No icon

phong-than-truyen-ky-ky-dat-ky-lap-muu-tru-khuong-thuong-tu-nha-chay-thoat-khoi-kinh-thanh

Phong Thần truyền kỳ (kỳ 11): Đát Kỷ lập mưu trừ Khương Thượng; Tử Nha chạy thoát khỏi kinh thành

“Phong Thần diễn nghĩa” là bộ tiểu thuyết lịch sử – thần thoại, mượn câu chuyện Vũ Vương phạt Trụ và Khương Tử Nha phong Thần để gửi gắm những thần dụ có ý nghĩa sâu xa. Câu chuyện dưới đây được phỏng tác dựa trên bộ tiểu thuyết nổi tiếng này.

Tháng ngày trôi qua, Trụ Vương và Ðát Kỷ mê man với các trò quái đản trong Nhục Lâm và Tửu Trì, bao nhiêu công việc triều chính không hề để mắt đến. Chuyện này tạm không nói nữa.

Một bữa nọ, Ðát Kỷ nhớ lại mối thù với Tử Nha vẫn chưa có cơ hội kết toán, nên nghĩ ra một kế: Ả vẽ ra một bức họa đồ cất trong tay áo rộng, thừa lúc vua Trụ say sưa tửu sắc, Đát Kỷ bèn ranh mãnh quỳ tâu:

– Khởi bẩm Bệ hạ, thần thiếp vừa vẽ ra một bức họa đồ rất công phu, xin Bệ hạ xem thử.

Trụ Vương tiếp lấy, trải lên long sàng xem một hồi rồi hỏi:

– Ðây là họa đồ của một lâu đài tráng lệ, ái khanh có ý định gì mà vẽ ra họa đồ này?

Ðát Kỷ tâu:

– Ðây là họa đồ xây một Lộc Đài theo kiểu Bồng Lai. Bệ hạ giàu có muôn phương, uy danh bốn biển, nếu không thụ hưởng thú vui Lộc Đài thì uổng lắm.

Đát Kỷ lại bày mưu xây Lộc Đài để triệt phá Khương Tử Nha. (Ảnh: Youtube)

Ðát Kỷ chỉ từng chỗ, rành rọt giải thích cho Trụ Vương nghe: Lộc đài bề cao 49 thuớc, cột vàng kèo bạc, chạm trổ rất công phu, chỗ nào cũng có gắn hạt châu, mã não, hổ phách… ban đêm châu ngọc gắn khắp trên công trình sẽ chiếu sáng ngời, chẳng khác nào lầu Ngọc Khuyết.

Trụ vương mê man, hỏi:

– Lầu cao và đẹp như thế sẽ tốn rất nhiều ngân khố, chẳng biết trẫm ngự ở đấy sẽ tìm được thú vui nào đặc biệt?

Ðát Kỷ nói:

– Bệ hạ ngự ở Lộc Đài khác nào cảnh thượng giới, ban đêm sẽ có tiên ông, tiên nữ xuống chơi, Bệ hạ sẽ làm quen với tiên nga, ngắm nhiều mỹ nhân tuyệt sắc. Ðã vậy Bệ hạ sẽ được sống lâu mà gần gũi mãi với thần thiếp, hưởng lộc trời ban…

Trụ Vương nói:

– Trẫm có nghe nói hễ được gần tiên thì tăng tuổi thọ, nay ái khanh tính lập Lộc Đài tức là có lòng nghĩ đến tuổi tác của trẫm đó. Nhưng chẳng biết các tiên có xuống chơi Lộc Đài với trẫm thật không?

Trụ Vương vẫn có phần nghi ngại nhưng lại thấy hứng thú với trò mới của Đát Kỷ. (Ảnh: Youtube)

Ðát Kỷ nói:

– Nếu có một Lộc Đài cao quý như vậy, thần thiếp dám chắc tiên nga sẽ đến đàn ca múa hát, chầu bệ hạ suốt đêm.

Trụ Vương nghe nói đắc ý cười, bảo:

– Công trình này kỳ vĩ quá, tiền bạc tốn phí trẫm không ngại gì, chỉ khó ở chỗ tìm đâu người có đủ tài năng quán xuyến mọi việc và điều khiển đuợc thợ khéo, lính khỏe làm đúng theo họa đồ của ái khanh?

Ðát Kỷ nói:

– Bệ hạ dạy rất đúng. Phải cần kẻ thông thiên văn, tường địa lý mới thấu rõ huyền cơ của ngôi Lộc Đài này được. Nội trong triều, thần thiếp chỉ thấy một mình Khương Thượng có đủ tài năng cáng đáng việc này. Xin Bệ hạ phong cho lão đạo Khương Tử Nha ấy làm Đốc công thì thế nào cũng vừa ý.

Vua Trụ nghe theo, liền sai khiến quan thái giám đến dinh Tỉ Can truyền Khương Tử Nha vào dinh dặn việc.

Khương Thượng được lệnh, bói một quẻ, biết trước tai bay vạ gió xảy đến chẳng lâu, liền nói với viên Thái giám:

– Ngài về trước tâu với Bệ hạ rằng ta sẽ vào chầu lập tức.

Khương Tử Nha dùng thẻ mai rùa gieo một quẻ thì biết ngay sắp đối mặt với điều chẳng lành. (Ảnh: Youtube)

Viên Thái giám đi rồi, Tử Nha nói với Tỉ Can:

– Tôi với ngài lâu nay khuya sớm có nhau, tình nghĩa gắn bó. Nếu vì một duyên cớ nào hai ta cách trở thì biết bao giờ mới gặp nhau?

Tỉ Can nói:

– Vì cớ gì ông lại nói câu này?

Khương Thượng đáp:

– Tử Nha tôi bói quẻ trước nên biết hôm nay vào chầu vua Trụ sẽ lành ít dữ nhiều, chuyện tai bay vạ gió là điều khó lòng mà tránh khỏi.

Tỉ Can nói:

– Trọng trách xem việc thiên văn đâu phải của quan Giám Nghị mà ông lo tội vạ. Nếu vào chầu, Bệ hạ có hỏi gì thì ông cứ nói không biết là xong. Vả lại Thánh thượng vừa mới phong chức cho ông, lẽ nào cách chức.

Tử Nha nói:

– Tôi có một phong thư để dưới nghiên mực, trong đó có nói mấy lời tiên tri. Nếu sau này ngài có điều gì trắc trở nên theo đó mà làm may tránh khỏi vạ oan. Ðó cũng coi như là Tử Nha tôi đây đền ơn ngài vậy.

Dứt lời, Tử Nha tỏ ý giã biệt.

Tỉ Can tỏ ra khó hiểu nhưng vẫn trấn an Khương Thượng. (Ảnh: Youtube)

Tỉ Can quyến luyến nói:

– Ông đừng vội bi quan, xin cứ vào chầu đi. Nếu ông có điều gì rắc rối tôi nguyện đem thân ra bênh vực.

Tử Nha nói:

– Trời đã định mỗi người có một số mệnh riêng, ngài chớ lo mà chi cho nhọc sức. Tôi chỉ e tai bay vạ gió mà tới thì Tỉ Can Tể tướng như ngài có ra tay cứu vớt tôi cũng không được mà còn bị chìm luôn trong tai họa. Chi bằng xuôi theo vận mệnh mới là tốt hơn.

Tỉ Can chẳng biết nói sao, đành đưa tiễn Tử Nha ra khỏi phủ.

Tử Nha đến trước Trích Tinh lầu, thấy Trụ Vương đang cùng Ðát Kỷ uống rượu bèn xin vào yết kiến. Trụ Vương cho gọi vào phán:

– Nay trẫm muốn lập Lộc Đài, nhưng trong triều không ai đủ tài giúp trẫm. Nếu khanh chịu khó thay mặt trẫm hoàn thành kỳ quan nhân tạo này thì công của khanh chẳng nhỏ.

Khương Tử Nha tiến lên, tiếp lấy họa đồ xem thử, thấy công trình rất tốn công nhọc sức không biết phải làm hết bao nhiêu năm mới xong nổi, bèn nghĩ thầm:

– Triều Ca là chốn tạm của ta, lẽ đâu ta dốc sức làm việc này để mang tiếng theo hùa với hôn quân hại dân hại nước. Chi bằng tìm lời thoái thác, nếu hôn quân giận, ta sẽ đào tẩu trước cho rồi, đừng để lụy thân.

Vừa nghĩ ngợi, Tử Nha vừa cầm bản đồ xem hoài, không nói gì cả.

Trụ Vương thấy Khương Tử Nha yết kiến thì liền đưa ra yêu sách bắt xây Lộc Đài trong thời hạn ngắn nhất (Ảnh: Youtube)

Vua Trụ chờ lâu, hỏi:

– Khanh nhắm công trình mà phỏng theo họa đồ này thì làm mất bao nhiêu thời gian mới hoàn tất?

Tử Nha tâu:

– Ðài cao 49 thước, lại dùng châu ngọc gắn khắp nơi, đâu đâu cũng chạm trổ rất tinh tế, công phu và tỉ mỉ vô cùng… hạ thần nhận thấy muốn hoàn thành được kiệt tác kỳ quan này thì phải ít nhất trong vòng 35 năm mới hoàn công.

Trụ Vương thở dài quay sang Ðát Kỷ nói:

– Khương Thượng trù tính 35 năm mới xong, như thế trẫm cất Lộc Đài làm gì cho hao tốn. Người không trăm tuổi, mà trẫm đã nửa đời người, sống tạm như vậy hưởng cảnh thanh nhàn cũng được, cần gì tính đến chuyện trồng cây, xây núi, dựng đền đài…

Ðát Kỷ nói:

– Lão thầy bói này quen tính nói dối. Cất một cái đài dẫu có lâu đến đâu cũng không thể qúa ba năm. Tử Nha đã có ý khi quân, không muốn làm bề tôi, xin Bệ hạ xin đem hình cụ Bào Lạc ra mà xử chết gã đi cho rồi!

Trụ Vương còn đang lưỡng lự, Tử Nha nói tiếp:

– Thần xin Bệ hạ chớ nghĩ đến chuyện lạc thú ở đời mà quên cái khổ của muôn dân. Trong lúc kho tàng trống rỗng, thiên hạ gặp nhiều nỗi cơ cực, lúa thóc không đủ ăn, tôi trung thì chán nản việc triều chính, kẻ nịnh bợ thì lợi dụng tình thế gièm pha, cái nguy vong của nước nhà đã thấy rõ. Xưa vua Kiệt vì lập cung Quỳnh Dao mà mất nước. Nay Bệ hạ lại cho xây dựng Lộc Đài chẳng khác chi dẫm chân lên con đường ấy, e rằng trước sau gì thì cơ nghiệp Thành Thang cũng mất. Giờ đây tuy đã muộn, nhưng vẫn còn có thể cứu nguy được nếu Bệ hạ biết tự sửa mình mà lo chinh phục nhân tâm, nghĩ cho xã tắc. Thần tri ân Bệ hạ nên có lời tâm huyết, không nỡ chống mắt nhìn.

Trụ Vương thấy Khương Tử Nha thẳng thắn can gián có phần dụng chạm nên nổi giận mắng lớn. (Ảnh: Youtube)

Trụ Vương nổi giận mắng lớn:

– Kẻ già hỗn miệng kia, ngươi dám mắng vua ư? Nếu không dùng hình phạt trị tội thì còn ai kính nể trẫm nữa. Quân bay đâu, đem Bào Lạc ra đốt lão già này thành tro để làm gương cho kẻ khác!

Quân sỹ còn chưa kịp áp tới thì thình lình Tử Nha đã co chân nhảy xuống lầu rồi…

Vua Trụ nhìn vuốt theo, cười lớn nói:

– Hay cho Tử Nha nhà ngươi, nhát như thỏ đế mà còn giở thói ngang tàng. Lão già như ngươi dẫu có nhanh chân như sóc cũng đừng hòng trốn thoát được. Nói rồi truyền cho ngự lâm quân đuổi theo bắt lại.

Lại nói Tử Nha nhảy xuống lầu rồi, vận phép “Thần túc thông” chạy một mạch đến cầu Cửu Long, thấy đằng sau quan quân đuổi theo bắt ráo riết quá, liền hô lớn:

– Các ngươi khỏi bắt ta làm gì cho mệt. Vua truyền đem Bào Lạc đốt ta, Tính ta đây vốn không ưa lửa, vậy thà chết bởi nước cho mát thân!

Nói rồi nhảy ùm xuống sông mà lặn mất xác. Quan quân chạy đến, không còn thấy Tử Nha đâu nữa, ngỡ là lão đạo Khương Thượng này đã mượn dòng nước quyên sinh rồi, có ngờ đâu Tử Nha bản lĩnh đầy mình, độn thủy trở về xứ Triều Ca.

Quan quân đứng nhìn một hồi không thấy tăm tích Tử Nha đâu bèn trở về tâu lại với vua Trụ:

– Khởi bẩm Hoàng thượng, Khương Thượng đã liều mình nhảy xuống sông tự vẫn rồi.

Quan quân trở về bẩm báo với vua Trụ rằng Tử Nha đã gieo mình xuống sông. (Ảnh: Youtube)

Trụ vương nói:

– Số lão già ấy chết nước, không muốn chết lửa. Thôi, bề nào thì lão cũng là chết!

Bấy giờ có vài viên quan vì mến Tử Nha nên đứng mãi trên cầu than thở, lát sau có quan Thượng đại phu là Dương Nhậm đến hỏi:

– Việc gì mà các ông buồn bã đứng đây?

Các quan thưa lại mọi việc, Dương Nhậm nghe xong thở dài ngao ngán trở về thư phòng, lòng rối như tơ vò.

Xong việc Khương Thượng rồi, Trụ Vương lại hỏi Ðát Kỷ:

– Ái khanh còn có ý lập Lộc Đài chăng?

Ðát Kỷ nói:

– Lộc Đài là nguồn sống của Bệ hạ, thần thiếp nghĩ tưởng không nên bỏ qua.

Trụ Vương hỏi:

– Khương Thượng đã chết nay sai ai làm Ðốc công?

Ðát Kỷ nói:

– Sùng Hầu Hổ là người tận tâm với Chúa, nên bổ nhậm chức ấy.

Trụ Vương theo lời, bèn sai sứ triệu Sùng Hầu Hổ về triều.

Lời bàn:

Đát Kỷ vẫn nhớ thù xưa mà lập mưu hại Khương Tử Nha thông qua việc xúi bẩy Trụ Vương xây dựng Lộc Đài; lại ý đồ sắp xếp cho Khương Thượng cáng đáng việc cai quản công trình, đúng là kế: “Một tên hai đích”. Nếu như mọi việc như ý, không những ả Hồ Ly này có muôn vàn cơ hội hại chết Tử Nha mà cơ nghiệp Thành Thang của Trụ Vương cũng sẽ sớm ngày tàn lụi.

Khương Tử Nha từ lúc vào triều đối mặt với Đát Kỷ thì chẳng khác nào “oan gia ngõ hẹp”. Chính – tà xưa nay đã luôn phân định rõ ràng. Với Tử Nha thì vẫn là câu: Cao nhân đại đức chẳng gặp thời. Giờ đây đại nạn gần kề nên Khương Thượng mới chọn kế thoát thân, cổ ngữ có câu: “Quân tử báo thù mười năm chưa muộn”, huống hồ là một người tu Đạo thân đầy bản sự như Tử Nha thì ấy là chuyện: “Giữ được núi xanh lo gì không còn củi đốt”. Việc vị Lão Đạo họ Khương này câu cá ở Bàn Khê đợi thời ra sao, hồi sau vẫn còn kể tiếp.

Trụ Vương để mất Tử Nha cũng chẳng khác nào mất đi cơ hội cuối cùng để ông vua này cải tà quy chính, chấn hưng đại nghiệp. Mới hay những kẻ thập ác bất xá, tự làm hao tổn phúc đức của bản thân thì đến bậc Đế vương Thiên tử cũng sẽ phải đối mặt với ngày mạt vận, cái lý của luật nhân quả nghiệp báo có lẽ là đây.

Câu chuyện tiếp theo sẽ diễn biến ra sao, kính mời quý độc giả đón xem kỳ sau sẽ rõ.

Đường Phong

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/phong-than-truyen-ky-ky-11-dat-ky-lap-muu-tru-khuong-thuong-tu-nha-chay-thoat-khoi-kinh-thanh.html

Comment