-cach-dung-sinh-co-nhan-de-lai-hoc-duoc-mot-nua-thi-song-ung-dung
8 cách dưỡng sinh cổ nhân để lại, học được một nửa thì sống ung dung
- bởi tamthuc --
- 18/03/2018
Tăng Quốc Phiên (1811 – 1872), là một danh thần dưới triều Mãn Thanh. Ông vừa giỏi binh pháp, lại thông tường Nho học, là một người văn võ song toàn. Sự nghiệp đáng nhớ của mình đã giúp ông đúc kết ra rất nhiều bài học xử thế, làm người sâu sắc.
Sinh thời, Tăng Quốc Phiên rất chú trọng tu thân sửa tính, rèn giũa đạo làm người. Ở mọi phương diện cuộc sống, người ta đều có thể tìm thấy ở ông một lời khuyên chí lí, tâm đắc.
Dưới đây là 8 phương pháp tu thân mà Tăng Quốc Phiên thường dùng để răn mình, dạy dỗ con cháu. Đã cách xa hàng trăm năm nhưng đó vẫn là những cẩm nang quý giá cho lớp người đi sau.
1. Chỉnh tề, nghiêm túc
Nguyên văn: Chủ kính
“Thân trong sạch, quang minh, như mặt trời đang lên”, đây là trạng thái tích cực, lành mạnh. “Chủ kính” yêu cầu người ta phải mũ áo, dung mạo chỉnh tề, lòng dạ, suy nghĩa, thần thái, tình cảm đoan chính, nghiêm túc.
Khi làm việc cần phải toàn tâm toàn ý, không có tạp niệm. Chỉ có như vậy mới có thể duy trạng thái tinh thần tốt và tinh lực dồi dào, giống như mặt trời mới mọc buổi sáng vậy, mạnh mẽ, gọn gàng, dứt khoát.
2. Ngồi tĩnh toạ 4 khắc (1 tiếng đồng hồ), không nằm cố
Nguyên văn: Tĩnh tọa
Ngồi tĩnh tọa 4 khắc nghĩa là mỗi ngày, không giới hạn vào thời gian nào, ngồi tĩnh tọa một tiếng đồng hồ, để thể nghiệm lòng nhân mà bậc thánh nhân dạy dỗ, vững chắc như bảo đỉnh (đỉnh quý là báu vật tượng trưng cho quyền lực của hoàng đế xưa), không gì lay động nổi.
Điều này giống như thiền dưỡng sinh hiện đại, tĩnh tọa để thanh trừ tạp niệm, thả lỏng thân tâm, cũng có thể suy ngẫm về những lỗi lầm của mình.
3. Dậy sớm
Nguyên văn: Tảo khởi
“Bình minh liền dậy, tỉnh dậy đừng nằm cố”. “Tỉnh dậy đừng nằm cố” là sau khi tỉnh dậy, không được có suy nghĩ lưu luyến an dật. Đối với người thích ngủ nướng, biếng nhác mà nói, ghi nhớ kỹ điểm này sẽ là mũi tiêm trợ tim tốt nhất.
Có người nói người xưa mặt trời mọc thì dậy mặt trời lặn thì nghỉ, còn người hiện đại mặt trời lặn vẫn ngồi ôm bàn trước đống hồ sơ tài liệu, thì làm được như thế có lẽ không thực tế. Nhưng đối với những người về ban đêm tự ước thúc kém, vui chơi thâu đêm mà nói, thì “ngủ sớm dậy sớm” thì vĩnh viễn là lời khuyên răn tốt nhất.
4. Đọc sách nhất quán
Nguyên văn: Độc thư bất nhị
Đọc sách cần chuyên nhất. Tăng Quốc Phiên cho rằng một quyển sách vẫn chưa đọc xong thì nhất định không xem quyển khác, đọc tùy tiện chỗ này một tý chỗ kia một tý, sẽ không có chút lợi ích nào cho học vấn của bản thân. Do đó mỗi ngày phải đọc 10 trang sách.
Tuân Tử nói: “Không bước từng bước chân, không thể đi ngàn dặm”. Đọc sách là để mở mang trí tuệ, học tập là để bản thân tốt hơn, thuần thiện hơn, thanh lọc cái xấu mà giữ gìn cái tốt.
5. Nói năng cẩn trọng
Nguyên văn: Cẩn ngôn
Tăng Quốc Phiên cho rằng, cẩn thận lời ăn tiếng nói là công phu hàng đầu trong đối nhân xử thế. Khổng Tử nói: “Mẫn ư sự nhi thận ư ngôn” (làm việc phải cần mẫn, dứt khoát quả quyết, nhưng nói năng phải thận trọng, suy nghĩ, xem xét kỹ rồi mới nói). Nếu không suy nghĩ kỹ trước khi nói sẽ dễ lỡ lời, đắc tội người khác hoặc gây ra xung đột, mâu thuẫn không đáng có.
6. Giữ gìn thân thể
Nguyên văn: Bảo thân
Tăng Quốc Phiên viết: “Tiết chế lao lực, tiết chế ham muốn, tiết chế ăn uống. Lúc nào cũng như đang dưỡng bệnh”. Sách “Hoàng đế nội kinh” viết: “Ăn uống có điều độ, sinh hoạt có quy luật, không làm việc bừa bãi, lao lực”. Người hiện đại tìm kiếm dưỡng sinh, nhưng lại không chú ý đến việc bệnh từ miệng mà vào.
Ăn uống chỉ no 8 phần, trà uống 2 phần, tuyệt đối không được chè chén thả phanh. Tục ngữ có câu: “Lòng tham không đáy, tự hại chết mình”, đã có bao nhiêu người do quá tham lam ăn uống mà tự chuốc lấy tật bệnh, tai ách vào người. Thực đúng như câu: “Bệnh từ miệng vào, hoạ từ miệng ra”.
7. Mỗi ngày buông bỏ dần ham muốn
Nguyên văn: Nhật tri sở vong
Cái gọi là “Nhật tri sở vong” tức là ghi chép lại những điều tâm đắc hàng ngày, từ đó mà tự xem xét, sửa lại mình. Khi cái tâm ham muốn, dục vọng ngày ngày mất dần đi thì trí tuệ tăng dần lên. Ham muốn và dục vọng là những sợi dây thít chặt sự khôn ngoan, sáng suốt, đôi khi còn là sợi thòng lọng có thể cướp đi sinh mệnh của người ta.
Ngoài ra, trong “Tăng Quốc Phiên gia thư” có viết: “Người ta thất bại không gì ngoài an dật”, nhấn mạnh phải sửa cái thói lần lữa, khất lần, thì mới thành việc lớn. Chỉ cần chú ý người và sự việc xung quanh, dễ dàng nhận thấy, rất nhiều người tài cao chí lớn thất bại chỉ bởi chữ “lười biếng”.
8. Viết chữ
Nguyên văn: Tác tự
Ngày nay, người ta đã không còn dùng bút lông để viết chữ. Các loại bút máy, bút bi có vẻ thuận tiện hơn trong việc ghi chép văn tự. Thư pháp đã trở thành một nghệ thuật cao nhã, ít người nắm vững. So với trước kia, thì đây là tiến bộ hay bi kịch?
Tăng Quốc Phiên cho rằng, sau khi ăn sáng xong, nhất định phải viết chữ nửa canh giờ (1 tiếng đồng hồ), coi đó là bài tập của mình. Hễ là việc của hôm nay, nhất định hôm nay phải xong, nếu không công việc càng ngày càng tích lại nhiều, cuối cùng sẽ nhiều phiền phức như nắm tơ rối.
Viết chữ còn là để rèn luyện cốt cách, nhân phẩm, sự nhẫn nại, kiên trì. Người quân tử thể hiện ra là chữ viết ngay ngắn, thẳng hàng, người tài hoa thì chữ nghĩa bay bổng, phóng khoáng, kẻ tiểu nhân thì chữ rối rít, tủn mủn, nét tỏ nét mờ, kẻ dũng phu thì chữ viết thô kệch, nặng nề…
***
Người ta nói, nhân sinh như mộng, vốn chẳng lâu bền, làm người thật khổ, u mê trăm năm. Nếu chỉ đơn giản là sống cho trọn kiếp con người thì sự sinh tồn của người ta không có mấy ý nghĩa. Sự tu dưỡng bản thân, tu tâm dưỡng tính chính là điều tạo nên giá trị cho con người vậy.
Tu dưỡng, hàm dưỡng, tu luyện… có thể là những khái niệm rất mơ hồ, xa lạ với con người hiện đại ngày nay. Nhưng trong văn hoá truyền thống, đó lại chính là tiêu chuẩn để nhận định, đánh giá một người là tốt hay dở.
Phật gia giảng tu Thiện, xuất tâm từ bi, phổ độ chúng sinh. Đạo gia truyền dạy cách tu Chân, tu chân dưỡng tính, làm người chân chính, ngay thẳng, đắc Đạo viên mãn. Nho gia ngay từ đầu cũng đề cao đức Nhẫn. Khổng Tử nói: “Việc nhỏ không nhẫn, tất loạn việc lớn”, rằng “Một khi phẫn nộ, quên cả bản thân, há chẳng phải hồ đồ lắm sao?”.
Có người nói, những gì Tăng Quốc Phiên nói phía trên chỉ phù hợp với thời kỳ nông nghiệp, đèn dầu, đốt nến, không sao dùng được trong thời đại điện khí hóa ngày nay. Nhưng dù là ở thời đại nào, sự tự giác, tu dưỡng vẫn chính là sức mạnh tinh thần lớn nhất, là điều con người cần nhất.
Nam Phương
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/8-cach-duong-sinh-co-nhan-de-lai-hoc-duoc-mot-nua-thi-song-ung-dung.html
Comment