No icon

muu-cau-dai-nghiep-ngoai-tru-nghia-ra-cung-can-co-nhan

Mưu cầu đại nghiệp, ngoại trừ "nghĩa" ra cũng cần có "nhẫn"

Cổ nhân có câu: “Không nhịn được việc nhỏ, sẽ làm hỏng việc lớn”. Từ xưa đến nay, phàm là người làm được việc lớn thì đều có khả năng nhẫn nại, khả năng nhẫn nại lớn đến đâu thì làm được việc lớn đến đó.

Tôn Quyền, tào tháo, nhẫn chịu, Lưu Bị,

Người đời thường cho rằng Tào Tháo đa nghi, hung ác nhưng trên thực tế ông là người vô cùng nhẫn nại, lại có lòng biệt đãi nhân tài. (Ảnh: Theepochtimes)

Vào cuối của thời nhà Đông Hán, vua Hán nhu nhược, loạn thần hoành hành, thừa tướng Đổng Trác âm mưu cướp ngôi và đoạt vương quyền, xã hội đại loạn, thiên hạ phân chia hình thành ba nước Ngụy – Thục – Ngô, cũng từ đây bắt đầu một thời kỳ giao tranh thống nhất binh quyền.

Lúc này, chiến hỏa nổi lên tứ phía, anh hào xuất hiện như sóng sau xô sóng trước. Có rất nhiều anh hùng làm rung chuyển trời đất, văn có Gia Cát Lượng, Tư Mã Ý, Quách Gia, Giả Hủ… võ có Lã Bố, Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Điển Vi…

Những anh hùng này, ngoại trừ “diễn” một chữ “Nghĩa” còn cho hậu thế thấy được nội hàm to lớn của chữ “Nhẫn”. Táo Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền, 3 nhân vật tạo nên cục diện “thế chân vạc” thời Tam Quốc, cũng đều dựa vào một chữ “nhẫn” để hành xử trên đời và mưu cầu nghiệp lớn.

Tào Tháo: Khí phách nhẫn chịu

Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, hầu như Tào Tháo để lại cho người đọc ấn tượng là một con người tàn nhẫn và đa nghi. Thực ra để có thể biến Ngụy quốc trở thành một nước mạnh nhất thời Tam Quốc, ngoài việc có tài năng chính trị và quân sự ra, Tào Tháo còn là người có tâm đại nhẫn và mến mộ người tài, khiến cho anh hùng trong thiên hạ đều quy về dưới trướng.

Tào Tháo từng bị một cuồng sĩ tên là Nễ Hành dùng đủ loại lời lẽ mắng chửi nhưng vẫn tỏ ra vô cùng khoan dung, nhẫn nại. Tào Tháo không hại ông ta mà còn đưa Nễ Hành an toàn trở về Kinh Châu cho Lưu Biểu.

Khi Viên Thiệu tấn công Tào Tháo, Trần Lâm có giúp Viên Thiệu viết bài hịch, mắng chửi tổ tông ba đời nhà Tào Tháo. Thậm chí khi đọc những bài hịch của Trần Lâm, chính Tào Tháo cũng phải vã mồ hôi. Sau này, khi bắt được Trần Lâm, Tào Tháo không những tha chết mà còn giao cho ông ta giữ trọng trách.

Có thể thấy, Tào Tháo có tâm đại nhẫn với phong thái cực kỳ cao quý, khiến những văn thần võ tướng quanh ông đều tận nghĩa tận trung, trợ giúp Tào Tháo biến nước Ngụy trở thành nước lớn mạnh nhất trong Tam Quốc.

Tôn Quyền: Cơ trí nhẫn chịu

Tôn Quyền, tào tháo, nhẫn chịu, Lưu Bị,

Tôn Quyền là người có thể nhẫn nhục, biết cách dùng người tài để thực hiện mưu kế của mình. (Ảnh: Baidu)

TAMTHUC

Trong “Tam Quốc Chí” của tác giả Trần Thọ có viết: “Tôn Quyền là người có thể nhẫn nhục, biết cách dùng người tài để thực hiện mưu kế của mình, đặc biệt giống như Việt Vương Câu Tiễn, là người xuất sắc tài ba trong những bậc anh hùng. Vì vậy ông mới có thể kiểm soát được Giang Đông, có được thành tựu và cơ nghiệp vững chắc”.

Ngay từ thời niên thiếu, Tôn Quyền đã ôm chí lớn, khi mười tám tuổi đã lên nắm quyền ở Giang Đông thay cho anh trai là Tôn Sách. Tôn Quyền chỉ dựa vào một vùng Giang Đông, giành chiến thắng ở trận Xích Bích mà có một phần ba thiên hạ, đường hoàng hùng cứ một phương, khiến thế cục Tam Quốc trở thành “thế chân vạc” thực sự. Để đạt được điều đó, ngoại trừ tài năng kiệt xuất ra, không thể không nhắc đến chữ “Nhẫn” làm nên đại sự.

Năm 220, sau khi Tào Tháo chết, Tôn Quyền vì để bảo toàn đất đai của nước Ngô và kiềm chế Lưu Bị, thậm chí đã làm việc mà dân chúng Đông Ngô đều cảm thấy mất mặt, đó là xưng thần với Tào Phi.

Mãi cho tới năm 229, Tôn Quyền mới chính thức lên ngôi, dời đô xây dựng cơ nghiệp. Tôn Quyền cũng là một trong những bậc đế vương tại vị lâu nhất, sống thọ nhất trong thời Tam Quốc, đây mới chính là nụ cười thực sự cuối cùng của người đại nhẫn có tầm nhìn xa trông rộng.

Lưu Bị: Ý chí nhẫn nhục

Khi thế cục Tam Quốc chưa phân định rõ ràng, người không có thế lực, cũng không có gia thế nhất chính là Lưu Bị, chỉ dựa vào một chiếc mũ rách “là dòng dõi xa của hoàng tộc nhà Hán”. Cùng với Quan Vũ, Trương Phi, Gia Cát Lượng, Lưu Bị từng bước từng bước làm nghiêng ngả trời đất, chiếm lấy một phần ba thiên hạ, không thể không làm người khác kính phục.

Nguyên nhân lớn nhất giúp Lưu Bị có thể thành công là ở tính cách của ông, nằm ở “cơ mưu” của ông. Đặc điểm lớn nhất của Lưu Bị chính là sự chịu đựng âm thầm, là tâm đại nhẫn mà một người thường không nhẫn chịu được.

Tôn Quyền, tào tháo, nhẫn chịu, Lưu Bị,

“Tam cố thảo lư” – 3 lần tới lều cỏ thỉnh Gia Cát Lượng xuống núi, điển tích tô đậm hình tượng “trọng hiền tài” của Lưu Bị. (Ảnh: Sohu)

Khi chưa có thực lực giành giật Trung Nguyên, ông chỉ có thể che giấu với hình tượng là một người tốt, trọng dụng nhân tài, trọng tình nghĩa, quý trọng thuộc hạ, được lòng người. Lưu Bị từng sống nhờ ở đậu, chịu nhục chịu khổ đi nương tựa người những người như Lưu Yên, Lư Thực, Lã Bố, Tào Tháo, Viên Thiệu, Lưu Biểu…

Khi đi Giang Đông cầu hôn, mặc dù biết rõ đây là trò lừa gạt, trong tình cảnh gặp phải phục kích ở khắp nơi nhưng ông vẫn không thay đổi sắc mặt, vẫn độ lượng âm thầm nhẫn chịu. Cuối cùng, ông cũng có được người đẹp trong tay, lại giữ được an toàn tính mạng.

-***-

Là người ôm chí cao rộng, muốn xây thành nghiệp lớn tất phải có tầm nhìn xa trông rộng. Mà nhẫn chính là cảnh giới của người đại trí huệ, là thể hiện của người có ý chí mưu cầu đại sự lâu dài. Người có tâm đại nhẫn ắt thành đại sự.

Trong khi lợi ích của bản thân bị động chạm, phẩm giá của bản thân bị làm nhục, phải nghe những lời công kích, phải làm những điều trong lòng không muốn, họ vẫn có thể thản nhiên nhẫn chịu. Không động tâm oán hận, không lung lay ý chí, sự nhẫn chịu ấy chính là biểu hiện của ý chí kiên cường.

Bởi vậy mới nói “Nhẫn” là một loại sức mạnh nội tâm to lớn, cũng là một loại tu dưỡng của đời người. Công tử Trùng Nhĩ phải sống lưu vong 19 năm, trải bao sóng gió, cuối cùng đã dựng thành đại nghiệp, trở thành Tấn Văn Công, một trong “Ngũ bá” thời Xuân Thu; Hàn Tín mang theo bảo kiếm bên mình mà phải chịu nhục chui háng một kẻ vô lại, cuối cùng trở thành Đại tướng quân của Lưu Bang, đánh đông dẹp bắc, mở ra cơ nghiệp 400 năm nhà Hán; Tô Vũ chăn dê 19 năm ở Bắc Hải, ngày chăn dê, tối ngủ hang đá, chịu bao khổ cực vẫn nhẫn nại giữ gìn tiết tháo sau được vua Hán đón về cố quốc, lưu lại bài học lớn cho hậu thế. Đó đều là những bài học về chữ “Nhẫn” đáng lưu tâm nhất.

Tuệ Tâm

TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/muu-cau-dai-nghiep-ngoai-tru-nghia-ra-cung-can-co-nhan.html

Comment