-loi-giao-huan-phi-pham-cua-nguoi-xua-van-may-cua-doi-nguoi-den-tu-diem-nay
4 lời giáo huấn phi phàm của người xưa: Vận may của đời người đến từ 4 điểm này
- bởi tamthuc --
- 08/02/2018
“Liễu Phàm Tứ Huấn” là gia huấn do Viên Liễu Phàm đời Minh trước tác, là một bộ thư tịch trồng đức lập mệnh, tu thân trị thế. Viên Liễu Phàm cho rằng, con người có thể thông qua 4 phương diện để thay đổi vận mệnh bản thân, cầu được phúc báo.
Lập mệnh
Viên Liễu Phàm thiếu thời gặp một tiên sinh xem mệnh, vị tiên sinh này đã xem quẻ cho ông, nói rằng sau này thi huyện ông sẽ đỗ thứ 14, thi phủ đỗ thứ 71, thi Đề học đỗ thứ 9. Kết quả năm sau ông thi đỗ, quả nhiên y như vị tiên sinh này đã dự tính, thứ tự đỗ không sai một ly.
Sau này, vị tiên sinh lại xem quẻ cho ông nhiều lần, lần nào cũng đúng. Thế là Liễu Phàm xin thỉnh giáo vị tiên sinh xem cho vận mệnh. Tiên sinh xem mệnh nói ông chỉ có thể sống đến 53 tuổi, làm quan có thể làm 3 năm rưỡi, không có con nối dõi, nửa đời sau không có phúc.
Vì lời nói của tiên sinh lần nào cũng ứng nghiệm, do đó Viên Liễu Phàm hoàn toàn tin tưởng không mảy may nghi ngờ gì. Từ đó trở đi, ông theo Trời theo mệnh, không suy nghĩ tiến thủ.
Cho đến một hôm, ông gặp một hòa thượng, hòa thượng nói với ông rằng, thí chủ tuy mệnh không có mấy công danh, cũng không có con trai, nhưng tất cả những thứ này đều có thể thay đổi được. Sách Chu Dịch là để đến với cái lành tránh được cái dữ. Nếu vận mệnh không thể thay đổi được, thế thì làm sao mà đến với cái lành tránh được cái dữ đây?
Trong Kinh Thi cũng giảng “Vĩnh ngôn phối mệnh, tự cầu đa phúc” (Vĩnh viễn hành sự theo Thiên mệnh, tự mình cầu được nhiều phúc báo), con người nếu thường xuyên tự suy xét bản thân có trái với Đạo Trời không, thì sẽ tự mình tăng phúc báo cho mình. “Mệnh do ngã tác, phúc tự kỷ cầu” (Mệnh do mình tạo, phúc tự mình cầu), không nên ôm giữ gánh nặng về thuyết số mệnh, bởi điều này là có thể thay đổi được.
Phúc khí của con người là có thể thông qua nỗ lực tu hành hậu thiên mà đắc được, cầu được. Chỉ có minh bạch điểm này, con người mới có thể thực sự nắm được vận mệnh của bản thân mà không phải than thân trách phận, oán Trời trách người.
Sửa sai
Thời Xuân Thu có rất nhiều nhà “tiên tri”, họ thông qua quan sát hành vi, thói quen của con người mà có thể phán đoán ra họa phúc hung cát của người đó. Trong Tả Truyện ghi chép rất nhiều trường hợp như thế này: Người làm nhiều việc tốt thì có phúc trạch, nhiều việc xấu thì có tai nạn. Trái với làm việc tốt mà nói, không làm việc xấu thì dễ dàng hơn, do đó tu chính những sai lầm đã có của bản thân là bước đầu tiên có được phúc báo.
Tăng Tử cũng nói: “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân” (Ta mỗi ngày đều 3 lần tự suy xét lại bản thân). Thiên hạ không có người hoàn thiện, mỗi người đều có các sai lầm lớn nhỏ, điều chúng ta cần làm là, từng giờ từng phút tự xem xét lại bản thân, nỗ lực sửa cho đúng. Liễu Phàm cho rằng, muốn sửa sai, nhất định phải có 3 cái tâm, thứ nhất là tâm xấu hổ, thứ hai là tâm kính sợ, thứ ba là tâm dũng cảm.
Vương Dương Minh cũng đã nói, học thuyết của ông là học thuyết “đến với lương tri” – đến với lương tri chính là cái tâm xấu hổ. Bọn trộm cướp bị Vương Dương Minh bắt giam, khi bảo chúng cởi y phục, ông thấy ấy náy, đó chính là tâm xấu hổ.
Cái gọi là tâm kính sợ, chính là nói con người sống trên đời, nhất định phải có cái gì đó kính sợ. “Trên đầu ba thước có Thần minh”, có kính sợ, con người làm việc mới không vượt ra khỏi chuẩn mực phép tắc.
Thứ ba là tâm dũng cảm, chính là nói, sau khi con người ý thức được sai lầm, nhất định phải thể hiện ra bằng hành động, phải dũng cảm sửa sai. Ví dụ, ý thức được hàng ngày thức đêm là thói quen xấu, biết là không đúng, nhưng lại cứ không sửa đổi, như thế là hoàn toàn không thể được.
Tích thiện
Trong Kinh Dịch có giảng “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh” (Nhà tích thiện, ắt có phúc). Gia đình tích lũy thiện đức nhất định có thể đắc được nhiều phúc báo.
Thời cổ đại có người tên là Dương Vinh, nhà ông ta đời này qua đời khác sống bằng nghề chèo đò. Một lần trời đổ mưa lớn, nước suối dâng lên ngập rất nhiều nhà dân. Rất nhiều người bị ngập chết, thi thể theo dòng nước trôi xuống dưới. Lúc này, những người chèo đò khác đều vớt các tài sản trôi nổi trên mặt nước, thừa dịp phát tài, chỉ có cha và ông nội Dương Vinh bận cứu người mà không vớt đồ.
Mọi người đều cười họ ngu ngốc. Nhưng có một vị Tiên nhân hóa thành Đạo sỹ bảo với cha ông rằng, cả nhà anh đã tích được rất nhiều âm đức, chỉ cần táng ông nội anh ở nơi này, nhà anh sẽ xuất hiện đại quan. Thế là cha Dương Vinh nghe theo lời Đạo sỹ, táng ông nội ở chỗ đó. Mảnh đất đó chính là “Bạch thố phần” mà mọi người nói đến.
Sau này, Dương Vinh ra đời, chưa đến 20 tuổi thi đỗ tiến sỹ, con đường quan lộ thuận lợi không trở ngại nào, cuối cùng làm quan đến Thiếu sư. Con cháu của Dương Vinh cũng rất phát đạt, có rất nhiều bậc chí sỹ hiền năng.
Đức khiêm cung
Kinh Dịch viết: “Thiên Đạo khuy doanh nhi ích khiêm, Địa Đạo biến doanh nhi lưu khiêm, quỷ Thần hại doanh nhi phúc khiêm, nhân Đạo ác doanh nhi hiếu khiêm”.
Dịch thơ:
“Trời làm vơi chốn dồi dào,
Mà thêm vào những chỗ nào khiêm cung.
Đất soi mòn bớt cao phong,
Mà cho lòng biển lòng sông thêm dầy.
Quỷ thần hại kẻ no đầy,
Mà đem phúc lại cho người khiêm cung”
Quẻ Khiêm là quẻ duy nhất trong quái tượng là quẻ hoàn toàn cát tượng. Sách Thượng Thư có giảng: “Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích” (Tự mãn thì tổn hại, khiêm cung thì thọ ích).
Có hai thư sinh đến kinh thành dự thi, một người tên là Triệu Dụ Phong. Trước khi đi thi anh ta đã đến bái kiến Minh Ngô tiên sinh, thỉnh cầu tiên sinh chỉ bảo văn chương. Kết quả, vị tiên sinh già này lấy bút xóa hết văn chương của anh ta, Triệu Dụ Phong không những không giận, trái lại vô cùng tín phục, đã dụng tâm viết lại bài văn một lần nữa, khi thi, quả nhiên thi đỗ.
Anh chàng thư sinh còn lại, trước khi đi thi không muốn bái kiến tiên sinh, cho rằng kiến thức, văn chương của mình là rất tốt rồi. Kết quả khi công bố bảng vàng lại không có tên anh ta, anh ta bực tức mắng chửi quan chấm thi học thức không đủ, biển xanh để lọt trân châu.
Bên cạnh có vị Đạo sỹ cười anh ta rằng, viết văn chương quan trọng nhất là tâm bình khí hòa, bản thân mình trình độ chưa đủ lại còn không chịu phục, trái lại còn chửi rủa, có thể viết ra văn hay mới là lạ.
Liễu Phàm nói với bằng hữu rằng, nếu thượng Thiên thực sự muốn ban phúc cho một ai đó, thế thì đầu tiên sẽ ban cho anh ta trí tuệ. Một người có trí tuệ biết được sự bao la của vạn vật, có tấm lòng khiêm nhường, ở dưới thấp kém; còn cuồng vọng tự đại là khoa trương phù phiếm, là vô tri vậy.
Một người hiểu đạo lý, lại khiêm tốn, mới có thể thực sự tích lũy được, mới có thể được ông Trời để mắt tới, mới được phúc báo. “Mệnh do mình tạo, phúc tự mình cầu”, một người làm được cả 4 điểm “Lập mệnh, sửa sai, tích thiện, đức khiêm cung”, vậy thì phúc khí và vận khí sẽ tự nhiên giáng lâm.
Theo Soundofhope
Nam Phương biên dịch
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/4-loi-giao-huan-phi-pham-cua-nguoi-xua-van-may-cua-doi-nguoi-den-tu-4-diem-nay.html
Comment