-muu-ke-cua-quy-coc-tu-tram-ngan-nam-sau-van-con-nguyen-gia-tri-p-
72 mưu kế của Quỷ Cốc Tử, trăm ngàn năm sau vẫn còn nguyên giá trị (P.2)
- bởi tamthuc --
- 21/02/2018
Quỷ Cốc Tử là một người tu Đạo thời Xuân Thu Chiến Quốc, ông tu ẩn dật một mình trong Quỷ Cốc vì thế mọi người thường gọi ông là Quỷ Cốc tiên sinh. Ông tự nhận mình là đệ tử của Lão Tử.
Kế thứ 37: Không đánh vẫn oai
“Người cầm quân không cần lâm trận mà vẫn làm chủ được thiên hạ, thế mới đáng gọi là Thần minh”.
Bậc đại trí không cần hao tổn binh lực vẫn khiến cho đối phương phải bãi binh cầu hòa, thiên hạ nể phục, đủ sánh với Thần minh.
Kế thứ 38: Nắm quyền bá chủ
Chư hầu chống nhau nhiều không kể xiết. Khi quốc gia buớc vào thời điểm sinh tử tồn vong. Bậc vĩ nhân xuất chúng phải xuất đầu lộ diện nắm lấy cơ hội kiến lập nghiệp vương bá.
Kế thứ 39: Thay thù thành bạn
“Trên đời không có gì quý mãi, không có ai làm thống soái vĩnh viễn”.
Thế sự biến hóa vô cùng, hôm nay họ là kẻ thù, nhưng ngày mai có thể họ sẽ là bạn của ta, hoặc ngược lại. Đó là cả 1 nghệ thuật chuyển hóa.
Kế thứ 40: Chỉ dẫn do người
“Tình mà hợp thì vật cũng tụ lại với nhau. Đống củi gần lửa lúc khô dễ bén, nước rót xuống chỗ đất bằng, nơi nào ẩm thì nước sẽ dừng lại”.
Lòng người cũng vậy. Một thống soái muốn thuyết phục hay là lợi dụng tướng sĩ của đối phương thì phải làm sao cho họ thấy, họ phải chịu ân huệ của mình.
Kế thứ 41: Chiêu hiền đãi sĩ
“Dùng mưu kế, công không bằng tư, tư không bằng kết, kết sao cho chặt”.
Có nhiều cách kết: có nội kết,ngoại kết, sinh kết, tử kết…
Trương Lương kết thân với Hạng Bá: đó là nội kết.
Trương Nghi – Tô Tần: ấy là ngoại kết.
Lấy đức và ân huệ đãi người, mưu phúc cho dân, mưu lợi cho nước: ấy là sinh kết.
Tuyên dương người đã hy sinh, an ủi người nhà bạn bè của họ: ấy là tử kết.
Kế thứ 42: Áp đặt chủ quan
“Chớ áp đặt sở thích của mình cho người”.
Cái mình thích có thể người ta không thích, cái mình ghét có thể người ta lại ưa. Chớ nên suy bụng ta ra bụng người. Cùng một sự việc nhưng hai người nhìn nhận lại khác nhau: kẻ cho là lợi, người cho là hại.
Nếu chủ quan áp đặt dễ phạm sai lầm, gây hậu quả đáng tiếc.
Kế thứ 43: Mâu thuẫn thống nhất
“Cao mà hóa thấp – lấy mà hóa cho – mất mà hóa được”.
Sự vật bao giờ cũng có 2 mặt đối lập nhau, có những việc bề ngoài tưởng chừng như bất lợi đối với ta, nhưng thực chất lại hàm chứa ích lợi to lớn đối với ta.
Kế thứ 44: Thủ trước công sau
“Đối phương hùng mạnh thì ta tạm lui chờ thời chuyển biến”.
Một quốc gia, một quân đội hùng mạnh cũng có lúc phải sơ hở, suy yếu.
Một quốc gia với một quân đội suy yếu, nếu biết tích lũy thực lực, nín lặng chờ thời thì có thể trở nên hùng mạnh. Bấy giờ có thể chuyển từ thế thủ sang công.
Kế thứ 45: Kiên tâm bền chí
“Anh hùng có lúc cũng sa cơ. Khốn tới cùng ắt biến”.
Người có chí lớn thật sự gặp bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào cũng kiên trì theo đuổi mục đích của mình, có thể chịu đựng, nếm trải những nỗi đau khổ mà người đời không mấy ai chịu nổi.
Chỉ như thế mới có thể tạo nên sự nghiệp lớn lao.
Kế thứ 46: Lấy tĩnh chế động
“Trong thiên hạ: con cái thường hay lấy tĩnh để thắng con đực, con cái lấy tĩnh nên ở dưới”.
Hoàn cảnh luôn biến động, nhân sự thường có đua tranh hơn kém. Trong cuộc tranh đua phải bình tĩnh thì mới giữ được tỉnh táo, không bị mê loạn về thần trí.
Phàm người cương gặp kẻ cương thì sẽ tranh chấp không ngừng, nhưng gặp người nhu thì sẽ trở nên nhu hòa. Cho nên mới có câu: Lạt mềm buộc chặt.
Kẻ cương rất dễ bộc lộ điểm yếu, ta chỉ cần bình tĩnh quan sát, đợi cho chỗ yếu lộ ra ắt sẽ chế ngự được.
Kế thứ 47 : Quyết giữ chính nghĩa
“Bậc quân tử có chính nghĩa thì mới chiêu mộ được hiền tài”.
Ta phải là chính đạo thì mới thu phục được lòng người theo về.
Kế thứ 48: Đánh vào chỗ yếu
“Người đời có người thích yên tĩnh, có kẻ thích hành động, có người hám danh, có kẻ hám lợi, có người chính trực, có kẻ xiểm nịnh, có người thích sáng sủa, có kẻ ưa tăm tối”.
Người khôn ngoan thì phải hiểu rõ điểm yếu của đối phương để mà đánh vào đó.
Kế thứ 49: Ghi công quên lỗi
“Bậc trí giả không dùng sở đoản, mà dùng sở trường của người ngu. Không chú ý đến lỗi lầm mà sử dụng công lao của họ cho nên không gặp khó khăn”.
Bậc quân tử đối với quần thần phải khoan dung độ lượng như thế, quần thần mới cảm kích mà trung thành đền đáp.
Kế thứ 50: Hạ chiếu cầu hiền
“Thánh nhân dùng vô vi đãi người có đức”.
Bậc Thánh minh phải nghĩ mọi cách, phải dùng lời lẽ thế nào để thu phục người hiền tài, đức độ”.
Kế thứ 51: Lưu danh muôn thuở
“Bậc hiền sĩ dù đã qua đời, vẫn được mọi người nhắc đến như có tình sâu nghĩa nặng”.
Có những kẻ sống trên đời chỉ biết tranh danh đoạt lợi, tàn sát hung hãn như mãnh thú. Có kẻ đạt được danh lợi thì kiêu căng tự mãn, bị tiền của và nữ sắc làm mê muội tâm trí, dù có sung sướng hưởng lạc vài chục năm nhưng khi chết đi sẽ để lại tiếng xấu ngàn thu.
Kế thứ 52: Thoái binh chế binh
“Có thuật lui binh, có phép chế binh”.
Ngụ ý là một người bình tĩnh, thận trọng, luôn làm điều thiện, đức độ cao cả, thì dù một thân một mình đi vào hang ổ đối phương, cũng có thể làm cho đối phương phải kính nể không dám tàn hại. Một người như vậy thì nơi nào cũng là đất sống, không có gì đáng gọi là hiểm nguy.
Kế thứ 53: Đại hiền vô địch
”Người giỏi quyền biến là người: trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, sai khiến quỷ thần, tùy thời tiết từng mùa mà biến hóa, khiến cho vạn vật trong thiên hạ phải phục vụ cho mình”.
Kế thứ 54: Tiến công nước – người
“Chế ngự người thì nắm được quyền. Đồng thời với việc tiến công nước địch phải chế ngự được người của địch”.
Kế thứ 55: Giữ thế cân bằng
“Ít rồi sẽ nhiều, thiếu rồi sẽ đủ”.
Vạn vật trên đời vừa đối lập vừa thống nhất. Lão Tử cũng nói: “Đạo trời giống như chỗ cao thì dựa vào chỗ thấp, chỗ thừa thì bù vào chỗ thiếu”. Giữ cho cân bằng, hài hòa là điều tối cần thiết.
Kế thứ 56: Ẩn náu chờ thời
“Dụng chi hữu đạo, dụng chi tất ẩn”.
Lại nói: “Có Đạo của Tiên Vương, có mưu của Thánh Trí, thảy đều không lộ liễu”.
Người thông tuệ thường thường ít bộc lộ sở trường của mình ở tất cả mọi nơi, mà luôn luôn nhường nhịn người khác. Nhưng sự ẩn giấu này chỉ là để chờ thời cơ chín muồi sẽ hiển lộ.
Kế thứ 57: Sử dụng nội gián
“Con Gấu trước khi vồ mồi thường giấu mình rồi mới xông ra. Muốn hành động thì trước tiên hãy dùng nội gián”.
Người khôn ngoan chẳng những giỏi dùng binh trên chiến trường, mà còn biết cài gián điệp vào hàng ngũ của đối phương để hoạt động.
Kế thứ 58: Uốn nắn sửa sang
“Thánh nhân vừa thấy cong bèn uốn nắn lại cho thẳng, tùy mức độ lệch lạc mà có cách trị thích đáng”.
Khi nền quốc gia xuất hiện nguy cơ, phải dùng quốc pháp bổ cứu. Nếu nguy cơ thực sự nghiêm trọng, tất phải dùng hình pháp nghiêm khắc để xử lý.
Kế thứ 59: Lùi để tiến tới
“Người giỏi dùng thiên hạ xưa nay tất phải lượng định quyền trong thiên hạ, phải phân biệt nặng nhẹ, mạnh yếu”.
Bậc hiền minh thường tránh kẻ mạnh, tạm lùi để tìm cách tiến công.
Kế thứ 60: Cho rồi mới lấy
“Muốn chiếm lĩnh được gì của đối phương thì trước hết phải đáp ứng phần nào ý muốn của đối phương, rồi mới lấy được cái mình cần”.
Kế thứ 61: Quan sát gián tiếp
“Thẩm định hư thực, căn cứ vào thị hiếu mà biết ý chí”.
Muốn xem xét một người, ta hãy chú ý xem thường ngày họ bộc lộ ý thích gì để mà phán đoán tình hình.
Kế thứ 62: Đánh rắn dập đầu
“Kẻ mạnh khi chiến thắng thường choáng váng vì thắng lợi, không tấn công giành thắng lợi trọn vẹn, sớm thỏa mãn thì sẽ chuốc lấy tai họa”.
Kẻ yếu bị thất bại, nếu biết bình tĩnh suy xét rút ra bài học, phục hồi lực lượng, thì có thể lật ngược thế cờ.
Kế thứ 63: Chủ quan hại mình
“Hợp mà không kết, dương thân mà âm sơ: sự chẳng thành”.
Có những việc tưởng chừng vô cùng thuận lợi, thực ra hết sức khó khăn. Phải đi sâu vào cuộc sống, nghiên cứu điều tra nắm chắc thực tế, mới không phạm sai lầm chủ quan, đã làm hại cho mình, còn hại cả cho người.
Kế thứ 64: Dẫn dụ đối phương
“Những điều dẫn dụ của thánh nhân: kẻ ngu lẫn kẻ trí đều không nghi hoặc”.
Bậc đại trí có thể khôn khéo dẫn dụ được hết thảy mọi người mà đối phương không hề hay biết.
Kế thứ 65: Lợi dụng kẻ địch
“Thả mồi sâu bắt cá lớn”.
Bậc đại trí không những chỉ biết sử dụng những người hiền tài ở phe mình, mà còn biết lợi dụng những khe hở, những mâu thuẫn trong nội bộ đối phương mà sử dụng người của đối phương phục vụ lợi ích cho mình.
Kế thứ 66: Một cây thành rừng
“Đơn thương độc mã vẫn có thể ra vào tùy ý không ai ngăn nổi”.
Đông người vẫn chưa chắc là đã giành phần thắng. Một bàn tay cũng có thể tạo nên tiếng vỗ: chỉ cần chân lý thuộc về ta, thì ta vẫn thành vô địch trong thiên hạ.
Kế thứ 67: Tương quan lợi hại
“Dùng lời lẽ để thuyết phục đối phương nhận ra điều phải trái”.
Muốn cho đối phương hành động làm theo ý mình thì ta phải biết khôn khéo thuyết phục, chỉ rõ điều lợi hại.
Kế thứ 68: Hình dung có địch
“Nghĩ rằng có địch để mình nỗ lực”.
Muốn lập nên sự nghiệp lớn, phải biết hình dung những thế lực lớn mạnh ngăn cản bước tiến của mình, từ đó mà ta cố gắng không ngừng để vươn tới mục đích.
Kế thứ 69: Học hỏi kẻ thù
“Muốn chiến thắng thì phải biết học hỏi ở tất cả mọi người”.
Bậc đại trí khi mưu nghiệp lớn chẳng những học hỏi ở những bậc tiên hiền, mà còn học hỏi những cái hay của chính kẻ thù.
Kế thứ 70: Nói mãi phải tin
“Lời nói của số đông có thể biến không thành có”.
Nếu giỏi tung tin thì có thể đánh lạc hướng đối phương.
Kế thứ 71: Luồn sau leo cao
“Phái gián điệp luồn sâu vào đầu não đối phương mà hành động, có thể dành thắng lợi lớn lao bất ngờ”.
Nếu gián điệp của ta mà len lõi sâu vào bộ chỉ huy của địch thì thắng lợi gần như cầm chắc.
Kế thứ 72: Không màng danh lợi
“Bậc Chân nhân hợp với đạo trời”.
Một người kinh qua tu luyện lâu dài đạt tới cảnh giới thoát tục thì gọi là “Chân nhân”.
Người ta khi sinh ra ban đầu không khác nhau là mấy, ai cũng mang đầy đủ bản tính lương thiện. Chỉ sau đó do môi trường, hoàn cảnh khác nhau, do sự tu luyện nhiều hay ít mà thành ra những hạng người khác nhau.
Người nào chìm đắm trong danh lợi ắt chuốc lấy họa sát thân.
Người nào không màng danh lợi thì sẽ thanh thản, vui vẻ.
Thiếu Kỳ biên dịch
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/72-muu-ke-cua-quy-coc-tu-tram-ngan-nam-sau-van-con-nguyen-gia-tri-p-2.html
Comment