xot-nguoi-tua-cua-hom-mai-quat-nong-ap-lanh-nhung-ai-do-gio
Xót người tựa cửa hôm mai, quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
- bởi tamthuc --
- 11/06/2018
Chuyện kể rằng: Nhạc Nghị là tướng nước Yên đời Chiến Quốc đem quân đánh Tề, hạ được 72 thành. Tề chỉ còn 2 thành là Cử Châu và Tức Mặc. Tề Mẫn vương thua chạy ra Cử Châu, có quan đại phu là Vương Tôn Giả hộ giá.
Vương Tôn Giả khi đó mới 12 tuổi, chỉ còn mẹ già, Mẫn vương thấy thế thương hại mà phong cho Tôn Giả làm quan. Vương Tôn Giả theo phò Mẫn vương đến nước Vệ thì cả hai lạc nhau. Tôn Giả chẳng biết Mẫn vương ở đâu, bèn lẻn về nhà. Bà mẹ trông thấy hỏi vua Tề ở đâu, Giả nói:
– Con theo vua đến nước Vệ, nửa đêm vua tôi cùng bỏ trốn, rồi không biết vua đi ngả nào.
Bà mẹ cả giận, nói:
– Con sớm đi chiều về thì ta đứng tựa cửa mà mong. Con chiều đi mà không về thì ta đứng tựa cổng mà mong. Vua mong bề tôi có khác gì mẹ mong con. Vậy mà con làm tôi vua Tề, vua ban đêm chạy trốn, con không biết vua đi đâu, sao lại bỏ về?
Vương Tôn Giả thẹn quá, lại từ biệt mẹ già đi tìm vua Tề, nghe tin vua ở Cử Châu liền đến ngay để tìm. Nhưng khi đến đó mới biết vua Tề bị Tướng quốc nước Tề là Trác Xỉ mưu phản, tư thông với Nhạc Nghị giết chết vua Tề. Tôn Giả bèn vạch trần tay áo bên tả ra hô hào ở ngoài chợ:
– Trác Xỉ làm tướng Tề mà giết vua, thế là làm tôi bất trung. Nếu ai bằng lòng giết kẻ có tội ấy thì theo ta cùng vạch trần tay áo bên tả.
Người trong chợ cùng bảo nhau: “Người ấy ít tuổi mà có lòng trung nghĩa, chúng ta ai là người hiếu nghĩa, thiết nghĩ đều nên theo”. Chỉ trong một chốc có đến hơn bốn trăm người cùng để trần tay áo bên tả.
Lại nói về Trác Xỉ, trước đây vốn là tướng nước Sở. Khi Tề bại trận có sai sứ sang cầu viện vua Sở tiếp cứu, hứa cắt dâng cả đất Hoài Bắc cho Sở để đền ơn. Vua Sở sai đại tướng Trác Xỉ mang 20 vạn quân lấy cớ đi cứu Tề, sang Tề nhận đất, nhưng lại mưu mẹo dặn Xỉ cứ liệu chừng tình thế mà thi hành, hễ có lợi cho Sở thì làm ngay. Xỉ được Tề Mân vương lập làm tướng quốc. Quyền hành đều về tay Xỉ.
Xỉ thấy quân Yên thế mạnh, sợ cứu Tề vô công, bèn mật sai sứ tư thông với Nhạc Nghị, lập mưu giết Mẫn vương rồi cùng Yên chia đất Tề, và yêu cầu Yên để cho mình làm vua. Tướng nước Yên là Nhạc Nghị đồng ý.
Trác Xỉ mừng quá, bèn dàn quân ở Cổ Lý, mời Mẫn vương đến duyệt binh, đoạn bắt Mẫn vương rút gân treo lên nóc nhà. Sau ba ngày, Mẫn vương mới tắt hơi. Xỉ liền về Cử Châu, muốn tìm thế tử vua Tề mà giết nốt nhưng tìm không được. Xỉ liền làm biểu tâu với vua Yên kể lể công lao của mình, nhờ Nhạc Nghị chuyển đệ cho.
Giữa lúc ở Cử Châu, Trác Xỉ vào cung vua Tề uống rượu say sưa, ăn mừng “chiến công” bại hoại của mình, lại truyền mỹ nữ tấu nhạc làm vui. Quân Sở đông nhưng đều đóng ở ngoài thành, chỉ có vài trăm quân dàn hầu ở cửa cung. Vương Tôn Giả đem 400 người xông vào cướp khí giới của quân lính, rồi lập tức tiến vào cung bắt được Trác Xỉ. Xỉ bị Tôn Giả cho người phanh thây, băm nát thành nước thịt. Quân Sở không có chủ tướng, một nửa bỏ trốn, một nửa đầu hàng nước Yên.
Lời nói của bà mẹ Vương Tôn Giả: “Mày sớm đi chiều về thì ta đứng tựa cửa mà mong; mày chiều đi mà không về thì ta đứng tựa cổng mà mong…”. Nguyên văn: “Nhữ triêu xuất nhi vãn lai, tắc ngô ỷ môn nhi vọng; mộ xuất nhi bất hoàn, tắc ngô ỷ lư nhi vọng”, sau này đã trở thành điển tích điển cố. Trong văn chương, người ta thường dùng chữ “ỷ môn, ỷ lư” (tựa cửa, tựa cổng) để chỉ sự việc cha mẹ trông mong con cái.
Trong tác phẩm “Chinh phụ ngâm”, bản dịch nôm của nữ sỹ Đoàn Thị Điểm, đoạn nói về tình gia thất của khách chinh phu, có câu:
“Lòng lão thân buồn khi tựa cửa,
Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm”.
Còn trong tác phẩm “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du, lúc tả cảnh Kiều ở lầu Ngưng Bích với nỗi lòng nặng nhớ quê hương, nhớ tình nhân, đặc biệt là nỗi niềm nhớ thương cha mẹ, cũng có câu:
“Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ”?
Ở hai câu thơ trên của Nguyễn Du, tác giả sử dụng hình ảnh: “tựa cửa” là do bắt nguồn từ điển tích trên. Riêng có chữ “hôm mai” đi theo chữ “tựa cửa” có lẽ là vì trong điển tích này mẹ của Vương Tôn Giả có nói đến việc con đi buổi mai và buổi chiều (triêu xuất, mộ xuất).
Lời bàn:
Lời nói của người xưa tuy mộc mạc, giản phác mà lại rất có sức nặng bởi nó gần với đạo lý và có mang theo những giá trị nội hàm nhất định. Chỉ với một câu nói rất đỗi bình dị và chất chứa tình mẫu tử mà người mẹ Vương Tôn Giả đã dẫn dắt con trai của mình trở lại đúng với đạo lý làm người, biết coi trọng các mối quan hệ: “Phụ – Tử”, “Quân – Thần” “Tín – Nghĩa”… nhờ đó mà giúp cho Tôn Giả có thêm chính khí, tự tin tạo dựng được uy danh, lại lập được công lớn: giết chết gian thần Trác Xỉ để báo ân vua, đền nợ nước, cũng là không phụ sự giáo dưỡng, kì vọng và trông ngóng của của bậc làm cha mẹ.
Lại cũng thấy mỗi quán ngữ, thành ngữ trong văn hóa truyền thống xưa dường như đều bắt nguồn từ một điển cố, điển tích nhất định, có lịch sử uyên nguyên và những giá trị nhân sinh sâu sắc… mà cung cách giao tiếp bằng ngôn ngữ hiện đại thông thường tưởng như không bao giờ bắt kịp.
Xưa nay người ta thường có thói quen đổ thừa cho những gì thuộc về văn hóa truyền thống là “lạc hậu và cổ lỗ sỹ” để rồi từ đó cổ xúy cho lối sống và văn hóa thực dụng thời hiện đại. Điều đó cũng giống như kẻ trồng cây muốn giữ ngọn mà lại bỏ gốc vậy, thử hỏi thân, cành lá làm sao mà vững bền cho được?
Người xưa có câu: “Ôn cố tri tân” – Học chuyện cũ để biết thêm điều mới, trong giao tiếp và hành văn cũng đều xem năng lực “Thông kim bác cổ” – Hiểu cũ biết mới, là mực thước để đánh giá tầm nhìn, vốn sống và tri thức của người nói, người viết. Bởi thế mà không khó để lý giải vì sao câu chuyện và lời nói của mẹ con nhà Vương Tôn Giả lại trở thành điển tích, thành ngữ và đi vào lịch sử văn chương. Cũng không khó để lý giải vì sao những câu thơ của nữ sỹ Đoàn Thị Điểm hay tác phẩm “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du lại trường tồn với thời gian và trở thành những danh tác bất hủ như vậy.
Đường Minh
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/xot-nguoi-tua-cua-hom-mai-quat-nong-ap-lanh-nhung-ai-do-gio.html
Comment