tiên đế đã cai quản đất nước ra sao, thực thi pháp luật và các phương sách quan tâm dân chúng như thế nào.
Ba năm sau, các quốc gia ở phương xa vì kính trọng đạo nghĩa của Vua Thương, đã từ ngàn dặm xa xôi mà phái sứ giả tới bái kiến. Tất cả có 16 nước đến triệu kiến Vua Thái Mậu. Nước Thương trong thời đại Thái Mậu nắm quyền đã phục hưng lần thứ 2 sau thời Thái Giáp nắm quyền. Đây là chính mình từ bỏ cái ác theo cái thiện, làm thay đổi hiện tượng thiên văn vốn không được tốt đẹp, chuyển họa thành phúc”.
Cuối cùng, Khổng Tử giảng thêm rằng: “Cho nên nói, Trời giáng thiên tai, Đất sinh điềm quái dị chính là để cảnh báo quân vương. Bề tôi ở trong mộng mà gặp phải những điều kỳ quái thì chính là trời cao cảnh cáo bề tôi. Tai họa yêu ma không thể thắng được quốc chính, ngăn chặn nằm mộng chi bằng tu dưỡng đức hạnh tốt. Nếu có thể làm được việc bỏ ác theo thiện, hoặc kiên trì cái thiện trừ bỏ cái ác thì chính là biện pháp trị quốc, hưng quốc tốt nhất. Chỉ có bậc quân vương sáng suốt mới có thể làm được điều này”.
Lỗ Ai Công nghe xong liền nói: “Lời chỉ dạy của ngài đã uốn nắn những kiến thức nông cạn và tầm thường của ta. Được nghe ngài dạy bảo, quả thật là điều may mắn!”.
Nguyên nhân sống thọ
Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử: “Người trí huệ có đúng là sẽ trường thọ hơn người bình thường không? Người nhân đức cũng trường thọ hơn người bình thường phải không?”
Khổng Tử nói: “Tôi cũng nghĩ như thế. Có ba loại tử vong mà người ta có thể tránh: Một là thói quen sinh hoạt không bình thường, không biết tiết chế ẩm thực, cực khổ quá độ hoặc hưởng lạc quá độ, cho nên sinh bệnh mà chết; hai là địa vị thấp bé mà đắc tội quân vương, lòng tham không đáy mưu cầu vô độ, vì vậy mà bị xử tội chết; ba là lấy số ít đối đầu với số đông, lực yếu đối khánh với lực mạnh, thích tranh thích đấu, không biết tự lượng sức mình, như vậy sẽ bị đánh mà chết.
Ba kiểu chết này có thể nói đều là vì gieo gió mà gặt bão, là hoàn toàn có thể phòng tránh được. Mà người trí huệ nhân đức, trong cuộc sống hàng ngày đều có thể lưu ý điều chỉnh hành vi cử chỉ của mình cho phù hợp với đạo nghĩa, vui buồn gì thì cũng sẽ không quá độ, có thể tránh được những cái chết như ở trên. Cho nên, họ thường trường thọ hơn so với người bình thường”.
Lê Hiếu
TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/qua-cam-hung-ngon-hay-nhan-nghia-chuyen-khong-tu-dam-luan-ve-chi-huong-cung-cac-hoc-tro.html
Comment