No icon

nhung-cau-chuyen-rung-minh-ve-bua-yeu-tom-tham

Những câu chuyện rùng mình về bùa yêu “tơm thăm”

(tamthuc.com)- Bùa “tơm thăm” làm cho con người ta yêu nhau say đắm, sống bên nhau suốt đời và một người chết thì người kia cũng chết theo. Câu chuyện bùa “tơm thăm” nhuốm màu huyền thoại phủ quanh những câu chuyện về những cặp vợ chồng chết cùng nhau vì không kịp giải bùa?.

Đến chết mới giải bùa yêu cho vợ

Chúng tôi vào nhà ông Hà Văn Cảnh, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, Phú Thọ. Trước đây, ông Cảnh là Chủ tịch, rồi Bí thư xã Kim Thượng, nhưng ông đã nghỉ hưu từ năm 1994.

Vợ chồng “thầy bùa” Hà Văn Mướn

Ông Cảnh khẳng định ông không biết làm bùa ngải gì cả. Người biết làm bùa ngải là cha ông, cụ Hà Văn Kết nhưng đã qua đời. Cụ Kết là cán bộ tiền kháng chiến, 50 năm tuổi Đảng, song cụ vẫn làm bùa rất giỏi. Ông Cảnh kể, cụ có thể làm bùa cho trai gái yêu nhau. Chuyện ông cụ Kết làm nèm cho dòi bọ ra khỏi động vật, đặc biệt là trâu bò thì rõ ràng nhất, dễ nhất. Ông dặn người ta lấy lá cà rừng, nếu con cái thì 9 lá, con đực 7 lá, đem quệt vào vết thương, rồi đem đến cho thầy. Ông cụ Kết chỉ cần niệm chú mấy câu vào lá là dòi bọ ra hết. Ông không bao giờ lấy công của ai và cũng không dùng bùa để làm điều ác.

Ông Cảnh kể rằng, nhiều lúc cũng dò hỏi bố xem ý tứ có muốn truyền lại cách làm bùa cho con cháu không, thì đều nhận được cái lắc đầu. Ông Kết bảo, con cháu đều là đảng viên, là cán bộ thì không được làm những chuyện mê tín dị đoan. Chuyện ông làm bùa chài là do cha ông tổ tiên truyền lại và ông chỉ sử dụng để làm điều tốt. Ông sợ truyền lại, con cháu không có cái bụng tốt, rồi lợi dụng làm việc xấu thì thất đức nên ông không truyền nữa, chỉ chép lại các bài thần chú làm bùa vào cuốn sổ học sinh, khi nào chết thì để lại cho con cháu làm kỷ niệm.

Hồi đầu năm 2008, bố ông Cảnh, tức cụ Kết, lâm bệnh nằm liệt một chỗ. Suốt một tháng trời cụ không ăn không uống gì, cơ thể tong teo như tàu lá héo, chỉ còn da bọc xương. Cũng suốt một tháng ấy, cụ bà mẹ ông Cảnh, vợ cụ Kết, cứ quấn quýt bên chồng, không rời nửa bước. Cụ bà cũng héo hon tiều tụy không kém. Bao nhiêu nước mắt của cụ bà đã chảy ra hết.

Một ngày, khi dọn đồ đạc, ông Cảnh tìm được một cuốn di chúc viết tay của cụ Kết. Những dòng chữ nắn nót ghi lại các bài bùa. Ngay đầu cuốn di chúc có ghi: “Ta đã làm tơm thăm để lấy vợ và làm tơm thăm để lấy chồng cho con gái. Khi nào ta sắp chết, các con hãy mời ngay thầy Mướn đến giải bùa để cứu vợ ta. Chuyện ta làm bùa cho con gái ta lấy được chồng phải giữ bí mật, vì làm như vậy là thất đức lắm. Các con cũng phải nhờ thầy gỡ bùa khi nào con gái ta hoặc chồng nó sắp chết…”.

Ông Cảnh đọc xong dòng di chúc rụng rời tay chân, liền đi gặp ông Mướn ở bản Xuân. Nghe ông Cảnh kể chuyện, ông Mướn hiểu ngay sự việc. Chính vì ông Kết đã làm “tơm thăm” để lấy vợ, nên cứ ngắc ngoải không chết được. Còn vợ ông Kết thì cứ héo hon bên chồng. Hai người cứ lưu luyến bên nhau. Ông Kết mà chết, thì không lâu sau, vợ ông cũng sẽ chết theo.

Không biết có tin được chuyện này hay không, nhưng theo lời ông Cảnh, sau khi thầy Muôn làm lễ giải bùa, ông Kết lập tức trút hơi thở cuối cùng với thần thái rất thanh thản. Còn bà vợ ông Kết, tức mẹ ông Cảnh thì cũng tiễn đưa chồng với tâm trạng không còn quá nặng nề nữa. Ông Cảnh kể vậy thì biết vậy, còn sự thực thế nào, có trời mới biết được. Nhưng chuyện về những cái chết do “tơm thăm” thì người dân ở đây kể nhiều lắm.

Ầm ĩ nhất, ai cũng biết, là chuyện ông Cọ, bà Bình ở bản Quyền, xảy ra mới đây. Gia cảnh ông Cọ và bà Bình nghèo lắm. Ông Cọ làm nghề bán kem rong, bà Bình ở nhà làm ruộng, song họ sống với nhau rất đoàn kết và hạnh phúc. Sống với nhau mấy chục năm trời, có tới 4 mặt con, song hàng xóm chẳng bao giờ nghe thấy hai người to tiếng với nhau cả. Thế nhưng, hồi cuối năm 2007, ông Cọ đột ngột ra đi ở tuổi 58, do bệnh xơ gan cổ trướng. Bà Bình nhớ thương chồng, cả ngày lẫn đêm cứ khóc lóc vật vã bên bàn thờ. Rồi bà Bình chợt nhớ, trước khi chết, bố chồng dặn rằng, khi một trong hai người ra đi, thì phải giải bùa, vì bố chồng bà đã làm “tơm thăm” cho hai người lấy nhau.

Bà Bình kể với con cháu chuyện ấy, nhưng bà lại không tin những chuyện tâm linh đồn đại thần bí như vậy. Thế rồi, đúng một tuần sau, bà Bình cũng chết không rõ nguyên nhân, khi đứa cháu nội còn đang ngủ ngon lành bên cạnh. Anh con trai kể, đêm ấy, bà Bình, tức mẹ đẻ anh cứ nằng nặc đòi ngủ với cháu nội, để trông cháu giúp vợ chồng anh, thế rồi bà đột ngột ra đi ở tuổi 54, dù bà chẳng có bệnh tật gì?.

Chuyện gần đây nhất, là cái chết của ông Sở và bà Sở, ở bản Xuân. Bà Sở lâm trọng bệnh nên ra đi, ông Sở không chịu nghe lời mọi người đi làm lễ giải bùa. Thậm chí, ông Sở còn ra giọng bài bác chuyện mê tín dị đoan. Ông bảo, ông khỏe như vâm, bữa ăn 4 bát cơm đầy, chặt 6 bó củi trong rừng, làm sao ma bắt ông đi được. Thế mà, đúng một tuần sau, ông chết thật. Bình thường, 5h sáng ông đã dậy, ăn sáng, rồi lên rừng, nhưng hôm ấy mặt trời ngó lên đỉnh núi, vẫn thấy buồng trong màn rủ. Con trai vào đánh thức, thì thấy ông đã lạnh ngắt. Cái chết của ông Sở đầy bí ẩn, huyễn hoặc, không có lời giải nào, ngoài chuyện đổ cho bùa “tơm thăm”.

Những câu chuyện về những cái chết chung do “tơm thăm”, ở mảnh đất Kim Thượng chìm sau núi non và mây mù này có nghe cả ngày không hết. Riêng ông Cảnh đã liệt kê cho tôi 10 trường hợp như thế. Cứ chồng hoặc vợ chết, nếu không gọi thầy bùa cao tay giải “tơm thăm” thì vợ hoặc chồng cũng chết theo sau khoảng một tuần.

Giáp mặt thầy bùa nổi danh

Chúng tôi được con trai ông Hà Văn Cảnh dẫn đến nhà thầy bùa Hà Văn Mướn ở bản Xuân. Theo ông Cảnh, xã Kim Thượng có rất nhiều thầy mo, có khả năng làm bùa, ngải, nhưng chỉ có 5 người là giỏi nhất, có khả năng làm “tơm thăm”, gồm bà Bằng (bản Chiềng), ông Cứng (bản Quyền), ông Long (bản Chiềng), ông Tan (bản Nhàng) và ông Mướn (bản Xuân). Trong số 5 thầy bùa giỏi này, thì ông Mướn được coi là cao tay và nổi tiếng nhất. Ông Mướn nổi tiếng đến nỗi, người Hà Nội cũng biết tiếng. Họ đánh cả xe con lên, rồi cuốc bộ lên núi, chi phí nhiều tiền để đưa ông về Hà Nội cúng bái, làm bùa ngải cho người ta.

Ông Hà Văn Cảnh cho rằng bố ông từng làm bùa “Tơm thăm” để lấy vợ?

Ông Mướn cũng thú nhận chuyện ông thường xuyên về Hà Nội làm bùa là có thật, nhưng ông chỉ làm việc tốt mà thôi. Vừa mới đây có một ông công an, nhà ở gần ga Hàng Cỏ đã đánh cả xe con lên đón ông về Hà Nội làm bùa. Lý do anh này muốn làm bùa là vì vợ anh ta, là phó giám đốc một công ty, đã bỏ vào Nam theo bồ, để lại hai đứa con cho anh ta nuôi dưỡng. ông Mướn giận người đàn bà lăng loàn, đã niệm thần chú “tơm thăm” vào chiếc áo của cô ta, để cô ta phải trở về nhà sống hết đời với chồng con?. Tôi hỏi về tác dụng, ông Mướn bảo chưa thấy anh công an kia thông báo lên, nên ông cũng không biết thế nào.

Cũng theo ông thầy Mướn, làm “tơm thăm” rất nguy hiểm. Nguy hiểm cả cho người ta, lẫn cho cả ông. Nếu việc làm của ông là thất đức, ông cũng sẽ gặp họa. Còn nếu làm nhiều việc tốt, thì ông sẽ được phúc. Tôi ngồi trò chuyện với ông Mướn bên bếp lửa, thi thoảng vợ ông, bà Hoàng Thị Tỏi, lại tủm tỉm cười, nhìn chồng rất âu yếm. Tôi quay sang hỏi bà Tỏi: “Bà có bị ông bỏ bùa không vậy?”. ông Mướn cướp lời: “Không có bỏ bùa gì đâu”. Tôi hỏi lại, bà Tỏi vẫn tủm tỉm nói: “Không biết nữa, nhưng có khi là có đấy…”.

Những câu chuyện ông Mướn kể còn dài lắm, nhiều lắm, không biết đúng sai đến đâu. Lời ông kể cứ rủ rỉ rù rì như đưa người nghe vào một thế giới huyền bí cổ xưa, đầy chất sử thi và cổ tích.

Dương Thụy Bình

TAMTHUC

Comment