ton-ngo-khong-danh-do-cay-nhan-sam-vi-sao-chi-nuoc-cam-lo-cua-bo-tat-moi-cuu-duoc
Tôn Ngộ Không đánh đổ cây Nhân sâm, vì sao chỉ nước Cam Lồ của Bồ Tát mới cứu được?
- bởi tamthuc --
- 26/02/2018
Trong Tây Du Ký, cố sự ‘hái trộm nhân sâm quả’ tốn khá nhiều giấy mực trong toàn bộ tiểu thuyết, được tác giả dành đến ba hồi (từ hồi thứ 24 đến hồi thứ 26) để miêu tả. Phải nói rằng Ngô Thừa Ân đã gửi gắm rất nhiều ẩn ý thâm sâu đằng sau câu chuyện này.
Và trong cố sự ‘hái trộm nhân sâm quả’ ấy, Tôn Ngộ Không đã phải vất vả đi khắp núi bể non cao, gặp biết bao vị đại tiên để hỏi cách cứu sống cây nhân sâm. Nhưng chỉ đến khi diện kiến đức Quan Âm Bồ Tát thì mới tìm được câu trả lời.
Vậy ẩn ý của tác giả đằng sau chi tiết này là gì? Bài viết dưới đây mong muốn đóng góp một số lý giải xung quanh vấn đề này, mong được cùng độc giả gần xa góp ý, thảo luận.
Nhân sâm là linh căn của trời đất…
Trước hết, chúng ta hãy cùng nhìn lại bối cảnh của câu chuyện:
Khi đến đất Tây Ngưu Hạ Châu, trước mặt bốn thầy trò Đường Tăng hiện ra núi Vạn Thọ, trên núi có Ngũ Trang đạo quán, là nơi cư ngụ của Trấn Nguyên đại tiên.
Nơi đây có một cây tiên quý, sinh ra từ khi càn khôn còn hỗn độn, trời đất còn mờ mịt chưa phân. Khắp tứ đại bộ châu trong thiên hạ thì chỉ có Ngũ Trang quán ở Tây Ngưu hạ châu là sản sinh ra cây ấy, có tên là “Vạn Thọ thảo hoàn đơn”, cũng gọi là “Nhân sâm quả”.
Vậy cây nhân sâm này quý hiếm như thế nào? Kể rằng:
“Giống cây này ba nghìn năm mới nở hoa, ba nghìn năm mới kết quả, lại ba nghìn năm nữa mới chín. Tính ra phải một vạn (10.000) năm mới được ăn. Và trong một vạn năm ấy chỉ kết được ba mươi quả. Hình dáng quả này tựa như trẻ mới sinh chưa đầy ba ngày, tứ chi hoàn toàn, ngũ quan đủ cả”.
Lại nói:
“Người nào có phúc được ngửi quả ấy một lần, sẽ sống được ba trăm sáu mươi tuổi; ăn một quả, sống mãi bốn vạn bảy nghìn (47.000) năm”.
Tôn Ngộ Không non cao tìm thuốc
Khi bốn thầy trò bước vào Ngũ Trang quán, hai tiểu đồng của Trấn Nguyên Tử đã vâng lời dặn dò, mang hai trái nhân sâm tới mời Đường Tăng. Nhưng vì loại quả này trông tựa đứa trẻ mới sinh nên Đường Tăng nhất mực khước từ.
Hai tiểu đồng không còn cách nào khác đành quay về phòng và chia nhau mỗi người một quả. Bí mật này chẳng may lọt vào tai Trư Bát Giới, động tới bản tính háu ăn của “lão Trư”.
Bát Giới bèn xúi giục Ngộ Không hái trộm nhân sâm cho biết mùi biết vị. Sau khi phát hiện, hai tiểu đồng của Trấn Nguyên Tử đã buông lời nhục mạ cả bốn thầy trò, từ đó mà dẫn đến sự việc đáng tiếc: Tôn Ngộ Không đại náo Ngũ Trang quán, đạp đổ cây nhân sâm.
Bởi vì nhân sâm là tinh túy của đất trời, là linh thụ sinh ra từ khai thiên tịch địa, cho nên khi đạp đổ cây, Ngộ Không đã phải vất vả đi khắp bốn phương trời để tìm thuốc giúp cây sống lại.
Lần thứ nhất, Tôn Ngộ Không đến Bồng Lai tiên cảnh, gặp ba vị tiên ông là Thọ tinh, Phúc tinh, và Lộc tinh. Ba vị nói rằng, họ tuy là thần tiên nhưng về thứ bậc thì vẫn còn kém xa:
“Trấn Nguyên tiên là tổ địa tiên, còn chúng tôi là tôn phái thần tiên (…) Nếu như đánh giết những con muông chạy chim bay, giống có vây có vỏ thì chỉ dùng viên đan lúa mạch của chúng tôi cũng có thể cứu sống được. Còn như cây Nhân sâm ấy là giống cây tiên, chữa thế nào được? Không có thuốc, không có thuốc đâu!”.
Điều đó nói nên nguồn gốc cao quý của Trấn Nguyên đại tiên và cây Nhân sâm là thứ linh thiêng của đất trời, so về tầng thứ thì còn cao hơn cả Thọ tinh, Phúc tinh, và Lộc tinh.
Lần thứ hai, Tôn Ngộ Không đến gặp Đế Quân, nhưng chỉ nhận được câu trả lời:
“Tôi có một viên ‘cửu chuyển Thái Ất linh đơn’, nhưng chỉ chữa được bệnh người, chứ không chữa được cây. Cây là linh tính thổ mộc, được trời nhuần thấm. Nếu là cây thường thì còn chữa được, chứ Vạn Thọ sơn là đất phúc của Trời, Ngũ Trang quán là động trời của Hạ Châu. Cây Nhân sâm là cây thiêng từ thiên địa mới khai tịch, chữa thế nào được? Không có phương!”.
Cứ như thế, cho đến lần thứ ba, Ngộ Không đến Doanh Châu hải đảo gặp cửu tiên cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu.
Như vậy, muốn cứu cây Nhân sâm thì phải tìm được thứ thần dược vượt trên cả tầng thứ của các bậc thần tiên.
Nước Cam Lồ, Bồ Tát cứu cây
Cuối cùng, Ngộ Không đến núi Phổ Đà cầu cứu Quan Âm Bồ Tát. Vừa nghe Ngộ Không kể rõ sự tình, Bồ Tát đã quở trách:
“Ngươi là con khỉ không biết hay dở! (…) Trấn Nguyên Tử là tổ sư các địa tiên, ta cũng phải nhượng bộ ba phần, sao ngươi dám đánh đổ cây của người?”
Có một điều đặc biệt là Quan Âm Bồ Tát nói rằng, so với Trấn Nguyên tiên thì Bồ Tát “cũng phải nhượng bộ ba phần” [1]. Nếu đúng như lời nói, thì phải chăng Bồ Tát sẽ không thể cứu sống cây Nhân sâm?
Thế nhưng Ngài lại quả quyết với Ngộ Không rằng: “Nước Cam Lồ trong tịnh bình của ta chữa được cây tiên”. Và quả thực, khi đứng trước cây nhân sâm đất bật rễ trơ, cành khô lá rụng, Bồ Tát đã dùng cành dương liễu và nước Cam Lồ để hồi sinh cây Nhân sâm, khiến cành lá lại xanh tươi, hai mươi ba quả lại được phục hồi nguyên trạng.
Có thơ rằng:
“Đinh non Vạn Thọ động thiên nhiên
Gần vạn năm trường chín quả tiên
Rễ đứt cây thần, cành lá héo
Nước thiêng Cam Lộ, quả hoa nguyên.”
Như vậy, Ngộ Không đi khắp mọi nẻo phương trời, đã tìm đến các bậc đạo tiên nơi núi cao biển cả, nhưng chỉ duy nhất nước Cam Lồ của Quan Âm Bồ Tát mới có thể hồi sinh cây thần. Vậy điều gì giúp nước Cam Lồ làm nên kỳ tích ấy?
Dòng nước Cam Lồ
Trước hết, hãy nhắc lại lời Bồ Tát nói với Tôn Ngộ Không: “Trấn Nguyên Tử là tổ sư các địa tiên, ta cũng phải nhượng bộ ba phần…”[1]. Có phải ý nói rằng tầng thứ của Quan Âm Bồ Tát là thấp hơn Trấn Nguyên tổ địa tiên hay không?
Sự thực thì không phải vậy. Quan Âm Bồ Tát thuộc về Phật giới, còn Trấn Nguyên Tử là Tiên giới, là bậc Chân Nhân thuộc về Đạo gia. Phật và Đạo là hai trường phái tu luyện, là hai thể hệ hoàn toàn khác nhau, vậy nên ở đây không so tài cao thấp. Câu nói của Bồ Tát chỉ là lời trách mắng Ngộ Không khi dám mạo phạm đến Trấn Nguyên đại tiên.
Nhưng có một điểm, Đạo gia chú trọng thanh tu, tu luyện trong tĩnh, và thường là tu đơn độc, hướng đến giải thoát tự thân. Còn Phật gia chú trọng tu Thiện, vì tu Thiện nên họ có thể xuất tâm từ bi, không chỉ cứu độ bản thân mà còn phát tâm Bồ Đề phổ độ chúng sinh.
Ở đây cũng cần nhấn mạnh rằng, trong “Tây Phương Tam Thánh” thì Quan Âm Bồ Tát là hiện thân cho lòng Từ Bi của chư Phật [2]. Bởi vậy, nước Cam Lồ của Bồ Tát là sinh xuất từ tâm từ bi, nên hiển nhiên sẽ khác với “viên đan lúa mạch” của ba vị tiên chốn Bồng Lai, cũng khác với “cửu chuyển Thái Ất linh đơn” của Đế Quân – vốn là linh dược của những người tu Đạo.
Nói về nguồn gốc của nước Cam Lồ, có một truyền thuyết kể rằng: Khi Bồ Tát vẫn đang tu luyện giữa thế gian, Ngài đã phải trải qua biết bao nhiêu ma nạn, đã nếm đủ mọi cái khổ trong những cái khổ của người đời.
Một ngày, Phật Tổ hiển linh trao cho Ngài chiếc bình Bạch Ngọc Dương Chi, dặn rằng con cần tu tới khi trong bình nở hoa, gọi là Cam Lộ Dương Chi, lúc đó mới thực sự thành chánh quả, phép thuật vô biên.
Chúng ta biết rằng nước Cam Lồ ấy phải được đựng trong bình ngọc thanh tịnh và phải dùng cành dương liễu thì mới có khả năng rưới mát chúng sinh. Nghĩa là, ở đây phải có sự kết hợp của ba yếu tố:
Nước Cam Lồ (甘露): là thứ nước thánh tinh khiết, rất trong, mát, và thơm ngọt, do hứng ngoài sương mà được – tượng trưng cho lòng từ bi, nghĩa là “Thiện”.
Cành dương liễu (楊柳): là loại cây vừa mềm vừa dẻo, có thể tùy duyên mà không chịu khuất phục, có thể thuận theo ngoại cảnh mà không bị cảnh chi phối. Cành dương liễu mềm dẻo mà lại kiên cường, tượng trưng cho đức nhẫn nhục và chịu đựng, nghĩa là “Nhẫn”.
Bình tịnh thủy (净瓶): là bình ngọc hoàn toàn thanh tịnh chỉ có ở nơi Phật giới, và phải đạt đến độ thánh khiết như bình ngọc thì mới có thể được dùng để đựng nước Cam Lồ. Khi cứu cây Nhân sâm, Bồ Tát cũng nói rằng: “Nước này những vật thuộc ngũ hành không được phạm vào, mà phải lấy bầu ngọc múc nước (…)”. Như vậy, bình tịnh thủy là tượng trưng của “Chân”.
Ví như có Thiện tâm, có mong muốn phổ độ chúng sinh nhưng lại không thể nhẫn nhục, không thể chịu khổ thì làm sao cứu độ được con người? Cũng ví như có đức Nhẫn cự đại, có ý chí kiên cường nhưng bản thân không phát tâm từ bi thì làm sao bước ra độ nhân được? Và ví như đã đầy đủ cả Thiện, cả Nhẫn, nhưng lại không mang tâm thuần tịnh, tâm ý không đủ thuần khiết thì việc cứu người có làm mà chẳng nên công cán gì…
Vậy mới nói, thứ “linh dược” thần thánh nhất là thứ linh dược sinh xuất ra khi hội tụ đầy đủ cả Chân, Thiện và Nhẫn. Chỉ có thiện tâm lớn lao và lòng từ bi cự đại, được gìn giữ trong đức tính chân thật, kinh qua đức nhẫn nhịn trong quá trình tu luyện gian nan, thì mới có thể làm nên những kỳ tích thần kỳ.
Hồng Liên
—
Chú thích:
[1] Trong nguyên tác “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân, cụm từ này là “我也讓他三分”, nghĩa là “ta cũng phải nhượng bộ ông ấy ba phần”.
[2] “Tây Phương Tam Thánh” bao gồm Phật A Di Đà, Đại Thế Chí Bồ Tát, và Quan Âm Bồ Tát, trong đó Bồ Tát Đại Thế Chí tượng trưng cho Trí Huệ, còn Bồ Tát Quan Âm tượng trưng cho Từ Bi của Đức Phật. Trong tranh vẽ “Tây Phương Tam Thánh” thì Bồ Tát Ðại Thế Chí cầm cành hoa sen màu xanh đứng bên tay phải Ðức Phật A Di Ðà, bên tay trái là Bồ Tát Quán Thế Âm cầm nhành dương liễu và bình tịnh thủy.
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/ton-ngo-khong-danh-do-cay-nhan-sam-vi-sao-chi-nuoc-cam-lo-cua-bo-tat-moi-cuu-duoc.html
Comment