vi-sao-bac-quan-tu-nguoi-tri-gia-khong-tranh-hon-thua-voi-ke-tieu-nhan
Vì sao bậc quân tử, người trí giả không tranh hơn thua với kẻ tiểu nhân?
- bởi tamthuc --
- 26/01/2018
Người xưa cho rằng, không tranh giành mới chính là cảnh giới nhân sinh cao nhất. Bạn có nghĩ như vậy không?
Đức Khổng Tử có một học trò rất thích hiếu thắng, tranh cãi, việc gì cũng phải đấu với người khác đến cùng mới chịu. Một hôm, anh ta đến vấn an Khổng Tử, chợt thấy trước cửa nhà thầy có một người lạ hình dáng thanh mảnh, mặc một bộ quần áo xanh lục.
Người học trò đang định tiến vào bên trong thì người khách lạ ngăn lại, nói: “Nghe nói sư phụ của ông là Khổng phu tử, vậy chắc học vấn của ông hẳn phải uyên thâm lắm. Ta có điều thỉnh giáo, muốn hỏi ông rằng một năm có mấy mùa? Nếu ông nói đúng ta xin bái lĩnh, hoặc giả trả lời sai thì phải bái lạy ta!“.
Anh học trò xưa nay hiếu sự, thấy người lạ mặt khẩu khí cao ngạo, có vẻ khiêu khích thì trong tâm cũng không yên, bèn đứng lại tiếp chuyện. Không cần suy nghĩ nhiều, anh ta đáp lời: “Một năm gồm bốn tiết, có xuân, hạ, thu, đông. Điều ấy còn phải hỏi sao?“.
Chẳng ngờ người khách cãi lại ngay: “Không phải! Chỉ có ba mùa mà thôi“.
Người học trò lộ vẻ bối rối: “Ngài nói sai rồi, lẽ nào lại khuyết đi một mùa như vậy. Trời đất vạn vật xưa nay xoay vần theo chu kỳ, làm gì có cái lý khác thường ấy chứ!“.
Nhưng người khách vẫn không chịu thua, cứ đôi co mãi, lại còn nằng nặc bắt anh học trò phải bái tạ mình. Đương nhiên anh học trò kia cũng không chịu, hai người bắt đầu tranh cãi qua lại, to tiếng với nhau.
Tiếng cãi vã làm kinh động đến Đức Khổng Tử đang nghỉ ngơi ở hậu viện. Ngài bèn chậm rãi bước ra bên ngoài nghe ngóng. Người khách nhìn thấy Khổng Tử ra mặt, vội nắm lấy tay áo mà nói: “Thánh nhân! Ngài nói thử xem, một năm rốt cuộc có mấy mùa?“.
Người học trò nhìn thấy sư phụ thì vội vàng sửa lại áo mũ, khấu đầu bái kiến, đứng dẹp sang một bên, đoạn nói: “Thưa phu tử! Con và vị này tranh luận hồi lâu. Con không có cách nào thuyết phục được ông ấy. Xin phu tử ra mặt!“.
Khổng Tử nhìn vị khách một lượt rồi lại nhìn người học trò của mình, đoạn nói: “Một năm đích thị là có ba mùa!“.
Nghe xong, người khách lạ vô cùng thỏa mãn, hướng về Đức Khổng Tử vái dài một cái, đoạn lại quay sang nhìn người học trò nọ, vẻ mặt có phần tự đắc. Khi ông ta đã đi khỏi, người học trò mới dè dặt đến gần thầy nói: “Phu tử tha cho con tội bất kính nhưng rõ là một năm có bốn mùa, vì sao người lại nói là ba?“.
Đức Khổng Tử trả lời: “Con có điều không biết. Người khách kia chính là một con châu chấu biến ra. Một đời của châu chấu chỉ biết có ba mùa xuân, hạ và thu, đâu biết mùa đông? Con cùng nó tranh cãi chẳng phải là vô ích, không bao giờ có hồi kết sao?“.
Tới lúc này, người học trò nọ mới bừng tỉnh, khấu đầu lạy tạ Đức Khổng Tử, tuyệt không phân bua, trách móc gì người khách nọ nữa.
***
Cũng có một câu chuyện khác kể về Nhan Uyên, một trong những học trò được Khổng Tử yêu quý nhất như sau. Một hôm Nhan Uyên đi dạo ngoài phố, thấy trong tiệm vải có một đám đông xúm xít lại, bèn ghé chân vào xem sự tình. Thì ra ông chủ và khách mua đang tranh cãi kịch liệt. Chỉ nghe tiếng người khách hét lên: “Rõ là 3 nhân 8 bằng 23, ông còn cứ đòi tôi 24 lượng là sao?“.
Nhan Uyên nghe vậy bèn tới can ngăn: “Là 24 lượng tiên sinh à. Ngài chủ quán đây nói đúng rồi đấy!“. Lúc này, người khách bỗng quay sang gây gổ với Nhan Uyên luôn: “Còn muốn chen vào phân xử à. Khổng phu tử biết mọi thứ, có giỏi thì cùng ta đến gặp Khổng phu tử để phân giải. Nếu ta sai thì cứ lấy đầu ta đi!“.
Nhan Uyên cũng tức khí, đồng ý luôn: “Nếu tôi sai thì cũng không cần cái mũ quan trên đầu này nữa!“. Vậy là cả hai cùng đến gặp Khổng Tử. Mới vừa đến nơi, nghe qua sự tình, Khổng Tử nhìn Nhan Uyên thủng thẳng đáp: “Quả là 3 nhân 8 bằng 23. Vị tiên sinh này nói đúng, con sai rồi Nhan Uyên à!“.
Nhan Uyên trước nay chưa từng cãi lời thầy, bèn vứt bỏ mũ quan. Nhưng trong lòng ông vẫn chưa phục, đợi khi người khách ra đi, ông đến bên Khổng Tử hỏi: “Thưa phu tử, lẽ nào lại có cái lý ấy?“.
Khổng Tử ung dung cười, rót chén trà thơm, đưa cho Nhan Uyên, đoạn nói: “Học trò à, con có điều chưa hiểu. Đúng là 3 nhân 8 không thể bằng 23. Nhưng con đã nghĩ chưa? Nếu ta nói 3 nhân 8 bằng 24, người kia sẽ thua, ắt là tức khí, không chịu nổi nhục nhã, sẽ tự vẫn như lời thề. Còn nếu ta nói 3 nhân 8 bằng 23 thì ắt là con thua, cùng lắm là chỉ mất một cái mũ quan. Con xem hai chuyện nặng nhẹ ra sao?“.
Nhan Uyên nghe phu tử giảng xong, vội vàng quỳ xuống dập đầu, tự cho là mình kém cỏi, không biết nhìn đại cục vậy.
***
Hàng nghìn năm trước, các bậc Thánh hiền đã luôn dạy người ta sống thuận theo đạo Trời, không tranh giành, tranh đấu, bon chen. Lão Tử nói trong Đạo Đức Kinh: “Đạo của Thánh nhân là làm mà không tranh” (Thánh nhân chi đạo, vi nhi bất tranh). Cái tranh đua ấy khiến con người sống ích kỷ, vị tư, hẹp hòi.
Bởi người thiện thì không tranh cãi mà người nào tranh cãi thì ắt là không thiện. Đời người hỗn loạn rốt cuộc cũng chỉ bởi mải mê tranh đoạt những món lợi nhỏ mà thôi. Tăng Quốc Phiên, một đại học sĩ thời nhà Thanh từng nói: “Kẻ sĩ có ba việc không tranh đấu, đó là: Chớ đấu danh với người quân tử, chớ tranh đấu lợi với tiểu nhân và chớ cùng trời đất so đấu khôn khéo”. Lời đó quả là có lý lắm!
Nhưng trong cuộc sống hiện đại ngày nay, người ta dường như rất coi trọng cái gọi là khẩu khí. Chỉ vì chút khẩu khí mà họ tranh đấu đến tổn hại thân thể, tinh thần hoang mang, đầy thân bệnh tật. Kẻ thất phu gặp chuyện bất bình thì tuốt kiếm tương đấu. Còn người quân tử thường chọn sự trầm tĩnh, khoan dung. Đạo lý ấy, có lẽ ai cũng thấu hiểu vậy.
Văn Nhược
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/vi-sao-bac-quan-tu-nguoi-tri-gia-khong-tranh-hon-thua-voi-ke-tieu-nhan.html
Comment