tu-tan-cung-kho-dau-thu-han-toi-da-may-man-tim-thay-duong-ve-hanh-phuc
Từ tận cùng khổ đau thù hận, tôi đã may mắn tìm thấy đường về hạnh phúc
- bởi tamthuc --
- 23/05/2017
Tôi không thể đếm được bao nhiêu trận đòn đã giáng xuống đầu người mẹ yếu đuối của tôi. Nhưng tôi nhớ như in những đêm đông lạnh giá, cha đã đánh chửi và đuổi mẹ ra khỏi nhà.
Có lúc, ông túm tóc mẹ mà lôi xềnh xệch ra ao làng gần đó, dìm bà xuống nước. Đôi khi, chỉ vì những chuyện hết sức nhỏ nhặt mà ông đã bê nguyên nồi thức ăn còn nóng hổi đổ lên đầu mẹ khiến bà bị lột cả da đầu rất thương tâm… Mặc dù cha không phải là người ăn chơi hay rượu chè cờ bạc, còn mẹ cũng không làm gì nên tội, nhưng ông luôn lảm nhảm một điệp khúc: “Đồ ăn bám, đồ ngu dốt…”
Tuổi thơ dữ dội
– Đánh chết nó đi! đánh chết nó đi!…
Tiếng của ông nội hùa vào với cha mỗi khi cha đánh mẹ như một điệp khúc dội vào tâm khảm tôi. Nó đau đớn nhức nhối suốt quãng đời thơ dại và cả đến khi tôi đã trưởng thành. Người lớn dường như chẳng bao giờ màng tới cảm xúc và nỗi sợ hãi của những đứa trẻ, họ cứ thoả mãn cơn tức giận vô cớ lên người vợ mà hàng ngày tận tuỵ chăm sóc họ. Cái điệp khúc cha đánh mẹ đến tàn tạ ám ảnh cả trong những giấc mơ của tôi, ám ảnh ghê gớm.
Mỗi lần nhìn thấy sự tàn nhẫn của cha khi đánh mẹ, nó xảy ra thường xuyên, anh em tôi dường như không thể chịu đựng nổi. Chúng tôi run rẩy chui vào một góc tim đập thình thịch không dám nhúc nhích, cha đánh mẹ như là ông đang tra tấn anh em tôi vậy. Ba mẹ con tôi chỉ biết cắn răng chịu đựng sự bạo hành này và không có bất cứ phản kháng nào. Em tôi lúc ấy mới 3 tuổi chưa hiểu gì nên chỉ biết hoảng sợ, còn tôi tinh thần ngày càng trở nên mụ mẫm, nhu nhược, suy kiệt thể xác, tôi gầy gò và mất hết sinh khí. Cha tôi thường đặc biệt thích đánh mẹ vào ngày mùng một Tết. Ngày đầu xuân, người ta ăn uống sum vầy, còn tôi cứ Tết đến là run sợ và nước mắt đầm đìa chan cơm. Vì thế tôi không mong Tết đến, tôi sợ phải chứng kiến cảnh mẹ đau đớn bầm tím khắp người… Tôi sợ làn khói ảo huyền phảng phất của hương trầm ngày Tết, cái mùi đặc biệt ám ảnh của sự đau đớn tột cùng.
Ở trường, tôi không có bạn. Vì ở quê chẳng giấu ai được chuyện gì, trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông, chuyện gì người ta cũng biết. Các bạn học không ai dám đến nhà tôi chơi, dù ngày Tết hay ngày thường. Tôi không được đi chơi, không được đến nhà ai. Tôi cũng chịu một cái án chung thân cô độc đầy nước mắt do người cha đặt ra. Tôi luôn sống trong lặng thầm, cô đơn, hoảng loạn và lo lắng. Thời cắp sách là khoảng thời gian mộng mơ, và trong sáng nhất của đời người. Đối với người khác là khoảng thời gian thần tiên thì với tôi nó thực sự là chặng đường dài đằng đẵng sống trong đau khổ. Vì tâm lý bất ổn, thân thể gầy yếu nên tôi đối diện với một số bệnh mãn tính. Tôi không có bạn bè, không vui chơi, không tham gia bất cứ hoạt động nào của trường, tôi chỉ được đi học rồi về nhà ngay. Cha tôi yêu cầu thế, rồi tôi cũng mặc cảm, đau buồn không muốn làm bạn với ai. Các bạn trong lớp, trong trường cũng xa lánh tôi. Có lần, nhà trường phát động mua tăm tre giúp người khuyết tật (500 đồng) cha không cho tôi tiền mua ủng hộ. Khi thầy giáo hỏi (cả lớp có một mình tôi không mua) tôi đã nhắc lại câu nói của cha: “Nhà làm được, mua làm gì” mà nghẹn ngào xấu hổ. Học phí của tôi cũng vậy, không bao giờ được đóng đúng hẹn vì cha muốn thế, còn tôi thì luôn lo lắng hoảng sợ, chẳng dám nói gì…
Nỗ lực tìm con đường thoát khỏi bạo hành
Tôi không có ai để chia sẻ, không có ai để trải lòng… Mãi sau này, khi khỏe mạnh về tinh thần tôi mới biết mình đã bị mắc bệnh trầm cảm lâu dài, bị tự kỷ từ lâu mà không ai biết, tôi cũng không biết.
Rồi tôi cũng lớn lên, với ý chí nung nấu bằng mọi giá phải chốn chạy khỏi căn nhà địa ngục trần gian ấy, nơi giam giữ cả tuổi thơ và sự tổn thương tinh thần đã trở thành nỗi oán hận to lớn trong tâm. Đầu năm 2005, tôi theo người anh họ rời quê ra đi. Tôi chỉ mong đi thật xa, đâu cũng được, miễn là thoát khỏi căn nhà khủng khiếp đó. Tôi đã bỏ lại mẹ, người phụ nữ đáng thương, người đã vì chúng tôi mà hứng chịu những trận đòn roi giáng xuống từ người chồng mà không hề than vãn, không bỏ chạy. Kể cả khi đã ly hôn, lên Hà Nội làm ăn mà mẹ vẫn nhớ các con, nhớ không chịu được, phải chạy về ở lại nhà và tiếp tục chịu đòn… Sự thật đau lòng, thân xác tôi đã rời xa nơi địa ngục ấy nhưng tôi không thể thoát được những ký ức tuổi thơ đau thương đáng sợ vẫn sống dậy hành hạ tư tưởng tôi mỗi ngày.
Tôi vào Nam, với một đống bệnh trong người, từ bệnh trầm cảm, viêm gan B, xoang, rối loạn nhịp tim đến bệnh hen suyễn. Thân thể tôi gầy yếu, lại thêm nỗi oán hận giày vò tâm can. Đó là nỗi oán hận ghê gớm và không thể tha thứ cho đến hết cuộc đời đối với cha mình và gia đình bên nội. Những câu hỏi cứ day dứt mãi trong tôi mà không có lời giải: Vì sao mẹ tôi bị đánh đập tàn nhẫn như vậy mà không một ai can ngăn? Vì sao cô, bác bên nội xung quanh nhà tôi mà không ai cứu mẹ con tôi khỏi hành động tàn ác của cha tôi? Tại sao mẹ tôi ly hôn rồi mà lại phải chạy về với con, rồi lại tiếp tục chịu gánh những trận đòn thương tâm như thế?…
Tôi kiếm việc làm, rồi mẹ vào Nam cùng tôi, mẹ con tôi nương tựa vào nhau. Tôi đi học nghề còn mẹ tôi làm tạp vụ cho một công ty. Cuộc sống của tôi bề ngoài thì tạm ổn định như thế. Nhưng tôi vẫn là một người ốm yếu, cả về tinh thần lẫn thể xác. Đôi lần, tôi còn sa đà vào thói hư tật xấu, một lần, suýt nữa thì cuộc đời chấm dứt…
Với tôi, tháng ngày cứ trôi qua như thế, mọi sự việc xảy ra, hay đến với những người thân của tôi, những người xung quanh diễn biến như thế nào, kết thúc ra sao tôi cũng không biết, và cũng chẳng cần biết. Bởi vì, người mắc bệnh trầm cảm, tư tưởng rất biến dị, không giống người khỏe mạnh. Tôi lầm lì, ít nói, ngán ngẩm và hận thù tất cả… bất cứ ai cũng có thể làm tôi hận. Tôi cũng căm ghét cả bản thân mình. Tuổi đôi mươi của người ta là tuổi hi vọng và tin yêu, nhưng tuổi đôi mươi của tôi thì ngập trong đêm đen của tâm hồn tổn thương.
Tôi may mắn tìm thấy đường về hạnh phúc
May mắn bất ngờ đến vào năm tôi 27 tuổi. Đó là khi có một cánh cửa khác mở ra và tôi đã tìm thấy chân ngã của chính mình. Có người đã tìm thấy tôi, kéo tôi ra khỏi vũng bùn. Tôi được “tắm rửa” sạch sẽ để thành người.
Một ngày năm 2013, tôi đã tìm thấy con đường đưa tôi trở về làm một người tốt theo đúng nghĩa. Theo cách nói của nhà Phật, tôi là người hữu duyên.
Năm ấy người mẹ đáng thương của tôi bị bệnh nhiều. Tôi lang thang tìm kiếm trên mạng vì nghe người ta giới thiệu đến phương pháp chữa bệnh bằng nhân điện. Nhưng rất bất ngờ tôi lại tìm thấy nhiều thông tin bổ ích tại trang mạng Phapluan.org, và qua đó tôi biết một môn khí công của Phật gia có thể chữa lành vết thương về tâm hồn và thân thể. Quá tò mò, tôi đã đọc cuốn sách “Chuyển Pháp Luân” từ trang mạng đó và hoàn toàn bị cuốn hút vào những điều lĩnh hội được từ trong cuốn sách. Tôi chợt hiểu thế nào là nghiệp bệnh, hiểu đâu là nguyên nhân của những mất mát đau khổ trong tâm hồn và thể xác của tôi… Rồi, tôi như người cất bỏ được gánh nặng thù hận. Tôi không thấy oán hận cha tôi, ông tôi, những người họ hàng hay bất kì một ai nữa. Hòn đá thù hận đè nặng tâm can tôi bao lâu nay giờ đây như đã vỡ ra từng mảnh, tan vào không gian.
Tôi đọc sách và thực hành Chân Thiện Nhẫn trong từng ý nghĩ, từng việc làm của mình. Tôi nhìn vào sự việc và hiện tượng xung quanh một cách đơn giản hơn và chợt thấy cuộc sống này không phức tạp như tôi tưởng. Thực sự đúng như lời Phật dạy, tấm thân người thì trân quý đến vô cùng. Khi đã hiểu ra, đã nhìn thấy đường đi của mình, tôi không còn sợ bị lạc đường nữa. Tôi nhận thức được lý do sống của mình trên đời, nhận thức được sống như thế nào là sống tốt, sống đúng. Đây là điều quan trọng nhất. Bởi vì cái chết không đáng sợ, bệnh tật cũng không đáng sợ, đáng sợ nhất là khi ta làm sai mà không biết mình sai, không biết ngày mai sống để làm gì? Có ai chờ đợi mình không?
Hơn ba năm đã trôi qua kể từ khi tôi biết đến Đại Pháp, cuộc sống của tôi đã hoàn toàn khác trước. Các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp cho tôi một thân thể không bệnh tật và một trái tim biết yêu thương từ bi. Tôi đã biết thế nào là tha thứ, là bao dung. Tôi biết bỏ đi những thứ không tốt, không muốn. Đó là những gì trân quý mà tôi đã học được từ trí huệ to lớn vô biên của Pháp Luân Đại Pháp. Sau hơn ba năm biết đến môn khí công kì diệu này, tôi đã không phải dùng tới một viên thuốc. Tôi cũng không phải tới bệnh viện để điều trị những căn bệnh mãn tính mà tôi gánh chịu trước đây. Tôi tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ. Điều đặc biệt hơn, trước đây hễ nghe thấy ai nhắc đến hai từ Bắc Ninh lập tức tôi thấy rất khó chịu trong tâm, nhưng giờ tôi không còn nghẹn ngào khi nghe ai nhắc đến quê hương Bắc Ninh của tôi nữa, tôi đã buông xả được kí ức tuổi thơ đầy nước mắt.
Tôi đã chắc chắn một điều, dù đi đâu, làm gì tôi cũng không còn đơn độc, buồn tủi. Tôi có quyền lựa chọn tương lai của tôi bằng cách mỗi sớm mai về, tôi chọn những niềm vui để thay thế nỗi buồn. Tôi đã biết cách biến hiện tại của tôi từ sự thống khổ, oán hận trở thành những thời khắc mỹ hảo, tuyệt diệu. Tôi đã biết cách sống chậm để chiêm nghiệm cuộc sống này. Và điều làm tôi vui vẻ và hạnh phúc nhất chính là luyện những bài công pháp tại công viên cùng với các bạn, cô dì chú bác… Tôi được gặp gỡ trò chuyện với họ, những người lương thiện và trong sáng. Họ cảm thông và chia sẻ cùng tôi những khó khăn và hạnh phúc. Họ luôn có ý thức tu tâm sửa tính, luôn hành động và suy nghĩ chiểu theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn để yêu cầu bản thân. Từ tận cùng khổ đau và thù hận, tôi đã may mắn tìm thấy ánh sáng hạnh phúc. Ánh sáng ấy đã dẫn lối cho tôi trở về con đường phản bổn quy chân, chữa lành các vết thương trong tâm hồn và thân thể của tôi. Tôi như lột xác trở thành một người mới, một người biết được mình từ đâu tới, mình đang sống vì điều gì trên thế gian này.
Bằng những dòng tâm sự về cuộc đời mình, tôi ước nguyện muốn gửi đến độc giả của Thời báo Đại Kỷ Nguyên sự tốt đẹp mà Pháp Luân Đại Pháp đã ban tặng cho tôi. Xin gửi đến độc giả những người hữu duyên đắc được sự may mắn và niềm hạnh phúc như bản thân tôi đang có. Tôi xin nguyện hết lòng giúp đỡ những người muốn tìm hiểu về môn tu luyện ôn hoà này.
Nguyễn Thế Phương (ĐT: 0988.976.367)
Nguồn:http://www.dkn.tv/van-hoa/tu-tan-cung-kho-dau-thu-han-toi-da-may-man-tim-thay-duong-ve-hanh-phuc.html
Comment