ton-ngo-khong-rot-cuoc-la-nguoi-the-nao-truoc-khi-dai-nao-thien-cung
Tôn Ngộ Không rốt cuộc là người thế nào trước khi đại náo Thiên Cung?
- bởi tamthuc --
- 05/04/2018
Trong “Tây Du Ký”, ở những hồi đầu tiên, Tôn Ngộ Không hiện lên như một kẻ bất trị, đại náo long cung thủy tề, phá hội Bàn Đào, quậy phá thiên giới, thực không coi ai ra gì. Nhưng trước khi có được bản lĩnh chọc trời khuấy nước ấy, con khỉ đá Mỹ Hầu Vương thực sự là một kẻ khát khao tìm Đạo, có một trái tim hồn hậu và kiên cường.
Ngay cả sau khi đã quy y Phật gia, theo Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh, Tôn Ngộ Không cũng vẫn là con khỉ bản tính cao ngạo, nóng nảy, không chịu nổi dù chỉ một chút chèn ép, dù chỉ một chút xem thường của kẻ khác.
Còn nhớ hồi ấy, Ngộ Không lên Thiên Đình, được Ngọc Đế phong cho chức Bật Mã Ôn, sau khi biết được chức quan chỉ là chăn ngựa thì y lập tức đùng đùng tức giận bỏ đi. Vương Mẫu Nương Nương mở hội Bàn Đào, không hề mời y. Y liền quậy phá một phen tưng bừng đến long trời lở đất.
Nhưng liệu có phải Tôn Ngộ Không sinh ra bản tính đã cao ngạo như vậy rồi không?
Tôn Ngộ Không rời khỏi Hoa Quả sơn, vượt qua biển cả mênh mông tìm Tiên học Đạo, đã từng ở Nam Thiệm Bộ Châu, cũng chính là vùng đất đông thổ Đại Đường, lưu lại ở đó tám, chín năm. Trong nguyên tác “Tây Du Ký” viết rằng: “Hầu vương tìm học đạo tiên, không biết ở đâu cả. Ở Nam Thiệm Bộ Châu, sục sạo thành lớn, thấm thoắt đã tám, chín năm”.
Suốt mấy năm lưu lạc đó, Tôn Ngộ Không chỉ là một con khỉ bình thường, không chút pháp lực, ở Nam Thiệm Bộ Châu tám, chín năm, lẽ nào lại dám huênh hoang? Nếu là Ngộ Không của những năm sau này, ví như người khác trông thấy y, quát lớn một tiếng: “A, cái con khỉ hoang này!” chắc chắn y sẽ lập tức lao đến đánh nhau ngay.
Nhưng người Nam Thiệm Bộ Châu vốn không phải ai ai cũng là thiện nam tín nữ. Chưa kể có rất nhiều vị Thần lớn trấn giữ ở đây, chỉ riêng những tên ác bá cũng đã không đếm xuể. Nếu như Tôn Ngộ Không thật sự dám ngông cuồng như vậy, đừng nói tám, chín năm, e rằng chưa đến một năm thì đã bị người ta bắt đưa vào trong… sở thú!
Trên thực tế, thời Tôn hầu tử ở Nam Thiệm Bộ Châu bản tính đã sẵn hiền lành, không ai nghĩ được con khỉ đá đó ngày sau sẽ đại náo thiên cung, chọc trời khuấy nước, gây bao phiền nhiễu.
Tôn Ngộ Không chu du khắp bốn biển tìm Tiên cầu Đạo, cuối cùng cũng đến được nơi cần đến. Khỉ đá tìm được đến núi Linh Đài Phương Thốn, động Tà Nguyệt Tam Tinh, bái kiến Bồ Đề Tổ Sư làm thầy. Ngay trong ngày đầu tương ngộ, Ngộ Không đã lấy được ấn tượng của Tổ Sư. Trong truyện “Tây Du Ký” miêu tả rất hay về đoạn này.
Hầu vương vừa nhìn thấy đã cúi người lạy liên tiếp và nói:
– Thưa sư phụ, thưa sư phụ, đệ tử con lòng thành chầu lễ.
Tổ sư nói:
– Nhà ngươi là người ở đâu, mau nói rõ quê quán họ tên rồi hãy lạy.
Hầu vương thưa:
– Đệ tử là người động Thủy Liêm, núi Hoa Quả, nước Ngạo Lai, thuộc Đông Thắng Thần Châu.
Tổ sư quát mắng ra lệnh:
– Tống cổ nó ra! Tên này là hạng dối trá quanh co, còn tu hành thành đạo quả sao được!
Hầu vương sợ hãi dập đầu thưa:
– Đệ tử nói thật mà, đâu dám nói dối.
Tổ sư nói:
– Ngươi nói thực thà, mà lại nói Đông Thắng Thần Châu à? Từ nơi ấy đến đây cách hai lần biển lớn, một tòa Nam Thiệm Bộ Châu, làm sao mà tới được?
Hầu vương cúi đầu thưa:
– Đệ tử lênh đênh vượt biển, lang thang trên bộ mười mấy năm trời, mới đến được đây.
Tổ sư nói:
– Ừ, đi mãi dần dà cũng đến nơi. Thế tính ngươi là gì?
Hầu vương đáp:
– Con không có tính. Người ta mắng con, con cũng không giận, đánh con, con cũng không tức, chỉ lạy họ mà thôi, cả đời con không có tính.
Tổ sư nói:
– Không phải là tính tình. Thế cha mẹ nhà ngươi vốn họ gì?
Hầu vương đáp:
– Con cũng không có bố mẹ.
Tổ sư nói:
– Không có bố mẹ thì đẻ ra ở lỗ nẻ chắc?
Hầu vương thưa:
– Con tuy không phải đẻ ra ở lỗ nẻ, nhưng lại từ trong tấm đá sinh ra. Con chỉ nhớ rằng trên núi Hoa Quả có một tảng đá tiên, năm ấy tảng đá vỡ ra và sinh ra con.
Tổ sư nghe nói, trong dạ mừng thầm, nói:
– Như thế là trời đất sinh thành ra ngươi. Nhà ngươi hãy đứng dậy, đi lại ta xem”.
Đoạn này nói lên nhiều điều. Thứ nhất, Tổ Sư hỏi tên tuổi, Ngộ Không lại hiểu sai, tưởng nói về tính tình, tính cách. Nhưng chính điều đó lại vô tình hé lộ khá nhiều về con người của y. Ở Nam Thiệm Bộ Châu, sau khi vượt qua muôn trùng biển lớn, Ngộ Không tìm được đến chốn văn minh, chịu nhiều thiệt thòi, uất ức, bị đánh bị mắng nhưng lại không chút để tâm, chỉ lạy đáp lễ. Rõ ràng, ngay từ ban đầu, con khỉ đá ấy đã có tâm tính rất tốt, tính khí hiền lành, thực đúng là giữ được cả mười phần bản tính tiên thiên, thuần thiện ban đầu.
Thứ hai, để tìm đến chỗ của Tổ Sư, Ngộ Không đã phải vượt qua “hai lần biển lớn, một tòa Nam Thiệm Bộ Châu”, đường đi xa xôi cách trở đến nỗi chính Tổ Sư cũng không thể nghĩ rằng hắn có thể đi xa đến vậy cầu Tiên học Đạo. Ở đây nói lên rằng ngộ tính của loài khỉ đá thực sự rất cao, không tiếc thời gian (8, 9 năm), công sức, không quản ngại xa xôi mà tìm Đạo trường sinh màu nhiệm.
Thứ ba, khi Tổ Sư hỏi đến cha mẹ, Ngộ Không nói rằng mình thác sinh từ một tảng đá thiêng. Đây chính là căn cơ do trời đất tạo thành vậy. Tổ Sư nghe thấy trong bụng cũng mừng thầm, sắp có được một đồ đệ do trời đất sinh thành. Như thế, Ngộ Không đã có đủ những điều kiện cần thiết nhất để trở thành một người tu Đạo: tâm tính tốt, có căn cơ và có ngộ tính.
Lão Tử giảng trong Đạo Đức Kinh: “Kẻ sĩ bậc thượng nghe Đạo thì chăm chú làm theo. Kẻ sĩ bậc trung nghe Đạo thì điều còn điều mất. Kẻ hạ sĩ nghe Đạo thì cười lớn, không cười thì sao tỏ rõ đó là Đạo được?” (Thượng sĩ văn Đạo, cần nhi hành chi. Trung sĩ văn Đạo, nhược tồn nhược vong. Hạ sĩ văn Đạo đại tiếu chi, bất tiếu bất túc dĩ vi Đạo).
Cứ xét những biểu hiện ấy thì Tôn Ngộ Không quả thực là bậc “thượng sĩ” nghe Đạo vậy. Trong truyện cũng mô tả chi tiết này:
Tôn Ngộ Không ngồi nghe giảng, sướng quá đến nỗi xoa tai vuốt má, mặt mày hớn hở, khoa tay múa chân.
Bỗng bị tổ sư trông thấy, gọi lên bảo:
– Ngươi ngồi trong lớp, tại sao lại điên cuồng nhảy nhót, không nghe ta giảng?
Ngộ Không thưa:
– Con thành tâm nghe giảng, đến những chỗ sư phụ giảng nhiệm mầu quá, lòng vui mừng khôn xiết, không nhịn được, nên có những điệu bộ như vậy, mong sư phụ tha tội.
Có câu “Sáng nghe Đạo, chiều có thể chết được” (triêu văn Đạo, tịch khả tử). Đó chẳng phải là kẻ sĩ bậc thượng là gì?
Ở một đoạn khác, Ngộ Không tiếp tục chứng minh mình là một đồ đệ có căn cơ, xứng đáng trở thành đệ tử chân truyền. Vốn Tổ Sư muốn truyền Đạo cho Ngộ Không nhưng y năm lần, bảy lượt cự tuyệt hết các gia phái, đạo thuật. Điều đó khiến Tổ Sư nổi giận…
Tổ sư nghe đoạn, hừ một tiếng, từ trên đài cao nhảy xuống, tay cầm gậy giới xích, chỉ vào Ngộ Không nói:
– Loài khỉ già kia, đạo này không học, đạo kia không học, còn đòi học cái gì?
Rồi đi đến gõ đầu Ngộ Không ba cái, quay lưng giơ tay đi thẳng vào trong, đóng cửa giữa lại, bỏ mọi người ở ngoài. Cả lớp nghe giảng, ai cũng sợ hãi, đều oán Ngộ Không rằng:
– Đồ con khỉ, hỗn láo vô tích sự, sư phụ truyền đạo cho, tại sao không học, lại dám cãi sư phụ. Phen này làm phật ý sư phụ, biết bao giờ sư phụ mới lại ra?
Lúc ấy cả bọn đều oán ghét và khinh bỉ Ngộ Không. Nhưng Ngộ Không chẳng tức giận, chỉ vui cười. Nguyên do Ngộ Không vốn đã ngầm hiểu ý của sư phụ, nên không tranh cãi với chúng bạn, chỉ lặng thinh không nói. Tổ sư đánh ba cái, có nghĩa là bảo phải để ý đến canh ba, chắp tay sau lưng, đi vào bên trong, đóng cửa giữa lại, rồi đi vào lối cửa sau, ở chỗ kín ấy sư phụ sẽ truyền đạo cho.
Đêm hôm Ngộ Không được Tổ Sư chân truyền được miêu tả bằng những dòng tuyệt bút.
Khi trời vừa hoàng hôn, Ngộ Không đã cùng các bạn vào phòng ngủ, giả vờ nhắm mắt, nín hơi định thần chờ đợi. Trong núi lại không có trống canh, không biết giờ giấc, chỉ tự mình điều hòa hơi thở ra vào qua lỗ mũi mà ước tính. Khoảng giờ tý, Ngộ Không rón rén trở dậy, mặc quần áo, sẽ mở trộm cửa trước, giấu mọi người đi ra ngoài, ngẩng đầu quan sát. Chính là lúc:
Trăng sáng sương trong vắt
Tám cõi sạch bụi trần
Cây cao chim rừng ngủ
Ngọn suối nước rì rầm
Đom đóm bay thấp thoáng
Cánh nhạn vẽ bầu không
Canh ba giờ đã điểm
Hỏi đạo, ôi thỏa lòng!
Thực là cái vui của kẻ đã tìm được chính Đạo tu hành vậy! Đến khi thấy Ngộ Không lẻn vào cửa sau xin truyền Đạo, chính Tổ Sư cũng vô cùng bất ngờ. Tổ Sư nghĩ thầm: “Thằng oắt con này quả là do trời đất sinh thành. Nếu không, làm sao đoán nổi ngầm ý của ta”. Đoạn bèn truyền hết khẩu quyết cho Ngộ Không, dạy cách thực hành đạo sống lâu màu nhiệm.
***
Tôn Ngộ Không vốn dĩ tính khí tốt như vậy, có thể nhẫn nhịn tốt như vậy, tại sao về sau lại trở thành một kẻ cao ngạo, không sợ trời không sợ đất?
Lý do là ở chỗ tính khí của Ngộ Không là thuận theo tài năng của bản thân mà biến đổi. Trước khi học Đạo cầu Tiên, Ngộ Không chỉ là một con khỉ đá, hình dung xấu xí, không hiểu phép tắc, khi ấy muốn cao ngạo liệu có được? Còn sau khi đã được Tổ Sư truyền cho 72 phép biến hóa, đã là thần thông quảng đại, có tài năng lại có thừa chí khí, lẽ nào có chuyện bị đánh mà không đáp trả, bị mắng mà không mắng trả sao?
Cho nên cũng có người nói, Ngộ Không tu Đạo rồi tính khí lại còn kém hơn lúc chưa tu là vì thế! “Có tài mà cậy chi tài. Chữ tài liền với chữ tai một vần”, quả đúng như vậy. Ngộ Không có 72 phép biến hóa, xuống Địa phủ xóa tên sổ sinh tử, lên thiên cung quấy nhiễu hội Bàn Đào, lại còn tự xưng “Tề Thiên Đại Thánh”, muốn thay cả Ngọc Hoàng cai quản tam giới, sự ngông cuồng đúng là đã lên đỉnh điểm.
Đúng lúc ấy thì Phật Tổ Như Lai xuất hiện, dùng một bàn tay mà thu hàng Ngộ Không, ép chặt 500 năm dưới núi Ngũ Hành, coi như cấp cho một dịp tu luyện tâm tính lại từ đầu, uốn nắn lại con người. Người đọc truyện đến hồi này đều tiếc nuối cho con khỉ đá không còn tháng ngày tiêu dao tự tại, chọc trời khuấy nước, nghiêng sông lật bể nữa. Nhưng đối với riêng Ngộ Không thì đó lại là một điều may vậy. Đó cũng coi như là cơ hội để y “phản bổn quy chân”, trở lại con người tu Đạo đúng nghĩa, khiêm nhường, khoan dung, hành thiện tích đức…
Phi Long – Văn Nhược
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/ton-ngo-khong-rot-cuoc-la-nguoi-the-nao-truoc-khi-dai-nao-thien-cung.html
Comment