vi-sao-chi-voi-banh-chung-banh-day-ma-lang-lieu-duoc-noi-ngoi-hung-vuong
Vì sao chỉ với bánh chưng, bánh dày mà Lang Liêu được nối ngôi Hùng vương?
- bởi tamthuc --
- 13/02/2018
Bánh chưng bánh dày là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Món ăn này vừa ngon miệng bổ dưỡng lại đẹp mắt nên ai cũng yêu thích. Ngày xuân nhấm nháp miếng bánh chưng với ít dưa hành củ kiệu bên cạnh chậu mai vàng, gốc đào tươi quả là không còn gì thích thú hơn.
Bánh chưng bánh dày quả là một phát minh vĩ đại trong nghệ thuật ẩm thực của nước ta trong suốt mấy ngàn năm qua. Nó có giá trị đến mức người tạo ra nó đã giành được quyền kế thừa quốc gia. Chúng ta đang nói đến câu chuyện của Lang Liêu, người sáng tạo ra những chiếc bánh này.
Thế nhưng chính trị, đặc biệt chính trị vương quyền lại vô cùng tàn nhẫn và phức tạp, đôi lúc sẽ khiến ai đó thấy hoài nghi: Rốt cuộc có phải chỉ vì hai chiếc bánh mà Lang Liêu được kế thừa ngôi báu? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu sự thực đằng sau đó là gì.
Lang Liêu là ai?
Sử liệu ghi nhận không nhiều về Lang Liêu, chỉ ghi rằng ông là Hoàng tử thứ 18 của Hùng Vương thứ 6, sau này trở thành Hùng Vương thứ 7 hay Lang Liêu (chữ Hán: 郎僚), cũng gọi Lang Lèo, là một vị vua theo truyền thuyết của nước Văn Lang trong lịch sử Việt Nam.
Tục truyền Lang Liêu nhà nghèo do “bà mẹ trước kia vốn bị vua ghẻ lạnh, vì cô đơn mà chết, tả hữu ít người giúp đỡ, khó xoay xở”.
Trong khi đó:
“Sau khi Hùng Vương phá được giặc Ân, nhân quốc gia vô sự, muốn truyền ngôi cho con, bèn triệu 22 vị Quan lang, Công tử lại mà phán rằng: ‘Ta muốn truyền ngôi cho kẻ nào làm ta vừa ý, cuối năm nay mang trân cam mỹ vị đến để tiến cúng tiên vương cho ta được tròn đạo hiếu thì sẽ được ta truyền ngôi’.
Các Vương tử đều đua nhau đi tìm của ngon vật lạ khắp trên cạn dưới bể, nhiều không sao kể xiết. Duy có vị công tử thứ 18 là Lang Liêu, bà mẹ trước kia vốn bị vua ghẻ lạnh, vì cô đơn mà chết, tả hữu ít người giúp đỡ, khó xoay xở nên đêm ngày lo lắng, mộng mị bất an”.
Vậy thì Lang Liêu chính là vương tử nghèo nhất và ít quyền thế nhất trong triều đình. Nếu vậy trong cuộc đua giành ngôi báu ông sẽ thất thế rất nhiều. Vậy ông có gì mà có thể lật ngược ván cờ?
Đạo đức cao thượng, Thần nhân giúp đỡ
Tuy là một người thân cô thế cô lại nghèo túng, nhưng Lang Liêu lại nhận được trợ giúp vô cùng lớn từ Thần linh. Truyện kể rằng:
“Một đêm kia, mộng thấy có thần nhân tới nói rằng: “Các vật trên trời đất và mọi của quý của người không gì bằng gạo. Gạo có thể nuôi người khỏe mạnh mà ăn không bao giờ chán, các vật khác không thể hơn được. Nay đem gạo nếp làm bánh, cái hình vuông, cái hình tròn để tượng trưng hình trời đất rồi dùng lá bọc ngoài, ở trong cho mỹ vị để ngụ ý công đức sinh thành lớn lao của cha mẹ”.
Lang Liêu tỉnh dậy, mừng rỡ mà nói rằng: “Thần nhân giúp ta vậy!”.
Nói rồi bèn theo lời dặn trong mộng mà làm, chọn thứ gạo nếp trắng tinh, lặt lấy những hạt tròn mẩy không bị vỡ, vo cho thật sạch, lấy lá xanh bọc xung quanh thành hình vuông, cho trân cam mỹ vị vào bên trong để tượng trưng cho trời đất, vạn vật rồi nấu chín, gọi là Bánh chưng. Lại lấy gạo nếp nấu chín, giã cho nát, nặn thành hình tròn, tượng trưng cho trời gọi là Bánh dày.
Đến kỳ, Hùng Vương truyền các con bày vật tiến lên. Xem qua khắp lượt, thấy không thiếu thứ gì. Duy có Lang Liêu chỉ tiến dâng bánh chưng và bánh dày. Vua kinh ngạc mà hỏi, Lang Liêu đem giấc mộng thuật lại. Vua đem nếm, thấy ngon miệng không chán, hơn hẳn các thức của các con khác, tấm tắc khen hồi lâu rồi cho Lang Liêu được nhất. Đến ngày Tết, vua thường lấy bánh này dâng cúng cha mẹ”.
Thời Thượng Cổ, con người đạo đức cao thượng, sống hòa nhập với thiên nhiên, kính thờ Trời Đất và Thần linh nên mới có thể giao cảm với thế giới linh thiêng ở tầng cao hơn. Vì thế trong sử sách ta hay bắt gặp những chuyện Thần tiên hiển linh giúp người.
Tuy nhiên không phải ai cũng có thế được gặp Thần và được Thần giúp. Chỉ có những người tu luyện, vua chúa quan lớn hay những người có đạo đức rất tốt đẹp mới được Thần nhân hiển linh giúp đỡ. Gần đây nhất có Lê Thánh Tông, xa hơn nữa là vua các triều Đinh, Lê, Lý, Trần đều có ghi lại Thần tích hiển hiện.
Vậy chứng tỏ rằng Lang Liêu chính là “Chân mệnh Thiên Tử” có Đức cao được Trời bảo hộ và đã an bài để Lang Liêu nối ngôi báu nên mới giúp đỡ ông chu đáo như vậy. Nhưng nếu Thần Linh đã nhọc lòng giúp đỡ, thì sao chỉ giúp cho làm có hai chiếc bánh mà không phải là điều gì đó to lớn hơn?
Bánh chưng bánh dày chỉ là biểu hiện bên ngoài của việc truyền thừa nền văn minh của Thần
Như chúng ta đã biết, thời đại Văn Lang là nền văn minh được Thần Linh truyền lại qua thể hiện của sự kết hợp giữa Long Tộc và Tiên Tộc (Long Quân và Âu Cơ). Vì lẽ đó mà các vị lãnh đạo tối cao của nền văn minh này đều là dạng Thần (Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân), hay nửa Người nửa Thần (các đời vua Hùng sau Long Quân), hay chí ít cũng là người đạo đức cao thượng và thành kính tu luyện nên lúc nào cũng có thể giao cảm với Thần linh.
Vậy nên nhờ đó mà quốc gia Văn Lang tồn tại gần 2700 năm, lâu dài nhất trong lịch sử Việt Nam và thế giới, chính là nhờ sự lãnh đạo bởi các nhà lãnh đạo đức hạnh cao thượng và Thần Linh phù trợ.
Với vị thế như vậy, nên để có thể trở thành người lãnh đạo của một quốc gia Thần thánh là một điều cực kỳ khó khăn và khắc nghiệt. Bởi vì Văn Lang không cần một người lãnh đạo thông thường, nó cần một vị Thần hay ít nhất một người được Thần công nhận.
Trong nền văn minh của Thần truyền lại thì quan trọng nhất chính là văn hóa, thể hiện qua triết học, lối sống của quân và dân, đạo đức từ vua xuống đến toàn dân. Nên người kế thừa nó nhất định phải là người uyên thâm về văn hóa cổ của dân tộc để có thể thi hành một nền chính trị hài hòa, thuận với ý trời. Hay còn gọi là thực hành “Vương Đạo trị quốc”.
Muốn kế thừa quốc gia, ắt phải kế thừa đầy đủ nghệ thuật trị quốc của tổ tiên. Vậy thì lấy gì để biểu hiện sự uyên thâm và ứng dụng được nghệ thuật trị quốc ấy?
Xưa có câu “dân dĩ thực vi Thiên” (người dân lấy cái ăn làm Trời – ý nói cái ăn là quan trọng nhất đối với dân chúng – người lãnh đạo phải là người đem lại sự ấm no cho muôn dân). Vậy thì cuộc thi làm món ăn dâng cúng Tổ Tiên chỉ là một lý do bên ngoài mà thôi.
Hùng Vương là thời đại rất giàu có và thịnh trị, vua Hùng là người đạo đức cao chắc chắn không cần các vương tử tìm kiếm những của ngon vật lạ để dâng lên. Bài thi này chủ yếu là để kiểm tra xem thể ngộ về Vương Đạo trị quốc của các vương tử có đạt yêu cầu thừa kế ngôi báu hay không.
Con đường tu thân và triết lý trị quốc trong chiếc bánh
“Đại đạo là chí giản chí dị” (Đạo lớn là rất đơn giản, rất giản dị), nên thứ mà chư Thần truyền cho Lang Liêu cũng phải như thế. Nó phải là thứ đơn giản nhất, mộc mạc nhất nhưng gói trọn ý nghĩa to lớn nhất, chung đúc cả một nền văn hóa vào trong đó.
Gốc rễ Vương Đạo cũng là gốc rễ của văn hóa cổ Đông phương. Nó chính là sự vận động của vũ trụ thể hiện qua Âm Dương, Ngũ Hành và quan hệ giữa con người và trời đất thể hiện qua triết thuyết Tam Tài.
Quá trình chuẩn bị làm bánh, gói và nấu chính là quá trình thần thánh miêu tả từ lúc hỗn độn chưa có thời gian mà sinh thành một vũ trụ hoàn chỉnh, tạo ra thế gian con người và quốc gia Văn Lang. Nhà vua chính là một nhân tố làm cho sự Thần thánh ấy kéo dài thêm, đó chính là Vương Đạo.
Khi cắt bánh chưng ra (hình vuông tượng trưng cho mặt đất), ta thấy cả một vùng đất trù phú với 5 màu sắc thật hấp dẫn: Màu vàng ngà của nhân đậu bùi thoảng hương thơm, màu đỏ hồng của thịt heo chín, màu trắng ngần của nếp dẻo thơm, màu xanh biếc của lá dong hay lá chuối và chấm đen của thảo quả, hạt tiêu.
Từ trong ra ngoài của chiếc bánh thể hiện triết lý âm dương, tam tài, ngũ hành vốn là những nguyên tắc trị quốc mà một bậc thiên tử phải tuân theo khi thực hành Vương Đạo giáo hóa nhân dân. Vương Đạo trị quốc này có nhiều tầng thứ và đẳng cấp tùy theo năng lực và đạo đức của nhà vua.
Màu vàng hành Thổ nằm ở trung tâm tượng trưng cho đất đai cũng như nhà vua và hoàng quyền. Hành Thổ còn tượng trưng cho đức Tín trong Ngũ Đức. Vì Thiên Tử là bậc tôn quý ngự giữa nhân gian, cai trị nhân dân, là cầu nối giữa con người và Thần, là người quản lý sự bình yên của mặt đất bằng cách tuân theo Mệnh Trời mà hành đạo nên Tín là đức đầu tiên phải đạt đến. Do đó mới có câu: “Quân vô hí ngôn” (vua không nói chơi), vì lẽ Tín Nghĩa là gốc để cai trị thiên hạ.
Để đạt Tín thì nhà vua phải có sự trợ giúp của Lễ (hành Hỏa – màu đỏ hồng của thịt lợn) và Nghĩa (hành Kim – mỡ lợn và màu trắng của nếp), một cái tương sinh và một cái sinh xuất giúp cho Đức Tín nhà vua đạt đến sự hài hòa, vì trong triết lý cổ, hài hòa mới là mục đích cần đạt đến. Đức Tín của hoàng đế cũng phải hài hòa chứ không nên trở thành cực đoan.
Lễ Nghi giúp phân chia các mối quan hệ xã hội trên dưới rõ ràng minh bạch khiến cho cả xã hội vận hành tốt, Tín Nghĩa giúp duy trì sự ổn định của xã hội và giữ gìn đạo đức cho quốc gia. Ngày nào mà Lễ Nghi và Tín Nghĩa có thể được Hoàng gia duy trì thì ngày đó đất nước vẫn yên bình. Đây là phần căn bản nhất của Vương Đạo.
Ngoài các điều trên ra thì còn có hai đức tính khác nữa quan trọng hơn, nó giúp cho ba hành kia (Thổ, Kim, Hỏa ) được cân bằng hoàn hảo và cũng góp phần vào duy trì sự ổn định của xã hội và vương quyền, khi hoàng đế thực hành nó để đạt đến trình độ cai trị cao hơn. Nó chính là Đức Nhân (hành Mộc) và Đức Trí (hành Thủy).
Không giống như các vị vua sau này, coi việc cai trị như một quyền lợi và quốc gia là tài sản, các Hoàng đế thời Thượng Cổ coi việc trị quốc là một phần của sự tu luyện để đắc Đạo thành Tiên, thành Chân Nhân vĩnh sinh bất diệt nên họ rất chú trọng đạo đức bản thân và duy trì sự hài hòa trong vạn sự.
Vì thế bánh chưng luôn phải dùng nước (Thủy) để luộc, xong xuôi phải ra được màu sắc ngũ hành và màu xanh lá bên ngoài mới được xem là đạt chuẩn. Nước chính là nguồn gốc của vũ trụ sinh ra vạn vật (Thiên Nhất Sinh Thủy), là thứ thể hiện đặc tính của Đạo (thứ mà người tu nào cũng muốn đắc) rõ nét nhất.
Vì có đặc tính của Đạo, nên nước thể hiện cho trí huệ vô cùng thông suốt mà quân vương phải đạt đến để trị quốc. Đun sôi nước để luộc bánh chính là thể hiện sự thăng hoa của trí huệ của nhà vua để thấm hết vào trong toàn thiên hạ, khiến cho ngũ hành ban đầu vốn rời rã (bánh chưa luộc) trở nên biến hóa và hòa quyện vào nhau tạo thành một chiếc bánh ngon tuyệt (thành quả của quá trình cai trị bằng trí huệ). Để có thể thăng hoa về trí huệ, ắt phải dùng củi đốt (củi là Mộc), tượng trưng cho Đức Nhân và cũng là sự tu dưỡng đạo đức của bản thân vậy.
Ngoài ra còn có bánh dày, bánh rất đơn giản chỉ làm từ gạo, màu trắng hình tròn nằm bên cạnh bánh chưng màu xanh hình vuông. Phải chăng đó là thể hiện sự kính cẩn tuân theo Thiên Mệnh của nhà vua, vì Đạo Trời lúc nào cũng rất gần với chúng ta và bao trùm lên tất cả (bánh dày màu trắng và bên trong bánh chưng chủ yếu cũng là màu trắng).
Rộng lớn hơn nữa, nếu nói bánh chưng là tượng trưng cho quốc gia và thành quả của nhà vua, vậy thì nồi luộc bánh (nồi tròn kim loại) chứa cả ngũ hành phải chăng chính là vũ trụ? Nói chính xác hơn nó chính là tượng trưng cho cái lò luyện kim đan của người tu luyện (hoàng đế thời Thượng Cổ) và quốc gia chính là Kim Đan mà ông phải luyện thành.
Nếu như lò không đủ lửa (đạo đức không đủ) và nước không trong sạch và không sôi (trí huệ tăm tối và không coi trọng việc tu đức) thì ắt quốc gia sẽ loạn (bánh hư) và kim đan bất thành (tu không đắc Đạo).
Người đắc Đạo duy nhất để kế thừa quốc gia Thần truyền
Trong Ngọc phả Hùng Vương do Hàn lâm Trực học sĩ Nguyễn Cố phụng soạn vào năm Hồng Đức nguyên niên (1470), hiện lưu tại Bảo tàng Hùng Vương, Phú Thọ có ghi chép như sau:
“Lạc Long Quân huý Sùng Lãm, ở ngôi 400 năm, thọ 420 tuổi, sinh một bọc trăm trứng, an lành nở ra 100 con trai. Vương định 100 họ (tính), đặt 100 tên, xưng 100 hiệu, làm 100 vị Thần, mỗi vị chiếm cứ một khu, đều xưng là Thuỷ tổ của Bách Việt, rất mực linh thiêng. Vua cha là Long Quân hoá sinh bất diệt, trở về biển thành Tiên, là Động Đình đế quân”.
“[Đời thứ 3] HÙNG QUỐC VƯƠNG 雄國王 Thái tử là Hùng Quốc vương đứng đầu trăm anh em tôn thừa nghiệp lớn, sau khi nối ngôi thi hành chính sự đức giáo, khuyến khích nông tang, khiến dân không lo nghèo thiếu, nước có tích luỹ của dư. Hoàn vũ thanh bình, không ai gian xảo giả dối, phong tục hồn thuần chất phác… Hùng Quốc vương hưởng ngôi hơn 221 năm, thọ 260 tuổi, sinh được con trai con gái 50 hoàng tử”.
“[Đời thứ 4] HÙNG VIỆP VƯƠNG 雄曄王 Thái tử Hùng Việp vương nối ngôi chính thống, nhớ công ơn sáng đẹp của tiền nhân để giáo hoá khích lệ sĩ phong. Lấy nhân nghĩa làm khuôn dân tục. Dựng xây tu sửa miếu đền, bách thần được thăng phong cấp bậc, hoá nhật thiên hạ sáng tưng bừng…”
“[Đời thứ 5] HÙNG HY VƯƠNG 雄羲王 Hùng Hy vương lên ngôi, nắm vận lớn bốn đời, nhạy bén hưng khởi trị bình, trong sửa văn đức thu phục nhân tâm, ngoài lập vũ công, chấn uy phong với nước lạ, khiến cho xã tắc yên bình, biên cương vô sự. Hùng Hy vương hưởng quốc lịch 200 năm, bèn lập Thái tử là Hùng Huy vương kế thừa quốc chính”.
“[Đời thứ 6] HÙNG HUY VƯƠNG 雄暉王 Huy vương lên ngôi, noi theo quy chế của tiền vương, cũng có chí chăm việc nuôi dân. Nhưng kế thừa nền thái bình đã lâu, ngòi rãnh dễ tràn, cam chịu yến tiệc yên vui, không chịu khó nghĩ suy chính sự… Từ đó trong cõi thái bình, nước nhà vô sự. Nhà Ân trải 27 đời vua hơn 640 năm không dám đem quân sang đánh nước Nam. Hùng Huy vương hưởng nước 87 năm, thọ 100 tuổi thì băng”.
Từ những ghi chép trên ta thấy một điều rất rõ rằng, các đời vua Hùng trước vua cha của Lang Liêu đều là những người tu luyện có thành tựu. Cao nhất là Lạc Long Quân sống đến 420 tuổi rồi thành Động Đình Đế Quân. Các vua sau tuy không thành Tiên nhưng cũng sống rất thọ nhờ tu luyện.
Nhưng đến đời cha của Lang Liêu tức Hùng Vương thứ 6 thì ông không còn tu luyện nữa mà hưởng lạc nên suýt mất nước bởi giặc Ân, chỉ thọ có 100 tuổi mà thôi. Vì Văn Lang là quốc gia Thần truyền nên người lãnh đạo phải là người tu luyện, vì thế khi sắp băng hà ông nhất quyết phải tìm ra một người có căn cơ tu luyện tốt nhất để kế thừa quốc thống, nếu không sẽ có nguy cơ mất nước.
Lang Liêu chính là người được chọn vì có trình độ tu luyện cao, có thể câu thông với Thần Linh và có khả năng thực thi được ý chỉ của Trời thông qua hình tượng bánh chưng và bánh dày.
Lang Liêu cuối cùng đã lên ngôi. Ông đã cai trị quốc gia một cách tốt đẹp và tuy luyện thành Đạo vào cuối đời:
“[Đời thứ 7] HÙNG CHIÊU VƯƠNG 雄昭王 Thái tử là Chiêu vương nối ngôi kế thừa đại thống. Vua cố gắng chuyên tinh chính trị, sau khi được kế thừa thanh thế đánh giặc vang lừng của vua cha bèn cho cất cung khoá giáp, tỏ ý không dùng binh nữa, chỉ lo an dưỡng muôn dân, sửa sang giáo hoá.
Rồi đó lấy chuyện trước làm răn, không dám làm càn dâng lễ uế tạp khiến cho hoàng thiên giận giáng tai ương, giặc ngoài biên mấy lần xâm phạm, sáu đời thừa hưởng thái bình bỗng trở thành thời loạn. Từ đó vua kính sùng thiên đạo, kính thờ quỷ thần, phàm các nơi trên núi dưới biển ở đâu có hiển ứng linh thiêng đều sai trăm quan văn võ đến xây cất miếu điện, hoạ vẽ thánh tượng, thành tâm phụng thờ… Về sau, Chiêu vương cùng hoàng phi nhờ có tiên thuật hưởng nước được 200 năm, tuổi thọ sánh ngang tuế nguyệt Kiều Bành, hoá sinh bất diệt”.
Lời kết:
“Văn hiến thiên niên quốc
Xa thư vạn lý đồ
Hồng Bàng khai tịch hậu
Nam phục nhất Đường Ngu”
(Nước ngàn năm văn hiến
Cơ đồ vạn dặm xa
Từ Hồng Bàng mở cõi
Trời Nam một sơn hà)
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mới vừa đón Tết Đinh Dậu, giờ lại chuẩn bị cho Tết Mậu Tuất, chào đón một tuổi nữa cho tất cả người Việt cũng như một tuổi nữa cho đất nước Việt Nam. Mới ngày nào cha ông mở cõi mà đến nay đã qua mấy nghìn năm. Dường như thời gian quá dài đã làm xóa nhòa bớt những giá trị truyền thống xa xưa.
Ngày Tết nhà nào cũng phải có mâm cơm, cặp bánh chưng bánh dày đã trở thành món ăn ngon miệng quen thuộc đến nỗi cũng chẳng ai quan tâm xem giá trị mà nó mang trong thân là gì.
Cuộc sống hiện đại càng ngày kinh tế càng khó khăn, khiến mọi người có phần xao nhãng đi những vốn quý và đạo đức của văn hóa cổ truyền mà ngày Tết mang lại. Tết ngày nay chỉ còn tính hình thức mà mất đi phần nào sự thiêng liêng truyền thừa từ ngàn đời vốn luôn kết nối người Nam ta với anh linh tổ tiên ngàn đời, giúp cho chúng ta không quên nguồn cội và ngày càng sống tốt đẹp hơn.
Vậy nên chăng chúng ta hãy sống chậm lại một chút vào những ngày Xuân 2018 này, tạm thời quên đi những âu lo cùng cuộc sống bộn bề, cùng nhau ôn lại chút tích xưa điển cũ bên ly trà dưới gốc mai vàng mà cùng nhớ về thời oanh liệt cổ xưa của tiền nhân. Thời mà con người sống trong Đạo Đức với sự bảo hộ của Thần Phật, quốc gia giàu mạnh vĩ đại với cuộc sống bình an tốt đẹp lâu dài cùng với những vị hoàng đế tu Tiên hóa thân thành bất tử…
Tĩnh Thủy
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/vi-sao-chi-voi-banh-chung-banh-day-ma-lang-lieu-duoc-noi-ngoi-hung-vuong.html
Comment