No icon

ban-biet-gi-ve-bua-chu

BẠN BIẾT GÌ VỀ “BÙA CHÚ”

BÙA CHÚ

TRỪ “ÁC MỘNG”

(tamthuc.com)-Trong giấc mộng có hai loại, thứ nhất gặp mộng lành và thứ hai gặp mộng dữ (còn gọi ngạc mộng, ác mộng). Khi gặp ác mộng ai cũng lo sợ, tâm lý hoang mang vì nó chỉ mang đến tin buồn.

Những nhà nghiên cứu về mộng thấy rằng, những người ngủ thường hay gặp ác mộng là vì tâm lý không ổn định, khi thức gặp cảnh người thân bị chết oan ức, cảnh vợ chồng ly tán, hay chứng kiến tận mắt thấy những tai nạn thương tâm, những căn bệnh hiểm nghèo, gây đau khổ… để rồi nằm mơ thấy giấc mộng tương ứng hoặc tương phản.

Có thể người thường gặp ác mộng còn có chứng tinh thần phân liệt, hoặc ban ngày bị truy đuổi phải trốn tránh. Những người hay đọc truyện nói về ma quỷ sẽ hay bắt gặp ma ám, quỷ trêu trong mộng; người “háo sắc” đêm nằm thường mộng đến việc hoan lạc với người đẹp, rồi sinh chứng “mộng tinh”.

Trẻ em từ 3 đến 7 tuổi đêm ngủ hay ú ớ vì chúng gặp phải ác mộng, do ban ngày bị cha mẹ, anh chị, bạn bè đuổi đánh mà không thể phản kháng v.v…

Theo giới y học và tâm lý học, người ta cho rằng gặp những cơn ác mộng là sự biểu hiện của trạng thái bệnh hoạn do thể xác hoặc tinh thần gây ra.

Những nhà tâm lý học cho rằng, muốn tránh ác mộng phải xem lại trong sinh hoạt đã xảy ra điều gì làm con người ta thấy sợ hãi, từ đó dùng liệu pháp tâm lý mà hóa giải. Còn giới y học (thường là giới đông y) nói, nếu ác mộng do âm thịnh sẽ liên quan đến hồng thủy, còn dương thịnh sẽ mơ thấy hỏa tai; Âm dương đều thịnh sẽ mộng thấy chuyện chém giết. Trên thịnh, mộng thấy bay bổng, dưới thịnh mộng thấy bị rơi. No quá thấy muốn cho, còn đói quá thấy muốn xin. Can khí thịnh mộng hay tức giận, phế khí thịnh mộng thấy khóc.

Do vậy sách “Hoàng Đế Nội Kinh” dạy : muốn trách ác mộng phải tuân thủ nguyên tắc trị liệu “cái gì thịnh quá phải xả bớt, nếu không đủ phải bổ sung” đưa vào đời sống mỗi ngày, thí dụ thấy đói phải tìm thức ăn cho no bụng, kẻo về đêm nằm mộng thấy những món ăn khoái khẩu hiện đến.

1/- Nguồn gốc của phù chú

Còn các pháp sư, thầy cúng cho rằng với ác mộng đã có thứ trừ khử, đó là phù chú (còn gọi bùa chú). Trong dân gian vì tính sùng bái thần quyền quá rộng, nên mọi người thích dùng phù chú để trị những đêm gặp những mộng dữ.

Theo tiếng Hán, Phù có nghĩa là tin. Vào đời tiền Hán bên Trung Hoa đã có tục làm phù, là dùng thân tre dài sáu tấc (đơn vị xưa) có hai mảnh giống nhau ghép lại. Lúc đó phù có uy quyền bởi do Hoàng Đế gửi cho mọi người, để sau đó các thầy pháp, pháp sư cho rằng thần linh cũng có phù và đặt tên là “thần phù”.

Ban đầu họ cho xuất hiện loại “đào phù” dùng xua đuổi tà ma, lấy câu chuyện của Quách Phác (đời Tấn, năm 276 – 324) viết trong cuốn “Huyền Trung Ký”, kể lại câu chuyện :

– Phía nam kinh thành có núi Đào Đô, trên núi có cây đào to lớn cành lá xum xuê, và trên đỉnh cây có con gà trời đậu trên đó. Khi mặt trời mọc chiếu vào cây đào, con gà trời liền gáy vang báo hiệu một ngày mới đã đến. Bên dưới gốc cây đào có hai vị thần, bên tả tên Long bên hữu tên Viên. Hai vị thần tay cầm một nhành đào, đợi lúc quỷ dữ đi đêm về qua bất thần giết chết chúng.

Từ đó loan truyền cành đào trên Đào Đô sơn có thể trừ được tà ma quỷ dữ, và bọn ma quỷ khi thấy cây đào, hoa đào, hay trái đào đều muốn lánh xa. Mọi người rất tin nên đổ xô lên Đào Đô sơn chặt lấy cành đào, hoa đào hay trái đào mang về, dùng làm vật trấn yêu ma quỷ quái trước cửa nhà.

Các pháp sư, thầy pháp làm “đào phù” bằng cách cho vẽ cành đào, hoa đào hay người cầm trái đào tiên để dán trước cửa nhà (ngày nay vào dịp tết nhà nhà thường trưng hoa đào, vừa trang trí nhà cửa đón xuân, vừa mang ý nghĩa xua đuổi tà ma).

Dần dần có người muốn tờ “đào phù” không chỉ dán trước cửa nhà được năm ba ngày rồi hư hỏng, họ muốn để đạo phù hiện hữu quanh năm cho đỡ tốn kém, nên “đào phù” bắt đầu được làm bằng gỗ đào chỉ to bằng khổ sách, trên mặt phẳng có khắc hình hai ông “thần giữ cửa” tên Thần Đồ và Úc Lũy, cũng là hai vị thần chuyên trừ ma diệt quỷ, trong “đào phù” còn viết những “câu chú” giản dị như sau :

– Tý nhật mộng ác – Thư thiếp môn cát

– Sửu nhật mộng ác – Chu thư bội cát

– Dần nhật mộng ác – Hắc thư bội cát

– Mão nhật mộng ác – Hắc thư bội cát

– Thìn nhật mộng ác – Thư bại môn cát

– Tỵ nhật mộng ác – Thư phòng bích cát

– Ngọ nhật mộng ác – Thư phòng môn cát

– Mùi nhật mộng ác – Thư phòng môn cát

– Thân nhật mộng ác – Chu thư bích cát

– Dậu nhật mộng ác – Hắc thư bích cát

– Tuất nhật mộng ác – Thư trung bích cát

– Hợi nhât mông ác – Quyên thư thiếp sàng

Ứng cho tất cả các điều quỷ quái không lường tới, phù này đặt nơi quỷ quái thường xâm phạm. Nam đeo bên tả nữ đeo bên hữu, ma quái phải tránh xa.

Bùa có 12 chi từ Tý đến Hợi, nhà nào thuộc chi nào viết bùa theo chi ấy (gồm bốn phương, tám hướng).

2/- Cách thức vẽ phù chú

“Phù chú” ra đời vào đầu thế kỷ thứ III và vào cuối thế kỷ trên nó đã biến dạng, bởi “phù chú” không nhất thiết phải vẽ trên tấm ván đào, có khi làm bằng lá kim loại mỏng, trên tấm gương soi, hay bằng vải, bằng giấy miễn sao giữ gìn được lâu ngày. Bấy giờ không còn gọi “đào phù” mà thay bằng tên gọi “bùa chú”, “phù chú”.

Thật ra các loại bùa chú dùng trừ khử những cơn ác mộng hoặc dùng để trấn ếm ma quỷ trong nhà, không có gì là huyền bí nếu mọi người biết đến nguyên tắc mà các thầy pháp, pháp sư khi vẽ trên lá bùa.

Như đã nói, đầu tiên phù được làm bằng gỗ đào rồi được vẽ hình hai vị thần Thần Đồ và Úc Lũy, cùng mấy câu thần chú cầu nguyện cho thích hợp vào từng hoàn cảnh (chữ Hán) rồi được mô tả đây là “câu quyết trừ tà” từ pháp thuật do các vị thần linh truyền đạt lại.

Về sau để phù chú mang tính huyền bí hơn, mọi người không thể hiểu trên đó viết ra những gì mà có pháp lực phi phàm, các pháp sư đã thay đổi hình vẽ hai vị thần linh bằng biểu tượng hoặc bằng hình Bát Quái tiên thiên hay hậu thiên, và các câu “thần chú” thay vì viết bằng chữ Hán nay viết qua chữ Phạn, nét bút phức tạp, kéo dài ngoằng ngèo như rồng bay rắn lượn (xem hình), đầy tính huyền hoặc, quái đản như thứ chữ mật mã để không ai còn đọc được. (Đến nay các pháp sư, thầy cúng cũng chỉ biết đến tên bùa, khi hết lại sao y làm nhiều bản khác, nhưng thật sự không hiểu nội dung ra sao), còn tâm lý người sử dụng khi thấy tờ phù chú càng huyền hoặc lại càng sùng bái, tin tưởng hơn.

Phù chú còn phải đi đôi với “Triện” son. Triện là dấu ấn chứng minh cho nguồn gốc xuất phát, có thể là thứ dùng tô điêm thêm cho tờ phù chú, bùa chú đó tăng cao uy tín. Và hơn nữa khi các tờ phù chú (có khi được vẽ lộng kính, hay vẽ trên những tấm thép lá mỏng, bằng đồng hoặc nhôm) tới tay người sử dụng, các pháp sư, thầy cúng còn cúng khai khuông trừ tà, còn khai quang điểm nhãn mới được cho là thần linh đã nhập.

Hiện tượng dùng phù chú giải trừ ác mộng hay tà ma, được phổ biến từ bên Trung Hoa rồi được đưa sang nước ta trong thời gian đô hộ, nên các loại phù chú này đa số có nguồn gốc từ nước bạn. Để giải ác mộng các tờ phù chú được gấp nhỏ, cho vào một bao vải nhỏ có dây ngũ sắc để đeo vào cổ trước khi đi ngủ.

Người Nhật cũng hay dùng bùa chú khi gặp những cơn ác mộng, để được “chuyện dữ hóa lành”. Khi giải trừ ác mộng, người Nhật thường niệm thần chú bảy lần những câu sau đây :

– “Hách hách dương dương, nhật xuất Đông Phương, đoạn tuyệt ác mộng, tịch trừ bất tường”

Sau đó nhìn hướng đông (mặt trời mọc), chủ ý nhìn vào hướng có dương khí, thở hít vào. Khi thở ra nhìn về hướng bắc. Làm đi làm lại 7 lần hít thở dương khí như thế để trừ ác mộng.

Người Nhật cho rằng “câu thần chú” này do Quản Lộ đời Tam quốc (vào năm 224 – 246) viết ra từ bí pháp do Hoàng Đế để lại.

Kết thúc bài này chúng tôi muốn nói, vì con người mang tính sùng bái thần linh, nên thường tin vào những điềm lạ xuất hiện trong người, được cho do thần linh mách bảo. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu “văn hóa tâm linh” cho rằng, từ nguyên thủy đã có sự phát triển về những loại hình về phù chú và đã thành “tục” và “lệ”, ở đây là tìm các loại phù chú để được yên tâm.

LỄ HỘI DÂN GIAN HAY

TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG

Có rất nhiều lễ hội theo tín ngưỡng dân gian tại nước ta, tại các nước châu Á hay trên thế giới, có những lễ hội được thấy mang đầy tính huyền bí, nếu không nói là mê tín dị đoan, như tín ngưỡng thờ Mẫu mỗi khi người mộ đạo “lên đồng” cầu Thần nhập xác, nhưng đến nay “lên đồng” đang được những nhà nghiên cứu về “văn hóa tâm linh” nhận xét, đây là nét văn hóa dân tộc truyền thống, phi vật thể, thể hiện vào đời sống tâm linh của những người sùng đạo.

Bài này chúng tôi muốn giới thiệu những hình thức sùng bái khác, đầy tính huyền bí, từ trong nước ra đến nước ngoài, nay đã thành tập quán không thể chối bỏ, vì hàng năm người ta tổ chức thành những lễ hội đầy màu sắc và sắc thái dân gian, được đông đảo mọi người đến tham dự hoặc hành hương.

1/- Tín ngưỡng phồn thực

Việc sinh sản được mọi người trên thế giới xem như nhiệm vụ tối quan trọng trong một đời người, ai không có con cái tức người đó sẽ tuyệt tự và đôi khi bị gán tội “bất hiếu” với liệt tổ liệt tông, và mang tiếng thị phi cho là, do kiếp trước có quá nhiều con rơi con rớt không chịu cưu mang chúng, nên đã tạo ra nghiệp chướng, dẫn đến kiếp này phải trả giá (?!).

Vì vậy có việc sùng bái sinh sản tức tín ngưỡng phồn thực, thờ “sinh thực khí”, việc sùng bái này đã có từ khi loài người mới xuất hiện, lúc đó trong tư duy mọi người chỉ muốn vạn vật như cây cối, lương thực và con người có sự nảy nở và sinh tồn mãi mãi.

Dấu vết của tín ngưỡng phồn thực, thờ sinh thực khí tức thờ biểu tượng của đàn ông và đàn bà, như cặp Linga và Yôni, như nhảy múa trước hai vật Nõ Nường, với hình thức cái chày vồ và cái mo cau… đã nói lên điều đó. Thực ra, người Việt chúng ta không xa lạ gì với việc thờ, rước sinh thực khí. Theo ông Nguyễn Minh San viết trong cuôn Những thần nữ danh tiếng… đã phân tích :

– “Việc thờ cúng có từ rất sớm, từ thời đại đồ đồng cách nay khoảng 4.000 năm, khi nông nghiệp trồng lúa ở nước ta đã khá phát triển. Nhưng thuở đó con người còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, sức sản xuất hạn chế, dân số chưa đông, tình trạng “hữu sinh vô dưỡng” còn phổ biến. Lại thêm tình hình đất nước bị chiến tranh giặc giã (NV : từ năm 111 Tcn – đã bị nhà Hán đô hộ, và kéo dài cả ngàn năm), đã cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng. Vì vậy ước vọng cháy bỏng ngàn đời của người xưa là được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và con người được sinh sôi nảy nở, con đàn cháu đống.

“Ước vọng phồn thực của ông cha ta thể hiện phổ biến nhất trong các hội hè đình đám, ở nhiều vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ. Tương tự như cách gọi Linga và Yôni ở những vùng khác, vùng Bắc bộ có hai thứ “nõ nường” chỉ sinh thực khí nam nữ, được tượng trưng bằng một chiếc chày bằng gỗ vông và một chiếc mo cau. Chiếc chày tượng trưng cho dương vật; còn chiếc mo cau tượng trưng cho âm vật (có khi được cắt như hình âm vật)”.

Cho nên người ta chưa biết phải xếp hạng việc thờ cúng sinh thực khí là chánh hay tà, vì quan niệm đánh giá việc thờ cúng này chưa được nhất quán trong giới nghiên cứu về văn hóa tâm linh.

A/- Linga và Yôni

Dân tộc Champa (còn gọi người Chăm hay Chàm) sống rất đông ở các tỉnh miền Trung, chạy dài từ Quảng Bình xuống đến Bình Thuận.

Người Chăm thường tổ chức lễ hội cầu yên, có tên Raja Prông, nhằm tống tiễn những cái xấu xa tội lỗi năm cũ, xin sự may mắn cho mọi nhà, trong đó có lễ “cầu con”.

Để tiến hành lễ hội, người Chăm (Chăm Ni theo đạo Hồi, còn Chàm Chăm theo đạo Bà La Môn) đóng góp tiền gạo rồi dựng rạp bằng lá buông, cửa rạp nhìn về hướng tây phía trước là một sân rộng.

Chủ tế cho buổi lễ cầu yên là một ông thầy điều khiển dàn nhạc, tay vỗ trống miệng vừa hát vừa khấn thần, chủ tế được gọi bằng Pô M’Duôn, và một bà đồng bóng được gọi là mụ M’yâu. Cả hai ăn mặc diêm dúa, nhiều màu sắc trên thân người, có lẽ để thu hút sự chú ý của thần linh.

Buổi lễ bắt đầu vào lúc trời vừa tối, các thầy Po Chan (tăng lữ Chăm-Ni) đến cầu kinh trong rạp, rồi mời các vị thần linh về dùng lễ vật do dân chúng dâng lên, mỗi thần có một mâm riêng gồm cơm, rượu, bánh, trái… theo lời cầu khấn với vị thần nào mà bưng mâm của vị thần ấy đặt trước mặt thầy Po Chan.

Sau lễ cơm thần, các thầy Po Chan Chăm Ni ra về. Sau đó các tăng lữ Bà La Môn đến điều khiển tiêp lễ hội, vào khoảng giữa đêm.

Các tăng lữ Bà La Môn đốt một đám lửa trước sân rạp để cầu khấn, rồi nhảy múa quanh nó; lúc đó Pô M’Duôn tay mới vỗ trống, miệng ê a bài hát kể sự tích các vị thần linh, mỗi thần có một bài hát riêng, như thần Ánh Sáng (Pô Chabya), Thần Trai (Pô Đăm), Thần Gái (Pô Đra), Thần Siva, Thần Vitnu, Pô Klong Krai, Pô Rome… Khi kết thúc đêm thứ nhất là cuộc lễ mời rượu các vị thần linh.

Tối thứ hai là một ngày hội vui, người ta dựng một cây đu, mụ M’yâu ngồi lên cây đu và ông Pô M’Duôn đi xung quanh vừa hát vừa vỗ trống, sau đó một người đàn ông hay thanh niên tay cầm chày, lưng đeo giỏ vừa múa hát vừa đánh chày cho đến khuya.

Người đàn ông tay cầm cây Linga (tức cây chày sinh thực khí, một vật thuộc giống đực, còn Yôni thuộc giống cái) múa hát, rồi dắt Linga trước bụng hoặc cạnh sườn, tay làm điệu bộ bật lên bật xuống theo động tác mời gọi, đi vòng quanh sân.

Khi đó trong rạp mụ M’yâu tay cầm Yôni bước ra sân, cũng vừa múa vừa hát cầu nguyện, đoạn cho hai thứ va chạm vào nhau mấy lần. Đoạn hai người đặt hai thứ Linga và Yôni lên mâm có phủ vải đỏ mang vào để trong rạp, sáng hôm sau có người mang đi bỏ ở những gò cao hay gò mối trong làng.

Theo quan niệm người Chăm, những chỗ gò này là nơi trú ngụ của các hồn ma hay gây bệnh tật cho con người không sinh nở được, bỏ Linga và Yôni ở đó sẽ làm chúng sợ hãi mà bỏ đi khỏi làng, mọi người mới có thể sinh ra con cái.

Tối thứ ba gọi là tối thả thuyền (Palao hó). Người ta kết những chiếc thuyền bằng bẹ chuối để sẵn trong rạp, quanh thuyền cắm cờ kết lá buông làm hình chim muông, thú vật, hình tam giác. Pô M’Duôn đến cầu khấn cho thôn xóm bình an xong, kết thúc buổi lễ bằng cuộc thả thuyền tống tiễn.

Múa hát âm dương mang tín ngưỡng phồn thực nói trên, thường thấy trong các lễ hội của người Chăm tại Ninh Thuận (Bình Nghĩa – Ninh Hải), có khi họ không nhảy múa một đôi giữa một nam một nữ, mà chỉ một người múa với hai thứ sinh thực khí trong tay, khi múa nghệ nhân để người trần, thân quấn sà-rông; động tác múa sôi động lúc đưa mông hẩy hay lúc lắc thân người, chủ yếu biểu hiện cầu xin cho dân làng sinh sôi nảy nở.

B/- Nõ – Nường

Trong tục múa “nõ nường” tại huyện Lạp Thạch, tỉnh Vĩnh Phú, việc thờ cúng sinh thực khí khi múa “nõ nường” được biểu hiện như sau, khi đó ở giữa đình có một nam một nữ tuổi thanh xuân đứng hai bên bàn hương án, cùng vị chủ tế đứng giữa hai người để điều khiển. Người thanh niên tay cầm cái chày gỗ còn cô thiếu nữ tay cầm một mo cau.

Khi vị chủ tế cúng tế trình Thần Thánh xong, cho phép anh thanh niên hỏi thiếu nữ : – “Cái sự làm sao ?” Cô thiếu nữ liền đáp : – “Cái sự là vầy”.

Nói xong hai người đưa ra hai vật chày và mo cau cho đụng vào nhau ba lần, nếu cái chày trúng đích thì năm đó cả làng sẽ sinh được nhiều con và làm ăn thịnh vượng phát tài.

Làng Đồng Kỵ, Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc trong lễ rước sinh thực khí cũng có điệu múa “nõ nường” như thế, mô phỏng động tác giao hợp do một vị trưởng lão trong làng thực hiện. Ở một số làng sau khi cúng bái thần linh, biểu hiện tín ngưỡng phồn thực xong, hai thứ sinh thực khí được tung ra cho dân chúng cướp lấy đem về “cầu tự”. Tại Sơn Đông, Hà Tây cũng có tục múa mo tương tự.

TAMTHUC

Comment