No icon

bi-an-hoa-khoi-sai-gon-dung-bua-ngai-lam-tieu-doi-muoi-ty-phu

Bí ẩn hoa khôi Sài Gòn dùng bùa ngải làm tiêu đời mười tỷ phú

Ba Trà dùng bùa ngải gián tiếp hoặc trực tiếp đẩy hàng chục những tay trọc phú, những tỷ phú đương thời vào con đường sa đọa, dẫn họ tới chỗ phá sản không thể nào hình dung được trong con mắt những người bình thường.

Ở đất Sài Gòn khoảng thời gian từ 1925 cho đến 1945 nổi lên bốn người phụ nữ được liệt vào hàng “tứ đại mỹ nhân” gồm có: Ba Trà, Tư Nhị, Sáu Hương và Lucie B. Một trong những người thuộc hàng “tứ đại mỹ nhân” này nổi trội nhất là cô Ba Trà.

Chính người phụ nữ chân đất, con nhà nghèo ấy sau một thời gian đặt chân lên đất Sài Gòn, đã gây ra không biết bao nhiêu chuyện tình đẫm nước mắt. Ba Trà gián tiếp hoặc trực tiếp đẩy hàng chục những tay trọc phú, những tỷ phú đương thời vào con đường sa đọa, dẫn họ tới chỗ phá sản không thể nào hình dung được trong con mắt những người bình thường.


Bí ẩn hoa khôi Sài Gòn dùng bùa ngải làm tiêu đời mười tỷ phú 

Quyền năng nhan sắc

Người phụ nữ ấy được phong là hoa khôi của Sài Gòn thời ấy, một hoa khôi không mang vương miện trên đầu, nhưng quyền năng của sắc đẹp khuynh đảo với sức tàn phá ghê gớm mà với bất cứ người nào từng biết về thời điểm ấy đều phải lắc đầu ngao ngán. Cô Ba Trà tên thật là Trần Ngọc Trà, một cô gái khi đặt chân lên đất Sài Gòn chỉ mới mười sáu tuổi từ làng quê nghèo Cần Đước (Long An). Từ khi sinh ra và lớn lên cho tới tuổi mười sáu Ba Trà chỉ biết đi chân trần và bắt ốc, hái rau, hoặc gánh nước. Do hoàn cảnh gia đình không được êm ấm: Người cha mất sớm để lại cô con gái thứ ba của mình tên là Ngọc Trà cho một bà mẹ cũng ít học và nghèo khó nuôi nấng.

Ba Trà sở dĩ không sống được ở chốn nhà quê của mình là do bên nội của cô hắt hủi, đuổi xua, hầu như là không nhìn nhận mẹ góa con côi của cô, cho nên gia đình mới gởi Trà lên Sài Gòn, chỉ mong cô sẽ đi làm người giúp việc, hoặc đi gánh nước mướn. Mà thời ấy người ta hay gọi cái nghề đó là cái nghề “Mari phong-tên” (nghĩa là các cô gái đi gánh nước mướn ở các phong – tên cấp nước công cộng trên các hè phố Sài Gòn). Nhưng cuộc đời của cô gái mười sáu tuổi không bằng phẳng trôi theo cái kiếp làm thuê làm mướn, mà lại sớm vướng vào một bi kịch cuộc đời ngay những ngày đầu đời.

Ba Trà tuy còn ở tuổi vị thành niên nhưng đã bị ép gả cho một tên Tây lai nhiều tiền của, để rồi mất đời con gái chỉ với vài chục đồng bạc thời ấy. Nhưng không ngờ chính nhờ cái bi kịch bán đời con gái cho một tên lang sa lớn tuổi ấy, đã giúp cho Ba Trà sớm trổ mã con gái. Cô bé mười sáu tuổi sau nửa năm bị làm vợ hờ của một người lớn tuổi bỗng dưng đẹp ra khiến nhiều người ngẩn ngơ. Có lẽ cái kiếp hồng nhan nó đánh đố cuộc đời một cô gái bất hạnh, nên đã nhanh chóng biến Ba Trà thành một bông hoa nổi tiếng. Trong số này có vài người sành đời, nhất là sành đời trong chốn ăn chơi trác táng đã xúi Ba Trà bỏ khu ổ chuột để bước ra chốn ánh sáng phù hoa. Kết quả là Ba Trà được một mụ nạ dòng chấm điểm rồi dẫn dắt đi vào con đường bán sắc buôn hương sau này.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Ba Trà nổi lên như là một hoa khôi, khiến cho giới công tử, trọc phú Sài Gòn thuở ấy ngẩn ngơ trước nhan sắc lạ thường và hiếm có như cô Ba. Thời ấy là thời “hoàng kim” của những bạch công tử Phước Georges, hắc công tử Ba Quy, vua cờ bạc Sáu Ngọ hay các ông phủ, ông hội đồng giàu nứt đố đổ vách của Sài Gòn và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Nổi lên vào thời điểm thiên hạ sống lấy đồng tiền làm gốc, và lạm dụng đồng tiền để trèo cao hay để vừa vinh thân vừa phì da, cho nên tiếng tăm của cô Ba Trà nổi lên như cồn. Hầu như thế giới của Sài Gòn đêm hoặc là Sài Gòn ăn chơi thuở ấy, cái tên nằm lòng và nằm ở cửa miệng của mọi người đàn ông là Ba Trà hoặc Sáu Hương, Tư Nhị v.v.

Hắc, Bạch công tử, hai công tử ăn chơi số một của đất Nam kỳ thời ấy đã sớm là những tình nhân đầu ấp tay gối của Ba Trà. Đồng thời những ông phủ, ông hội đồng và các ông quan tòa, các tay cộm cán trong chính quyền thực dân thời ấy chết mê chết mệt vì nhan sắc của cô gái được mệnh danh là hoa khôi không vương miện ấy. Theo ước lượng ngầm của dân Sài Gòn xưa, thì chỉ trong vòng mười năm nhan sắc nở rộ của Ba Trà, một mình cô đã nướng của khoảng mười tỷ phú thời ấy với số tiền nếu quy ra vàng thì khoảng trên mười ngàn lạng.

Quyền năng nhờ bùa ngải?

Thời ấy nhiều người đặt câu hỏi rằng Ba Trà quyến rũ đàn ông phải chăng chỉ bởi cái nhan sắc của cô thôi hay còn cái bí quyết gì khác? Câu hỏi ấy chưa nghe ai trả lời chính xác, chỉ khi đến giai đoạn gần cuối đời Ba Trà thì mới có một kết luận sơ khởi: Ba Trà sở dĩ khuyến dụ được đàn ông, khiến cho các tay chơi lừng lẫy như Bạch công tử, Hắc công tử và những trọc phú mà tiền của họ có thể mua được hàng chục, hàng trăm những cô gái trẻ thuộc bất cứ hạng nào vậy mà vẫn cứ làm con thiêu thân của cô Ba là do bởi một thứ…, mà thứ này nói ra ngay thời ấy có người tin, người không và luôn bị bày bác đó là bùa ngải.

Để chứng minh cho lời đồn này thì báo chí thời ấy cũng đã đưa ra những câu chuyện có thật về cô Ba Trà chơi bùa chơi ngải: Vào khoảng thập niên ba mươi (1930 – 1940) Ba Trà bằng nhiều cách đã đi về xứ Xiêm la (tên gọi Thái Lan vào thời ấy). Mà cô Ba đi qua Xiêm để làm gì thời ấy, bởi cô không hề buôn bán, cũng không phải là viên chức Nhà nước nên nói rằng đi công vụ, mà chỉ đi qua xứ Xiêm là cho một mục đích duy nhất: Đi chuộc bùa, chuộc ngải.

Người hiểu chuyện của Sài Gòn xưa đã biết rằng sở dĩ Ba Trà phải cần tới bùa ngải là vì có vài người đã tư vấn cho cô nàng rằng, muốn được đàn ông mê mệt và đắm say mình mãi mãi không rời thì không chỉ đơn giản là dùng nhan sắc và nghệ thuật yêu đương thôi, cái cần thiết phải là bùa ngải. Mà thời ấy hễ nói tới bùa ngải thì người ta nghĩ tới bùa Xiêm, ngải Miên. Ý là để chỉ ở Xiêm La đang thịnh hành các loại bùa chú rất hiệu nghiệm, còn ở xứ Miên (tức Campuchia ngày nay) là hai nơi có lợi thế, có những ông thầy bùa thầy ngải thuộc loại lừng danh không nơi nào bì được.

Bởi vậy người ta đã không ngạc nhiên khi hay tin cô Ba Trà đã qua tận Xiêm La nhiều lần để tìm thầy ngải. Lúc cuối đời, lúc nhan sắc đã tàn phai thì chính Ba Trà đã thuật lại những chuyến đi thỉnh bùa, rước ngải ấy một cách cụ thể, không hề giấu giếm. Chính cố học giả Vương Hồng Sển đã xác nhận lại chuyện này trong một số hồi ký của ông xuất bản trước khi ông mất rằng ông đã được cô Ba Trà thuật lại chuyện ly kỳ quanh những chuyến đi thỉnh bùa thỉnh ngải “Muốn thỉnh được bùa mê ngải yêu thì phải tìm đúng được thầy mà phải là thầy Xiêm và nhờ họ giúp cho mình chuộc ngải bằng cách ngậm ngải vào thân thể theo hình thức: Đích thân Ba Trà đã khoe thân trong một phòng riêng với lão thầy ngải để vừa nghe lão đọc thần chú vừa để cho lão xông hương, mà hương ấy chính là ngải đốt lên để cho hương thấm vào da thịt. Phải làm lặp đi lặp lại cả chục lần như vậy trong suốt quá trình thỉnh ngải, để rồi sau đó khi được thầy cho là đã đạt yêu cầu, tức là ngải đã nhập vào người thì đem nó về áp dụng theo ý muốn”.

Cũng theo lời thú nhận của cô Ba Trà thì chính cho ngải nhập vào thân thể như vậy cho nên bất cứ người đàn ông nào dù bản lĩnh tới đâu một khi đã ôm ấp cô, đã được cô trao thân gửi phận thì y như rằng tất cả đều mê đắm và sẵn sàng biến thành những con cừu non, hay những con thiêu thân biết lao vào ánh đèn hay ánh lửa sẽ chết mà cứ làm. Hiệu quả của bùa ngải mà Ba Trà thỉnh về từ xứ Xiêm La đến đâu thì chúng ta sẽ bàn tới sau qua hồi kết của cuộc đời Ba Trà, nhưng có một biến cố mà có lẽ Ba Trà cũng không ngờ tới được đó là qua những chuyến đi tìm bùa thỉnh ngải ấy ở xứ Xiêm La của cô Ba, đã khiến cho cô vướng vào một mối tình, để thêm vào vài chục mối tình mà cô đã có ở Thủ đô của nước Xiêm là Vọng Các (tức Băng Cốc).

Bùa yêu phát huy tác dụng cực điểm

Người thời đó đồn rằng mối tình mà cô Ba vướng ở Vọng Các là với một cựu hoàng nước Xiêm La. Ông này là một tay trọc phú có nhiều quyền lực ở nước Xiêm nhưng cũng không tránh khỏi cơn lụy tình khi diện kiến với hoa khôi đất Sài thành, cho nên ông ta muốn lưu Ba Trà ở lại ở xứ sở chùa vàng ấy. Nhưng Ba Trà chẳng khác nào một con ngựa bất kham, nên làm sao cô chịu dừng chân và ghìm hãm cuộc đời mình chỉ với một người đàn ông. Dẫu người đàn ông ấy tiền muôn bạc vạn thuộc loại tỷ phú, trọc phú ở nước Xiêm. Do vậy cuối cùng Ba Trà đã khăn gói trở về Sài Gòn, để rồi tiếp tục những cuộc trác táng thâu đêm với những tay chơi, những trọc phú xứ Nam kỳ thời ấy.

Tương truyền rằng, sau chuyến trở về từ Xiêm ấy thì ngay như tay vua cờ bạc của Sài Gòn lúc bấy giờ là Sáu Ngọ vốn chỉ mê cờ bạc và tiền hơn đàn bà, vậy mà cũng đã lụy tình với cô Ba. Người ta đồn rằng ngải mê, bùa yêu trong Ba Trà đã phát huy tác dụng đến cực điểm của nó!

Nhà văn Người Khăn Trắng – Theo ĐSPL

TAMTHUC

Comment