mac-tu-vi-nghia-quen-minh-mot-doi-khong-han
Mặc Tử: Vì nghĩa quên mình, một đời không hận
- bởi tamthuc --
- 09/07/2016
Mặc Tử (478 – 392 TCN) tên thật là Mặc Địch, người nước Lỗ, là một nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn thời Chiến Quốc. Ông sinh trưởng trong một gia đình thợ thủ công nên rất gần gũi với người lao động. Học thuyết của ông nhấn mạnh đến “kiêm ái” (yêu thương hết thảy mọi người).
Mặc Tử cả đời xả thân làm điều nghĩa, coi đại nghĩa còn quý hơn sinh mạng. Ông có rất nhiều giai thoại được hậu thế lưu truyền. Dưới đây là một trong số đó:
Một lần, trên đường sang nước Tề, Mặc Tử ghé qua nhà người bạn cũ chơi. Trong lúc đối ẩm, người bạn nói với ông rằng: “Bây giờ thiên hạ chẳng ai còn thiết đến việc nghĩa. Một mình ông khổ thân làm việc nghĩa thì có thấm vào đâu? Chẳng thà thôi đi có hơn không?”.
Mặc Tử thủng thẳng đáp: “Một nhà có mười đứa con, một đứa cày, chín đứa ngồi ăn không. Vậy thì đứa cày chẳng phải càng nên chăm chỉ hơn lên ư? Tại sao thế? Tại đứa ăn không nhiều, đứa đi cày ít. Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu làm việc nghĩa thì ông phải biết khuyên tôi càng siêng làm mới phải, có đâu lại ngăn tôi như thế!”.
Lời bình:
Mặc Tử là một trong những triết gia bình dị nhất trong lịch sử Trung Hoa. Ông luôn dành cảm tình cho giới bình dân, có tinh thần bao dung, yêu thương hết thảy mọi người. Mặc Tử cũng là người cực lực phản đối chiến tranh. Cả đời ông bôn ba, chu du khắp các nước để can ngăn, hóa giải mâu thuẫn giữa các nước với nhau từ Tề, Vệ, Tống, Ngụy đến Sở, Việt.
Có lần, nghe tin Tề sắp sửa mang quân đánh Lỗ, Mặc Tử lập tức lên ngựa tức tốc tới gặp Tề vương can ngăn. Ông khuyên răn vua Tề bằng chuyện nước Ngô ngày xưa xưng bá, đánh Việt, diệt Sở, phá Tề, đến đâu cũng đều thắng trận nhưng kết cục vẫn là bại vong, chính Ngô vương Phù Sai phải chết thảm. Vua Tề nghe nói liền bỏ ý đánh Lỗ.
Người quân tử không chịu xu theo thời thế. Kẻ trượng phu chí lớn đứng giữa trời đất vững vàng như bàn thạch. Con người ta có ý thức, có bản ngã, cớ sao lại để mình buông xuôi theo sự đưa đẩy của dòng đời? Vả lại, nếu ai cũng buông mình trôi theo dòng nước đục thì ai sẽ là người giữ vững nhân tâm, thế đạo, ai sẽ là người giương cao đạo nghĩa?
Thời xưa, cổ nhân rất trọng danh dự đồng thời cũng có lòng hào hiệp rộng rãi, khí phách hiên ngang. Người xưa ví quân tử với hình tượng cây bách, cây tùng hiên ngang giữa tuyết sương, với cây trúc mềm dẻo mà quật cường giữa bão tố.
Xét cho cùng, người quân tử khác kẻ tầm thường chính là ở chỗ dám khác người, dám làm những việc mà người thường cho là kì quặc. Mặc Tử bôn ba một đời, giảng hòa khắp các nước chư hầu để tránh cái vạ chiến tranh. Khổng Tử dù biết đạo đức đến hồi mạt mà vẫn rong ruổi khắp nơi để truyền giảng những điều nhân nghĩa. Bao nhiêu người đương thời đã từng dè bỉu, chê bai họ nhưng cũng nào đâu ngăn được tiếng thơm của hai ông truyền mãi sử xanh?
Comment