No icon

khoa-hoc-chinh-thuc-tim-ra-ly-do-vi-sao-phu-nu-chiu-lanh-kem-hon-nam-gioi

Khoa học chính thức tìm ra lý do vì sao phụ nữ chịu lạnh kém hơn nam giới

Có lẽ trong mỗi gia đình, khi mùa đông đến, các cặp vợ chồng lại có dịp được tranh luận về việc điều chỉnh nhiệt độ lò sưởi thế nào cho phù hợp. Sở thích cá nhân của mỗi người khác nhau và ta thường thấy đàn ông và phụ nữ chưa bao giờ cảm nhận giống nhau về nhiệt độ. Nhưng tại sao lại có sự cảm nhận khác biệt về nhiệt độ giữa hai giới?

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra trong vấn đề này, yếu tố giữ vai trò quan trọng nhất làm nên sự khác biệt là da. Da là bộ phận lớn nhất của cơ thể con người và đảm nhận nhiều chức năng. Đây là một hàng rào bảo vệ chống lại các tác nhân gây bệnh và các tia cực tím của mặt trời, nhưng cũng là một rào cản để giữ nước. Nó cũng giúp cơ thể tổng hợp vitamin D từ ánh nắng mặt trời để củng cố xương và điều hòa nhiệt độ cơ thể của chúng ta. Da cũng như nhà của chúng ta, là nơi đầu tiên cảm nhận nhiệt độ bên ngoài.

Da gồm có ba lớp riêng biệt: lớp biểu bì, hạ bì và lớp dưới da. Lớp dưới da là lớp sâu nhất và cũng được gọi là mô hoặc chất béo dưới da. Đây là một lớp cách nhiệt được hình thành để duy trì nhiệt độ cơ thể của chúng ta. Dưới ba lớp này của da, thì ta sẽ thấy các cơ bắp.

Các tế bào da không phải là những tế bào duy nhất cảm nhận nhiệt độ từ bên ngoài và chuyển thông tin đến não. Những đầu mút của dây thần kinh cũng tham gia vào quá trình này. Những đầu mút này nằm ngay sát tại chỗ tiếp giáp giữa lớp biểu bì và lớp hạ bì của da.

Có phải tất cả các loại da đều như nhau?

 
Hình cắt của ba lớp chính của da. CNRS / Wikimedia, CC BY-SA.

Có rất nhiều sự khác biệt về da giữa các cá nhân – màu sắc của da là điều dễ thấy nhất. Các lớp hạ bì và biểu bì dày hơn ở mông và mỏng hơn ở đùi và giữa lưng. Tương tự như vậy, độ dày của lớp mỡ dưới da cũng khác nhau tùy thuộc vào vị trí trên cơ thể. Chúng dày hơn ở mông, nhưng lại mỏng hơn trên cánh tay và đùi. Độ dày của da cũng khác nhau theo giới tính. Lớp mỡ dưới da của phụ nữ dày gần gấp đôi so với nam giới. Ở nam giới, chất béo tập trung xung quanh các cơ quan trong ổ bụng, trong khi đối với phụ nữ chúng có ở khắp mọi nơi dưới da.

Chất béo cũng được coi là một chất cách nhiệt, thế thì tại sao lại có nhiều ý kiến ​​khác nhau về nhiệt độ thích hợp lý tưởng? Phản ứng tự nhiên của cơ thể khi trời lạnh là run rẩy, đó là do các cơ bắp co lại một cách vô thức để tạo ra nhiệt. Hiện tượng này được điều khiển bởi hệ thống thần kinh. Chúng ta biết rằng đàn ông được trời phú cho khối lượng cơ bắp nhiều hơn, nhờ đó cơ thể đàn ông có thể ấm hơn khi trời lạnh, cho dù họ đang lao động hay đang nghỉ ngơi. Đàn ông cũng có chuyển hóa cơ bản (trao đổi chất cơ bản) cao hơn – có nghĩa là họ dùng nhiều năng lượng hơn khi cơ thể nghỉ ngơi. Hai yếu tố này cho phép họ duy trì một thân nhiệt cao hơn, ngay cả khi họ không di chuyển.

Nếu nhìn vào sự phân bố của mỡ dưới da, thì cơ thể phụ nữ giữ nhiệt tốt hơn cơ thể nam giới. Mặc dù cơ bắp của phụ nữ cũng có khả năng co thắt tương tự như của nam giới, nhưng lớp mỡ cách nhiệt của phụ nữ lại dày hơn nên nhiệt lượng sinh ra khi cơ bắp co thắt có khả năng lâu truyền đến các lớp da bên ngoài, nơi có các điểm mút của dây thần kinh.

Hormones cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc đánh giá nhiệt độ thích hợp, và chúng ảnh hưởng tới phụ nữ nhiều hơn so với nam giới bởi lượng hormones thay đổi theo các chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra còn có sự khác biệt rõ ràng về lượng mỡ cơ thể ở phụ nữ tùy thuộc vào sắc tộc của họ. Nơi sống cũng có thể có một tác động lớn đến sự cần thiết tích mỡ dưới da để duy trì nhiệt độ cơ thể thích hợp. Ví dụ, một số người Inuit sống ở Greenland có thể có lượng mỡ đến 34% cơ thể, điều này giúp duy trì nhiệt độ cơ thể của họ, khi nhiệt độ bên ngoài khoảng giữa – 8°C và 7°C trong suốt năm.

Còn đối với trẻ sơ sinh, chúng không thể “run rẩy” để cơ thể ấm lên. Do mới sinh nên hệ thần kinh của các em chưa phát triển đủ để có thể điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Tuy nhiên, bù lại, chúng có sẵn rất nhiều một dạng chất béo khác – chất béo nâu (hoặc mô mỡ nâu) nằm xung quanh các cơ quan nội tạng (tim, thận), dọc theo xương sống để giữ ấm cho các cơ quan nội tạng của bé. Nó là một chất béo sinh nhiệt, nó tạo ra nhiệt. Nhưng khi lớn lên, chúng ta mất đi chất béo này, thay thế chúng bằng các chất béo trắng (mà thực ra là màu vàng) đóng vai trò cách nhiệt và hoạt động như một kho dự trữ năng lượng.

Do vậy, khi đêm xuống, và khi nhiệt độ xuống thấp, hãy nhớ sự khác biệt trong cấu tạo cơ thể chúng ta để giải thích lý do tại sao tất cả chúng ta cảm nhận khác nhau về sự thay đổi nhiệt độ nhé!

Nghiên cứu bởi Adam Taylor, Director of the Clinical Anatomy Learning Centre & Senior Lecturer in Anatomy, Đại học Lancaster

Phiên bản gốc của bài viết này đã được công bố trên The Conversation.

Theo Epochtimes France

Xuân Hà

Nguồn:http://www.dkn.tv/khoa-hoc-cong-nghe/day-la-ly-do-vi-sao-nu-gioi-luon-cam-thay-lanh-hon-nam-gioi.html

Comment