No icon

huyen-thoai-ve-tu-dao-hanh-thien-su-dac-dao-hoang-de-hay-than-linh

Huyền thoại về Từ Đạo Hạnh: Thiền sư đắc đạo, Hoàng đế hay Thần linh?

Thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072 – 1116) là một vị thiền sư nổi tiếng của Việt Nam vào thời nhà Lý, được nhân dân cung kính với tên gọi Đức Thánh Láng. Hình tượng được tôn thờ ở chùa Láng, chùa Thầy và chùa Nền tại Hà Nội. Lễ hội hằng năm tổ chức vào ngày 7 tháng 3 âm lịch, ngày ngài viên tịch. Theo truyền thuyết ngài còn là ông Tổ của nghề múa nước rối.

Tu hành xuất thần thông

Thiền Uyển Tập Anh, cuốn sách ghi chép về các tông phái Thiền học, các thiền sư nổi tiếng Việt Nam, ghi về sư như sau:

Thiền sư họ Từ, tên húy Lộ. Cha là Từ Vinh, làm quan đến chức Tăng quan đô án. Nguyên là Từ Vinh trọ học ở hương Yên Lãng, lấy vợ là con gái nhà họ Tăng rồi cư trú ở đó. Ông là con bà họ Tăng đó. Bản tính ông từ nhỏ hào hiệp phóng khoáng, có chí lớn, phàm việc làm lời nói không ai đoán trước được.

Ông kết bạn thân với nho sĩ Phí Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và người kép hát là Vi Ất. Ban đêm ông miệt mài đọc sách, ban ngày thổi sáo đá cầu, đánh bạc vui chơi, thường bị cha trách mắng là lười nhác.

Một đêm Từ Vinh lén vào phòng thấy ngọn đèn đã tàn, sách vở chất đống bên cạnh, còn Từ Lộ thì đang tựa án mà ngủ, tay vẫn cầm quyển sách, tàn đèn rơi đầy cả mặt bàn. Từ đó cha ông mới không phải lo nghĩ gì nữa. Sau triều đình mở khoa thi tăng quan, ông dự thi được trúng tuyển.

Nguyên trước kia thân phụ ông là Từ Vinh có điều xích mích, bị Diên Thành Hầu cho là dùng tà thuật xúc phạm đến mình. Vì vậy Diên Thành Hầu nhờ sư Đại Điên dùng pháp thuật đánh chết, ném xác xuống sông Tô Lịch.

Thây Từ Vinh trôi đến cầu An Quyết thì bật dậy, chỉ tay vào nhà Diên Thành Hầu suốt một ngày. Diên Thành Hầu sợ hãi sai người đi báo với Đại Điên. Đại Điên đến nơi quát: “Kẻ tu hành giận không quá đêm!”. Thây Từ Vinh nghe vậy lại tiếp trôi đi.

Ông muốn báo thù cha nhưng không biết cách nào. Một hôm nhân lúc Đại Điên ra ngoài, sư bèn xông vào đánh. Bỗng nghe trên không có tiếng quát: “Dừng lại! Dừng lại!”. Ông sợ vứt gậy mà chạy.

Từ đó ông quyết chí tìm đường sang Ấn Độ cầu học phép lạ. Đến nước Kim Xỉ Loan gặp đường đi hiểm trở nên phải quay về. Ông ẩn cư trong hang đá núi Phật Tích, ngày ngày trì tụng kinh chú Đại Bi Đà La, đủ mười vạn tám nghìn lần. Một hôm sư thấy thần nhân đến bảo: “Đệ tử là Trấn Thiên Vương, cảm công đức của sư trì tụng kinh nên xin đến hầu để sư sai phái”.

Ông quyết chí tìm đường sang Ấn Độ cầu học phép lạ. Đến nước Kim Xỉ Loan gặp đường đi hiểm trở nên phải quay về. (Ảnh minh họa: pinterest.com)

Sư biết là đạo pháp viên thành, đã có thể báo thù cha. Sư bèn đến bên cầu An Quyết, thử ném gậy xuống giữa dòng nước xiết. Chiếc gậy liền trôi ngược dòng đến phía tây cầu Tây Dương (Cầu Giấy ở Hà Nội) thì dừng lại. Sư mừng nói : “Phép ta thắng Đại Điên rồi”. Sư bèn đi thẳng đến nhà Đại Điên. Đại Điên trông thấy nói:

– Ngươi không nhớ chuyện ngày trước sao?

Sư ngước nhìn lên trời, không thấy động tĩnh gì, bèn vung gậy đánh. Đại Điên phát bệnh mà chết.

Từ đó rửa sạch oán thù, việc đời như tro lạnh, sư bèn đi khắp nơi trong chốn tùng lâm để tìm thầy ấn chứng. Nghe nói Kiều Trí Huyền hoá đạo ở Thái Bình, sư tìm đến tham vấn. Sư đọc bài kệ hỏi về chân tâm:

Lẫn với bụi đời tự bấy lâu
Chân tâm vàng ngọc biết tìm đâu?
Cúi xin rộng mở bày phương tiện
Thấy được chân như sạch khổ sầu

Trí Huyền đọc kệ đáp:

Minh ngọc vang đưa tiếng ảo huyền
Ở trong vẫn lộ tấm lòng thiền
Cát sông là cõi Bồ Đề đó
Mà tưởng còn xa mấy dặm nghìn

Sư vẫn lờ mờ không rõ bèn tìm đến chùa Pháp Vân thỉnh giáo thiền sư Phạm Hội. Sư hỏi:

– Thế nào là chân tâm?

Phạm Hội nói:

– A nan mỗi cái đều là chân tâm

Sự rạng rỡ, tỉnh ngộ, hỏi lại rằng:

– Tu hành, ở như thế nào?

Phạm Hội đáp:

– Đói ăn khát uống.

Sư lạy tạ rồi cáo từ trở về. Từ đó pháp lực như được tăng thêm, duyên thiền càng thêm thuần thục, có thể khiến rắn rết, muông thú đến chầu phục, đốt ngón tay cầu mưa, phun nước phép chữa bệnh, không việc gì không ứng nghiệm.

Bấy giờ vua Lý Nhân Tông tuổi đã cao mà không có con nối dõi. Tháng 3 năm Hội Tường Đại Khánh thứ 3 (1112) ở phủ Thanh Hoá có người tâu: “Vùng bờ biển Sa Châu có một đứa trẻ con linh dị, mới lên ba tuổi mà nói năng biện giải như người lớn, xưng là hoàng tử, tự đặt hiệu là Giác Hoàng. Phàm mọi việc làm của hoàng thượng, không điều gì đứa bé ấy không biết, là hóa sinh của Đại Điên vậy.”

Vua sai trung sứ vào tận nơi xem xét, thấy đúng như lời tâu, bèn cho đón về chùa Báo Thiên ở kinh đô. Thấy đứa trẻ thông minh dị thường vua có lòng yêu mến, định lập làm hoàng thái tử. Các quan hết sức can ngăn vua không nên làm như vậy.

Các quan lại nói: “Nếu đứa bé quả thật linh dị, tất nên thác sanh vào nội cung, rồi sau mới lập làm thái tử được”. Vua nghe theo, bèn cho mở hội lớn, bảy ngày đêm để làm phép thoát thai.

Sư nghe chuyện tự nghĩ: “Đứa bé này là yêu tà, mê hoặc mọi người. Ta nỡ nào ngồi nhìn mà không cứu, để nó làm mê hoặc nhân tâm, làm loạn chính pháp?”.

Sư bèn nhờ người chị gái giả làm người đi xem hội, lén đem chuỗi hạt do sư đã kết ấn, treo lên rèm cửa. Hội đến ngày thứ ba, thì Giác Hoàng bỗng kêu đau, bảo mọi người: “Ta đã đi khắp hoàng thành, nhưng ở đâu cũng có lưới sắt vây kín. Muốn thác sinh cũng không biết lọt vào bằng cách nào”. Vua ngờ sư làm bùa chú để phá, bèn sai quan xét hỏi thì sư thú nhận.

Vua ngờ sư làm bùa chú để phá, bèn sai quan xét hỏi thì sư thú nhận. (Ảnh minh họa: flickr.com)

Nợ nghiệp vay phải trả, viên mãn nhập Niết Bàn

Quan quân bèn bắt sư trói, đem đến lầu Hưng Thánh để triều thần định tội. Lúc ấy gặp Sùng Hiền Hầu đi qua, sư thống thiết giải bày với Hầu về chuyện đó. Sư nói:

– Qúy Hầu gắng giúp cho bần tăng thoát tội. Ngày sau xin đầu thai để đáp ơn tạ đức.

Sùng Hiền Hầu nhận lời. Khi vào triều nghị, các quan đều nói:

– Bệ hạ không có nối dõi nên mới cầu Giác Hoàng thác sinh làm con, vậy mà Từ Lộ dùng bùa phép cản trở, xin bệ hạ cho xử chém để thiên hạ hả lòng.

Sùng Hiền Hầu từ tốn tâu rằng:

– Giác Hoàng nếu quả có thần lực, thì dẫu cả trăm Từ Lộ làm bùa chú cũng không làm hại được. Đằng này Giác Hoàng lại bị lưới sắt chắn không vào được, thế thì Từ Lộ cao tay pháp hơn Giác Hoàng. Theo ngu ý của thần, bệ hạ nên tha tội cho Từ Lộ và cho Từ Lộ thác sinh. Vua thuận theo lời tâu của Sùng Hiền Hầu.

Sư bèn đi ngay đến phủ đệ của Sùng Hiền Hầu, vào thẳng nơi phu nhân đang tắm mà nhìn. Phu nhân tức giận nói lại với chồng, nhưng Sùng Hiền hầu biết trước nên không căn vặn gì. Từ đó phu nhân cảm thấy mình có thai. Sư dặn Sùng Hiền Hầu: “Khi nào phu nhân sắp sinh thì báo cho bần tăng biết trước”. Đến lúc phu nhân sắp sinh Sùng Hiền Hầu cho người đến báo. Sư bèn tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ rồi bảo đệ tử:

– Nghiệp duyên của ta chưa hết, còn phải thác sinh để tạm giữ ngôi vua. Ngày sau thọ chung sẽ được làm thiên tử ở cõi trời thứ hai mươi hai. Nếu thấy chân thân của ta hư nát thì lúc ấy ta mới thật nhập Niết bàn, không còn phải trụ trong vòng sinh diệt nữa. Các đệ tử nghe nói không cầm được nước mắt. Sư bèn đọc bài kệ rằng:

Thu về chẳng báo nhạn theo bay
Cười nhạt người đời uổng xót vay
Thôi hởi môn đồ đừng quyến luyến
Thầy xưa mấy lượt hoá thầy nay

Nói xong sư trang nghiêm mà hoá, đến nay hình xác vẫn còn ở trong vách đá chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích, huyện Ninh Sơn

Phu nhân Sùng Hiền Hầu sinh con trai, tức là Dương Hoán. Khi được 3 tuổi, Lý Dương Hoán được vua Lý Nhân Tông nhận làm con nuôi và truyền ngôi cho ngày 12 tháng 12 năm Đinh Mùi (1127), trở thành vua Lý Thần Tông.

Ngày 26 tháng 9 năm 1138, Lý Thần Tông qua đời ở điện Vĩnh Quang, ở ngôi 10 năm, thọ 23 tuổi. Người xưa cho rằng vì Lý Nhân Tông không có con nên Từ Đạo Hạnh đầu thai làm con trai Sùng Hiền hầu để duy trì sự nghiệp của nhà Lý.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép như sau: “Năm 1136 vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi. Nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm quốc sư. Tha thuế dịch cho vài trăm hộ ban cho Minh Không. Tục truyền khi nhà sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc niệm thần chú rồi giao cho học trò là Nguyễn Chí Thành tức Minh Không, dặn rằng 20 năm sau nếu thấy quốc vương bị bệnh lạ thì đến chữa ngay, có lẽ là việc này”.

Tháng 8 năm 1132, quân Chân Lạp và Chiêm Thành vào cướp phá Nghệ An. Thần Tông sai quan Thái úy Dương Anh Nhị đánh thắng được quân hai nước. Sang năm 1134, hai nước phải đến tiến cống.

Tháng 9 năm 1136, tướng Chân Lạp là Tô Phá Lăng lại mang quân vào cướp phá Nghệ An. Thần Tông sai quan Thái phó là Lý Công Bình đi đánh bại quân Chân Lạp.

Thần Tông sai quan Thái phó là Lý Công Bình đi đánh bại quân Chân Lạp. (Ảnh minh họa: amazon.com)

Vua Thần Tông đại xá cho các tù phạm và trả lại ruộng đất mà đã tịch thu của quân dân trước đó. Ông cũng thực hiện chính sách ngụ binh ư nông, cho binh lính thay phiên nhau cứ sáu lần một tháng được về làm ruộng. Vì thế, việc sản xuất nông nghiệp của Đại Việt phát triển.

Tương truyền năm Thần Tông 21 tuổi (1136), bỗng nhiên mắc bệnh lạ, trên người mọc lông hổ, ngồi xổm chụp người, cuồng loạn, gầm gừ đáng sợ. Triều đình phải làm cũi vàng nhốt Vua trong đó. Khi ấy có đứa bé ở Chân Định hát rằng:

Nước có Lý Thần Tông,
Triều đình muôn việc thông.
Muốn chữa bệnh thiên hạ,
Cần được Nguyễn Minh Không.

Triều đình sai quan chỉ huy đi đón sư Nguyễn Minh Không. Đến am, sư cười bảo: “Đây không phải là việc cứu cọp đó ư?”. Quan chỉ huy hỏi: “Sao thầy sớm biết trước?”. Sư bảo: “Ta đã biết việc này trước ba mươi năm”.

Sư đến triều vào trong điện ngồi, lên tiếng bảo: “Bá quan đem cái vạc dầu lại mau, trong đó để một trăm cây kim, và nấu cho sôi, đem cũi vua lại gần đó”.

Sư lấy tay mò trong vạc lấy một trăm cây kim găm vào thân vua, nói: “Quý là trời”. Tự nhiên lông, móng, răng đều rụng hết, thân vua hoàn phục như cũ. Vua tạ ơn sư một ngàn cân vàng và một ngàn khoảnh ruộng để hương hỏa cho chùa, ruộng này không có lấy thuế.

Lý Thần Tông ở ngôi hoàng đế được 10 năm, chỉ thọ 23 tuổi.

Nam Phương (Tổng hợp)

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/huyen-thoai-ve-tu-dao-hanh-thien-su-dac-dao-hoang-de-hay-than-linh.html

Comment