No icon

nguoi-biet-giu-le-thu-duc-at-se-duoc-phuc-bao

Người biết giữ lễ, thủ đức ắt sẽ được phúc báo

Người xưa từng nói: “Vi thiện giả thiên báo dĩ phúc, vi ác giả thiên báo dĩ hoạ” (Người hành thiện trời ban phúc báo, kẻ hành ác trời giáng tai ương). Đạo trời vô tư không thiên vị bất kỳ ai, thường dõi theo mỗi một người, không cần hỏi xin mà có thể xảo diệu đáp lại, không cần thỉnh cầu mà lại tự nhiên sẽ đến, thưởng thiện phạt ác, từng viêc, từng việc đều có báo ứng.

Cự tuyệt tà dâm được phúc báo

Vào năm Vạn Lịch triều Minh, tại phủ Trường Sa tỉnh Hồ Nam có Lục Đức Tú, năm 16 tuổi thấy hoa viên của Cố gia ở ngoại thành rất yên tĩnh, liền xin vào ở để đọc sách. Khi gia đình của nhũ mẫu Vương thị đến chăm sóc gia viên này, có Huệ Nhi là con gái của Vương thị, tuổi cũng độ 16, thấy Lục Đức Tú tuổi trẻ tài tuấn, liền pha nước dâng trà thái độ ân cần, Lục Đức Tú thấy như vậy, liền lấy lễ khách khí đối lại.

Huệ Nhi lại tưởng là Lục Đức Tú có ý với mình, cho nên vào một đêm khuya, nhẹ nhàng đi đến trước cửa phòng ngủ của Lục Đức Tú, gọi: “Tướng công hãy mở cửa, đừng phụ tâm ý của thiếp”. Lục Đức Tú nói: “Ta là cô nam, cô là quả nữ, đêm khuya gặp gỡ, sẽ bị người khác bàn tán chê cười, nên ta không mở cửa”. Huệ Nhi nói: “Bất quá cũng chỉ có hai chúng ta, người khác làm sao biết được?” Lục Đức Tú lại nói: “Có thể giấu giếm người khác, nhưng trời thì không thể gạt được, cô hãy đi đi thôi”. Huệ Nhi đành phải đi trở về. Ngày hôm sau Lục Đức Tú đến chào Vương thị rồi lặng lẽ rời đi.

Phan Tái An là bạn đồng học cùng Lục Đức Tú, thấy thư phòng nơi này yên tĩnh không người, cũng chuyển đến để đọc sách, cùng Huệ Nhi mắt đi mày lại, cả hai đã làm ra những hành vi phi lễ. Năm ấy đến kỳ thi Hương, cha của Phan Tái An nằm mơ thấy có rất nhiều người đưa tin đi đến nhà mình, báo rằng: “Phan Tái An đã trúng cử nhân hạng hai”. Đang khi cao hứng vì tin ấy, ông lại thấy có một người khác đi tới, đoạt mất giấy báo trúng cử rồi nói: “Phan Tái An làm những việc trái đạo lý, cho nên chức cử nhân này sẽ chuyển cho Lục Đức Tú”, những người báo tin khác vội vàng giải tán.

Tà dâm không chỉ làm con người ta mất đi ý chí mà còn khiến họ mất phúc báo về sau.  (Ảnh: intenseorgasm)

Người cha vội níu chặt người báo tin nọ ở trong mộng rồi hỏi: “Lục tú tài là người nào?”. Người nọ đáp: “Là Lục Đức Tú bạn đồng học với con trai ngươi”. Đến ngày yết bảng, quả nhiên Lục Đức Tú trúng cử nhân hạng hai. Cha Phan Tái An vặn hỏi con trai: “Ngươi đã làm ra việc gì trái với đạo lý vậy?”. Phan Tái An đành phải nói rõ sự thật, xong hai cha con than thở, tiếc hận mãi không thôi. Lục Đức Tú năm 17 tuổi thuận lợi trúng cử đỗ cao, sau lại đậu Tiến sĩ, được vào Hàn Lâm viện, được người người đều ca tụng.

Lục Đức Tú bởi vì biết giữ lễ tiết, cự tuyệt tà dâm cho nên con đường làm quan trở nên hiển hách. Phan Tái An không tuân thủ đức, mê đắm hoan lạc, cho nên con đường công danh không thành. Những điều này còn không khiến cho chúng ta giật mình tỉnh ngộ sao?

Giữ chính đức gia tộc hưng thịnh

Năm Kỷ Hợi thời Thuận Trị triều nhà Thanh, ở thành Côn Sơn có Từ Lập Trai vừa mới trúng cử Trạng nguyên, không lâu sau ở địa phương đó xuất hiện một tin đồn. Đồn rằng: có người đến miếu Thành hoàng thắp hương, đêm đó ở lại trong miếu, nửa đêm liền thấy Thành hoàng uy nghiêm hiện lên, gọi người này đi vào rồi hỏi: “Ngươi có biết tại sao Từ Lập Trai trúng cử Trạng nguyên không? Dòng họ Từ qua nhiều thế hệ không hề phát sinh chuyện tà dâm, nhiều đời tích âm đức, đã cảm động đến trời xanh. Việc trúng Trạng nguyên lần này chỉ mới là bắt đầu của phúc báo. Công danh sự nghiệp, tuy nói là bí ẩn khó lường, nhưng mà nhân quả báo ứng lại là rất rõ ràng”. Thành hoàng nói xong, liền rời đi trong tiếng chiêng trống ầm vang.

Người nọ ghi nhớ những lời của Thành hoàng, trở về nhà liền kể lại cho mọi người được biết, sau đó câu chuyện được truyền đi rộng rãi trong vùng. Sau này, hai người em trai của Từ Lập Trai  là Từ Kiện Am và Từ Ngạn liên tiếp trúng cử Trạng nguyên vào năm Canh Tuất, Quý Sửu. Ba anh em ruột đều trúng ba cái Trạng nguyên, con cháu của họ về sau liên tiếp cũng không ngừng trúng cử.

Tục ngữ có câu: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh; Tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương” (Nhà tích chứa điều thiện tất có nhiều phúc báo về sau; nhà tích chứa điều ác tất có nhiều tai họa về sau). Bởi vậy cần phải giáo dục con cháu hiểu được nhân quả báo ứng, cần tuân thủ đạo đức lương tri, đó mới là gốc rễ để hưng thịnh gia đình, dòng họ.

Giữ được đức hạnh không phạm tà dâm mà cả ba anh em đều đỗ trạng nguyên, vinh quy bái tổ. (Ảnh: VN.City)

Tạo khẩu nghiệp, mất công danh

Vào thời nhà Thanh, ở vùng Nghi Hưng tỉnh Giang Tô có một vị thư sinh tên là Phan Thư Thăng. Một ngày mùa thu năm Giáp Tý thời Khang Hy, Phan nằm mộng thấy mình đi đến trước điện vua, đang lúc phát bài thi, chỉ nghe trên điện kêu tên người thứ nhất lên điện, nhưng lập tức người đó bị đá rớt xuống. Kêu tên người thứ hai chính là tên của mình Phan Thư Thăng. Tên người thứ ba, người thứ năm cũng không thấy đến. Lúc này Phan Thư Thăng lại thấy bảng vàng được treo trên tường, đứng đầu bảng chỉ ghi hai chữ: “tiếp theo” mà không thấy họ. Một lát sau, có một người mặt đỏ tháo mũ quan trên đầu xuống đội lên đầu cho Phan Thư Thăng.

Sau khi tỉnh mộng  Phan Thư Thăng cảm thấy thật kinh ngạc. Cho đến ngày công bố tên người trúng cử, tên của Phan Thư Thăng quả nhiên được nêu trên bảng, được đứng đầu bảng. Vì thế Phan Thư Thăng khắp nơi hỏi thăm người “tiếp theo” đó là ai, không bao lâu biết được đó là một người tên Phó Lộc Dã, ở Lâu huyện. Thế là Phan Thư Thăng đi hỏi thăm tin tức, và biết được Phó Lộc Dã lâu nay rất nổi tiếng về tài văn chương, lúc thi cử quan chủ khảo đúng là định tên người này đứng đầu bảng. Qua hai đợt thi, bài thi của Phó Lộc Dã đều đứng đầu, được đánh giá rất cao, nhưng không ngờ qua đợt thi thứ ba, bài thi của người này lại thất lạc không tìm thấy, vì thế quan giám khảo đành phải bỏ qua.

Hóa ra, Phó Lộc Dã rất giỏi ăn nói, nhưng ngày thường lời nói phần lớn là khoe khoang không có căn cứ, hơn nữa lại thích lấy khuyết điểm của người khác ra mà nói, cho nên mới nhận báo ứng như vậy. Sau khi công bố kết quả cuộc thi, quan chủ khảo vì đặc biệt thích bài văn của người này, cho nên cố ý mời Phó Lộc Dã đến để gặp mặt. Nhưng từ đó Phó Lộc Dã bất mãn không vui trong lòng, vô cùng buồn khổ, không bao lâu sau liền mắc bệnh rồi qua đời.

Như vậy có thể thấy được, lời nói ra không phải là chuyện nhỏ, đó là việc liên quan đến được mất của đức, liên quan đến nghiệp lớn hay nhỏ của mỗi người. Lời nói không chân thực, tất nhiên sẽ dẫn đến ngôn hành bất nhất, lừa người dối đời. Chê bai khuyết điểm của người khác, tất sẽ khiến người ta đau khổ, tổn thương đến tự tôn của người khác. Bởi vậy, trong đối nhân xử thế cần phải luôn luôn biết được nên nói gì và không nên nói gì. Lời nói không mất tiền mua, lời nói mang thái độ bao dung, độ lượng mới có thể không tạo nghiệp, mới không gặp phải ác báo.

Khuyên người hướng thiện cảm động đến trời đất

Vào đời nhà Thanh, ở huyện Gia Hưng có một vị thư sinh, mỗi lần tham gia các khoa thi cử thì đều bị trượt. Nhưng người này rất đôn hậu, thường ngày ghét ác thích hành thiện, hễ là nghe thấy bạn học hoặc người thân, bạn bè đàm luận lời trái với đạo đức, thì không kể là lúc đang làm việc, liền nghiêm khắc đứng ra ngăn cản cùng khuyên răn. Đồng thời, vị này còn viết một cuốn “Giới khẩu nghiệt văn” nhằm khuyên nhủ, nhắc nhở người khác chú ý lời ăn, tiếng nói. Vị thư sinh này luôn luôn khuyên người nên đọc nhiều sách thiện hay, tránh vô cớ mà tạo nghiệp.

Có một năm, vị này lại tham gia thi cử, đêm trước ngày yết bảng, vị này mơ thấy người cha đã khuất của mình nói với mình rằng: “Ở kiếp trước, khi thiếu niên ngươi đã thi đậu Tiến sỹ, nhưng vì ngươi cậy tài khinh người, nên trời cao phạt ngươi kiếp này luôn luôn thi trượt, cả đời không phát đạt. Nhưng bởi vì ngươi đời này viết  “Giới khẩu nghiệt văn”, lại hay khuyên bảo người khác đọc sách Thánh hiền, Văn Xương Đế Quân nhận thấy ngươi luôn khuyên người khác hướng thiện, tích được âm đức rất lớn, nên đã đặc biệt tấu lên Thượng Đế, xin được bổ thêm công danh cho ngươi, mong ngươi càng phải tu đức, đáp đền thiên Thần”.

Vị thư sinh này thi kỳ nào thì trượt kỳ đó, may nhờ có tâm thiện khuyên răn người đời trừ bỏ nghiệp khẩu mà đỗ đạt, tránh được quả báo. (Ảnh: Zing)

Thư sinh nghe xong mừng rỡ không thôi. Hôm sau yết bảng, quả nhiên vị này thi đậu, sau khi ra làm quan lại càng thêm cẩn thận, càng thêm nỗ lực hành Thiện, cho nên thăng đến chức Ngự Sử. Người có tâm từ bi khuyên người bỏ ác làm lành như vậy, cũng đủ cảm động đến trời đất, chuyển họa thành phúc, nhận được phúc báo.

“Thiện ác cuối cùng đều có báo ứng, chỉ là đến sớm hay muộn mà thôi”, thực sự không phải là lời nói dư thừa. Chính vì thiên lý không thể làm trái, mà Thần linh luôn giám sát việc thiện ác nhân gian. Cho nên trong lòng có thiện hay ác đều sẽ có thiên lý báo đáp, làm người mà phân rõ thiện ác thì mới có thể được phúc báo lâu dài.

Theo ntdtv.com
Minh Phúc biên dịch

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/nguoi-biet-giu-le-thu-duc-at-se-duoc-phuc-bao.html

Comment