No icon

phat-hien-ho-den-lon-gap-lan-mat-troi-gan-trung-tam-dai-ngan-ha

Phát hiện hố đen lớn gấp 100.000 lần Mặt Trời gần trung tâm dải Ngân Hà

Một hố đen được cho là lớn nhất từng được biết đến trong số các hố đen thuộc loại trung bình (intermediate-mass) vừa được phát hiện gần tâm dải Ngân Hà.

Các nhà thiên văn học từ Đại học Keio, Nhật Bản, đã quan sát thấy một thứ trông giống như một hố đen trung bình lớn nhất trong dải Ngân Hà với trọng lượng ước tính gấp 100.000 lần khối lượng Mặt trời, Iflscience đưa tin hôm 4/9.

Nghiên cứu, được xuất bản trên tạp chí Nature Astronomy, tập trung vào việc quan sát một đám mây khí phân tử cỡ lớn nằm cách trung tâm của dải Ngân Hà khoảng 200 năm ánh sáng. Nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu cách đám mây khí này di chuyển và kết luận có một vật thể khổng lồ nằm ở trung tâm của nó, nhiều khả năng đó là một hố đen.

hố đen mới phát hiện nằm cách trung tâm của dải Ngân Hà 200 năm ánh sáng (Ảnh: Starship)

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy khí thải từ đám mây khí tương tự như ở vùng lõi của dải Ngân Hà, nơi có một hố đen siêu lớn, mặc dù có ít ánh sáng hơn 500 lần.

“Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện ra một hố đen khối lượng trung bình (IMBH) trong dải Ngân Hà của chúng ta”, tác giả chính của nghiên cứu – Tiến sĩ Tomoharu Oka nói với Iflscience.

Điều này hỗ trợ chúng ta tìm hiểu quá trình hình thành / phát triển của các hố đen siêu lớn trong các trung tâm thiên hà.

Một lý thuyết trọng yếu từng chỉ ra rằng những hố đen vũ trụ hình thành nhiều hơn ở thời kỳ đầu do các ngôi sao lớn hơn nhiều và đốt cháy nhiên liệu nhanh hơn. Những lỗ đen này sẽ hợp nhất, cuối cùng đạt đến độ lớn gấp hàng trăm khối lượng mặt trời. Tiếp sau đó, dần dần chúng sẽ hợp nhất với các lỗ đen tương tự khác và trở thành các hố đen siêu lớn.

Hố đen được cho có thể là đường thông tới các vũ trụ song song (Ảnh: minhbao.net)

Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục quan sát, và hy vọng rằng sau một thập kỷ nữa, họ sẽ có thể mô tả một cách đầy đủ hố đen hoạt động và di chuyển qua thiên hà như thế nào?!.

Hố đen, hay lỗ đen là một vùng trong không gian có trường hấp dẫn lớn đến mức lực hấp dẫn của nó không để bất cứ dạng vật chất nào, kể cả ánh sáng, thoát ra khỏi đó. Chúng chỉ được phát hiện khi các vật thể bị chúng “nuốt vào” phát ra bức xạ.

Hầu hết các thiên hà lớn, trong đó có dải Ngân Hà của chúng ta, đều được cho là có các hố đen siêu lớn ở trung tâm chúng.

Vào năm 2015, nhà bác học thiên tài người Anh Stephen Hawking đã gây chấn động giới khoa học và truyền thông khi tuyên bố lỗ đen có thể là cánh cửa dẫn tới một vũ trụ khác.

Hoài Anh

Nguồn:http://www.dkn.tv/khoa-hoc-cong-nghe/phat-hien-ho-den-lon-gap-100-000-lan-mat-troi-gan-trung-tam-dai-ngan-ha.html

Comment