nguoi-phu-nu-anh-nho-lai-kiep-truoc-chinh-la-nu-pha-ra-ong-dau-tien-cua-ai-cap-co-dai
Người phụ nữ Anh nhớ lại kiếp trước chính là nữ Pha-ra-ông đầu tiên của Ai Cập cổ đại
- bởi tamthuc --
- 15/10/2017
Một phụ nữ người Anh tuyên bố rằng trong một kiếp trước bà từng là một nữ pha-ra-ông của Ai Cập cổ đại.
Người phụ nữ này tên là Joan Grant (1907-1989). Bà là một nhà văn nổi tiếng ở Anh trong thế kỷ 19, với cuốn sách xuất bản đầu tay vào năm 1937 mang tên Winged Pharaoh (Pha-ra-ông có cánh). Người ta xếp cuốn sách này vào dạng tiểu thuyết hư cấu về lịch sử, nhưng bà Grant cho biết bà viết nó dựa trên các ký ức về một kiếp sống trước đây tại Ai Cập, theo Epoch Times.
Bà cho biết tên bà hồi đó là Sekeeta. Bà là một người con gái của Pha-ra-ông từ triều đại đầu tiên của Ai Cập (từ khoảng 5000 năm trước), một nữ tu sĩ được rèn luyện các môn pháp huyền bí, bao gồm khả năng nhớ lại quá khứ của mình. Sau này chính bà đã nối nghiệp cha, trở thành nữ pha-ra-ông đầu tiên của Ai Cập.
Một số điều về Ai Cập cổ đại, được bà Grant mô tả trong cuốn sách, tương đối ăn khớp với vốn hiểu biết của các nhà khảo cổ và những sự kiện lịch sử đã được chứng minh. Có quan điểm được bà Grant nêu ra thậm chí trước cả các nhà khảo cổ.
Cuốn sách như là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, sau đó gây ra sự quan tâm lớn của công chúng, trở thành sách bán chạy nhất ngay từ lần xuất bản đầu tiên những năm đầu 40 đến 50 thế kỷ 20 ở vương quốc Anh, điều này mang đến cho Grant danh tiếng bất ngờ, cuốn sách được thế giới đánh giá như thủy triều dâng và Tạp chí New York đánh giá là “một cuốn sách bất thường như một ngọn lửa”.
Cuốn sách đã trở thành một trong những đầu sách bán chạy nhất tại Vương quốc Anh kể từ khi được xuất bản vào năm 1937, và được tờ New York Times đánh giá là một “cuốn sách phi thường sáng rực lửa”
Thôi miên tiền kiếp, nhớ lại quá khứ cổ đại
Trong sách, bà Grant cho biết bà có thể nhớ lại kiếp sống trước đây của mình trong trạng thái bị thôi miên. Trong trạng thái này, bà có thể chạm tới những ký ức trước đây, sau đó ráp nối chúng lại với nhau thành một câu truyện theo trình tự thời gian. Bà đã trải qua hơn 100 phiên thôi miên tiền kiếp như vậy.
Thực ra bà cũng không phải trường hợp duy nhất. Trong trạng thái thôi miên tiền kiếp, một sinh viên Đại học Oxford cho biết anh từng là một thợ mộc Ai cập làm việc trong một lăng mộ của Pha-ra-ông Den. Những điều anh nói sau đó đã được xác thực, nhưng điều kỳ lạ nằm ở nếu theo các cách thức thông thường thì anh khó có thể biết được những thông tin chi tiết đến vậy.
# 1 – Danh xưng thầy tế của Grant trùng khớp với tên nữ Pha-ra-ông đầu tiên trong lịch sử
Trong sách, Grant cho biết danh xưng thầy tế của bà khi đó là Meri-neyt. Bà đã viết cả một chương trong sách với tiêu đề “Lăng mộ của Meri-neyt,” trong đó bà kể lại việc đã quan sát thấy lăng mộ của chính mình được xây dựng trong khi vẫn còn sống. Vị công chúa Sekeeta biết rằng đây sẽ là nơi bà yên nghỉ dưới cái tên Meri-neyt.
Dựa trên dữ liệu lịch sử, thật sự có một người trong hoàng tộc với tên gọi là Meryet-Nit. Liệu bà có thật sự là một Pha-ra-ông? Nhà Ai cập học Walter Emery (1902-1971), trong một chuyến tham quan lăng mộ, đã phải thốt lên rằng:
“Lăng mộ bà ấy quá rộng lớn và quan trọng. Chắc hẳn bà ấy từng là một Nữ hoàng nhiếp chính”.
# 2 – Danh xưng thần thánh (còn gọi là danh xưng Horus) của Grant trùng khớp với tư liệu lịch sử
Bốn hoặc năm pha-ra-ông đầu tiên của Triều đại thứ nhất của Ai cập (bắt đầu khoảng 5.000 năm trước đây) thường được liệt kê như sau:
- Narmer/Menes/Hor-Aha
- Djer
- Djet
- Den
Jean Over Fuller (1915-2009) là một nhà thơ và một nghệ sỹ nhưng lại thích viết tiểu sử. Bà dành một ngày nghỉ cuối tuần với Grant vào những năm 1940. Bà đã liên lạc với nhiều nhà Ai cập học và nghiên cứu các chữ tượng hình để xác nhận điều bà Grant đã nhìn thấy. Bà nhận thấy rất nhiều điều bà Grant nói là đúng.
Fuller cho rằng nhân vật Sekeeta chính là nữ pha-ra-ông Djet (với danh xưng thầy tế là Meryet-Nit), hay con gái của Pha-ra-ông Djer, nói cách khác là nữ vương đầu tiên của Ai Cập cổ đại.
Nguyên nhân nằm ở chỗ danh xưng thần thánh (hay danh xưng Horus) của Sekeeta là Zat, biểu thị dưới dạng một con rắn bao xung quanh bởi các ký tự tượng hình. Và từ “Djet” cũng được miêu tả dưới dạng một con rắn.
Không chỉ vậy, bà Fuller còn cho biết sở dĩ bà tin nhân vật Djet chính là Sekeeta là vì pha-ra-ông nối tiếp ngay sau đó là Den, cái tên mà Sekeeta đã đặt cho con trai của mình.
# 3 – Cái lược bằng đồng của Sekeeta xuất hiện trong sách lịch sử, 24 năm sau khi bà miêu tả nó
Cuốn sách đã mô tả một vài món đồ vật đặc biệt của bà Grant trong kiếp sống là công chúa Sekeeta:
“Trong đền thờ tôi chỉ có độc một cái lược bằng ngà voi và một cái gương nhỏ bằng đồng, tấm gương này phản chiếu hình ảnh tôi không được rõ nét cho lắm …
Cái lược đã được chạm khắc con dấu của tôi. Con dấu này bao gồm một Pha-ra-ông có cánh, con diều hâu của chiến binh được rèn luyện đậu trên con thuyền chiến thắng, ngay bên trên đôi cánh của Người mang Cánh.
Sau đó, ngay phía bên dưới, là danh xưng Horus của tôi, Zat, được biểu thị dưới dạng một con rắn, nằm ngay bên cạnh chìa khoá sự sống, đồng thời đi kèm hai bên là hai cây gậy quyền lực, quyền lực tác động lên Trái đất và bên ngoài Trái đất”.
Trong cuốn sách “Ai Cập cổ đại” (Archaic Egypt) xuất bản vào năm 1961, tác giả nhà sử học Walter Bryan Emery đã vẽ hình minh họa một chiếc lược với các đặc điểm giống y hệt như mô tả của bà Grant.
Chiếc lược này có tên là “Chiếc lược của Uadji”, cũng được đánh vần là Wadji, một cách gọi khác của Djet, vị Pha-ra-ông mà bà Fuller cho là có mối liên hệ gần gũi nhất với câu chuyện của bà Grant. Điểm thú vị là, cuốn “Ai Cập cổ đại” được xuất bản sau cuốn sách của bà Grant đến 24 năm, và là nguồn tư liệu đầu tiên đề cập đến hiện vật này. Do đó, sự trùng khớp giữa những gì bà Grant nhìn thấy trong trạng thái thôi miên và các bằng chứng khảo cổ về sau quả thật đáng kinh ngạc, thêm một lần nữa củng cố độ khả tín của những thông tin được đưa ra trong cuốn sách Pha-ra-ông có cánh.
Không chỉ vậy, tại thời điểm bà Grant viết cuốn sách, giới khảo cổ không hề biết rằng người Ai Cập cổ đại biết chế tác và sử dụng đồ bạc. Thực tế này chỉ được công nhận nhờ các khám phá khảo cổ về sau.
Cuộc đời của Joan Grant
Joan Grant có tên đầy đủ là Joan Marshall Grant Kelsey. Cô sinh ngày 12/4/1907 tại London, Anh. Cha cô, John Frederick Marshall, là một nhà côn trùng học, tham một số công trình nghiên cứu tiên phong về muỗi.
Bản thân Joan đã trải nghiệm các hiện tượng siêu nhiên từ khi còn nhỏ. Bạn cô cũng có thể cảm thấy sự nhạy cảm với các hiện tượng siêu thường này của cô, và họ cảm thấy điều này thật kỳ dị.
Grant tin rằng cô đã được luân hồi ít nhất bốn mươi lần, và các ký ức xa xưa về các kiếp sống trong quá khứ là nền tảng cho các tiểu thuyết lịch sử của cô. Cô cố gắng giúp bản thân và độc giả tránh các thành kiến thiên lệch khi nhìn nhận vấn đề, cái mà cô gọi là “tâm lý bầy đàn”. Cô không hứng thú với các niềm tin mù quáng vô căn cứ. Cô tuyên bố có một món khả năng trời phú là “ký ức xa xưa” – khả năng nhớ lại các kiếp sống trước. Cô cho biết cô đã trải nghiệm nhiều không gian huyền bí mà hầu hết mọi người không thể.
Nhà văn nổi tiếng người Anh H. G. Wells là bạn của cha cô. Ông rất ngưỡng mộ Joan và một phần nào đó đã trở thành một người cố vấn cho cô. Wells tin vào tính xác thực trong những mô tả của Grant. Ông từng nói với cô rằng:
“Điều quan trọng là cháu cần trở thành một nhà văn (để viết ra những trải nghiệm của mình một cách khoa học).” Tuy nhiên ông cũng đề xuất rằng trước mắt cô nên giữ những bí mật này trong tâm của mình và không nên nói ra, cho đến khi cô “… đủ mạnh mẽ để chịu được sự nhạo báng của những người thiển cận”.
Joan kết hôn với Leslie Grant vào năm 1927. Chồng cô thường theo đoàn khảo cổ đi khám phá các công trình Ai Cập cổ đại và hiện vật ở Iraq trong vai trò nhiếp ảnh gia.
Cô kết hôn với người chồng thứ ba, Denys Kelsey, vào ngày 1/9/1960. Hai người đã hợp tác để viết cuốn “Rất nhiều Kiếp sống (Many Lifetimes)”, trong đó cô giải thích bắng cách nào cô có thể biết được các kiếp trước của mình và của những người khác.
Cô cũng đã viết một số cuốn sách dành cho trẻ em, trong đó bao gồm những câu chuyện cô tuyên bố mình được nghe kể trong các kiếp sống trước đây. Sách của cô đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng.
Một tuyển tập các bài viết chưa được biết đến trước đây của Grant đã được xuất bản vào năm 2007 dưới cái tên “Tiếng nói từ Trái tim: Đạo lý, luân hồi & ý nghĩa khi làm một con người”.
Cuốn sách này do cháu gái Nicola Bennett của cô biên tập, cùng với Sophia Rosoff, người bạn thân nhất của Grant, và nhà soạn hợp tuyển văn học Jane Lach. Trong đó có thơ, văn xuôi và một loạt các bài giảng tại Hiệp hội Nghiên cứu và Khai sáng của nhà tiên tri Edgar Cayce.
Grant thể hiện rõ niềm tin của mình vào sự tồn tại của các thực tại khác, các kiếp sống trước, và cái chết, thông qua phương thức diễn thuyết và viết lách vô cùng rõ ràng. Cô nói, đối với cô, tấm màn che ngăn cách giữa “các thế giới” về cản bản không tồn tại.
Quý Khải (Theo Epoch Times)
Nguồn:http://www.dkn.tv/khoa-hoc-cong-nghe/nguoi-phu-nu-anh-nho-lai-kiep-truoc-chinh-la-nu-pha-ra-ong-dau-tien-cua-ai-cap-co-dai.html
Comment