No icon

quy-coc-tu-day-do-de-deu-thanh-ky-tai-nghin-nam-bi-mat-nam-o-bi-quyet-nay

Quỷ Cốc Tử dạy 4 đồ đệ đều thành kỳ tài nghìn năm, bí mật nằm ở 16 bí quyết này

Vào thời Chiến Quốc, ngọn núi có tên Quỷ Cốc Thanh Khê chính là nơi ẩn cư của một lão nhân được tôn xưng là “Quỷ Cốc Tử”. Hàng ngày ông đều đọc sách, đả tọa và trầm tư suy ngẫm trên núi. Ông không lai vãng, giao du với con người thế gian, sống một đời cách biệt hẳn với thế tục.

Nhưng hơn 2000 năm qua, hậu thế đã khoác lên người Quỷ Cốc Tử quá nhiều danh tiếng. Những nhà binh pháp tôn xưng ông là bậc thánh nhân. Phái “Tung Hoành gia” tôn ông là thủy tổ. Những người bốc quẻ bói mệnh tôn Quỷ Cốc là ông tổ. Đạo giáo lại liệt ông cùng hàng với Lão Tử và tôn ông là lão tổ Vương Thiền.

Qủy Cốc Tử tên thật là Vương Hủ, suốt cả đời chỉ xuống núi đúng một lần duy nhất. Ông cũng chỉ thu nhận 4 đồ đệ là Bàng Quyên, Tôn Tẫn, Tô Tần và Trương Nghi. Trước khi vào động đá, họ chỉ là những kẻ vô danh tiểu tốt. Vậy mà sau khi xuất sơn ai nấy đều công danh hiển hách, lưu lại tiếng thơm thiên cổ.

Bốn người này đã vận dụng binh pháp thao lược và biến thuật Tung Hoành do Quỷ Cốc Tử truyền thụ mà vùng vẫy bốn phương, thỏa chí tang bồng. Họ lần lượt làm Thừa tướng, Đại tướng quân các nước chư hầu, hô phong hoán vũ, thao túng cục diện chính trị loạn thế thời Chiến Quốc.

Thành tựu của họ đều được quy công lao về cho Quỷ Cốc tiên sinh với những lời truyền dạy thâm sâu, thấm thía. Dưới đây là những điều ông đã dạy 4 học trò của mình: 

1. Thời thế của thiên hạ

Một người muốn nắm chắc vận mệnh của mình thì nhất định phải học được cách quan sát thời thế. Xem xét thời của thiên hạ, nắm được xu thế của thiên hạ. Nắm được thời thế tức là nắm được trào lưu.

Điều được gọi là thời thế chính là xu hướng vận động trong hình thế lớn của thiên hạ. Nếu ví thiên hạ như biển rộng, thì gió là thời, sóng động theo gió gọi là thế. Nắm được thời thế tức là có thể trêu đùa con sóng.

Thời thế trong thiên hạ mơ mơ hồ hồ, thần quỷ khó đoán, chỉ trong hơi thở chớp nhoáng đã thay đổi vô thường. Thánh nhân biết thời biết thế, tùy thế mà dụng thời, từ đó mà trị thế an bang. Kẻ gian nghịch thời mà sinh thế, do vậy mới làm loạn cõi thế gian.

Thánh nhân biết thời biết thế, tùy thế mà dụng thời, từ đó mà trị thế an bang. Ảnh dẫn theo

2. Thăm dò, hiểu thấu thiên hạ

Thăm dò chính là đo lường cái tâm của người khác. Nếu muốn hiểu thấu một người thì đầu tiên là nghe lời nói, nghe tiếng nói, quan sát sắc mặt, sau đó là nhìn vào hành vi. Được như thế chính là thấu hiểu được cái tâm của họ vậy.

Nếu muốn hiểu rõ thiên hạ thì trước hết nhìn vào tình hình quốc sự. Sau đó là nắm lấy thông tin về số dân, tình hình quốc khố cho đến cả thổ nhưỡng, địa hình, khí hậu khắc nghiệt hay ôn hòa, quân đội hùng mạnh hay yếu nhược, quân thần hiền minh hay ngu dốt. Sau đó mới suy đoán khí số quốc gia là thịnh hay suy, là hưng hay vong. Nhưng phàm phúc họa của thiên hạ lại nằm cả ở chỗ có được lòng dân hay không. Vậy nên nhìn lòng dân có thể đoán được vận mệnh quốc gia vậy

3. Trước tính mưu lược, sau mới động thủ

Đánh cờ vây, mỗi người đều nắm giữ 180 quân cờ. Đặt trong hộp thì chúng vĩnh viễn là những quân cờ chết. Chỉ khi đặt lên bàn cờ thì mới trở nên sống động, bao bọc cho nhau, nương tựa lẫn nhau. Nếu lỡ đi sai một nước, nhẹ thì mất đất tổn binh, nặng thì toàn cục bại vong. Vậy nên trước khi đánh bất cứ nước cờ nào cũng phải hoạch định mưu lược trước rồi mới động thủ sau.

4.   Cơ tâm và đạo tâm

Cơ tâm là các loại thủ thuật, thủ đoạn. Nếu không có đạo tâm (đạo đức) ước thúc thì thủ thuật càng cao, hành vi càng sai lệch, sẽ rước họa vào thân. Tới khi đại nạn ập đến e rằng muốn bảo toàn sinh mệnh của mình cũng khó. Trên đời biết bao người mê mờ cũng chỉ vì lấy thủ đoạn thay cho đạo đức, không chỉ rước họa vào thân, mà còn gieo tai ương cho người khác. 

5. Bốn cảnh giới ngộ đạo

Ngộ đạo có bốn cảnh giới. Đầu tiên là văn đạo (nghe đạo), thứ hai là tri đạo (biết đạo), thứ ba là kiến đạo (nhìn thấy đạo), cuối cùng là đắc đạo. Trọng Ni (Khổng Tử) người Lỗ thời Xuân Thu nghe đạo nhưng không biết nó có thực hay không. Thế là ông bèn không quản ngại gian khó, tức tốc tới thành Lạc Dương, học đạo từ bậc tiên hiền là Lão Đam (tức Lão Tử). 

Lão Tử đàm đạo với ông 3 ngày. Trọng Ni hiểu đạo, đại ngộ cái lý cõi nhân thế và tự mình lập nên Nho gia. Từ đó có thể thấy rằng hai chữ “tri đạo” (hiểu đạo) thật huyền diệu biết bao.

Bốn cảnh giới ngộ đạo. Ảnh dẫn theo

6. Đạo và thuật

Bất kỳ môn học nào cũng đều có phần đạo và thuật trong đó. Ví như nghệ thuật bài binh bố trận thì thuật dùng binh nằm ở chỗ giành được chiến thắng còn đạo dùng binh nằm ở chỗ để binh sĩ được nghỉ ngơi, giảm thiểu thiệt hại. Nên kỳ thực người giỏi dùng binh không hề hiếu chiến. Đạo dùng binh nằm ở chỗ không động binh mà có thể hàng phục đối phương, ở chỗ biến chiến tranh thành hòa bình, lấy ít địch nhiều.

7. Thế nào gọi là thiện ngôn (có tài ăn nói)

Người có tài ăn nói thì lời nói ra nước chảy, thao thao bất tuyệt, căn cứ đủ đầy, có thể khiến người ta nghĩ tới điều không muốn nghĩ, làm những việc không muốn làm. Khi họ không nói thì thần sắc định lại như núi, thế dũng mãnh như tên đã lên cung. Tuy họ không nói nhưng có thể khiến người khác tâm thần bất an, mê man hoảng loạn. Cho nên không nói mà lại là đang nói, không lời mà thắng cả có lời.

8. Quan sát thiên hạ

Quan sát thiên hạ chính là như nhìn một ngọn núi phía cao, không chỉ dựa vào mắt, mà còn phải dựa vào trực giác, phải dụng tâm. Nhìn núi cao không nhất thiết phải leo lên tận đỉnh. Để nhìn thung lũng sâu cũng không cần trèo xuống vực khe. Ngược lại, nếu thực sự leo lên được ngọn núi ấy, thực sự xuống được thung lũng ấy thì đột nhiên ngọn núi kia, thung lũng kia bỗng hóa bình thường

Cũng giống như khi đi sâu vào trong rừng, chỉ nhìn thấy cây cối xung quanh mà không thể nhìn thấy cả một vùng rậm rạp. Nếu muốn nhìn thấy cả khu rừng thì chỉ có đứng ở nơi cao tuyệt đỉnh, phóng tầm mắt, dùng trực giác, rồi dùng cái tâm mà nhìn xuống thì mới thấy được rõ.

Quan sát thiên hạ. Ảnh dẫn theo

9. Ba đạo: Đạo Thiên, đạo Thánh, đạo Nhân

Thiên đạo là đạo của tự nhiên, cũng là lý biến hóa tương sinh tương khắc của vạn vật trong vũ trụ. Thánh đạo là đạo tại cõi thế gian, cũng là lý an bang định quốc, thiên hạ đại đồng. Nhân đạo là đạo kiếp nhân sinh, cũng chính là lý an cư lạc nghiệp, đối nhân xử thế. Ba đạo này tương hỗ cho nhau, không thể tách rời. Rời xa Thiên đạo thì Thánh đạo nguy nan, rời xa Thánh đạo thì Nhân đạo gian nan.

10. Thuật thuyết phục 

Trò chuyện, thuyết phục là một nghệ thuật, thông thường cần tùy người mà nói. Nói với bậc trí giả thì cần dựa vào hiểu biết, với người hiểu biết thì dựa vào biện luận, với người biện luận thì dựa vào điều cốt yếu, với người quyền quý thì nói về thế lực, người giàu thì nói về sự cao quý, với người nghèo thì nói về lợi, với người hèn thì nói lời khiêm nhường, với kẻ dũng thì nói lời can đảm… Đó cũng chính là cái lý “Tùy bệnh bốc thuốc” vậy. 

11. An định  lòng người

Thiên hạ bất trị là bởi lòng người bất trị. Lòng người bất trị là do dục vọng hoành hành. Muốn trị yên thiên hạ, đầu tiên phải trị được lòng người, muốn trị được lòng người trước tiên phải trị được những hiện tượng nhiễu loạn. Trị loạn chẳng qua chỉ là một biện pháp, trị tâm mới là cái gốc của chính đạo. Nếu trị loạn chỉ vì trị loạn, chỉ dùng sức mạnh để thống nhất thiên hạ, thì dẫu có thành công thiên hạ đã loạn lại càng thêm loạn.

An định lòng người. Ảnh dẫn theo

12. Quyết đoán

Mọi việc trong thiên hạ đều do sự lựa chọn, đều là từ thái độ lựa chọn mà ra. Sự huyền ảo của kiếp nhân sinh cũng nằm ở đây. Trên đời chỉ có 2 loại sự tình: Một là những chuyện dễ quyết định, hai là những chuyện không dễ quyết định.

Những chuyện dễ quyết định lại được chia làm 5 loại. Một là những việc đáng làm, hai là những việc tốt đẹp, ba là những việc không cần nhọc sức cũng có thể thành công, bốn là những việc dẫu nhọc sức nhưng không thể không làm, năm là những việc đón lành tránh dữ. Những việc không dễ quyết định, gây tổn hại tới quyền lợi của hai bên thì cần coi nhẹ. Những việc có lợi cho đôi bên thì hãy coi trọng. 

13. Kiếm đạo

Nói về Kiếm đạo, thiên hạ chỉ có 3 thanh kiếm. Kiếm của bậc Thánh giả vừa có danh vừa hợp đạo Trời. Nó dùng đạo làm thân kiếm, dùng đức làm mũi kiếm, dùng âm dương làm khí, dùng ngũ hành làm chuôi. Trên có thể chém được ánh sáng trên trời, dưới có thể xẻ đất rộng.

Kiếm của bậc Thiên tử dùng vạn dân làm thân kiếm, dùng hiền thần làm mũi kiếm, trên ứng với đạo Trời, dưới thuận theo địa lý, ở giữa lại hợp với lòng người. 

Kiếm của kẻ thất phu phàm tục dùng thép thuần làm mũi nhọn, dùng hợp kim làm thân kiếm, dùng rừng lạnh làm khí, trên có thể chém đầu, dưới có thể chặt đứt hai chân, ở giữa có thể chọc thủng nội tạng. Dù có thể sát thương người khác nhưng lại là loại kiếm kém khí chất nhất. 

Kiếm đạo. Ảnh dẫn theo

14. Thuật bãi hạp (đóng mở)

“Bãi” là mở, tức là nói. “Hạp” là đóng, tức là không nói. Thuật bãi – hạp chính là thuật mở miệng và ngậm miệng, là thuật ăn nói, biết khi nào nên nói khi nào không nên nói. Thuật này rất ảo diệu, khó có thể đắc được.

Khó ở chỗ nào? Chính là ở chỗ phải biết khi nào thì cần mở miệng, khi nào thì nên ngậm miệng, phải biết khi mở miệng thì nói như thế nào, khi ngậm miệng thì ngậm như thế nào. Thường có câu rằng phúc từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra, chính là nói về đạo lý này.

15. Phàm là người ai cũng có trở ngại trong tâm

Theo đạo thường, con người không có ai hoàn thiện. Phàm là người thì đều có những trở ngại trong tâm, khi thì biểu hiện thế này, lúc lại biểu hiện thế khác.

Những kẻ kiêu ngạo trong mắt không có ai, tự khen mà thành ra tự diệt. Những người không cần giải thích, theo đuổi những thứ xa vời, hay những người thích tranh cãi hờn ghen, tự cho mình là thông minh đều bị trở ngại bởi sự tự phụ. 

Tự mình cô lập, vô cùng ít nói, rất ít hòa nhập với mọi người xung quanh thì đa phần bị trở ngại bởi sự tự ti. Cái gốc của tu đạo nằm ở việc tống khứ chướng ngại trong tâm. 

Cái gốc của tu đạo nằm ở việc tống khứ chướng ngại trong tâm. Ảnh dẫn theo

16. Biết người

Có thể tống khứ chướng ngại trong tâm là vì tự biết mình, tự biết mình tới cực điểm thì sẽ biết người. Tự biết mình không dễ, biết người lại càng khó hơn. Tức là, chướng ngại từ bên ngoài dễ tống khứ, chướng ngại trong tâm thì rất khó nhổ.

Con người không tự mình có được tự tin thì người khác không sao mang đến tự tin cho họ được. 

Người không tự tin cần ngộ đạo, tu tâm. Người tự phụ cũng cần ngộ đạo, tu tâm.

Núi không phải ở chỗ cao thấp mà có Thần tiên cư ngụ hay không. Nước không phải ở nơi nông sâu mà có rồng ẩn náu hay không. Đọc sách không ở nhiều ít mà có độ tinh túy hay không. Những ai đang lĩnh ngộ được điều này tức là đã có thể tu dưỡng, đề cao cảnh giới tinh thần bản thân, có thể đắc được đạo rồi vậy. 

Nhã Văn biên dịch

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/quy-coc-tu-day-4-do-de-deu-thanh-ky-tai-nghin-nam-bi-mat-nam-o-16-bi-quyet-nay.html

Comment